Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
BẢN CHẤT CỦA NGÔN NGỮ.
1.1 Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội.
Ngôn ngữ được hình thành, tồn tại và phát triển trong xã hội loài người. Thế giới loài vật không có ngôn ngữ. Những tiếng kêu của động vật khi gọi bầy, khi âu yếm, khi tranh giành... chỉ là những tiếng kêu có tính bản năng, lẻ tẻ, không hệ thống, do đó không phải là ngôn ngữ thật sự. Pavlop gọi chúng là hệ thống tín hiệu thứ nhất; còn ngôn ngữ con người là hệ thống tín hiệu cấp cao - hệ thống tín hiệu thứ hai.
Thế kií thứ 18, một số học giả thừa nhận học thuyết tiến hóa của Darwin và cho rằng ngôn ngữ là một hiện tượng tự nhiên, giống như một cơ thể sống, nó gần gũi với bản năng sinh vật. Tuy nhiên, điều này đã bị bác bỏ bằng các bằng chứng thực tế. Năm 1920, ở Ấn Ðộ, người ta tìm thấy hai em bé gái ở trong một hang sói. Lúc mới mang về, hai em (một lên tám, một nhỏ hơn) đều không biết nói. Do sống giữa thế giới động vật, hai em chỉ có thể phát ra được những tiếng kêu giống động vật chứ không phải là tiếng nói. Dần dần sống giữa thế giới loài người, được dạy và được học, em còn sống mới dần có thể nói được. Ðiều đó chứng tỏ rằng ngôn ngữ không phải là một hiện tượng tự nhiên và càng không phải là một bản năng sinh vật. Ngoài ra ngôn ngữ cũng không mang tính di truyền. Màu da, nước tóc, màu mắt... mang tính di truyền nhưng ngôn ngữ không mang tính di truyền. Bỏ một em bé sơ sinh Việt Nam ở bất cứ một đất nước nào trên thế giới, dần dần em sẽ không biết gì về tiếng mẹ đẻ, nhưng lại có thể nói được ngôn ngữ của cái tập thể mà em có quá trình chung sống và sinh hoạt.
Ngôn ngữ là sản phẩm của tập thể, nó tồn tại và phát triển gắn liền với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Trong quá trình phát triển, con ngưòi đã hợp tác với nhau trong lao động và hình thành ngôn ngữ. Mỗi tập thể khác hhau, có thể có một ngôn ngữ khác nhau. Ngôn ngữ đó sẽ không ngừng được cải tiến và hoàn thiện gắn liền với sự tồn tại và phát triển của tập thể xã hội ấy. Khi tập thể xã hội ấy không còn, ngôn ngữ cũng dần bị mai một và biến mất. Ðiển hình là bên cạnh những sinh ngữ cũng có rất nhiều tử ngữ mà nay chỉ còn tồn tại trên sách vở. Và tương tự, bắt một người đã trưởng thành nào đó rời xa quê hương và ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, đến một thời gian nào đó, ngôn ngữ mẹ đẻ đó cũng sẽ dần bị lãng quên để nhường chỗ cho sự hoạt động của ngôn ngữ gắn với tập thể mà họ đang sống.
Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội còn vì nó phục vụ xã hội với tư cách là phương tiện giao tiếp, nó góp phần thể hiện ý thức xã hội. Mỗi tập thể khác nhau có một phong tục, tập quán, một cách thức cộng cư khác nhau, và theo đó các từ ngữ để gọi tên các khái niệm tương ứng cũng khác nhau. Thoát khỏi tập thể ấy, những từ ngữ ấy sẽ không được sử dụng và thậm chí không còn tồn tại nữa. Người ta đã bàn đến những nhân tố dân tộc, nhân tố văn hóa, nhân tố truyền thống trong ngôn ngữ. Chúng xuất phát chính từ điểm này. Chẳng thế mà thông qua ngôn ngữ, người ta có thể hiểu được ý thức của tập thể xã hội ấy. Trong cuốn Hệ tư tưởng Ðứïc, Mác và Ăng ghen đã viết: Ngôn ngữ là ý thức thực tại, thực tiễn, ngôn ngữ cũng tồn tại cho cả những người khác nữa, như vậy là cũng tồn tại lần đầu tiên cho bản thân tôi nữa. Và cũng như ý thức, ngôn ngữ chỉ sinh ra do nhu cầu, do cần thiết phải giao dịch với người khác. (1)
1.2 Tính chất xã hội đặc biệt của ngôn ngữ.
Mọi hiện tượng xã hội đều được xếp vào một trong hai phạm trù cơ sở hạ tầng hoặc kiến trúc thượng tầng.
Không thể xếp ngôn ngữ vào cơ sở hạ tầng, bởi tự nó không tạo ra được một cái gì để nuôi sống con người, hay làm một công cụ trực tiếp để sản xuất ra của cải vật chất. Nó là một thứ công cụ nhưng là công cụ để con người giao tiếp và tư duy. Tuy nhiên, ngôn ngữ cũng không giống các hiện tượng xã hội khác thuộc kiến trúc thượng tầng. Một số bộ phận của kiến trúc thượng tầng sẽ sụp đổ theo khi cơ sở hạ tầng bị sụp đổ (pháp luật, nhà nước, thể chế chính trị...). Trong khi đó với tư cách là công cụ giao tiếp và tư duy, ngôn ngữ không bị biến mất khi cơ sở hạ tầng tan rã, nó vẫn được giữ lại, kế thừa và phát triển. Những bộ phận còn lại thuộc kiến trúc thượng tầng được hình thành dựa trên cơ sở hạ tầng (văn chương, nghệ thuật, triết học, tôn giáo, khoa học...) có quan hệ gián tiếp với hoạt động sản xuất thông qua quan hệ sản xuất xã hội nên những diễn biến xảy ra trong quá trình lao động sản xuất, trong lực lượng sản xuất, không được kiến trúc thượng tầng phản ánh tức thời. Trái lại, ngôn ngữ có quan hệ trực tiếp với lực lượng sản xuất, với hoạt động lao động sản xuất. Nó nhanh chóng và kịp thời phản ánh mọi mặt hoạt động của xã hội, từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng, đồng thời ảnh hưởng tới mọi sự đổi thay của chúng. Rõ ràng ngôn ngữ không thuộc cơ sở hạ tầng và không thuộc kiến trúc thượng tầng; nó phát triển hay biến mất không phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, không giống với kiến trúc thượng tầng mà theo quy luật riêng của nó.
Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt còn bởi vì nó không mang tính giai cấp. Triết học, luật pháp, chính trị, văn học nghệ thuật... mang tính giai cấp vì tư tưởng của một thời đại là tư tưởng của giai cấp thống trị. Nhưng ngôn ngữ không phải là tài sản riêng của một giai cấp nào, nó là sản phẩm của toàn xã hội và phục vụ toàn xã hội với tư cách là phương tiện giao tiếp và tư duy. Những nhà ngôn ngữ học Mácxit đã phê phán những quan điểm của Marr khi ông dựa vào lớp biệt ngữ để biện luận cho luận điểm ngôn ngữ mang tính giai cấp của mình. Biệt ngữ chỉ là những nhánh phụ của ngôn ngữ dân tộc, chúng không đủ sức làm nên diện mạo cho ngôn ngữ toàn dân. Hơn nữa biệt ngữ cũng không tồn tại lâu dài và không được toàn xã hội chấp nhận, sử dụng. Vả lại, thời công xã nguyên thủy, con người đã có ngôn ngữ để giao tiếp, lúc bấy giờ xã hội chưa có giai cấp nên hiển nhiên ngôn ngữ không thể mang tính giai cấp. Ðến khi xã hội phân chia giai cấp, ngôn ngữ cũng không thể mang tính giai cấp, bởi vì giai cấp thống trị và giai cấp bị trị vẫn phải liên hệ với nhau về kinh tế, về tổ chức xã hội. Do đó, giữa họ cần thiết phải có một phương tiện giao tiếp chung. Ngôn ngữ có thể được các giai cấp sử dụng như một phương tiện đấu tranh giai cấp, nhưng bản thân nó không mang tính giai cấp, nó là phương tiện giao tiếp của toàn dân, phục vụ toàn dân.
Tóm lại, ngôn ngữ không thuộc cơ sở hạ tầng, cũng không thuộc kiến trúc thượng tầng. Nó là một hiện tượng xã hội đặc biệt. Nó là phương tiện giao tiếp của cả cộng đồng trong mọi mặt hoạt động xã hội kinh tế, chính trị, pháp luật, văn học nghệ thuật...
2. Ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu (hay tín hiệu) đặc biệt.
2.1. Khái niệm hệ thống:
- Nói đến hệ thống là nói đến một cái gì đó gồm nhiều yếu tố. Một yếu tố không làm nên hệ thống được. Phải có từ hai yếu tố trở lên mới làm nên hệ thống.
- Tuy nhiên, một bó đũa, một thúng khoai không được gọi là hệ thống. Các yếu tố còn phải có quan hệ. Nói đến hệ thống là phải nói đến quan hệ. Các yếu tố trong hệ thống quan hệ chặt chẽ với nhau, quy định lẫn nhau. Mối quan hệ đó có thể đơn giản hay phức tạp và có thể diễn ra theo từng cấp độ khác nhau. Thí dụ: toàn bộ Trường đại học Cần Thơ là một hệ thống. Hệ thống ấy bao gồm nhiều tiểu hệ thống khác nhau: các khoa, các phòng... Các khoa, phòng... có quan hệ chặt chẽ với nhau và dưới sự điều khiển chung của Ban giám hiệu. Ở từng khoa, phòng... lại có rất nhiều bộ phận. Từng bộ phận lại có rất nhiều thành viên. Các thành viên trong các bộ phận có quan hệ chặt chẽ với nhau, đồng thời có quan hệ với toàn trường.
- Ngoài ra, nói tới hệ thống người ta còn phải bàn tới giá trị. Giá trị là cái mà hệ thống đem lại cho yếu tố. Trong Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng (1), Ðỗ Hữu Châu phân biệt khái niệm thực thể và yếu tố. A là một thực thể và A chỉ trở thành một yếu tố khi nó thuộc một hệ thống nào đó. Thực thể A có thể là yếu tố của nhiều hệ thống khác nhau và trong các hệ thống khác nhau đó giá trị của A cũng không giống nhau. Trong quan hệ với lớp học, A là lớp trưởng. Tuy nhiên, trong quan hệ với gia đình, giá trị lớp trưởng không còn và A chỉ có thể là một người con hoặc một người cha trong gia đình. Vậy, hệ thống là một chỉnh thể (hay cấu trúc) những yếu tố có quan hệ với nhau, trong đó giá trị của mỗi yếu tố là do mối quan hệ giữa nó với các yếu tố khác quy định.
2.2 Khái niệm kí hiệu (hay tín hiệu).
+ Dấu hiệu: Thấy mây, ta biết trời sắp mưa, thấy khói, ta biết ở nơi nào đó đang có lửa, thấy nét mặt bạn xanh xao ta biết bạn yếu hoặc mệt. Ta nói: mây là dấu hiệu của mưa, khói là dấu hiệu của lửa, nét mặt xanh xao là dấu hiệu của yếu, mệt. Như vậy dấu hiệu là một mảnh của hiện thực đang tồn tại mà con người có thể tri giác được. Nó tồn tại khách quan và ngoài chủ đích của con người.
+ Kí hiệu (tín hiệu): Con người có thể nhận biết được một hiện tượng, một thông tin không cần qua một dấu hiệu nào của nó mà nhờ sự thông báo của người khác, người ta gọi cái mà con người cố ý đặt ra để thông tin là kí hiệu hay tín hiệu. Kí hiệu có các đặc điểm sau đây:
- Kí hiệu phải có mặt vật chất, người ta có thể nghe được, nhìn thấy được, sờ mó được... Có như vậy tín hiệu mới có thể trở thành phương tiện giao tiếp giữa người này với người khác.
- Kí hiệu phải gợi ra hoặc biểu thị cho một cái gì khác với chính nó. Hay nói khác đi phải có một ý nghĩa nào đó. Thí dụ tiếng chuông hoặc tiếng trống trong trường biểu thị hiệu lệnh vào, ra, tạm nghỉ hoặc kết thúc giờ học; đèn xanh biểu thị hiệu lệnh tiếp tục chạy, đèn đỏ biểu thị hiệu lệnh dừng lại...
- Kí hiệu phải được các chủ thể tiếp nhận và lí giải được. Muốn thế mối quan hệ giữa vỏ vật chất của kí hiệu (hay cái biểu hiện) và nội dung của kí hiệu (cái được biểu hiện) phải dựa trên sự quy ước có ý thức của con người hoặc xã hội.
- Kí hiệu bao giờ cũng phải nằm trong một hệ thống nhất định và có những đặc điểm khác biệt với các yếu tố khác cùng hệ thống. Nó sẽ không còn là kí hiệu khi tách rời khỏi hệ thống.
2.3 Tính kí hiệu của ngôn ngữ. Ngôn ngữ có đầy đủ những đặc điểm của kí hiệu, bởi:
- Ngôn ngữ có mặt vật chất là âm thanh. Nhờ nó mà ta có thể nghe được và truyền tin được cho nhau.
- Ngôn ngữ cũng có mặt nội dung hay ý nghĩa. Một từ hay một câu nào đó đều mang một nội dung nhất định về cuộc sống. Âm vị tuy chưa mang nội dung thông tin nhưng có chức năng tổ chức những đơn vị có khả năng thông tin.
- Các kí hiệu ngôn ngữ của bất cứ dân tộc nào cũng thuộc một hệ thống nhất định. Các từ đều thuộc hệ thống từ vựng, các quy tắc ngữ pháp họp lại thành một hệ thống ngữ pháp. Chúng chi phối, quy định nhau và làm nên giá trị cho từng kí hiệu. Mỗi ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu khác nhau. Và các kí hiệu ấy chỉ có giá trị trong một hệ thống ngôn ngữ nhất định. Thoát khỏi hệ thống, các từ ngữ trở nên vô nghĩa.
2.4 Tính hệ thống của ngôn ngữ
Người ta nói ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu bởi nó có đầy đủ những đặc điểm của kí hiệu và những đặc điểm của hệ thống. Tính hệ thống của ngôn ngữ biểu hiện ở các mặt sau:
- Ngôn ngữ là một chỉnh thể hay cấu trúc, bao gồm rất nhiều tiểu hệ thống và các đơn vị kết hợp lại. Các tiểu hệ thống có thể nói đến là: hệ thống ngữ âm, hệ thống từ vựng, hệ thống ngữ pháp.
- Trong từng tiểu hệ thống nói trên lại bao gồm rất nhiều nhóm được cấu tạo từ các đơn vị cụ thể khác nhau.
Trong tiểu hệ thống ngữ âm, có các loại: nguyên âm, phụ âm và thanh điệu. Nguyên âm, phụ âm lại bao gồm các nhóm nhỏ với những đặc điểm khác nhau: nguyên âm hàng trước, hàng sau, tròn môi, không tròn môi, phụ âm tắc, xát, rung; phụ âm vang, ồn...
Tương tự, hệ thống từ vựng bao gồm các tiểu hệ thống từ và thành ngữ. Theo các tiêu chí khảo sát khác nhau, ta có thể nói đến các hệ thống nhỏ hơn khác nhau. Dựa vào tiêu chí cấu tạo, ta có các hệ thống từ đơn, từ ghép, từ láy. Dựa vào các tiêu chí ngữ nghĩa, ta có thể nói đến các nhóm từ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc đồng âm...
Hệ thống ngữ pháp bao gồm các hệ thống quy tắc biến hình từ, cấu tạo từ và hệ thống các quy tắc kết hợp từ để tạo ra những kết cấu lớn hơn như ngữ và câu. Ngoài ra, những năm gần đây, ngữ pháp học còn nghiên cứu hệ thống các quy tắc kết hợp các câu để tạo thành đơn vị lớn hơn như chỉnh thể trên câu, đoạn văn, văn bản.
- Trong lòng ngôn ngữ, các tiểu hệ thống, các nhóm, các miền, các đơn vị có quan hệ chặt chẽ với nhau. Hai quan hệ phổ biến mà ta có thể thấy tồn tại ở từng cấp độ ngôn ngữ là quan hệ đồng nhất và quan hệ đối lập (hay khác biệt). Các âm vị phụ âm và nguyên âm thống nhất với nhau ở chỗ chúng đều là đơn vị ngữ âm, là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất, dùng để phân biệt nghĩa và nhận diện từ. Tuy nhiên các âm vị phụ âm và các âm vị nguyên âm có nhiều điểm đối lập. Luồng hơi đi ra ở nguyên âm tự do, yếu, điều hoà, còn luồng hơi đi ra ở phụ âm bị cản trở, mạnh và không điều hoà. Trong hệ thống phụ âm, ta có thể thấy được những điểm đồng nhất và đối lập. Các âm /p/, /t/, /k/ giống nhau ở chỗ đều là phụ âm tắc, vô thanh, không bật hơi, nhưng khác nhau ở vị trí cấu âm: p: môi - môi, t: đầu lưỡi - lợi, k: cuối lưỡi. Tương tự, cắt, chặt, bửa, xắt, bổ, chẻ... giống nhau ở chỗ chúng đều là những từ mang ý nghĩa hoạt động tác động đến một đối tượng nào đó, làm cho nó bị phân rã hay chia cắt. Tuy nhiên giữa các từ lại đối lập nhau ở nét cách thức, phương tiện, cường độ tác động. Như vậy, quan hệ đồng nhất có tác dụng tập họp các đơn vị thành hệ thống, còn quan hệ đối lập giúp phân tách chúng thành các tiểu hệ thống... đồng thời khẳng định vị trí của từng đơn vị trong hệ thống.
- Ngoài ra, trong lời nói, các đơn vị cùng cấp độ còn có quan hệ tuyến tính và quan hệ liên tưởng. Quan hệ tuyến tính là quan hệ giữa hai yếu tố cùng cấp độ diễn ra theo trục thời gian. Khi nói năng, các đơn vị cùng cấp độ bao giờ cũng xuất hiện cái trước cái sau. Ðó là quan hệ tuyến tính, quan hệ ngang hay còn gọi là quan hệ kết hợp. Quan hệ liên tưởng là quan hệ giữa một yếu tố với các yếu tố còn lại trong hệ thống. Khi một yếu tố xuất hiện, người ta có thể liên tưởng tới một hoặc nhiều yếu tố đồng loại hoặc khác loại. Các yếu tố đồng loại có thể thay thế cho nhau ở cùng một vị trí trong lời nói. Chúng có quan hệ dọc, liên tưởng hay đối vị. Chẳng hạn trong câu Tôi đi học, từ tôi có thể được liên tưởng và thay thế bằng mình, ta, tao, thằng này, nó, hắn, ông ta, chúng ta... Nói năng tất phải thực hiện hai thao tác lựa chọn và kết hợp các đơn vị ngôn ngữ. Quan hệ liên tưởng tạo cơ sở cho sự lựa chọn, quan hệ tuyến tính tạo cơ sở cho sự kết hợp.
- Trong hệ thống, do sự quy định của các yếu tố trong hệ thống, mỗi tiểu hệ thống, mỗi đơn vị đều có một giá trị riêng. Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập, sử dụng trật tự từ và hư từ là chủ yếu để biểu thị các quan hệ ngữ pháp. Nhưng trật tự từ trong tiếng Việt không hoàn toàn giống với trong tiếng Nga, Pháp, Anh...(Cái bàn ở đâu? và Where is the table?). Số lượng, chất lượng các âm vị của tiếng Việt cũng không giống với số lượng và chất lượng âm vị trong tiếng Pháp, tiếng Anh.
Tóm lại, ngôn ngữ của mỗi dân tộc là một hệ thống kí hiệu. Các từ ngữ của một ngôn ngữ có đầy đủ các thuộc tính của các kí hiệu, chúng và các quy tắc ngữ pháp kết hợp lại thành một chỉnh thể có đầy đủ các thuộc tính của một hệ thống.
2.5 Tính chất đặc biệt của hệ thống kí hiệu ngôn ngữ: Cả ở cấp độ từng kí hiệu lẫn cấp độ toàn hệ thống, ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu đặc biệt.
a) Kí hiệu ngôn ngữ hàm chứa nhiều mối quan hệ hơn mọi loại kí hiệu khác. Các kí hiệu khác thường chỉ có một quan hệ: hoặc âm - nghĩa, hoặc hình - nghĩa, màu - nghĩa... Trong khi mỗi kí hiệu ngôn ngữ ngoài mối quan hệ âm - nghĩa như mọi kí hiệu thông thường lại còn có nhiều mối quan hệ khác: Phức thể âm - nghĩa, đến lượt nó, lại có thể có một nghĩa mới, rồi phức thể thứ ba này (âm, nghĩa + nghĩa) lại có thể có quan hệ với một nghĩa mới khác nữa. Vì thế, các đơn vị ngôn ngữ khi hành chức lại có thể gợi ra các nghĩa xa, nghĩa bóng, các ý, các ẩn ý, các thông tin hiển ngôn, hàm ngôn, khiến cho hệ thống ngôn ngữ càng phong phú, phức tạp, và có khả năng cực kì to lớn.
b) Khác với các hệ thống tín hiệu khác, các đơn vị ngôn ngữ có tính võ đoán. Ðó là tính không có lí do trong quan hệ giữa âm và nghĩa trong phạm vi từ và giữa các từ ngữ khi chúng kết hợp với nhau trong phạm vi câu. Người ta không thể chỉ ra lí do chính xác tại sao cái cây lại được gọi là thụ trong tiếng Hán, tree trong tiếng Anh, arbre trong tiếng Pháp, cây trong tiếng Việt...Và cũng không biết tại sao người Việt hỏi Cái bàn ở đâu? trong khi người Anh, Pháp lại hỏi Ðâu ở cái bàn? Và tại sao người Việt nói Tôi ăn cơm. Nó đánh con tôi trong khi người Hà Nhì ở Lai Châu, Lào Cai lại nói Ngá á họ chạ (Tôi - cơm - ăn) và Hí gạ nga zà tsi (Nó - tôi - con - đánh), nghĩa là theo một trật tự khác hẳn.
c) Ngôn ngữ còn mang tính hình tuyến. Khi dùng ngôn ngữ để giao tiếp, người ta phải nói lần lượt từng đơn vị nối tiếp nhau, và người nghe cũng vậy, phải tiếp nhận các đơn vị lần lượt theo trục thời gian. Người nói không thể phát ra nhiều đơn vị đồng loạt ở một thời điểm. Theo đó người nghe cũng không thể tiếp nhận cùng một lúc nhiều đơn vị như đối với nhiều loại tín hiệu khác (âm nhạc, hội họa, tín hiệu giao thông ở ngã tư đường...).
d) Hệ thống kí hiệu ngôn ngữ phức tạp nhất trong mọi hệ thống kí hiệu. Theo André Martinet, kí hiệu ngôn ngữ có thể được phân thành hai bậc: bậc khu biệt nghĩa và bậc mang nghĩa. Trong khi mỗi thông tin trong các hệ thống kí hiệu khác là một thể hoàn chỉnh, không phân tích được và cũng không thể tổng hợp được thì các đơn vị ngôn ngữ thường không thông báo một thông tin hoàn chỉnh; chúng chỉ làm chất liệu để tạo nên các kết cấu ngữ pháp làm chức năng thông báo (câu, phát ngôn). Trong ngôn ngữ còn có những đơn vị chỉ có chức năng ngữ pháp thuần túy (hư từ), chúng không thể biểu thị một thực tại nào ở ngoài ngôn ngữ. Các đơn vị ngôn ngữ thuộc nhiều cấp độ khác nhau khi đi vào thực hiện chức năng giao tiếp thường liên hệ với nhau theo nhiều quan hệ rất phức tạp. Trong quan hệ tôn ti, các đơn vị thuộc cấp độ thấp hơn là thành tố để cấu tạo nên đơn vị thuộc cấp độ cao hơn, và đơn vị thuộc cấp độ cao hơn bao giờ cũng gồm ít nhất một đơn vị thuộc cấp độ thấp hơn. Trong quan hệ ngữ đoạn, các đơn vị kết hợp trên hình tuyến lại phải cùng thuộc một cấp độ. Thuộc ngôn ngữ, âm vị kết hợp âm vị để tạo nên âm tiết, hình vị kết hợp hình vị để tạo nên từ; thuộc lời nói, từ kết hợp với từ để tạo ra ngữ đoạn (ngữ, cú), ngữ đoạn kết hợp với nhau để tạo nên câu, câu kết hợp với nhau để tạo nên chỉnh thể trên câu, chỉnh thể trên câu kết hợp với nhau để tạo nên văn bản. Về mặt lí thuyết, một văn bản tối giản cần được hiểu là văn bản gồm một chỉnh thể trên câu, chỉnh thể trên câu này gồm một câu, câu này gồm một ngữ đoạn, ngữ đoạn này gồm một từ, từ này gồm một hình vị, hình vị này gồm một âm tiết, âm tiết này gồm một âm vị. Hiện nay, nhiều hệ thống kí hiệu đã được tạo ra trên cơ sở điểm đặc biệt này của hệ thống ngôn ngữ.
e) Hệ thống kí hiệu ngôn ngữ mang tính vạn năng và vô hạn. Các hệ thống kí hiệu khác chỉ có thể dùng trong một hoặc một số phạm vi nhất định trong cuộc sống. Hệ thống kí hiệu để giao tiếp giữa tàu, thuyền trên sông biển sẽ không thể dùng để giao tiếp trong ngành đường sắt. Ngôn ngữ Pascal với các ấn bản (version) khác nhau dùng lập trình trong tin học không thể dùng trong sinh hoạt gia đình... Riêng ngôn ngữ có thể dùng trong bất cứ lĩnh vực nào. Chỉ có những trường hợp con người không muốn dùng ngôn ngữ chứ không có những trường hợp không thể dùng ngôn ngữ .
Các hệ thống kí hiệu khác chỉ có thể diễn đạt một lượng thông tin hạn chế. Hiệu trống trường chỉ nói được vài thông tin, hệ thống bảng hiệu giao thông chỉ báo được vài mươi điều. Riêng ngôn ngữ, có thể dùng để truyền đạt số lượng thông tin vô hạn. Chỉ có những hạn chế trong lời nói cá nhân, không có hạn chế trong việc thông tin bằng ngôn ngữ.
g) Ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu phức tạp nhất so với các hệ thống kí hiệu do quy ước mà có; nhưng đối với người bản ngữ, nó lại rất quen thuộc và dường như là một cái gì đó khá đơn giản; nó có từ lâu đời cũng như ý thức. Con người sinh ra và lớn lên là có thể tự nhiên có nó nếu không bị tách ra khỏi cuộc sống của cộng đồng.
Tóm lại, ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu nhưng là một hệ thống kí hiệu đặc biệt, nó có cấu trúc phức tạp và giàu sức sống hơn bất cứ hệ thống kí hiệu nào.
Sửa lần cuối: