• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chia Sẻ Bác Hồ Đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập

Trang Dimple

New member
Xu
38
Vào cuối thế kỷ XIX, nước ta bị thực dân Pháp thống trị. Không cam chịu nô lệ, nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can... đi tìm đường cứu nước, nhưng kết cục đều bị thất bại. Trong lúc khó khăn chưa có lối thoát, ngày 5/6/1911, Bác Hồ với tên gọi Nguyễn Tất Thành đã rời bến Nhà Rồng quyết tâm ra đi tìm bằng được con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.
images1313964_600.jpg


Bác Hồ Đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập
Trước đó hai mươi năm, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã có "Bản án chế độ thực dân Pháp". Nhưng lúc đó, Người mới là đại biểu dân thuộc địa. Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của nước Việt Nam là một mốc lớn quan trọng của dân tộc. Bây giờ, chính Người và cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Người sẽ thi hành bản án ấy.

Ngày 27 tháng 8 năm 1945, Thường vụ Trung ương họp. Rồi Hội đồng Chính phủ họp. Bàn nhiều công việc quan trọng, trong đó có việc tổ chức lễ tuyên bố Độc lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh phụ trách thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

Mọi việc chuẩn bị ngày lễ Độc lập đều gấp rút, đều quan trọng. Nhưng gấp rút nhất, quan trọng nhất là dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Từ Nam quốc sơn hà thế kỷ 11 đời Lý, Bình Ngô đại cáo thế kỷ thứ 15 đời Lê, đến Tuyên ngôn Độc lập thời đại Hồ Chí Minh thế kỷ thứ 20, khoảng cách dài gần 10 thế kỷ, ngót nghìn năm.

Kể từ ngày thứ ba, 28 tháng 8 năm 1945 ấy, tức là ngày 21 tháng 7 Ất Dậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung vào việc soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập.

Trên gác hai nhà 48 Hàng Ngang, trong một căn phòng rộng mà chủ nhà làm phòng ăn, ở giữa kê một cái bàn dài to, quanh bàn có tám ghế tựa đệm mềm là nơi Bác Hồ thường làm việc với các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng. Cuối phòng, sát tường phía sau, kê một chiếc bàn tròn mà Bác cùng chúng tôi thường ăn sáng. Bác hay ngồi suy nghĩ và đánh máy bên chiếc bàn con kê sát tường góc phía trong. Mặt bàn hình vuông, bọc da xanh màu lá mạ, vừa đủ để tập giấy bút và chiếc máy chữ nhỏ mang từ chiến khu về. Bác trầm ngâm suy nghĩ phác thảo Tuyên ngôn Độc lập.

Nửa đêm hôm ấy, tôi chợt thức giấc, thấy Bác vẫn ngồi chăm chú làm việc. Hà Nội sau một ngày sôi động đang đi vào yên tĩnh. Đêm mùa thu, trên căn gác thoáng rộng, không khí mát lành. Tôi trở dậy, bước thật nhẹ ra phía hành lang, nhìn xuống đường. Ban ngày, phố Hàng Ngang náo nhiệt, chật chội. Giờ đây rộng vắng giữa đêm khuya. Hai đường ray tàu điện chạy thành hai vệt thẳng, đen nhánh. Trước mõi căn nhà dọc phố, cờ đỏ sao vàng sẫm lại trong đêm. Một tốp tự vệ mặc quần soóc, đầu đội mũ calô, đang đi tuần dọc phố, bóng dáng hiên ngang.

Chỉ mới cách đó hơn một tuần, Hà Nội còn là một thành phố bảo hộ, mật thám như rươi, thoáng thấy mầu cờ đỏ là cả bộ máy cai trị của kẻ thù lồng len như thú dữ. Thế mà giờ đây cờ đỏ phấp phới bay khắp phố phường. Đêm ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang ngồi giữa lòng Hà Nội soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập, mở đầu một kỷ nguyên mới cho dân tộc: Kỷ nguyên Độc lập, Tự do. Thật là kỳ diệu. Cách mạng là một sự kỳ diệu. Và chính Người, từ Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh, đã cùng với toàn dân làm nên điều kỳ diệu đó. Từ buổi nhen nhóm phong trào cách mạng, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ra đời vào năm 1925, do chính Người sáng lập, để năm năm sau, chính đảng đầu tiên của giai cấp Công nhân Việt Nam bước lên vũ đài chính trị.

***
Chiều ngày 31 tháng 8 năm 1945, Bác bảo đưa cho Bác xem sơ đồ địa điểm tổ chức mít tinh và nhắc Ban tổ chức chú ý cả nơi vệ sinh cho đồng bào, và dặn nếu trời mưa thì kết thúc sớm hơn, tránh cho đồng bào bị mưa ướt, nhất là đối với các cụ già và các cháu nhỏ.

1234988_10151805450396893_1404371233_n.jpg
Chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên quảng trường Ba Đình, một quang cảnh vừa náo nhiệt, vừa xúc động. Khi Cụ Hồ vừa xuất hiện trước máy phóng thanh, thì cả quảng trường âm vang tiếng hô:

- Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!

- Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!

Và khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang sảng cất tiếng đọc Tuyên ngôn Độc lập thì cả biển người im phăng phắc lắng nghe:

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc..."

Đọc được một đoạn, Cụ Hồ bỗng dừng lại, đưa cặp mắt âu yếm nhìn toàn thể đồng bào, cất tiếng hỏi:

- Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?

Tiếng đáp lại liền ngay như sấm:

- Có!

Người dân và Chủ tịch nước bỗng trở nên gần gũi và vô cùng thân thiết.

Càng về cuối bản Tuyên ngôn Độc lập, giọng Cụ Hồ càng âm vang, như cuốn hút mọi người.

"Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-ran và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhân quyền độc lập của dân Việt Nam.
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi - Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng Tự do, Độc lập và sự thật đã trở thành một nước Tự do, Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền Tự do, Độc lập ấy!"
1_166715.png


Cùng với ngày 2 tháng 9 năm 1945, bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào, là một mốc son chói lọi trên con đường dài đấu tranh dựng nước và giữ nước suốt mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của nước Việt Nam cũng là một mốc lớn quan trọng của dân tộc. Đó thực sự là lời tuyên bố đanh thép về sự cáo chung của chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức. Đồng thời nó cũng báo hiệu sự mở đầu của một thời đại mới, thời đại trỗi dậy của các dân tộc nhược tiểu đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Trước đó hai mươi năm, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã có "Bản án chế độ thực dân Pháp". Nhưng lúc đó, Người mới là đại biểu dân thuộc địa. Bây giờ, chính Người và cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Người sẽ thi hành bản án ấy. Và như chúng ta đã biết, bản án đã được thực hiện bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu chín năm sau đó.


VŨ KỲ
Thư ký giúp việc Bác Hồ từ năm 1945 đến 1969
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh
(trích Nhớ mãi những phút giây đầu tiên)
 
Sửa lần cuối:
Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945
Sau khi lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách Mạng Tháng Tám (1945), giành độc lập cho Việt Nam từ tay phát xít Nhật, sáng ngày 02 tháng 09 năm 1945, trước hàng vạn đồng bào thủ đô Hà Nội, Chủ Tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời đọc bản "Tuyên Ngôn Độc Lập" khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhà nước độc lập đầu tiên của giai cấp lao động, ra mắt chính phủ mới. Sau đây là tòan văn bản "Tuyên Ngôn Độc Lập".

“Hỡi đồng bào cả nước,

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Lời nói bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập nǎm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.


Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp nǎm 1791 cũng nói:

"Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Thế mà hơn 80 nǎm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngǎn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngǎn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tuỷ, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.

Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Chúng đặt ra hàng trǎm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

Mùa thu nǎm 1940, phát xít Nhật đến xâm lǎng Đông Dương để mở thêm cǎn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối nǎm ngoái sang đầu nǎm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.

Ngày 9 tháng 3 nǎm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại, trong 5 nǎm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.

Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa.

Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.

Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.

Sự thật là từ mùa thu nǎm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 nǎm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hoà.

Bởi thế cho nên, chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.

Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrǎng và Cựu Kim Sơn quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.

Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 nǎm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy nǎm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”


Hồ Chí Minh
 
Lễ quốc khánh tại Hà Nội
Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội như các bầy ong, từng đoàn lúc lớn lúc nhỏ, lũ lượt dần dần kéo đến cạnh quảng trường Ba Đình. Ở nhiều chỗ là cả một khối dân chúng các làng ngoại ô. Đi theo trong biển người đó, có cả đoàn nhân dân miền núi với y phục địa phương của họ, và nông dân trong những bộ khăn áo cổ truyền. Giữa các khối khác nhau, người ta dễ dàng nhận ra các tổ chức của công nhân, sơmi trắng, quần dài hoặc quần soóc trắng hoặc xanh. Phụ nữ mặc áo dài trắng hay màu sáng, tay khoác nón.

Cho đến tận trưa, cả toán OSS (Cục Công tác chiến lược của quân đội Mỹ) chúng tôi lăn lộn ở ngoài phố, chụp ảnh, ghi chép về các nhóm người, các sự kiện, các khẩu hiệu, biểu ngữ, apphich... Có nhiều khẩu hiệu bằng tiếng Pháp, Anh, một số bằng tiếng VN: “VN của người VN”, “Hoan nghênh đồng minh”, “Hoan nghênh phái đoàn Mỹ”, “Thà chết, không nô lệ”...

Khoảng trưa, chúng tôi đi về phía quảng trường Ba Đình. Tôi đã quyết định từ chối lời mời của ông Hồ (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đến khu vực lễ đài dành cho quan khách, để đi xem buổi lễ chỉ như một người quan sát trong quần chúng. Chúng tôi chọn được một điểm thuận lợi ngay trước lễ đài, giữa đám viên chức địa phương.

Trong khi chờ đợi ông Hồ và các quan chức tùy tùng tới, tôi nhìn thấy một nhóm cố đạo Thiên Chúa giáo mặc áo thầy tu trắng và xanh đen, có cả các chức sắc mang khăn quàng và dải viền đỏ. Cách họ không xa là các nhà sư Phật giáo khoác áo cà sa màu vàng, rồi đến các chức sắc Cao Đài, áo dài trắng có tua và khăn quàng sặc sỡ.

Mặt trời đã lên cao. Không khí oi bức. Nhưng đôi lúc cũng có cơn gió nhẹ thổi làm phấp phới cả biển cờ trên quảng trường. Trên cột cao trước lễ đài, lá cờ đỏ với ngôi sao vàng lớn phấp phới bay.



Bất chợt có tiếng còi và các hiệu lệnh quân sự phát ra từ các đội hình. Đội danh dự và các đơn vị bộ đội đứng thẳng và chăm chú theo dõi, có người đã bắt đầu xuất hiện trên lễ đài.

Mấy phút sau, nổi lên tiếng hô “Bồng súng chào”, quần chúng bỗng im lặng trong khi các vị chức quyền tìm chỗ đứng vào đằng sau cái bao lơn được trang trí bằng màu trắng và đỏ. Trên lễ đài, mọi người đều mặc đồ trắng, thắt cà vạt và để đầu trần, trừ một người nhỏ nhắn mặc áo kaki màu sẫm và có cái gì như là cái khăn trùm đầu - đó là Hồ Chí Minh.

Đội danh dự và công tác bảo vệ được giao cho bộ đội của Võ Nguyên Giáp, lực lượng được huấn luyện, trang bị, có kỷ luật nhất của họ. Mũ bấc, đồng phục kaki, quần soóc, tất cao, họ trưng bày các vũ khí mới một cách hãnh diện, lúc trong tư thế đứng nghiêm, lúc nghỉ.

Ở đó còn có các đơn vị tự vệ - dân quân mặc áo lẫn lộn quần áo nhà binh Pháp, Nhật hoặc quần áo ngắn xanh hay đen, mang theo một loạt các vũ khí cũng lộn xộn từ súng kíp, gươm, dao rựa, mã tấu có cán gỗ dài và cả gậy tày... Có thứ hình như họ mới lấy ở các đình, chùa ở làng ra.

Tất cả dựng lên một cảnh tượng sinh động với khoảng 500.000-600.000 người (theo không ảnh của Mỹ chụp ngày hôm đó).

Lê Xuân, nguyên là người liên lạc của chúng tôi, đã đi một vòng và cho rằng quần chúng hết sức tò mò và quan tâm đến vị lãnh đạo “mới” của Chính phủ. Mọi người đều muốn biết “ông Hồ Chí Minh bí ẩn” này là ai. Ông ở đâu về?

Một tiếng trong loa phóng thanh nổi lên phá vỡ sự im lặng, giới thiệu “Cụ Hồ là người giải phóng, vị cứu tinh của dân tộc”. Quần chúng được hướng dẫn của các đảng viên, lên tiếng hát và trong mấy phút liền hô vang “Độc lập”. Ông Hồ ngồi yên mỉm cười, nhỏ nhắn về dáng vóc, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản tuyên ngôn, nay thành nổi tiếng của ông với những lời: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: “Đồng bào có nghe rõ không?”, quần chúng hô vang đáp lại: “Rõ”! Thật là một nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy. Từ lúc đó, quần chúng lắng nắm lấy từng lời. Chúng tôi không hiểu ông Hồ đã nói gì.

Lê Xuân phải cố gắng lắm để dịch nhưng cũng rất khó khăn. Nhưng cứ nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm áp và thân mật, và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi còn nghi ngờ gì nữa là ông đã thấu tới quần chúng.

Ông Hồ tiếp tục: “Lời nói bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Quay về bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791, nói về quyền con người và quyền công dân, ông Hồ nói bản tuyên ngôn đã công bố: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi... Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Đến khoảng hai giờ, ông Hồ kết thúc bản tuyên ngôn, tiếp sau đó là Võ Nguyên Giáp nói về vai trò của Việt Minh, nhấn mạnh công tác của đảng trong lĩnh vực chính trị - quân sự, phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giáo dục và văn hoa. Sau bài diễn văn, các bộ trưởng mới được chỉ định, từng người một được giới thiệu ra mắt nhân dân. Buổi lễ kết thúc bằng việc các bộ trưởng tuyên bố nguyện trung thành và triệt để ủng hộ Chính phủ lâm thời nước VN dân chủ cộng hòa.

ARCHIMEDES L. A. PATTI

"Là một sĩ quan tình báo của Mỹ, Archimedes Patti đã có mặt và can dự vào những biến động lịch sử ở VN vào thời điểm quyết định của cuộc Chiến tranh thế giới lần hai, cũng là bước ngoặt quyết định của cách mạng giải phóng dân tộc VN.

Những ấn tượng tốt đẹp của ông đối với những người cách mạng VN mà ông đã cộng tác, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã giúp đỡ viên sĩ quan tình báo Mỹ nhận ra được cái điều mà sau này ông đã giữ trọng trong cuộc đời mình, đó là tình hữu nghị cần có giữa hai dân tộc...”.
 
Người kéo cờ trong ngày lễ Quốc khánh 2/9/1945
Có hai nhân vật được vinh dự kéo cờ trong ngày lịch sử đó và lại là hai cô gái. Một trong hai người đó là Bà Dương Thị Thoa, bí danh: Lê Thi. Khi đó bà 19 tuổi.

Hiện nay, bà là GS.TS Triết học, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phụ nữ và Gia đình, Viện KHXH Việt Nam và cũng nguyên là Cán bộ đoàn phụ nữ cứu quốc có mặt trong Ngày độc lập lịch sử đó.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên website ĐCSVN, bà Lê Thi cho biết:

"Hôm đó, tôi đứng trong đoàn phụ nữ cứu quốc mặc áo dài trắng. Bên cạnh chúng tôi là đoàn nữ dân quân ngoại thành mặc quần đen áo nâu rồi đến đoàn công nhân mặc áo xanh... Đang đứng đó thì tôi thấy các anh bảo là đoàn tôi cử một người lên kéo cờ. Các chị trong đoàn bảo tôi: Đồng chí lên đi! Lúc đó, tôi rất run và sợ vì không được chuẩn bị tinh thần trước và tôi lại chưa kéo cờ bao giờ.

Khi lên đến nơi thì có một chị nữa cùng kéo cờ với tôi. Hôm đó, hai chị em còn chưa kịp hỏi tên nhau. Về sau tôi mới biết, đó là vợ của Trung tướng Hoàng Văn Thái. Cả hai chị em đều rất lo, nhìn xuống dưới không biết bao nhiêu người. Tôi tự nhủ: hôm nay kéo cờ mà tắc thì sẽ là điều không may cho ngày độc lập. Vì vậy, mãi đến khi nhìn thấy lá cờ vút bay cao trong gió, nghe thấy tiếng vỗ tay hoan hô ở phía dưới, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm và biết là mình đã hoàn thành nhiệm vụ. "
 
Hồ Chí Minh – Người tìm đường cứu nước – đưa Cách mạng Tháng tám đến thành công

Vào cuối thế kỷ XIX, nước ta bị thực dân Pháp thống trị. Không cam chịu nô lệ, nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can... đi tìm đường cứu nước, nhưng kết cục đều bị thất bại. Trong lúc khó khăn chưa có lối thoát, ngày 5/6/1911, Bác Hồ với tên gọi Nguyễn Tất Thành đã rời bến Nhà Rồng quyết tâm ra đi tìm bằng được con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Tất Thành đã len lỏi trong quần chúng cần lao, trong giới thợ thuyền, những người nông dân nghèo khổ, đến các nông thôn hẻo lánh ở New York, Luân Đôn, Pari, Thái Lan, Trung Quốc... để tìm hiểu, tham gia vận động và tổ chức các phong trào cách mạng. Song, lúc đó Người chưa thể có điều kiện đầy đủ để bắt gặp Chủ nghĩa Mác-Lê Nin. ở châu Âu, chủ nghĩa Mác ra đời đã trên 60 năm (1847-1911), nhưng trên thế giới chưa có cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nào giành được thắng lợi. Những nơi mà Nguyễn Tất Thành (Nguyễn ái Quốc) đặt chân đến để tìm hiểu, nghiên cứu cũng chưa có Đảng Cộng sản, và trước năm 1919, Quốc tế Cộng sản chưa ra đời. Người nghiên cứu những cuộc cách mạng đã giành thắng lợi tại những nước tư bản phát triển nhất. Đó là cách mạng Mỹ năm 1776, cách mạng tháng 7/1789 và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa chống chủ nghĩa thực dân. Người rất khâm phục tinh thần cách mạng ở những nước này, nhưng không thể đi theo con đường cách mạng của họ được. Bởi vì, như Người đã nói: “Kách mệnh Mỹ cũng như kách mệnh Pháp nghĩa là kách mệnh tư bản, kách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Năm 1917, Người trở lại Pháp tham gia phong trào công nhân Pháp.

Tháng 11 năm đó, diễn ra một sự kiện rung chuyển toàn thế giới, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử xã hội loài người. Đó là cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại thắng lợi, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử xã hội loài người, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Đến giữa năm 1923, Người rời nước Pháp sang Liên Xô trực tiếp tìm hiểu và hoạt động tại quê hương Lê Nin vĩ đại. ở đây, Người có những điều kiện thuận lợi để tiếp thu đầy đủ chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tìm hiểu kinh nghiệm của cách mạng tháng Mười, quan sát trực tiếp nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới ra đời và tham gia hoạt động của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế thứ ba). Nhờ đó, nhận biết của Người về lý luận và thực tiễn nói chung và kinh nghiệm của cách mạng tháng Mười được sâu sắc hơn, đã giãi bầy đúng đắn vấn đề mà Người rất quan tâm. Đó là con đường giải phóng dân tộc bị áp bức, độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội, góp phần định hướng con đường cứu nước, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.

Từ đây, Nguyễn ái Quốc đứng hẳn về con đường cách mạng tháng Mười, đứng hẳn về Chủ nghĩa Mác-Lê Nin, đứng hẳn về Quốc tế Cộng sản. Như Người đã ghi lại trong cuốn sách Đường Kách mệnh: “Trong thế giới bây giờ chỉ có kách mệnh Nga là thành công và thành công đến rồi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do bình đẳng thật sự. Kách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ, rồi lại ra sức cho công nông các nước và các dân tộc bị áp bức, các thuộc địa làm kách mệnh để lật đổ tất cả đế quốc và tư bản chủ nghĩa trên thế giới”.

Lập trường của Người đứng hẳn về chủ nghĩa Mác-Lê Nin được ghi rõ: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, kách mệnh nhất là chủ nghĩa Mác-Lê Nin”.
Lập trường dứt khoát đứng hẳn về Quốc tế Cộng sản cũng được Người ghi rõ: “Việt Nam muốn kách mệnh thành công thì phải gia nhập Đệ tam Quốc tế”.

Với lập trường yêu nước đúng đắn, Người đã vạch ra chân lý sáng ngời cho dân tộc Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Người còn chỉ rõ: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”.

Công lao vĩ đại của Bác Hồ không những chỉ rõ sự nghiệp giải phóng dân tộc đi liền với cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà Người còn biết gắn phong trào cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Người đã đi nối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa với cách mạng vô sản ở các nước như hai cánh của con chim”. Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới.

Sau gần 15 năm tìm đường cứu nước, đến năm 1924, Người rời đất nước Nga Xô viết trở về phương Đông, Quảng Châu gần tổ quốc Việt Nam để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê Nin vào Việt Nam và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đến Quảng Châu, Người chuẩn bị về chính trị tư tưởng và tổ chức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê Nin vào Việt Nam để lôi cuốn những người yêu nước Việt Nam đi theo con đường Bác đã chọn và chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước hết, Người tiếp xúc với những thanh niên yêu nước hăng hái nhất trong nhóm Tâm Tâm Xã như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong... Thông qua họ, Người xúc tiến kế hoạch xây dựng một tổ chức cách mạng. Người mở lớp học để đào tạo cán bộ về công tác tổ chức và tuyên truyền. Đến tháng 5/1925, Người lập ra tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Suốt từ năm 1924 đến đầu năm 1930, Nguyễn ái Quốc đem hết sức mình đào tạo ra lực lượng cách mạng nòng cốt đầu tiên cho phong trào cách mạng Việt Nam, xây dựng tổ chức tiền thân của Đảng, để chỉ đạo hướng dẫn hội viên thanh niên đi vào quần chúng để tuyên truyền giác ngộ truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tổ chức quần chúng đưa họ ra đấu tranh. Phong trào đấu tranh của quần chúng chống áp bức thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp ngày càng lên cao, trong đó giai cấp công nhân đã trở thành một lực lượng chính trị độc lập. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lê Nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam đã dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930 do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện. Đảng ta, đứng đầu là Bác Hồ đã sớm giải quyết đúng đắn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đưa cách mạng tháng Tám đến thành công, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam á. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước, đứng đầu là Hồ Chủ Tịch, đã động viên toàn dân, toàn quân chiến đấu giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cả nước được độc lập thống nhất và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi rực rỡ ngày nay.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top