Bí Ẩn ngôi mộ của hoàng đế Lê Lợi và công chúa Lê Ngọc Hân

Vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, một người nông dân đi vào khu rừng bạt ngàn cạnh Vĩnh Lăng đã vô tình tìm thấy một phiến đá phẳng. Lật hòn đá lên thấy có khắc dòng chữ “Vĩnh Lăng Tây Thạch Kiệt”, dịch nghĩa: “Hòn đá mốc ở phía Tây của Vĩnh Lăng”.

Ông Phạm Như Hồ và một số nhà khảo cổ học lúc đó đã kịp thời có mặt. Các nhà khảo cổ đào sâu xuống chỗ đặt phiến đá. Thật bất ngờ, sau những nhát cuốc, một chiếc quách tam hợp hiện ra. Lần theo cột đá mốc phía Tây, các nhà khảo cổ đã tìm được cột mốc phía Đông, phía Nam, phía Bắc của khu lăng mộ của vua Lê Thái Tổ. Nhưng chỉ riêng khu cột mốc phía Tây, nơi đặt phiến đá “Vĩnh Lăng Tây Thạch Kiệt” là có màu đất lạ, cây to không mọc được.

Sau khi đã nghiên cứu, tìm hiểu, các nhà khảo cổ học đi đến kết luận: Chiếc quách tam hợp tìm thấy chính là mộ thật của vua Lê Lợi. Nhiều vị vua ở các triều đại phong kiến ở Việt Nam và Trung Quốc, sau khi chết vẫn thường để lại một số mộ giả, còn mộ thật được chôn ở một nơi khác, kín đáo và bí mật.

Lần giở lại lịch sử, mới hay có những trùng hợp thật thú vị, ấy là trước đây ông Bơ-zu-xi-ê, một học giả người Pháp sau khi bỏ nhiều thời gian và công sức, cuối cùng cũng đã tìm được mộ thật của vua Lê Lợi dưới phiến đá “Vĩnh Lăng Tây Thạch Kiệt”. Ông Bơ-zu-xi-ê đã xin phép Bộ Lễ của triều Nguyễn khai quật ngôi mộ, nhưng triều Nguyễn đã không chấp nhận.

“Khai quật hay không khai quật?”, câu hỏi này một lần nữa lại đặt ra. Lúc đó, Bộ Văn hoá Thông tin đã xin phép Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho khai quật. Thủ tướng Phạm Văn Đồng băn khoăn mãi, rồi đã quyết định không cho phép khai quật mộ Lê Lợi vì lý do nước ta chưa đủ điều kiện kỹ thuật để bảo quản thi hài vị vua nổi tiếng này. Vậy thì hãy để cho lòng đất gìn giữ.



“Tôi cho rằng quyết định của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất sáng suốt. Ngay cả Trung Quốc cũng không dám cho phép khai quật mộ Tần Thủy Hoàng. Nếu khai quật mộ Lê Lợi, sẽ rất khó giữ được nguyên trạng. Từng nghiên cứu xác ướp vua Lê Dụ Tông, tôi có thể khẳng định điều này” - Ông Phạm Như Hồ nói.

Mộ vua Lê Dụ Tông cũng được tìm thấy hết sức tình cờ khi một người nông dân ở làng Bái Trạch (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đi vỡ hoang, cuốc phải quách ngôi mộ và thấy bên trong có một quan tài sơn son. Một nhát cuốc bổ vào quan tài khiến từ quan tài toả ra mùi thơm. Do điều kiện chiến tranh, mãi đến 8 năm sau (tháng 4/1964), khi ngôi mộ ngày càng lộ ra khỏi mặt đất, nước mưa thấm vào, Viện Khảo cổ mới thuê một chiếc ôtô, cẩu quan tài nặng hàng tấn chở về Hà Nội để khai quật.

Khi mở nắp áo quan ở Hà Nội, người ta thấy xác một người đàn ông hình dạng bên ngoài vẫn còn nguyên, tóc đen lốm đốm có sợi trắng, để hất ra phía sau... Xác mặc 1 chiếc áo hoàng bào thêu kim tuyến, mặt phủ tấm khăn thêu rồng, có 1 chữ vạn thọ và 4 chữ vạn nhà Phật ở 4 góc. Ngoài ra trong ống tay áo có một số đồ vật như quạt giấy, bút lông, túi đựng trầu cau... Nhìn qua, có thể thấy sinh hoạt của vua cũng khá “đạm bạc”. Trong ngôi mộ không tìm thấy châu báu hay đồ trang sức nào...

Cách ngôi mộ độ 10m, thấy một bia nhỏ khắc chữ “Lê triều Dụ Tông Hoàng đế lăng”. Cách làng Bái Trạch độ 2km, ở làng Phong Lạc, có một tấm bia con ghi địa chỉ các ngôi mộ nhà Lê vùng này, trong đó có mộ Lê Dụ Tông. Sau khi khai quật, thi hài của vua Lê Dụ Tông được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử. Bảo tàng Lịch sử có bể ngâm phoóc-môn, nhưng những tác động của môi trường chốn dương gian đã làm xác vua Lê Dụ Tông bị biến đổi nhiều... Cho đến thời điểm này ngành khảo cổ và bảo tàng nước ta vẫn chưa có những thiết bị hiện đại để gìn giữ thi hài.

Đìu hiu mộ hoàng hậu Nguyễn Thị Huyền và Ngọc Hân công chúa

Cách mấy trăm năm sau, một hậu duệ của vua Lê Thái Tổ và Lê Dụ Tông đã không được mồ yên mả đẹp như hai bậc tiền nhân. Đó là Ngọc Hân công chúa – người phụ nữ đã sống cách đây hàng thế kỷ nhưng bài thơ “Ai tư vãn” khóc Hoàng đế Quang Trung vẫn làm động lòng người đọc hôm nay.

Nhà bảo tàng học Phan Khanh đã kể cho tôi nghe một câu chuyện được coi như một giả thiết, nhưng theo ông là rất đáng tin. Chuyện kể rằng sau khi chết, Ngọc Hân công chúa được mai táng ở miền Trung quê chồng nhưng một thời gian, người nhà đã bí mật đưa hài cốt về chôn cạnh mộ mẹ là Hoàng hậu Nguyễn Thị Huyền tại làng Nành (nay thuộc xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội).

Tuy vậy, ngay cả lúc đã vĩnh biệt cõi đời, nàng công chúa từng chịu nhiều đau đớn ở cõi trần vẫn còn bị đoạ đày một lần nữa khi có kẻ tà tâm đã báo cho triều đình nhà Nguyễn thời vua Thiệu Trị biết nơi chôn Ngọc Hân. Nhà Nguyễn đã không ngần ngại cho đào mộ công chúa Ngọc Hân đổ xuống sông Hồng. Nghe nói, hài cốt của Ngọc Hân đã dạt vào mé một khúc sông. Nhân dân chọn nơi đó lập đền thờ bà. Đền Ghềnh, giờ nằm ở gần cầu Chương Dương.

Tôi đến xã Ninh Hiệp vào một chiều đông. Quanh quẩn hồi lâu, một cô gái chính gốc làng Nành đã đưa tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Bé - hậu duệ của Ngọc Hân công chúa. Bà già nghễnh ngãng đó bỗng trở nên lanh lợi và sốt sắng lạ thường khi tôi bày tỏ ý muốn được đến thăm mộ Ngọc Hân. Đường đi cũng gần, chẳng mấy chốc bà đã chỉ tay: “Đây rồi”.

Dưới tán cây, hai ngôi mộ, một nhỏ, một to, khép mình nằm lặng lẽ. Hai ngôi mộ được xây bởi bàn tay vụng về của thợ vườn. Xi măng đã ngả màu rêu phong. “Trước kia đây là một bãi rộng, hai ngôi mộ chỉ là hai cái gò đất. Từ khi tôi còn bé, cha tôi đã bắt ra đây trông nom. Bây giờ, khu này không có ai coi sóc, họ Nguyễn mới cho thằng cháu này ra đây ở”. Anh Nguyễn Đình Trường, cháu bà Bé, kể: “Khi tôi đến đây, thấy hai ngôi mộ như hai cái nấm đất, mới xây lại như bây giờ. Thỉnh thoảng có đoàn khách đến thăm, mỗi năm hai lần thầy trò trường Lê Ngọc Hân (Hà Nội) sang đây thắp hương. Còn bình thường vắng lắm”.

Nhìn hai nấm mộ thấp lè tè, nằm câm lặng trong bóng tịch dương, tôi cảm thấy nao lòng. Hoàng hậu Nguyễn Thị Huyền, người phụ nữ hiền hoà, nhân hậu, nhiều ân đức với dân, công chúa Ngọc Hân – vợ anh hùng áo vải Quang Trung, lại phải chịu cảnh hương lạnh tro tàn như thế này ư?

“Trước khi chết tôi chỉ mong làm sao Nhà nước đầu tư xây dựng lại mộ của hai bà cho đàng hoàng. Chứ để thế này, tủi lắm” - Giọng bà Bé ngùi ngùi và tôi bỗng hiểu vì sao bà lại sốt sắng khi tôi muốn đến mộ Ngọc Hân. Bà sợ nơi này bị lãng quên.

Anh Trường cho biết: “Khi tôi mới đến đây, thấy dưới mộ Ngọc Hân có cát vàng, phía trên quan tài hoàng hậu Nguyễn Thị Huyền có chỗ thủng. Gỗ thơm lắm. Thơm đến mức để bàn tay nắm lấy gỗ, mấy ngày hương vẫn còn phảng phất”. Chi tiết này gợi sự liên tưởng tới những ngôi mộ xác ướp thời Lê, thường có đặc trưng quan tài làm bằng gỗ ngọc am rất thơm, bên trong có đổ nhiều nhựa thông...

Từ những xác ướp đã khai quật được ở mộ cổ Linh Đường, mộ Lê Dụ Tông... các nhà khảo cổ học đã bước đầu kết luận Việt Nam từng có kỹ nghệ ướp xác với trình độ rất cao. Khác với kỹ nghệ ướp xác của Trung Quốc hay Ai Cập cổ đại phải giải phẫu tử thi, kỹ nghệ xác ướp của Việt Nam không cần phải mổ xác mà vẫn giữ được lâu bền, có khi mấy trăm năm sau, khai quật lên, người chết vẫn trông như đang ngủ.

Nhưng những ngôi mộ cổ, chứa đựng những giá trị rất lớn về lịch sử đã và đang bị những kẻ xấu đào trộm để tìm vàng bạc châu báu. TS Nguyễn Mạnh Cường đưa ra một kết luận như muốn “thức tỉnh” những kẻ đào trộm mộ cổ: “Có thể nói tất cả các ngôi mộ cổ đều không chôn theo vàng bạc. Người Việt không có thói quen chôn theo của cải. Ngay cả mộ vua chúa cũng vậy...".

Với tôi, những nhà khảo cổ cũng chính là những người đi tìm vàng trong các ngôi mộ cổ, ấy là thứ vàng mười của những giá trị lịch sử của cha ông mà trong cuộc mưu sinh mải miết hôm nay dễ rơi vào quên lãng.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top