II. DÙNG TỪ HAY
Có nhiều cách dùng từ hay. Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu một số trường hợp tiêu biểu.
Dùng từ đúng cũng là dùng từ hay nếu từ đúng ấy là từ chính xác – từ không thể thay thế bằng bất kỳ từ nào khác.
La Bruyère, một nhà văn Pháp sống trong thế kỷ XVII, đã có ý nghĩ: “Trong số hết thảy các từ ngữ có thể diễn được một ý độc nhất của ta, chỉ có một từ ngữ đúng, khi nói hoặc viết, người ta không luôn luôn kiếm thấy nó đâu, nhưng nó vẫn có.
Gustave Flaubert, một nhà văn Pháp khác sống ở thế kỷ XIX, cũng có ý tưởng tương tự: “Dù ta muốn nói điều gì đi nữa, cũng chỉ có mỗi một tiếng để diễn điều đó thôi, chỉ có một động từ để làm cho điều đó hóa ra có sinh khí và mỗi một trạng từ để tả nó. Cần phải kiếm cho được tiếng ấy và đừng lấy làm mãn ý khi mới kiếm được những tiếng tương tự.
Thi hào Việt Nam là Nguyễn Du, trong Truyện Kiều, đã nhiều lần chứng tỏ mình là một bậc thầy về nghệ thuật dùng từ chính xác. Duới đây là một ví dụ:
“Sinh càng nát ruột tan hồn,
Chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay”.
Hai câu thơ này tả tâm trạng Thúc Sinh trong việc tẩy trần do Hoạn Thư bày ra với mục đích làm khổ tình địch và làm nhục chồng mình. Thấy người yêu trở thành đứa ở và đang bị vợ đày đọa, Thúc Sinh giả say, không muốn uống rượu nữa để chấm dứt thảm kịch. Biết vậy, Hoạn Thư nổi máu ghen, “vội thét con Hoa (tên mới của Thúy Kiều), khuyên chàng chẳng đặng thì ta cho đòn”. Trong tình huống ấy, Thúy Kiều nâng chén rượu, mời và Thúc Sinh phải ngậm đắng nuốt cay mà “ráo ngay”. “Ráo ngay” chứ không thể là “uống ngay”, “hết ngay” hoặc “cạn ngay”. Phải “ráo ngay” mới lột tả được tâm lí của một Thúc Sinh nhát gan, hèn yếu, sợ vợ.
Đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta gặp bài học sinh động về nghệ thuật dùng từ chính xác trong văn chính luận. Mở đầu văn kiện lịch sử này, Bác Hồ viết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, thực dân Pháp cáng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”. (Hồ Chí Minh. Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr 69).
Ta “muốn hòa bình” chứ không phải “yêu hòa bình”, “mong hòa bình”, vì “muốn” vừa diễn tả nguyện vọng vừa bày tỏ ý chí và quyết tâm, rất thích hợp với khẩu khí của nhà cách mạng. Ta “nhân nhượng” mà không “nhượng bộ”, vì “nhân nhượng”, là cách xử sự hợp lí , hợp tình có đạo đức, có nhân nghĩa, còn “nhượng bộ” là “chịu để cho đối phương lấn tới, vì yếu thế hay do không cương quyết” (Hoàng Phê và TGK, Từ điển tiếng Việt, Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr. 757). Địch “lấn tới” chứ không phải là “tiến tới”, vì “tiến tới” là thái độ chính đáng, còn “lấn tới” là hành vi xấu xa của kẻ không có gì ngoài sức mạnh thô bạo. “Lấn tới” chính là thủ đoạn của bọn thực dân “cướp nước”.
Trong văn bản này, người đọc còn tìm gặp một câu nói thống thiết mà quyết liệt: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”.
“Phải đứng lên” khác “Hãy đứng lên”. Nói “Hãy đứng lên” là khuyên nhủ, là kêu gọi. Nói “phải đứng lên” là ra lệnh chiến đấu một mất một còn với giặc. Giặc đã dồn ta đến chân tường. Ta chỉ còn con đường là đứng lên, cầm vũ khí để tự vệ.
Trong một tình thế vô cùng khẩn trương mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dùng thì giờ cân nhắc, tính toán để sử dụng từ ngữ một cách chính xác như vậy. Lẽ nào bạn trẻ chúng ta lại dùng từ một cách tùy tiện khi làm văn trong lớp học, trong giảng đường?
Từ hình tượng vẽ lên trước mắt người đọc bức tranh của cuộc sống, tạo cho người đọc cái cảm giác như được nhìn thấy tận mắt sự vật được miêu tả. Với đặc tính này, ngoài chức năng thông báo, từ hình tượng còn tạo cho độc giả nhiều rung cảm thẩm mỹ. Vì vậy, từ hình tượng rất thích hợp với ngôn ngữ văn chương. Tuy thế, trong văn chính luận, nếu được sử dụng chừng mực và đúng chỗ, từ hình tượng cũng có thể tác động mạnh đến người đọc và để lại cho độc giả nhiều cảm nghĩ sâu lắng.
Đặc trưng của từ hình tượng là gợi chứ không tả. Tả thì chính xác, đầy đủ và rõ ràng đến mức không còn gì để nói nữa. Nhưng gợi thì muốn nói đến vô cùng. Với đặc điểm này, từ hình tượng tạo cho văn bản một ý ngoài lời, một nghĩa ở chiều sâu, một nội dung ở dạng tiềm năng. Bài thơ, vì vậy, có thể có nhiều tầng nghĩa mà không một ai có thể đọc và hiểu hết trong một lần. Mỗi người, khi đọc những tác phẩm văn chương có ngôn ngữ hình tượng, có thể tìm gặp ở đó một nét nghĩa mới. Nhờ vậy, đối với mỗi người, mỗi thời, thơ có thể có một tiếng nói mới. Thơ có sức sống, thơ trẻ mãi với cuộc đời, với thời gian.
Ví dụ, khi bình giảng bài thơ Bóng cây kơ-nia, nhà phê bình văn học Phan Trọng Luận đã tìm thấy ở hình tượng cây kơ-nia thế lực chủ động của nam tính. Cây kơ-nia là người con cường tráng của mẹ, là người chồng dũng cảm của em. Sau Phan Trọng Luận, đọc lại hai khổ thơ đầu của bài thơ:
Buổi sáng em làm rẫy
Thấy bóng cây kơ-nia
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh không ngủ
Buổi chiều mẹ lên rẫy
Thấy bóng cây kơ-nia
Bóng tròn che lưng mẹ
Về nhớ anh mẹ khóc
chúng ta có thể tìm gặp ở hình tượng văn học này một nét nghĩa mới: cây kơ-nia là anh, là bóng mát của cuộc đời mẹ và cuộc đời em…
Từ hình tượng tạo cho bài thơ một nét nghĩa nhòe. Nhờ vậy, thơ hay, thơ có tứ hiểu theo nghĩa là ý cao, tình đẹp ẩn giấu ở đằng sau ngôn ngữ văn chương. Giả thiết rằng, miêu tả sự việc Thúy Kiều vượt qua hàng rào để tìm đến với Kim Trọng, Nguyễn Du viết:
Xắn tay bẻ cái hàng rào
Rẽ cây trông tỏ lối vào nhà Kim.
Hai câu thơ này có nghĩa mà không có tứ, vì ngoài việc thông báo sự kiện, nó không gợi được ở người đọc những ý tưởng sâu sắc, những rung cảm thẩm mỹ. Sự thật là thi sĩ tài hoa Nguyễn Du đã dùng ngôn ngữ hình tượng để gợi tả sự việc vừa nêu trên.
Xắn tay mở khóa động đào
Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai…
“Khóa động đào”, “mây”, “lối vào thiên thai” là những hình tượng văn học hòa hợp cùng nhau, hộ ứng với nhau để nói với người đọc của nhiều thế hệ biết bao điều về tình yêu, và về tấm lòng nhân đạo rộng mở của thi tài Nguyễn Du vào đầu thế kỷ XIX…
Từ sáng tạo là từ gọi tên sự vật lần thứ nhất, bằng cái nhìn tươi mát và hồn nhiên như trẻ thơ.
Cuộc sống có nhiều màu vẻ. Đời người đổi thay không ngừng. Nhưng hầu hết từ ngữ mà ta đang dùng đều quá cũ, vì đã được dùng đi dùng lại nhiều lần từ lâu. Do vậy, có lúc ta nhận thấy những từ ngữ có được bằng thói quen, bằng kinh nghiệm của mình, không còn đủ hiệu lực để diễn đạt một tình ý nào đó. Vì vậy ta muốn vượt ra ngoài quy ước đã có, muốn nhìn sự vật bằng đôi mắt của trẻ thơ, muốn táo bạo dùng một từ sáng tạo.
Từ “ngon” được Nguyễn Gia Thiều dùng thay cho “đẹp” trong Cung oán ngâm khúc là một ví dụ. Ta thường nói cảnh đẹp, hoa đẹp, người đẹp. Cái gì cũng đẹp, cho nên “đẹp” không diễn tả được điều gì đặc sắc. Trong Cung oán ngâm khúc, để tả sắc đẹp của cung nữ, Nguyễn Gia Thiều viết:
Đóa lê ngon mắt cửu trùng
Tuy mày điểm nhạt nhưng lòng cũng xiêu.
Trước và sau Nguyễn Gia Thiều, mọi người đều nói “đẹp mắt”, “đẹp lòng”. Một cách sáng tạo và độc đáo, Nguyễn Gia Thiều nói “ngon mắt”. Sống trong cung vua phủ chúa, chứng kiến cảnh sống bi thương của hàng trăm người thiếu nữ má đào mà phận bạc, nhà nghệ sĩ giàu lòng nhân ái Nguyễn Gia Thiều không khỏi sinh tâm oán trách cảnh sống xa hoa, dục lạc của đấng quân vương. Cho nên nhà thơ đã hạ một từ “ngon” để phơi bày những ham muốn vật chất thấp hèn đang được che giấu ở đằng sau những lớp vàng son lộng lẫy.
Điều cần lưu ý ở dây là sáng tạo nhưng không lập dị. Sáng tạo để được mới lạ và độc đáo, nhưng phải là mới lạ và độc đáo tối ưu chứ không phải là độc đáo và mới lạ tối đa. Không có cái mới phát sinh từ số không, từ hư vô. Cái mới hình thành từ cái cũ. Trên cái nền cũ mà người ta xây dựng các công trình mới. Nhà nghệ sĩ sáng tạo nói chung, dùng từ sáng tạo nói riêng không hoàn toàn tách rời truyền thống và thực tại. Ví dụ, thời gian không có màu, nhưng mùa thu có nhiều lá vàng nên một người nào đó từ xa xưa đã dùng từ “thu vàng” một cách sáng tạo. Từ đó, Xuân Diệu dùng từ “xuân hồng” để nói về mùa xuân, về tuổi trẻ, về tình yêu, còn Trịnh Công Sơn thì dùng từ “hạ trắng” để chỉ mùa hè xứ Huế với những con đường ngập đầy áo trắng của nữ sinh Đồng Khánh.
Sáng tạo là một hoạt động nghệ thuật của những nhà nghệ sĩ có thực tài. Không có tài mà muốn phá vỡ những quy tắc đã trở thành phổ biến để dùng từ sáng tạo, người ta sẽ trở nên lập dị và chỉ có thể dùng từ một cách cầu kì để viết những bài thơ khó hiểu. Đó là những bài thơ “bí hiểm” được mệnh danh là thơ tự do, một thứ quái thơ đã bị một nhà thơ trào phúng miền Nam trước năm 1975 châm biếm:
… hãy về đây những bài thơ
con hoang thời đại
cha chúng mày trót dại đẻ chúng mày thiếu tháng thiếu năm
dù bện tơ dệt lụa chúng mày nằm
dù mặc áo trăm màu sặc sỡ
kì dị quái gở
đời nhìn phút chốc quên ngay
(Dẫn theo Nguyễn Văn Trung, Lược khảo văn học, tập II, Nam Sơn, 1965, tr.53)
Ta bắt đầu học cách dùng từ đúng, rồi tập cách dùng từ hay, nhưng cái đích cuối cùng vẫn là luyện cho được cách viết tự nhiên, giản dị. Tự nhiên và giản dị là đỉnh cao của nghệ thuật.
Trích "Tiếng Việt thực hành" tác giả Hà Thúc Hoan
Có nhiều cách dùng từ hay. Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu một số trường hợp tiêu biểu.
- Dùng từ chính xác
Dùng từ đúng cũng là dùng từ hay nếu từ đúng ấy là từ chính xác – từ không thể thay thế bằng bất kỳ từ nào khác.
La Bruyère, một nhà văn Pháp sống trong thế kỷ XVII, đã có ý nghĩ: “Trong số hết thảy các từ ngữ có thể diễn được một ý độc nhất của ta, chỉ có một từ ngữ đúng, khi nói hoặc viết, người ta không luôn luôn kiếm thấy nó đâu, nhưng nó vẫn có.
Gustave Flaubert, một nhà văn Pháp khác sống ở thế kỷ XIX, cũng có ý tưởng tương tự: “Dù ta muốn nói điều gì đi nữa, cũng chỉ có mỗi một tiếng để diễn điều đó thôi, chỉ có một động từ để làm cho điều đó hóa ra có sinh khí và mỗi một trạng từ để tả nó. Cần phải kiếm cho được tiếng ấy và đừng lấy làm mãn ý khi mới kiếm được những tiếng tương tự.
Thi hào Việt Nam là Nguyễn Du, trong Truyện Kiều, đã nhiều lần chứng tỏ mình là một bậc thầy về nghệ thuật dùng từ chính xác. Duới đây là một ví dụ:
“Sinh càng nát ruột tan hồn,
Chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay”.
Hai câu thơ này tả tâm trạng Thúc Sinh trong việc tẩy trần do Hoạn Thư bày ra với mục đích làm khổ tình địch và làm nhục chồng mình. Thấy người yêu trở thành đứa ở và đang bị vợ đày đọa, Thúc Sinh giả say, không muốn uống rượu nữa để chấm dứt thảm kịch. Biết vậy, Hoạn Thư nổi máu ghen, “vội thét con Hoa (tên mới của Thúy Kiều), khuyên chàng chẳng đặng thì ta cho đòn”. Trong tình huống ấy, Thúy Kiều nâng chén rượu, mời và Thúc Sinh phải ngậm đắng nuốt cay mà “ráo ngay”. “Ráo ngay” chứ không thể là “uống ngay”, “hết ngay” hoặc “cạn ngay”. Phải “ráo ngay” mới lột tả được tâm lí của một Thúc Sinh nhát gan, hèn yếu, sợ vợ.
Đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta gặp bài học sinh động về nghệ thuật dùng từ chính xác trong văn chính luận. Mở đầu văn kiện lịch sử này, Bác Hồ viết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, thực dân Pháp cáng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”. (Hồ Chí Minh. Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr 69).
Ta “muốn hòa bình” chứ không phải “yêu hòa bình”, “mong hòa bình”, vì “muốn” vừa diễn tả nguyện vọng vừa bày tỏ ý chí và quyết tâm, rất thích hợp với khẩu khí của nhà cách mạng. Ta “nhân nhượng” mà không “nhượng bộ”, vì “nhân nhượng”, là cách xử sự hợp lí , hợp tình có đạo đức, có nhân nghĩa, còn “nhượng bộ” là “chịu để cho đối phương lấn tới, vì yếu thế hay do không cương quyết” (Hoàng Phê và TGK, Từ điển tiếng Việt, Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr. 757). Địch “lấn tới” chứ không phải là “tiến tới”, vì “tiến tới” là thái độ chính đáng, còn “lấn tới” là hành vi xấu xa của kẻ không có gì ngoài sức mạnh thô bạo. “Lấn tới” chính là thủ đoạn của bọn thực dân “cướp nước”.
Trong văn bản này, người đọc còn tìm gặp một câu nói thống thiết mà quyết liệt: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”.
“Phải đứng lên” khác “Hãy đứng lên”. Nói “Hãy đứng lên” là khuyên nhủ, là kêu gọi. Nói “phải đứng lên” là ra lệnh chiến đấu một mất một còn với giặc. Giặc đã dồn ta đến chân tường. Ta chỉ còn con đường là đứng lên, cầm vũ khí để tự vệ.
Trong một tình thế vô cùng khẩn trương mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dùng thì giờ cân nhắc, tính toán để sử dụng từ ngữ một cách chính xác như vậy. Lẽ nào bạn trẻ chúng ta lại dùng từ một cách tùy tiện khi làm văn trong lớp học, trong giảng đường?
- Dùng từ hình tượng
Từ hình tượng vẽ lên trước mắt người đọc bức tranh của cuộc sống, tạo cho người đọc cái cảm giác như được nhìn thấy tận mắt sự vật được miêu tả. Với đặc tính này, ngoài chức năng thông báo, từ hình tượng còn tạo cho độc giả nhiều rung cảm thẩm mỹ. Vì vậy, từ hình tượng rất thích hợp với ngôn ngữ văn chương. Tuy thế, trong văn chính luận, nếu được sử dụng chừng mực và đúng chỗ, từ hình tượng cũng có thể tác động mạnh đến người đọc và để lại cho độc giả nhiều cảm nghĩ sâu lắng.
Đặc trưng của từ hình tượng là gợi chứ không tả. Tả thì chính xác, đầy đủ và rõ ràng đến mức không còn gì để nói nữa. Nhưng gợi thì muốn nói đến vô cùng. Với đặc điểm này, từ hình tượng tạo cho văn bản một ý ngoài lời, một nghĩa ở chiều sâu, một nội dung ở dạng tiềm năng. Bài thơ, vì vậy, có thể có nhiều tầng nghĩa mà không một ai có thể đọc và hiểu hết trong một lần. Mỗi người, khi đọc những tác phẩm văn chương có ngôn ngữ hình tượng, có thể tìm gặp ở đó một nét nghĩa mới. Nhờ vậy, đối với mỗi người, mỗi thời, thơ có thể có một tiếng nói mới. Thơ có sức sống, thơ trẻ mãi với cuộc đời, với thời gian.
Ví dụ, khi bình giảng bài thơ Bóng cây kơ-nia, nhà phê bình văn học Phan Trọng Luận đã tìm thấy ở hình tượng cây kơ-nia thế lực chủ động của nam tính. Cây kơ-nia là người con cường tráng của mẹ, là người chồng dũng cảm của em. Sau Phan Trọng Luận, đọc lại hai khổ thơ đầu của bài thơ:
Buổi sáng em làm rẫy
Thấy bóng cây kơ-nia
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh không ngủ
Buổi chiều mẹ lên rẫy
Thấy bóng cây kơ-nia
Bóng tròn che lưng mẹ
Về nhớ anh mẹ khóc
chúng ta có thể tìm gặp ở hình tượng văn học này một nét nghĩa mới: cây kơ-nia là anh, là bóng mát của cuộc đời mẹ và cuộc đời em…
Từ hình tượng tạo cho bài thơ một nét nghĩa nhòe. Nhờ vậy, thơ hay, thơ có tứ hiểu theo nghĩa là ý cao, tình đẹp ẩn giấu ở đằng sau ngôn ngữ văn chương. Giả thiết rằng, miêu tả sự việc Thúy Kiều vượt qua hàng rào để tìm đến với Kim Trọng, Nguyễn Du viết:
Xắn tay bẻ cái hàng rào
Rẽ cây trông tỏ lối vào nhà Kim.
Hai câu thơ này có nghĩa mà không có tứ, vì ngoài việc thông báo sự kiện, nó không gợi được ở người đọc những ý tưởng sâu sắc, những rung cảm thẩm mỹ. Sự thật là thi sĩ tài hoa Nguyễn Du đã dùng ngôn ngữ hình tượng để gợi tả sự việc vừa nêu trên.
Xắn tay mở khóa động đào
Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai…
“Khóa động đào”, “mây”, “lối vào thiên thai” là những hình tượng văn học hòa hợp cùng nhau, hộ ứng với nhau để nói với người đọc của nhiều thế hệ biết bao điều về tình yêu, và về tấm lòng nhân đạo rộng mở của thi tài Nguyễn Du vào đầu thế kỷ XIX…
- Dùng từ sáng tạo
Từ sáng tạo là từ gọi tên sự vật lần thứ nhất, bằng cái nhìn tươi mát và hồn nhiên như trẻ thơ.
Cuộc sống có nhiều màu vẻ. Đời người đổi thay không ngừng. Nhưng hầu hết từ ngữ mà ta đang dùng đều quá cũ, vì đã được dùng đi dùng lại nhiều lần từ lâu. Do vậy, có lúc ta nhận thấy những từ ngữ có được bằng thói quen, bằng kinh nghiệm của mình, không còn đủ hiệu lực để diễn đạt một tình ý nào đó. Vì vậy ta muốn vượt ra ngoài quy ước đã có, muốn nhìn sự vật bằng đôi mắt của trẻ thơ, muốn táo bạo dùng một từ sáng tạo.
Từ “ngon” được Nguyễn Gia Thiều dùng thay cho “đẹp” trong Cung oán ngâm khúc là một ví dụ. Ta thường nói cảnh đẹp, hoa đẹp, người đẹp. Cái gì cũng đẹp, cho nên “đẹp” không diễn tả được điều gì đặc sắc. Trong Cung oán ngâm khúc, để tả sắc đẹp của cung nữ, Nguyễn Gia Thiều viết:
Đóa lê ngon mắt cửu trùng
Tuy mày điểm nhạt nhưng lòng cũng xiêu.
Trước và sau Nguyễn Gia Thiều, mọi người đều nói “đẹp mắt”, “đẹp lòng”. Một cách sáng tạo và độc đáo, Nguyễn Gia Thiều nói “ngon mắt”. Sống trong cung vua phủ chúa, chứng kiến cảnh sống bi thương của hàng trăm người thiếu nữ má đào mà phận bạc, nhà nghệ sĩ giàu lòng nhân ái Nguyễn Gia Thiều không khỏi sinh tâm oán trách cảnh sống xa hoa, dục lạc của đấng quân vương. Cho nên nhà thơ đã hạ một từ “ngon” để phơi bày những ham muốn vật chất thấp hèn đang được che giấu ở đằng sau những lớp vàng son lộng lẫy.
Điều cần lưu ý ở dây là sáng tạo nhưng không lập dị. Sáng tạo để được mới lạ và độc đáo, nhưng phải là mới lạ và độc đáo tối ưu chứ không phải là độc đáo và mới lạ tối đa. Không có cái mới phát sinh từ số không, từ hư vô. Cái mới hình thành từ cái cũ. Trên cái nền cũ mà người ta xây dựng các công trình mới. Nhà nghệ sĩ sáng tạo nói chung, dùng từ sáng tạo nói riêng không hoàn toàn tách rời truyền thống và thực tại. Ví dụ, thời gian không có màu, nhưng mùa thu có nhiều lá vàng nên một người nào đó từ xa xưa đã dùng từ “thu vàng” một cách sáng tạo. Từ đó, Xuân Diệu dùng từ “xuân hồng” để nói về mùa xuân, về tuổi trẻ, về tình yêu, còn Trịnh Công Sơn thì dùng từ “hạ trắng” để chỉ mùa hè xứ Huế với những con đường ngập đầy áo trắng của nữ sinh Đồng Khánh.
Sáng tạo là một hoạt động nghệ thuật của những nhà nghệ sĩ có thực tài. Không có tài mà muốn phá vỡ những quy tắc đã trở thành phổ biến để dùng từ sáng tạo, người ta sẽ trở nên lập dị và chỉ có thể dùng từ một cách cầu kì để viết những bài thơ khó hiểu. Đó là những bài thơ “bí hiểm” được mệnh danh là thơ tự do, một thứ quái thơ đã bị một nhà thơ trào phúng miền Nam trước năm 1975 châm biếm:
… hãy về đây những bài thơ
con hoang thời đại
cha chúng mày trót dại đẻ chúng mày thiếu tháng thiếu năm
dù bện tơ dệt lụa chúng mày nằm
dù mặc áo trăm màu sặc sỡ
kì dị quái gở
đời nhìn phút chốc quên ngay
(Dẫn theo Nguyễn Văn Trung, Lược khảo văn học, tập II, Nam Sơn, 1965, tr.53)
Ta bắt đầu học cách dùng từ đúng, rồi tập cách dùng từ hay, nhưng cái đích cuối cùng vẫn là luyện cho được cách viết tự nhiên, giản dị. Tự nhiên và giản dị là đỉnh cao của nghệ thuật.
Trích "Tiếng Việt thực hành" tác giả Hà Thúc Hoan