Belinxki - người đồng sáng tạo "thế kỷ vàng" của văn học Nga

vanchuong83

New member
Xu
0
BELINXKI - NGƯỜI ĐỒNG SÁNG TẠO "THẾ KỶ VÀNG" CỦA VĂN HỌC NGA

Hẳn nhiều người còn nhớ câu nói của Nekrasov: “Belinsky được đặc biệt yêu mến…”. Cũng phải thừa nhận rằng ngay cả hiện nay ông vẫn được yêu mến đặc biệt. Có lẽ, không một nhân vật nào trong lịch sử văn học Nga nhận được những đánh giá và tình cảm tương phản như ông. Trong tình cảm đặc biệt đối với Belinsky có thể ghi nhận hai khía cạnh. Thứ nhất, ông được đón nhận một cách hết sức tích cực và tự nhiên, như một hiện tượng đương đại. Thứ hai, thiện cảm đối với ông nhiều khi song hành với ác cảm. “Đối với tôi Belinsky không tồn tại!”, – một giáo sư ngữ văn ở Đại học Quốc gia Moskva nói với tôi như vậy. Một số nhà nghiên cứu hiện nay đã dành nhiều chương trong các cuốn sách và luận án để chứng minh rằng Belinsky không làm gì (hoặc gần như không làm gì) tốt đẹp cho văn học Nga mà thực ra ông ít am hiểu.

Những cuộc tranh luận về Belinsky hiện nay xét về mức độ gay gắt đôi khi làm ta nhớ tới những cuộc “đấu khẩu” của ông trên tạp chí với những người phản biện đương thời. Về nhân cách và tác phẩm của ông người ta tranh luận đến mức tưởng như từ đó đến nay không có nhiều thập kỷ đã trôi qua.

Chỉ có một điều bí ẩn là tại sao một con người “ít am hiểu” và “không làm gì” lại có thể bước vào lịch sử văn học Nga với tư cách một nhà phê bình vĩ đại. Và tại sao những kẻ khác không lặp lại chính điều đó, cho dù họ có am hiểu và làm được bao điều. Người ta nói rằng bạn bè của Belinsky đã đề cao ông và thêu dệt nên những huyền thoại về ông. Vậy thì tại sao trong trường hợp đó, những người bạn và người hâm mộ của các nhà phê bình khác không đề cao họ và sáng tác ra những huyền thoại tương tự. Chính Belinsky đã đơn độc vượt qua những ranh giới thể loại của mình và trở thành một nhân vật ngang tầm với những người đương thời vĩ đại: Pushkin, Gogol, Lermontov.

Tư tưởng hư vô chủ nghĩa đối với Belinsky đặc biệt được thể hiện trong thời gian gần đây. Bởi Belinsky từng được coi gần như một nhà cách mạng, hiện nay dường như đã “lỗi mốt”, nghĩa là tình thế đã thay đổi. Để thích nghi với “tinh thần thời đại”, một số kẻ không tìm thấy cách nào tốt hơn là bôi nhọ ông.

Belinsky đóng vai trò như thế nào trong lịch sử văn học Nga? Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu về cuộc đời và tác phẩm của ông, nhưng đối với đông đảo bạn đọc cho đến nay Belinsky chủ yếu vẫn là tác giả của “Thư gửi Gogol”.

Để hiểu rõ vai trò của Belinsky trong văn học và đời sống xã hội, chúng ta cần hình dung được giai đoạn phát triển của văn hoá Nga nói chung khi Belinsky bắt đầu hoạt động văn học, nghĩa là vào cuối nửa đầu của thế kỷ XIX. Đến thời điểm đó, nước Nga đã trải qua một chặng đường phát triển lịch sử rất dài. Con người Nga, xã hội Nga cũng vậy. Đã hình thành nên tính cách dân tộc Nga. Trong giai đoạn phát triển lịch sử đó, những kinh nghiệm tinh thần to lớn đã được tích luỹ, trong đó phản ánh nhiều mặt của đời sống Nga: sự độc đáo của điều kiện thiên nhiên và con đường lịch sử, sinh hoạt, tôn giáo, những ảnh hưởng bên ngoài… Trong nhân dân, hàm lượng tinh thần vốn được tích luỹ suốt nhiều thế kỷ, về thực chất vẫn còn tiềm ẩn, chưa được bộc lộ.

Chính vì vậy mà xã hội, xét về mặt khách quan, đã chín muồi cho sự tự ý thức, cảm thấy một khát vọng tinh thần mạnh mẽ, muốn vươn lên chiếm lĩnh, nhận thức cái trữ lượng tinh thần do chính mình tích luỹ. Đây chính là nguyên nhân khách quan của sự xuất hiện “thế kỷ vàng” của văn học Nga. Vấn đề không chỉ ở chỗ trong giai đoạn đó đã xuất hiện những nhà văn thiên tài (Pushkin, Gogol, Lermontov, Tolstoy, Dostoyevsky), mà ở chỗ lúc bấy giờ họ là những nhân vật cực kỳ cần thiết. Bởi một nền văn học vĩ đại không thể được hình thành trong bầu không khí dửng dưng của toàn thể mọi người đối với nó.

Trong thời điểm đó, nhà văn nhận được không chỉ sự quan tâm mạnh mẽ của độc giả đối với tác phẩm của mình mà còn một môi trường hoạt động rộng lớn, bởi vì trữ lượng tinh thần do nhân dân tích luỹ chưa được khai thác, biểu lộ.

Ở nước Nga, văn học đã trở thành con đường chính của tự ý thức và đảm nhiệm vai trò chủ yếu là kể cho người Nga nghe về chính bản thân mình một cái gì đấy hệ trọng, cốt tử, đồng thời mang tính phổ quát, cái mà anh ta không đủ sức diễn đạt cho bản thân mình. Để làm điều đó cần một thiên tài biết bằng cách bí ẩn nào đó “nhào nặn”, “biến đổi” một lượng thông tin khổng lồ, nhưng vô hình thành những hình tượng nghệ thuật mà về thực chất cũng là thông tin, nhưng ở dạng đặc biệt. Thứ nhất, trong hình tượng nghệ thuật có một khối lượng thông tin rất lớn. Thứ hai, nó là thông tin chất lượng đặc biệt, bởi vì hình tượng nghệ thuật có một đặc tính tuyệt vời là trở nên sống động, rực rỡ, mới mẻ, vượt qua hàng thế kỷ và thậm chí thiên niên kỷ.

Khát vọng tinh thần, khát vọng tự ý thức của xã hội Nga vào đầu thế kỷ XIX phần lớn là khát vọng về một nền văn học vĩ đại. Xã hội đã linh cảm về sự xuất hiện của nó. Trong bài báo “Những ước mơ văn học” công bố năm 1834, Belinsky đã tuyên bố một cách quả quyết: “Chúng ta chưa có nền văn học”. Bài báo làm mọi người sửng sốt bởi những nhận định táo bạo và một bút pháp “bốc lửa”. Mặc dù trong đó ông viết về Pushkin và nhiều nhà văn lỗi lạc – Lomonosov, Derzhavin, Trediakovsky, Sumarokov, Karamzin, Zhukovsky, Griboedov, nhưng dù sao ông vẫn kết luận rằng “chúng ta chưa có nền văn học”. Ông muốn nói gì vậy? Văn học còn chưa đạt được tầm cỡ tương xứng với những khả năng tiềm tàng của nó trong tư cách là người đại diện cho tinh thần của nhân dân. Belinsky viết về sự chia rẽ đáng kể giữa nhân dân (quần chúng nhân dân) và xã hội (một nhóm người có chọn lọc, ít nhiều có học vấn và tự do). Belinsky coi đặc điểm cơ bản nhất của văn học là tính dân tộc: “Nền văn học của chúng ta là gì: sự biểu hiện của xã hội hay sự biểu hiện của tinh thần dân tộc? Việc giải quyết vấn đề này sẽ là câu chuyện của nền văn học chúng ta và đồng thời là câu chuyện của quá trình phát triển của xã hội chúng ta từ thời Pyotr Đại đế”.

Belinsky coi tính dân tộc là sự trung thành với đời sống: “Cuộc sống của bất cứ dân tộc nào cũng được thể hiện trong những hình thái đặc trưng riêng của mình, vì vậy, nếu anh mô tả đời sống một cách trung thành, thì tự nó mang tính dân tộc” (trích bài “Về truyện vừa Nga và các truyện vừa của Gogol”). Còn sự trung thành với đời sống có khả năng chuyển tải tinh thần của nhân dân, – là “điều kiện cần thiết của một tác phẩm nghệ thuật chân chính”. Đó là thơ ca của thời đại mới – “thơ ca hiện thực, thơ ca cuộc sống, thơ ca của thực tại, và cuối cùng là thơ ca chân chính, đích thực của thời đại chúng ta”. Như vậy, tính nghệ thuật và tính dân tộc gắn bó mật thiết với nhau. Và kết luận của Belinsky “chúng ta chưa có nền văn học” xuất phát từ chỗ văn học chưa trở thành người thể hiện tinh thần nhân dân, rằng trong đó có quá ít những nghệ sĩ chân chính: “Chúng ta có nhiều tài năng, nhưng ít, quá ít những nghệ sĩ có thiên chức, nghĩa là những con người mà đối với họ viết và sống, sống và viết là một, những người bị diệt vong nếu thiếu nghệ thuật”.

Tuy nhiên, rốt cuộc kết luận của Belinsky lại quá lạc quan: “Chúng ta chưa có nền văn học: tôi nhắc lại điều đó một cách đầy phấn khởi và thích thú, bởi vì trong cái chân lý này tôi nhìn thấy sự bảo đảm những thành công của chúng ta trong tương lai”.

Belinsky không chỉ rút ra những kết luận của mình bằng phương pháp logic. Ở đây có một linh cảm rõ rệt về những đỉnh cao nghệ thuật tương lai (sau Pushkin) và cảm giác rõ rệt về nhu cầu đã chín muồi trong xã hội về một nền văn học vĩ đại như là người thể hiện tinh thần của nhân dân và con đường chính dẫn tới sự tự nhận thức. Không có gì ngạc nhiên rằng, đối với những người đương thời bài báo “Những ước mơ văn học” đã để lại ấn tượng về một cơn bão đang ập tới – một sự kiện thiên nhiên tự phát, vừa dữ dội vừa hân hoan như một trận mưa xuân. Vấn đề ở đây không chỉ ở bút pháp “bốc lửa” của bài báo. Belinsky biết cảm nhận và trình bày đầy thuyết phục một tư tưởng hết sức quan trọng đối với xã hội lúc bấy giờ, và ở một chừng mực nào đó, độc giả nhìn thấy trong những lời ông nói sự biểu hiện những suy nghĩ và linh cảm thầm kín của mình mà họ không biết thể hiện một cách rõ ràng, thậm chí đơn giản là trình bày mạch lạc đến thế.

Như vậy, sự xuất hiện nhà phê bình tương lai vĩ đại trong văn học diễn ra rất kịp thời: để chuẩn bị điều đó đã có một môi trường rất lớn. Một nền văn học lớn không thể được sinh ra trong chân không – thiếu sự hiểu biết và quan tâm mạnh mẽ của độc giả đối với nó, thiếu cái “khát vọng tinh thần” buộc con người tìm kiếm lời giải đáp cho những câu hỏi “vĩnh cửu”. Nhưng nếu như “khát vọng tinh thần” là một hiện tượng đa phần mang tính tự phát, vô ý thức và xuất hiện khi sự phát triển tinh thần và tự ý thức đã được nâng lên một trình độ mới, thì “sự hiểu biết” phức tạp hơn. Một phần nó cũng “tự phát”, “tự nhiên”, nếu gặp được một nền nghệ thuật chân chính. Nhưng ở đây không phải mọi cái đều đơn giản. Nếu như khi đọc Belinsky, Lev Tolstoy thú nhận trong nhật ký của mình năm 1857: “Bài báo về Pushkin là một điều kỳ diệu. Bây giờ tôi mới hiểu Pushkin”, thì nói gì đến nhiều độc giả khác! Vâng, họ cũng có thể hiểu ở một mức độ nào đó Pushkin, Gogol, Lermontov và các nhà văn khác thời đó mà không cần tới các nhà phê bình, nhưng ở mức nào? Họ có thể thấy gì trong các tác phẩm đó? Ví dụ, các cuốn sách của Gogol hồi trẻ (“Những buổi tối trong khu trại gần Dikanka”, “Mirgorod”) thu được thành công vang dội, nhưng trước hết độc giả thấy gì trong đó? Chất hài hước, những cốt truyện kỳ thú của vùng Tiểu Nga… Một số nhà phê bình gọi các tác phẩm của ông là “tục tĩu”, “thô thiển” chính vì cái màu sắc dân dã ấy. Nói chung, thời bấy giờ người ta có thái độ không nghiêm túc đối với Gogol vì không nhìn thấy sau cái ấn tượng ban đầu hời hợt là một chất thơ thanh cao. Như vậy, sự hiểu biết các tác phẩm của Gogol của độc giả vừa có vừa không. Chỉ có Belinsky nhìn thấy trong những “bài ngụ ngôn” của ông một chất thơ mới “hiện thực”, “thơ ca của đời sống hiện thực”, còn ở Gogol – một thi sĩ đích thực, “thủ lĩnh của văn chương”, “thủ lĩnh của các thi sĩ”.

Một trong những luận điểm chính của Belinsky: “Nghệ thuật là tư duy bằng hình tượng” về sau trở thành cơ sở cho toàn thể độc giả Nga tìm hiểu không chỉ các tác phẩm cổ điển thế kỷ XIX mà cả nền văn học Nga nói chung. Một tác phẩm thơ ca thực sự không phải do tác giả bịa đặt, mà được sáng tạo bởi cảm hứng, tài năng trời phú. Nó được nảy ra như cái mầm từ hạt thóc, và thi sĩ ở đây là mảnh đất. Chính vì vậy, hình tượng dường như sống cuộc sống của mình và được cảm thụ một cách sống động, vì nó được “sinh nở”. Belinsky đối lập các tác phẩm được sáng tạo bằng cảm hứng, được “sinh nở” với những tác phẩm được “sản xuất”, “chế tác”. Ông phân biệt văn học nghệ thuật với lối văn chương rỗng tuếch, nghĩa là đánh mất cơ sở hình tượng, sinh động và không có liên hệ đối với nghệ thuật.

Đối với Belinsky tiêu chí chính khi đánh giá một tác phẩm là tính nghệ thuật, và tầm vóc của người nghệ sĩ thể hiện ở chất thơ đích thực trong tác phẩm của anh ta. (Tiếc thay, những điều sơ đẳng này đến hôm nay nhắc lại vẫn không thừa khi nói tới nền văn học hiện đại).

Như vậy, hoạt động của Belinsky là hết sức cần thiết và vô cùng kịp thời: ông đã đặt cơ sở cho sự cảm thụ một nền văn học Nga tương lai vĩ đại đang được hình thành lúc bấy giờ mà sự nở rộ của nó gắn liền với chất thơ mới, “hiện thực”. Sự khởi đầu và cơ sở của những thành tựu đỉnh cao của văn học Nga – đó là tác phẩm của Pushkin và Gogol. Sự khởi đầu và cơ sở để xã hội nhận thức và lĩnh hội văn học Nga là tác phẩm của Belinsky. Bởi vì, như đã nói, một nền văn học vĩ đại thiếu sự nhận thức của xã hội, không cần thiết cho xã hội, thì không thể tồn tại, rằng Belinsky thực sự là đồng tác giả của cái hiện tượng cao cả nhất trong nền văn hoá nước nhà mà hiện nay được gọi là “thế kỷ vàng” của văn học Nga.

Để thực hiện sứ mệnh đó, nhà phê bình không chỉ là một người thẩm định nghệ thuật tinh tế. Cần phải trở thành nhà hùng biện, cần phải thu hút được sự quan tâm của độc giả để tiếng nói phê bình trở nên bức thiết như tiếng nói nghệ thuật. Cần phải thực sự biến phê bình văn học thành một hoạt động xã hội cần thiết không chỉ đối với văn học mà cả cuộc sống.

Tất cả điều đó đều có trong phê bình văn học của Belinsky, tất nhiên nó vượt xa những phạm vi thông thường của thể loại này. Nhờ đó phê bình văn học của Belinsky đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ – cả những độc giả đáng tôn kính của một nền văn học vĩ đại, lẫn những con người, giống như ông, sẵn sàng sống trung thực, dũng cảm. Có rất nhiều bằng chứng về việc những bài báo của Belinsky đã gây ấn tượng hết sức mạnh mẽ đối với những người đương thời, về ảnh hưởng vô cùng lớn lao của chúng đối với độc giả. Có lẽ, độc giả hôm nay khó hình dung được phê bình văn học có thể trở thành một sự kiện của đời sống xã hội tầm cỡ như vậy.

Nhà phê bình âm nhạc và nghệ thuật V.V. Stasov viết về những năm 1840 như sau: “Belinsky là một nhà giáo dục thực sự. Không một lớp học, khoá học, một cuộc thi nào… làm được bấy nhiêu cho giáo dục và sự phát triển của chúng ta như Belinsky, với những bài báo hàng tháng của mình. Chúng ta không nhận ra điều đó vì sự lạc hậu của nước Nga thời bấy giờ. Ý nghĩa lớn lao của Belinsky, tất nhiên, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực văn học: ông mở mày mở mặt cho tất cả mọi người, ông giáo dục tính cách, bằng bàn tay của đại lực sĩ ông đập nát những định kiến cổ lỗ sĩ mà cả nước Nga đã sống trước đó, ông chuẩn bị trước cho cái phong trào trí thức lành mạnh và hùng hậu mà một phần tư thế kỷ sau đã trở nên vững mạnh và vươn cao. Tất cả chúng ta đều là học trò trực tiếp của ông”.

I.S. Aksakov[1] viết: “Tôi đã nhiều lần đi khắp nước Nga: bất cứ thanh niên nào ít nhiều có suy nghĩ, bất cứ con người nào khát khao bầu không khí trong lành giữa bùn lầy nước đọng của đời sống tỉnh lẻ đều biết đến tên tuổi Belinsky. Không một giáo viên trung học nào ở các thành phố tỉnh lẻ không đọc thuộc lòng “Thư gửi Gogol” của Belinsky… “Cảm ơn Belinsky đã cứu vớt chúng tôi”, – những người trẻ tuổi trung thực ở các tỉnh nói với tôi như vậy. Và nếu bạn cần một người trung thực có khả năng đồng cảm với những bệnh tật và bất hạnh của những kẻ bị áp bức, một bác sĩ trung thực, một dự thẩm viên trung thực dấn thân vào cuộc đấu tranh, – hãy tìm những con người ấy ở tỉnh lẻ trong số những môn đồ của Belinsky”.

Trong văn học Nga lẫn văn học thế giới chưa hề có một hiện tượng tương tự về phê bình văn học. Về phạm vi hoạt động của ông I.S. Turgenev viết: “Belinsky yêu nước Nga; nhưng ông cũng nồng nàn yêu mến văn hoá và tự do: kết hợp với nhau hai mối quan tâm cao cả này đối với ông – đó chính là toàn bộ ý nghĩa hoạt động của ông, cái mà ông vươn tới”. Điều đặc trưng là trong tác phẩm của Belinsky, quan điểm về văn học và quan điểm về hiện thực xung quanh, cuộc đấu tranh vì một nền nghệ thuật cao cả và vì một cuộc sống văn minh hơn gắn bó mật thiết với nhau. Rõ ràng, ở một đất nước coi trọng văn học như nước Nga không thể nào khác được.

Tính chất độc đáo trong hoạt động của Belinsky còn thể hiện ở chỗ ông không chỉ có khả năng đánh giá các tác phẩm văn học mà còn tác động tới sự phát triển của chính nền văn học, diện mạo của nó. Như đã nói, phê bình văn học của Belinsky có ý nghĩa to lớn đối với độc giả trong việc tìm hiểu các tác phẩm của Gogol. Theo nhận xét của nhà văn I.A.Goncharov, “trong con mắt nhiều người, ngay cả Gogol cũng chưa chắc đã trở thành một nhân vật không lồ như vậy, nếu không được soi sáng bởi phê bình văn học của Belinsky”.

P.V. Annenkov[2] viết về sự tham gia của Belinsky vào số phận sáng tạo của Gogol: “Bài báo của Belinsky “Về truyện vừa Nga và các truyện vừa của Gogol” là một trong những ánh chớp rọi sáng rất xa; tác giả viết sau khi hai cuốn sách của Gogol “Mirgorod” và “Arabesque” (1835) được xuất bản. Nó cho phép chúng ta nói rằng Belinsky thực sự là người đỡ đầu của Gogol trong nền văn học Nga, khai sinh ra ông. Thêm vào đó, bài báo xuất hiện rất kịp thời. Nó đến đúng vào thời điểm khó khăn đối với Gogol, khi do kỳ vọng vào chức vụ giáo sư và học vị khoa học, ông phải gánh chịu sự chỉ trích nặng nề và độc địa nhất không những về hoạt động sáng tạo mà cả về tính cách riêng của mình. Với bài báo công bố trên tờ “Kính viễn vọng” năm 1835, Belinsky, một người Gogol hoàn toàn không quen biết, một người lúc bấy giờ không ai yêu cầu, không ai ngờ tới đã chìa bàn tay giúp đỡ ông nhằm xốc dậy một tinh thần bị sa sút. Và một bài báo mới tuyệt vời làm sao!

Ông không khuyên răn tác giả, không biểu dương, chê trách… mà căn cứ vào thực chất tài năng của tác giả và phẩm chất thế giới quan của ông, chỉ tuyên bố rằng với Gogol xã hội Nga có một nhà văn tương lai vĩ đại. Tôi đã có dịp chứng kiến tác động của bài báo đối với Gogol. Ông không chỉ hài lòng với bài báo, và trên cả sự hài lòng: ông thực sự hạnh phúc, nếu có thể diễn tả một cách hoàn toàn chính xác những hồi ức về thời bấy giờ.

Liệu con đường sáng tạo tiếp theo của Gogol có được như vốn có trên thực tế, nếu vào buổi đầu, trong thời điểm quyết định và có tính bước ngoặt, Belinsky không ủng hộ ở Gogol “thi sĩ của đời sống hiện thực”? Và tiếp theo – liệu toàn bộ nền văn học Nga có phát triển như sau này, nơi các tác phẩm của Gogol “cha đẻ của trường phái tự nhiên” đóng một vai trò quyết định? Bởi không ai bảo đảm rằng ở nước Nga thế kỷ XIX sẽ xuất hiện một nền văn học vĩ đại. Nó đựơc hình thành bởi những nỗ lực chung, chứ không chỉ của các nghệ sĩ vĩ đại. Thực sự, Belinsky là đồng tác giả trong việc hình thành nền văn học đó.

Sự ủng hộ của Belinsky cũng có một ý nghĩa quyết định như vậy đối với số phận sáng tạo của Dostoyevsky. Giống như trường hợp Gogol, đó không chỉ là sự đánh giá sáng suốt các tác phẩm của ông và không chỉ là lời tiên tri về một số phận vĩ đại tương lai mà còn là sự ảnh hưởng tới số phận đó. Thật khó lý giải một cách hợp lý, phân tích một cách cặn kẽ cuộc gặp gỡ nổi tiếng của nhà văn chưa tên tuổi Dostoyevsky lúc bấy giờ với Belinsky, vai trò của nó trong số phận của Dostoyevsky và số phận của nền văn học Nga.

Năm 1877, trong “Nhật ký nhà văn”, Dostoyevsky đã kể lại cuộc gặp gỡ với Belinsky: “Tôi chia tay ông trong niềm hoan hỉ. Tôi đứng trong con hẻm cạnh nhà ông, ngước nhìn lên bầu trời, ngước nhìn một ngày trong sáng, nhìn những người qua lại và cảm thấy hết sức rõ ràng rằng trong cuộc đời tôi đã diễn ra một thời khắc trọng đại, một bước ngoặt mãi mãi, rằng đã bắt đầu một cái gì đấy hết sức mới mẻ, nhưng lúc bấy giờ thậm chí tôi không hình dung được ngay cả trong những ước mơ tha thiết nhất… Đó là giây phút tuyệt vời nhất trong suốt cuộc đời tôi. Trong chốn tù đày, mỗi khi nhớ tới nó là lòng tôi trở nên can đảm. Bây giờ tôi vẫn thường xuyên nhớ tới nó với nỗi hân hoan”.

Về việc một “phút hoan lạc” có thể đủ “cho cả một đời người”, -Dostoyevsky đã thể hiện một cách tuyệt vời trong tác phẩm của mình. Nhưng ở đây không chỉ nói về hạnh phúc, không chỉ về lòng khâm phục: số phận nhà văn vĩ đại ở một chừng mực nào đó được tạo nên bởi “phút giây tuyệt vời nhất” này – một số phận đến lượt mình đã làm nên một phần của của nền văn hoá Nga.

Phải, thật khó lý giải một cách hợp lý những đóng góp của Belinsky vào sự phát triển của nền văn học nước nhà. Nó không chứa đựng trong toàn bộ tác phẩm của ông. Nó “hoà tan” vào chính văn học và trở thành văn học.

Điều thú vị nhất là những khái niệm của Belinsky về văn học được độc giả nắm vững đến mức chẳng bao lâu chúng trở nên phổ thông – thậm chí đôi khi không ai nhớ tới xuất xứ của chúng, dường như chúng tự xuất hiện trong tâm trí của độc giả. Và điều đó diễn ra trong một phạm vi lớn đến mức ngay cả Belinsky cũng ngạc nhiên. “Tôi không biết sau này sẽ ra sao, nhưng bây giờ quả là tôi kinh ngạc vì tên tuổi tôi nổi tiếng khắp nơi và được độc giả Nga yêu mến: điều đó trong mơ tôi cũng không thấy”, – ông viết cho A.I. Gertsen năm 1846.

Cố nhiên, bạn đọc thời Belinsky hoàn toàn không phải là tất cả mọi người. Nhưng sau một vài thập kỷ, những quan điểm phổ biến này của một giới độc giả hẹp có học thức, nhờ sự phổ cập giáo dục và thái độ khá kính cẩn đối với văn học cổ điển dưới thời Xô viết, đã chuyển sang giới độc giả đại chúng nhất. Vì thế, vô hình trung, chúng ta nhìn văn học cổ điển nước nhà đa phần bằng con mắt của Belinsky, thậm chí kể cả những kẻ đôi khi định vứt bỏ nhà phê bình vĩ đại ra khỏi “con tàu hiện đại”. Dẫu có lúc làm rối trí một số người, ý đồ đó hoàn toàn không thể thực hiện được, bởi lẽ Belinsky không chỉ là toàn bộ tác phẩm của ông (các bài báo và thư từ). Belinsky trong một chừng mực nào đó vừa là nền văn học của “thể kỷ vàng’, vừa là quan điểm của chúng ta về nền văn học đó.

(Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của V.G. Belinsky 1811-2011)

Irina Monakhova

Trần Hậu dịch từ Nước Nga văn học.

 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top