Bạn có biết sự hy sinh đó lớn đến nhường nào ?

Hide Nguyễn

Du mục số

Và điều Tôi muốn nói đầu tiên đó là… là gì ta?

Bố và Mẹ!…

Họ là căn nguyên trong vũ trụ của Tôi, vì họ tạo ra Tôi và cả cuộc sống của Tôi,… và vì họ là Bố Mẹ Tôi. Tôi sinh ra trong gia không mấy khá giả nếu không muôn nói là nghèo khó. Bộ Mẹ Tôi là những người nông dân chân lấm tay bùn thực thụ theo đúng nghĩa đen. Nhà Tôi có 4 anh em trai, đều rất nghịch ngợm và Tôi là em út. Đương nhiên Tôi cũng là thành phần "rách giời rơi xuống đất". Tôi sinh ra không được hoàn hảo như mọi người cho lắm, Tôi bị một chút dị tật ở môi trên (còn gọi nôm na là sứt môi). Có lẽ vì vậy mà Tôi rất căm ghét ai nhắc tới từ “sứt môi” mặc dù không nói ra, và có lẽ cũng vì vậy mà Tôi muốn mọi thứ của Tôi phải hoàn hảo. Nhưng chuyện đó không quan trọng,… không… quan trọng chứ, nhưng để đó đã...

Bố Mẹ Tôi cũng như những bậc Cha Mẹ khác, luôn dạy Anh Em Tôi rằng đói cho sạch – rách cho thơm, sống phải biết giữ nhân cách con người, phải biết lương thiện,… nói chung rất nhiều, đại loại là như vậy. Và Tôi được dạy từ lúc mà phải nói thật là Tôi chẳng hiểu mấy cái từ đó là cái gì nữa. Nhưng,... những triết lý tưởng chừng như quá đỗi đơn giản ấy trong xã hội ngày nay chưa chắc một vị Giáo sư – Tiến sỹ đã hiểu được.

Tôi còn nhớ như in, khi còn là học sinh lớp hai Tôi đã dính vào một vụ án tày đình, mà đối với Gia đình Tôi thì đó là một sự sỷ nhục và không thể chấp nhận được. Tôi bị bắt quả tang khi đang hái trộm trái điều (một số nơi gọi là trái đào lộn hột) của nhà một đứa bạn trong lớp. Rất may là tin tày đình được giáo viên chủ nhiệm bao che nên không đến tai Bố Mẹ Tôi. Ngay hôm đó Tôi phải đến tận nhà đứa bạn đó để xin lỗi Bố Mẹ Nó…

Thật khủng khiếp với một thằng giàu sỹ diện như Tôi…

Một chi tiết trong vụ án này mà chẳng mấy ai để ý. Đó là Tôi chỉ hái lấy trái để ăn còn hạt thì vứt đi. Ở cây điều phần giá trị nhất nằm ở hạt, còn trái thường bị bỏ đi sau khi thu hoạch. Thời điểm đó, nhân cách và phẩm chất con người, Tôi còn đang được dạy dỗ thì làm sao biết bào chữa cho hành động của mình.

Nhưng sau vụ án đó Tôi đã được một kinh nghiệm. Rằng, đã là đồ của người khác thì dù có là đồ bỏ đi nhưng khi mình lấy mà chưa được sự cho phép thì được gọi là “ăn cắp” và điều đó là sai. Cho đến tận bây giờ khi đã biết tự lo cho cuộc sống của mình, nghĩ về những điều khi xưa Bố Mẹ dạy Tôi đã hiểu ra được chút ít, và cũng mới hiểu được một chút ít mà thôi…

Đôi khi Tôi thấy mình thật hạnh phúc… phải nói là thật sự hạnh phúc, khi tuổi thơ Tôi trải qua theo đúng chất thôn quê. Có lẽ điều đó đã làm cho Tôi cảm nhận rõ rệt tình yêu thương của Bố Mẹ và sự hy sinh của họ. Ngày bé và cả sau này nữa, Tôi thường được nghe Bố Tôi kể về chính tuổi thơ của Ông. Có lần Bố Tôi bắt gặp hai Anh của Tôi (lúc này Tôi đang trên ngọn tre) đang đứng nhìn mấy bà bán rau ngồi ăn bánh đúc mà theo lời kể của Bố Tôi thì hai Anh Tôi rất thèm và cả đói nữa, nhưng mấy bà bán rau dường như không thấy hoặc cố tình không thấy, mà cứ để hai ông Anh Tôi đứng nhìn một cách tội nghiệp.

Thấy vậy, Bố Tôi liền móc hết số tiền trong túi ra, mặc dù cũng chỉ có vài hào, mua hết bánh đúc về cho cả nhà ăn… Bố Tôi nói rằng, đời Bố Mẹ có thể chịu khổ, chịu nhục, nhưng đời các con nhất định không được lặp lại. Đúng vậy, từ lúc Tôi trào đời có thể ăn không được ngon nhưng chắc chắn no, quần áo không được đẹp nhưng chắc chắn không bị rách… Bố Mẹ Tôi có thể chỉ ăn một củ khoai nhưng Tôi vẫn có một ổ bánh mỳ để ăn sáng như bao bạn bè cùng trang lứa. Các bạn có biết sự hy sinh đó lớn tới nhường nào không?

Mấy tháng trước Tôi có về nhà, như mọi ngày Bố Mẹ Tôi dậy rất sớm, 7 giờ sáng Mẹ Tôi gọi Tôi dậy và đưa cho Tôi một bịch bánh rán có 4 cái, bảo Tôi đánh răng rửa mặt đi rồi ăn (hai Mẹ Con thích ăn bánh này lắm). Trong lúc đánh răng Tôi nhìn thấy Mẹ Tôi cũng cầm một bịch bánh rán ăn, nhưng chỉ có 2 cái à. Bỗng nhiên bao nhiêu cảm xúc cứ ùa về làm Tôi không thể kiềm chế được. Mặc dù ráng kiềm chế nhưng những giọt nước mắt của Tôi cũng rớt xuống nhẹ nhàng… Yêu thương, hy sinh vì con cái nó còn hơn cả một thói quen, nó là bản năng…

Có lần Tôi được xem một bài giảng của một vị Sư thầy nói về Lòng Mẹ. Trong bài giảng vị Sư thầy có kể một câu truyện. Chuyện kể rằng có một gia đình nọ rất nghèo có hai đứa con, Người Cha thì bệnh tật nằm liệt giường, cả nhà trông cậy vào công việc thu lượm ve chai của Người Mẹ. Đến một ngày, khi Người Mẹ đã kiệt sức, không thể lê những bước chân nặng nhọc để lượm ve chai được nữa...

Người Mẹ đành phải dứt ruột để hai đứa con cho một ngôi chùa nuôi giùm. Hai cậu bé rất nghịch ngợm, buổi tối còn trèo lên cả tượng phật để ngủ và thường hay lấy trộm đồ ăn để ăn. Bởi một lẽ, có ai dạy cho chúng nó thế nào là đúng thế nào là sai đâu… Vị Trụ trì ngôi chùa nghĩ.

Một hôm, vị Trụ trì thấy hai đứa nó sách hai cái bịch thật to, không biết có gì trong đó. Vị Trụ trì gọi hai đứa nó lại, nghiêm nghị bắt hai đứa nói xem trong đó có gì. Thằng Em thì chưa gì đã khóc òa lên còn thằng Anh thì mặc dù cố lắm nhưng cũng rươm rướm nước mắt. Mặc hai đứa khóc, vị Trụ trì nhất định bắt hai đứa nói xem cái gì trong bịch.

Không còn cách nào khác hai đứa nó cùng dốc ngược cái bịch lên và òa lên khóc dữ dội. Vị Trụ trì ngạc nhiên khi thấy trong bịch đổ ra toàn là vỏ chai, lon bia, ống nhựa… Nhẹ nhàng hỏi hai đứa, lượm mấy thứ này về làm gì.

Thằng Anh trả lời cộc lốc: "Cho Mẹ…"

Lúc này vị Trụ trì không không kìm được cảm xúc và ôm hai đứa vào lòng khóc như một đứa trẻ.

Vậy đấy, mặc dù không được dạy thế nào là đúng thế nào là sai. Nhưng chúng nó biết được rằng Mẹ cần những thứ đó. Mấy ai trong chúng ta hiểu và làm được điều này…

Tác giả: Phạm Gia Trang
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top