Bác Hồ - tấm gương sáng về việc luyện tập sức khỏe

Asaki_No1

Trưởng phòng thể thao
Xu
0
Bác Hồ hiểu rõ vai trò của việc tập luyện TDTT đối với sức khoẻ con người. Chính vì thế Bác lấy việc tập luyện như một lẽ sống giản dị: “Tập TDTT để giữ gìn tăng cường sức khoẻ, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân được nhiều hơn nữa”, nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Bác vẫn duy trì một nếp tập luyện đều đặn thường xuyên.

Bac-tap-vo.jpg

Bác Hồ đang dạy võ cho bộ đội.

Trong những năm đầu của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tình thế cách mạng hiểm nghèo, giặc đói, giặc dốt hoành hành, thù trong giặc ngoài đe doạ, dù bận trăm công nghìn việc, không mấy đêm Bác được ngon giấc ngủ, nhưng sáng sáng Bác vẫn không bỏ việc tập luyện. Khi giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng ác liệt, Bác lại càng coi trọng việc tập luyện TDTT để phục vụ công cuộc chống ngoại xâm.

Những tấm hình do các nhà nhiếp ảnh, quay phim ghi được về Bác Hồ tập võ dân tộc, Bác hướng dẫn, dạy cách đánh cận chiến của võ tay không chống trả đối phương có kiếm, thương, thậm chí có súng ở bên bờ sông Phó Đáy (Tuyên Quang) những năm kháng chiến. Cảnh Bác Hồ chơi Bóng chuyền trong rừng Khâu Lấu, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang lúc Bác 57 tuổi, thật sự cảm động. Hình ảnh Bác Hồ đi ngựa trên đường công tác, tập bơi suối giữa cái rét giá thấu xương ở rừng Việt Bắc. Ngoài ra, Bác còn ưa thích tập môn đi bộ và leo núi.

Đồng chí Vũ Kỳ kể rằng: Bác Hồ có kiểu tập nhảy “dậm chân tại chỗ” thật lạ và thú vị. Số là “Phòng Chủ tịch nước”- nơi làm việc của Bác cách các lán khác thường từ dăm chục mét đến ba bốn trăm mét. Đường đi lên lán hay xuống suối, đến nhà ăn đều được Bác cho đặt những rào chắn cao từ 10 - 15cm đến mức cao nhất trên 40cm. Mỗi khi đi qua, Bác và mọi người phải chụm chân nhảy không được lấy đà. Tập sức bật tại chỗ như vậy khá “trường kỳ” nhưng rõ ràng đạt hiệu quả. Cách rèn luyện “vượt chướng ngại” như thế, giúp Bác có thêm sức khoẻ dồi dào.

Nhà quay phim Liên Xô cũ đã đưa vào các phim Việt Nam trên đường thắng lợi, Chiến thắng Điện Biên Phủ và Cây tre Việt Nam hồi thập niên 50 một số hình ảnh tập luyện của Bác khá đẹp. Một tờ báo của Liên Xô đã viết rất sâu sắc về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tập luyện thể dục, chơi thể thao cùng với lối rèn luyện thân thể sáng tạo, đã góp phần tạo nên chiến thắng thực dân Pháp vang lừng thế giới.

Những năm 1956, 1957 các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô phát động phong trào Rèn luyện thân thể để lao động và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều nước bạn đã nêu tấm gương tập luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh để mọi người theo.

Tết Giáp Ngọ, Bác nhận ra khả năng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, từ tháng 5/1954 Bác quyết định chuyển cơ quan về Thái Nguyên lấy rừng Vai Cầy, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ làm “bản doanh kháng chiến”. Nguyên đội trưởng Đội 1, Tạ Quang Chiến lúc đó là Đội trưởng Thanh niên xung phong (TNXP) 36, cùng các đồng chí Hoàng Hữu Kháng, Phan Mỹ, đơn vị C.272 được Bác giao nhiệm vụ về Vai Cầy xây dựng cơ quan. Một thời gian ngắn, ngôi nhà sàn giản dị được dựng kín đáo mà ngay cả chiến sĩ C.272 lúc đó cũng không một ai biết địa danh này là ở vùng nào, vì nguyên tắc bảo mật không ai hỏi ai. Nhiều bô lão như các cụ Bế Văn Khoa, Triệu Văn Vượng, Triệu Sơ kể rằng: “Ngày đó đứng ở ngọn đồi cao trước mặt, thường thấy một cụ già làm việc trong Nhà sàn. Đặc biệt sớm, chiều nào cũng thấy cụ ra tập thể dục hoặc đánh bóng chuyền ở bãi cỏ dưới chân đồi cùng một số thanh niên. Nhiều bữa các cụ còn thấy cụ già xuống suối tắm, bơi ở khúc suối rộng, mà đáy suối có nhiều đá tròn bằng nắm tay. Mãi về sau các cụ mới biết đó là Bác Hồ. Trên bàn làm việc của Bác thấy có mấy viên đá lấy từ đáy suối này lên. Bác dùng để tập nắm bóp bàn tay, quay cổ tay mỗi khi nghỉ giải lao, Chiến sĩ phục vụ gọi là “tạ an-te" cải tiến...

Sau ngày về lại Thủ đô, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác chưa một ngày “quên” tập thể dục. Bên nhà sàn trong Phủ Chủ tịch hiện nay, suốt 15 năm (1955-1969) nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ… phục vụ Bác, đều nhớ mãi hình ảnh Bác tập thể dục, tập quyền hoặc bài Thái cực quyền. Đôi khi Bác ra câu cá, chăm cây bên hồ cá. Mỗi sáng, sau lúc tập thể dục xong Bác lại chăm chút mấy dò phong lan rừng do bộ đội Trường Sơn biếu Bác. Khi bước sang tuổi “xưa nay hiếm” Bác vẫn rất khoẻ, da dẻ hồng hào.

Tháng 12/1961, Bác sang thăm Trường Trung cấp TDTT trung ương (nay là trường Đại học TDTT I), hơn 500 sinh viên Khoá 2 đang tập võ dân tộc. Bác ra sân tập xem, thấy các nữ sinh tay cầm kiếm chưa đúng, Bác đã ra tận nơi uốn nắn động tác sai, rồi Bác còn căn dặn thêm “Võ dân tộc của cha ông ta rất giàu tính chiến đấu”.

Từ năm 1958 Bác Hồ thường dành thời gian quý báu đón các đoàn vận động viên, cầu thủ các nước mỗi khi đến thi đấu hữu nghị ở nước ta như các đội Bóng đá: Vương quốc Campuchia, Vương quốc Lào, CHDC Đức, Angiêri, Miến Điện (Myanma), Liên Xô (nay là Liên Bang Nga), CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc, Rumani, Cu Ba… Nhiều danh thủ ở các môn: Bơi, Bóng bàn, Bóng chuyền, Điền kinh các nước đều có kỷ niệm sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đầu năm 1963 nhân khai mạc tuần Thể thao hữu nghị Việt Nam-Campuchia (tháng 2), Việt Nam-Lào (tháng 3), Bác Hồ ra sân vận động Hàng Đẫy dự, sau đó còn tiếp các VĐV ở Phủ Chủ tịch. Cuối năm 1963 giải Bóng đá Quân đội các nước XHCN (SKDA) diễn ra tại Việt Nam. Bác gặp mặt thân mật với tất cả cầu thủ các đội tại Phủ Chủ tịch. Năm 1965, giặc Mỹ leo thang đánh phá dữ dội miền Bắc, các đoàn VĐV Cu Ba, Trung Quốc sang thi đấu hữu nghị, vẫn được Bác Hồ gặp và hỏi chuyện VĐV tại Phủ Chủ tịch. Chiều ngày 19/12/1966, hơn 120 cán bộ, VĐV Việt Nam đi dự GANEFO châu Á ở Campuchia thắng lợi trở về, Bác hỏi chuyện thi đấu, ăn ở, tình cảm của bà con Việt kiều sống ở Pnôm Pênh. Rồi Bác Hồ khen hai xạ thủ Trần Oanh, Nguyễn Mạnh Hùng, danh thủ Bơi Vũ Thị Sen, VĐV Điền kinh Trần Hữu Chỉ cùng đoạt HCV được Bác tặng Huy hiệu.

Năm 1967 Bác Hồ da diết nhớ miền Nam. Bác dự định vào tiền tuyến lớn thăm đồng bào, chiến sĩ. Bác đã dành thời gian cho đợt tập luyện dã ngoại này. Đồng chí Vũ Kỳ kể: “Hồi đó mỗi ngày Bác tập hành quân từ 5 đến 10km có hôm tăng lên tới 20km đường rừng, băng đèo, vượt sông. Bác cũng đeo ba lô nặng 25kg”. Bác chưa kịp về Nam, những người có dịp may luyện tập với Bác những ngày đó càng hiểu hàm ý câu thơ Tố Hữu viết: "Bác nhớ Miền Nam nỗi nhớ nhà, Miền Nam mong Bác nỗi mong cha". Thư viết ngày 31/3/1960 gửi Hội nghị cán bộ TDTT toàn miền Bắc của Bác đã chỉ rõ: "Cán bộ TDTT thì phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác”. Ngành TDTT và giới TDTT cả nước càng nhớ Bác, phấn đấu làm theo lời Bác Hồ dạy và noi theo tấm gương đạo đức của Người suốt cuộc đời.

Trương Xuân Hùng
Tổng Cục Thể Thao
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top