• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Bài Thơ Cuối Cùng Của Người Tù Khổ Sai Chung Thân

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
BÀI THƠ CUỐI CÙNG
CỦA NGƯỜI TÙ KHỔ SAI CHUNG THÂN

. Lê Ngọc Trác

Từ năm 1906, chí sĩ Phan Chu Trinh đề xướng, tổ chức và lãnh đạo phong trào Duy Tân. Mục tiêu của phong trào Duy Tân là: "Chấn hưng dân khí, dân trí", thực hiện cuộc vận động trong cả nước cải cách kinh tế, văn hóa.

Phong trào Duy Tân được các sĩ phu và nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, chủ yếu là ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung. Năm 1908, những người lãnh đạo chủ chốt của phong trào ở các tỉnh miền Trung đã tổ chức một cuộc biểu tình rộng lớn, nhằm "chống thuế , cự sưu" được nhân dân hưởng ứng tích cực. Trước sự lớn mạnh của phong trào Duy Tân và những đòi hỏi chính đáng của nhân dân trong việc nộp thuế, thực dân Pháp và tay sai Nam triều lo sợ. Pháp đã ra tay đàn áp phong trào cách dã man, truy bắt những người lãnh đạo phong trào; những nhân sĩ yêu nước. Cùng với nhiều người lãnh đạo phong trào biểu tình ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nguyễn Thành bị Pháp bắt, kết án tù khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo.

Nguyễn Thành còn có tên là Nguyễn Hàm, tự là Triết Phu, hiệu là Tiểu La. Ông sinh năm 1863 tại làng Thạnh Mỹ, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nguyễn Thành xuất thân trong một gia đình quan lại triều Nguyễn. Thân sinh ông là Nguyễn Trường làm kinh lược sứ, nên mọi người thường gọi ông là Ấm Hàm, Ấm Thành. Năm 1885, hưởng ứng phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi, Nguyễn Thành theo Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo đánh Pháp ở Quảng Nam. Trong phong trào Nghĩa Hội thời bấy giờ, Nguyễn Thành là một trong những tướng quân của Nghĩa Hội, đã lập được nhiều chiến công khiến thực dân Pháp phải lo sợ. Năm 1887, Nguyễn Duy Hiệu - Người lãnh đạo phong trào Nghĩa Hội bị giặc Pháp bắt giết. Khi bị giặc bắt, Nguyễn Duy Hiệu trung kiên, can đảm, nhận hết trách nhiệm về mình, không một lời nào khai báo cho đồng sự và những người cùng chí hướng. Chính nhờ vậy, Pháp và tay sai Nam Triều không có cớ gì để xử Nguyễn Thành vào tội chết. Nghĩa quân tan rã. Nguyễn Thành bị bắt giam một thời gian. Sau khi được thả tự do, ông về cày ruộng tại quê nhà.

Tháng 5 năm 1904, Phan Bội Châu đến tận làng Thạnh Mỹ (huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam), gặp Nguyễn Thành cùng nhau mưu đồ đại sự. Tại đây, Phan Bội Châu cùng Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thành, Đặng Thái Thân, Đặng Tử Kính... tuyên bố thành lập Duy Tân Hội, với mục đích: Khôi phục Việt Nam độc lập. Duy Tân Hội đề ra ba nhiệm vụ: Phát triển hội viên, tài chánh, đưa người du học ở Nhật Bản (Phong trào Đông Du), chuẩn bị bạo động vũ trang đánh Pháp. Tổ chức Duy Tân Hội là một đảng chính trị thời bấy giờ. Nguyễn Thành là một người giữ vị trí tham mưu cho Phan Bội Châu trong mọi công việc của tổ chức Duy Tân Hội.

Năm 1908, trong cuộc biểu tình chống thuế cự sưu, ông bị bắt và kết án tù chung thân khổ sai đày ra Côn Đảo vào tháng 8/1908. Ở tù Côn Đảo, Nguyễn Thành được biết vợ và con gái ông lần lượt qua đời. Ông còn được tin chính phủ Nhật cấu kết với Pháp ra lệnh giải tán những tổ chức chống Pháp tại Nhật, trục xuất du học sinh và lãnh tụ Phan Bội Châu ra khỏi nước Nhật. Nguyễn Thành vừa đau khổ chuyện gia đình lại buồn cho vận mệnh đất nước, cho tiền đồ của tổ chức cách mạng Duy Tân Hội. Cộng với hoàn cảnh khắc nghiệt chốn lao tù, Nguyễn Thành lâm bệnh nặng, chết tại nhà tù Côn Đảo vào năm 1911.

Trước khi qua đời, ông viết bài thơ cuối cùng gởi lại những người bạn tù, một lời tâm tình cuối cùng của một con người suốt đời vì đất nước, vì dân tộc:

Nhất sự vô thành mấn dĩ ban


Thử sinh hà diện kiến giang san
Bổ thiên vô lực đàm thiên dị
Tế thế phi tài tỵ thế nan
Thời cuộc bất kinh vân biến huyễn
Nhân tình chỉ khủng thủy ba lan
Vô cùng thiên địa khai song nhãn
Tái thập niên lai thí nhất quan.
(Một việc chưa thành tóc nhuộm màu
Non sông ngoảnh lại thẹn mày râu

Vá trời thiếu sức bàn nghe dễ
Cứu thế không tài tránh ở đâu?
Cuộc biến ngại gì mây đổi sắc
Tình người e nỗi sóng thêm sâu
Mở toang hai mắt xem trời đất
Ngắm thử mười năm vẫn thế ru.)
Bản dịch HUỲNH THÚC KHÁNG

Nội dung bài thơ nói lên tâm trạng của một người hối tiếc vì mình chưa hoàn thành nhiệm vụ đối với đất nước. "Vô cùng thiên địa khai song nhãn / Tái thập niên lai thí nhất quan" - hai câu cuối cùng của bài thơ, lời thơ có phần hài hước, khí phách nhưng nội dung thể hiện niềm tin vào tương lai không xa của đất nước sẽ thoát khỏi ách cai trị của ngoại xâm, sẽ được độc lập tự do. Đó là niềm tin của một con người có lý tưởng cách mạng vững vàng, vì dân vì nước. Quả thật vậy, mười năm sau ngày Nguyễn Thành qua đời, từ năm 1920 trở đi, trên đất nước Việt Nam đã xuất hiện nhiều tổ chức yêu nước, nhiều tổ chức đảng cách mạng dân tộc ra đời, đã liên tục đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Kết cuộc, sau bao nhiêu năm đấu tranh gian khổ, nhiều mất mát hy sinh đã dẫn đến thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân vào mùa Thu năm 1945. Sau 80 năm bị thực dân Pháp xâm lược, đất nước được độc lập tự do. Thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân năm 1945 của Việt Nam đã gây chấn động toàn thế giới, đưa đất nước Việt Nam mở ra thời đại mới.

Lê Ngọc Trác


Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
- Tiến trình lịch sử Việt Nam – Nguyễn Quang Ngọc chủ biên (2006)
- Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam – Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế (1999)
- Thi tù tùng thoại – Huỳnh Thúc Kháng


Email: lengoctraclg@yahoo.com
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top