vanchuong83
New member
- Xu
- 0
BÀI THƠ "LẠ" CÓ MỘT KHÔNG HAI CỦA VỊ TIẾN SĨ TRIẾT HỌC HỒ BÁ THÂM
Có lẽ trong văn đàn thơ văn Việt Nam và trong tất cả các thế hệ thơ từ trước đến nay của nước nhà, chưa có tác phẩm thơ nào lại độc đáo như Bài thơ Nghiêng của Hồ Bá Thâm. Xưa nay, người ta thường nói tâm hồn lãng mạn, tình tứ như nhà thơ, nhưng Hồ Bá Thâm làm thơ lại mang tâm hồn cụ thể mà siêu tưởng, say đắm, thực mà mộng, vừa logic vừa phi lôgic của một tiến sĩ Triết học. Thơ ông mang âm hưởng của nhân tình thế thái, sự trăn trở với thời cuộc, đặc biệt là sự “phá cách” để cho ra đời một tập thơ “Thơ tình triết học”(Nxb Thanh Niên, 2009) trong đó có bài thơ NGHIÊNG (11 khúc nghiêng) với 288 câu thơ trong đó có đến 296 từ “nghiêng”(câu nào cũng có từ nghiêng) rất hay và mới lạ.
Tên của ông được nhắc tới nhiều nhất trong lĩnh vực nghiên cứu triết học và giảng dạy trên các phương tiện truyền thông và hệ thống sách báo liên quan tới các vấn đề lý luận học thuật mang tính thời sự. Nhưng chỉ đến khi Ban Tổ chức của kỳ Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 22 (ngày 26-5-2012) xướng tên tác giả Bài thơ có nhiều từ “nghiêng” nhất, trong lễ trao giải Kỉ lục gia Việt Nam năm 2012 thì nhiều người mới ngỡ ngàng. Đó là một nhà tri thức tuổi ngũ tuần, dáng tầm thước vận bộ quân phục “người lính” ẩn hiện sau nụ cười điềm tĩnh của thế thái nhân tình.
Trong vô vàn những điều trông thấy, mọi người vẫn không khỏi ngạc nhiên và đôi khi khó hiểu về cái sự “độc” có một không hai của tập thơ và bài thơ này. Tôi phân vân không biết phải gọi ông là nhà thơ hay nhà giáo thì ông xua tay bảo: “Tôi là một nhà giáo, nhà nghiên cứu triết học, chính trị xã hội đã hơn 40 năm rồi, làm thơ chỉ là tự cảm thức, tâm sự với chính cái tôi của mình, nhất là khi cảm xúc nó đến. Có ai làm thơ mà nuôi sống được mình đâu. Nhưng thơ đã là máu thịt tâm hồn tôi từ ngày còn ở Trường Sơn. Và có lúc bạn bè khuyên chỉ nên tập trung vào triết học. Nhưng lỡ yêu Nàng Thơ rồi. Bỏ sao đành. Mà bỏ thì Nàng cũng đến rủ tôi đi… Thế là duyên nợ thơ gần 45 năm nay”... Rồi ông cười, cái cười hài hước, khẳng khái mang đầy chất “nghệ sĩ”. Hóa ra thế. Xem ra ông cũng công bố khá nhiều thơ và không ít bạn đọc biết thơ ông.
Tiến sĩ Hồ Bá Thâm xuất thân trong một gia đình nhà Nho ở Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tuổi trẻ của ông là những năm tháng xông pha dọc ngang ở núi rừng Trường Sơn. Chính vì thế mà cảm xúc Trường Sơn luôn là âm hưởng chủ đạo trong thơ ông trong suốt giai đoạn đầu “bén duyên” với thơ. Những tháng năm là Thanh niên Xung phong, mở đường, tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực vào chiến trường miền Nam đã để lại cho Hồ Bá Thâm những kỉ niệm sấu thẳm không thể nào quên. Giữa sự sống và cái chết, trên con đường mang tên tuổi 20 ở Trường Sơn, máy bay Mĩ không ngừng oanh tạc, ném bom khốc liệt nhằm phá hủy tuyến giao thông huyết mạch của bộ đội ta trên đường Nam tiến, Hồ Bá Thâm đã cùng các anh chị em trong đơn vị Thanh niên Xung phong quyết tâm chiến đấu bảo vệ tuyến đường. Tận mắt chứng kiến sự hy sinh của đồng đội mình, ông không khỏi xót xa và đã viết một tập thơ/ trường ca “Có một Trường Sơn như thế” với những vần thơ trăn trở, nhớ thương da diết đồng đội với đau xót mất còn, đã ra đời (2009). Ông từng tâm sự, trong cuộc đời ông, dù đi đâu làm gì thì hình ảnh (ngọn lửa) Trường Sơn cùng các đồng chí năm xưa vẫn luôn thao thức, bùng sáng nơi ông thổn thức khôn nguôi. Phát hiện ra khả năng văn thơ, đơn vị cử Hồ Bá Thâm ra Hà Nội học lớp đào tạo phóng viên của Thông tấn xã. Nghề báo đến với ông thật tình cờ, nhưng do bệnh sốt sét nên ông không học tiếp được và sau này chuyển sang học chính trị và triết học. Cũng là duyên sô chăng? Một thời gian, ông theo học trường Tuyên giáo trung ương nay là Học viện Báo chí & Tuyên truyền và được giữ lại Trường khi xuất sắc đạt 9 điểm môn triết học trong kì thi môn này. Ông được tốt nghiệp đặc cách. Rồi ông được cử đi học Nghiên cứu sinh Triết, khóa 3 tại trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), rồi thành thầy giáo triết học tại ngôi trường đã cử ông đi học. Lĩnh vực triết học không phải ai cũng mặn mà và say mê, Hồ Bá Thâm lại thật sự có năng khiếu tư duy triết học. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng như sau này ông tỏ ra là người có khả năng thiên bẩm nhanh nhạy với về nhìn nhận, phân tích, đánh giá sự vật nhờ khối óc khái quát, trừu tượng, liên tưởng thực tại trong mỗi vấn đề triết học để từ đó tìm ra cốt lõi vấn đề. Ông đã bảo vệ thành công luận án PTS triết về năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ cấp xã... Hơn 40 năm tham gia giảng dạy và nghiên cứu triết học và chính trị- xã hội, Hồ Bá Thâm đã cho ra đời hơn 40 đầu sách (khoảng 12.000 trang) với nhiều ý tưởng mới lạ (như: chủ nghĩa duy vật nhân văn, triết học phát triển..) và đồng thời sáng tác hơn 10 tập thơ thế sự, thơ tình, thơ triết học và trường ca (khoảng hơn 3000 trang). Trái tim ông lặng lẽ đắm say thổi tình yêu, cảm xúc của mình vào những vần thơ thấm đậm tình người, nghĩa đời, đạo lý nhân sinh trong xã hội, trong mỗi số phận con người. Sự phát triển thơ thành đỉnh điểm khi ông cho ra đời bài thơ dài NGHIÊNG và tập Thơ tình triết học. Bài thơ NGHIÊNG gồm 288 câu thơ chữ tình thì có đến 296 từ “nghiêng”. Thật độc chiêu! Với nó, Ông trở thành nhà thơ “kì lạ và độc đáo” nhất của Việt Nam về mặt chơi chữ Nghiêng trong thơ.
Bài thơ độc đáo có một không hai
Tiến sĩ Hồ Bá Thâm cho biết, thơ là món ăn tinh thần, là cội nguồn cảm hứng tự bộc lộ, suy tư và truyền cảm với mình với người không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Lúc còn công tác tại Kiên Giang và Cần Thơ, ông đã từng xuất bản thơ và có bốn câu thơ dùng đến bốn từ “nghiêng” để tặng bạn. Cái ngẫu hứng và vô tình ấy, 10 năm sau đã tạo tiền đề cảm xúc cho ông bất chợt để ông viết hoàn thành bài thơ NGHIÊNG dài nói trên. Lần đầu bài này đã đăng trên trang Web của Hội nhà văn Việt Nam. Bài thơ trở nên nổi tiếng. Hình như từ đó đã tạo nên một hiện tượng thơ NGHIÊNG. Ông đã tạo nên một đột phá kì lạ nhất từ trước đến nay trong thơ Việt Nam xét về mặt chơi chữ một từ nghiêng nhiều đến mức đến mức trở thành Kỷ lục gia. Và Kỷ lục này “thách thức bất cứ ai theo nghiệp văn bút” (như có người nhận xét). Thực ra từ “nghiêng” đã có trong thơ từ lâu, nhưng thành bài thơ dài NGHIÊNG mà dòng nào cũng có từ “nghiêng” (thậm chí hai từ “nghiêng”) và có đến 296 từ nghiêng lại được viết một cách tự nhiên nhuần nhị, lại hết sức thâm thúy, thì nhà thơ Hồ Bá Thâm quả là vô địch. Khi mới nghe qua, hẳn mọi người cứ ngỡ đó là thơ dùng toàn chữ in nghiêng, ngay cả tôi khi chưa tìm hiểu rõ cũng lầm tưởng như vậy. Từ “nghiêng” trong thơ của Hồ Bá Thâm nói chung là ở thể động từ và tất cả đều mang ý nghĩa biểu tượng như một mật mã. Chung mà rất riêng. Có bạn thơ của ông hỏi ông tại sao không dùng từ “hài hòa” hay “cân bằng” mà xã hội đang cần, con người đang cần? Ông giải thích: “Từ nghiêng nó tự đến … chứ tôi không chọn. Có lẽ đó là một “mách bảo”… Quả là từ “nghiêng” tự nó có dụng ý: thay đổi, biến chuyển, tương tác, tương sinh... từ âm dương như chính tạo hóa vậy (Âm dương nghiêng vũ trụ/ ta ôm nghiêng thiên hà). Song tự bản thân từ “nghiêng”còn là cảnh báo (Thư ký nghiêng áo ngực/ Ghế giám đốc nghiêng theo/ Đạo đức nào nghiêng ngửa/ Lập trường nghiêng cheo leo). “Nghiêng” là một động từ chỉ sự không cân bằng, nó lệch đi một hướng (cân bằng động). “Nghiêng” mới hay và mới đáng nói, nó có sức lay động và hàm ý triết luận hơn nhiều, còn đã “cần bằng” thì… khó mà nên thơ hơn… Vâng, Đẹp là hài hòa. Đẹp cũng là Nghiêng. Ngiêng mà Đẹp. Nhưng còn có ý ngược lại… Từ “nghiêng” bao hàm những ý nghĩa hình tượng, ẩn dụ mang tính nhiều động thái, nhịp điệu, màu sắc, chiều góc tâm lý, tình cảm, ý chí, tư tưởng, tâm thức, tâm linh… khác nhau chứ không đơn thuần về mặt vật lý học. Tùy theo ngữ cảnh mà từ nghiêng hàm tình ý gì, nó lung linh, huyền diệu, lay động như thế nào. Hơn nữa phải cảm phải thấu nghĩa ngầm của nó. (Ly rượu nghiêng làn môi/ gió thổi nghiêng bầu trời/ trăng nghiêng dòng suối nhỏ/ mắt em nghiêng lòng tôi). “Nghiêng” trong thơ của ông là sự trăn trở, đau đáu với thế thái nhân tình với đời sống vạn vật, ngặt nghèo của nhân sinh. Không phải ai cũng hiểu được ngay thâm ý trong thơ của ông, bởi trong đó là sự ẩn dụ ngoài lời, có chiều sâu tư tưởng vừa tinh tế vừa khái quát của triết học, một môn học thông thái, phức tạp vừa rất sâu vừa rất rộng và khó “trôi”, nhất đối với sinh viên. Ông chia sẻ: “ Khi tôi làm nghiên cứu khoa học thì phải duy lý, nhiều điều phải nói thẳng. Nhưng với tình cảm và với những vấn đề khó nói … thì tôi nhờ Nàng thơ thỏ thể nói hộ. Khi tôi làm thơ, tôi chưa ý thức hết được ý nghĩa trong từng câu từ, hình tượng, cấu tứ của mình. Nó đến với cảm xúc tự tuôn trào, tự nhiên, viết là viết thôi. Có khi viết xong ngẫm lại, mới thấy ý tại ngôn ngoại… Thơ là thực nhưng phải rất ảo. Ảo mới là thơ hay. Khi cảm xúc, ý tưởng đến thì viết rất nhanh, như trải nghiệm, thai nghén thì đã từ lâu. NGHIÊNG nói trên Hồ Bá Thâm chỉ viết trong vòng mấy ngày. 296 từ “nghiêng” trong 288 câu thơ của 11 nghiêng say đắm ấy là thành quả của cảm xúc, trí tưởng tượng thật tuyệt vời của thi sĩ Hồ Bá Thâm như một sự xuất thần (Trời một lần nghiêng cốc/ Rót nghiêng sữa tình người/ Như mẹ nghiêng bầu vú/ Nuôi tôi nghiêng cả đời). Bạn bè đồng nghiệp đã tâm phục khẩu phục không chỉ tài năng triết học và sự nhạy cảm luôn luôn thay đổi trong cách nhìn thời cuộc của Hồ Bá Thâm. Và nhiều bạn đọc, thơ càng nể trọng thơ của Ông, nhất là với bài thơ dài NGHIÊNG và đã có nhiều nhận xét tâm đắc (Bài Nghiêng thật hay: ý tưởng sâu sắc, cảm nhận tinh tế, hồn thơ bay bổng hơn và tình thơ mượt mà hơn, lời thơ diễn cảm tự nhiên hơn và cách dùng từ nghệ thuật hơn…).
Không phải chỉ làm thơ cho tâm hồn lãng mãn, thảnh thơi. Thơ ông là tiếng lòng trăn trở, hoài vọng, có khi là tiếng nấc nghẹn ngào của cảm thương dân tình đang trong cơn bĩ cực của nhân tai, thiên tai (Lũ về cuốn nghiêng đồi/ Ào ào nghiêng nhà cửa/ Nước lật nghiêng bao đời/ Nỗi đau nghiêng lòng tôi). Gia sản thơ của Hồ Bá Thâm tình đến nay đã được hơn 10 tập, đã in thành sách 6 tập. Ông coi nó như báu vật tâm hồn mình, như sự giải thoát và hòa nhập tinh thần mình với vũ trụ nhân sinh không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Ông tâm sự: “Đến tuổi nghỉ hưu tôi tiếp tục làm các công việc nghiên cứu, viết sách lý luận và tôi vẫn làm thơ, vẫn yêu thơ say đắm như ngày còn xuân” (“Tình yêu không có tuổi già”. “Triết học và Thơ hai cánh cuộc đời…” - ông kết thúc như vậy trong tâm sự với chúng tôi).
(Bản thảo, bài đăng trên báo ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT, từ ngày 9-15/6/2012)