BA BƯỚC ĐỂ ỔN ĐỊNH TƯ TƯỞNG CHO MÙA THI
(giao duc) - Trước mùa tuyển sinh ĐH- CĐ 2012, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội đã có một số lời khuyên giúp thí sinh bình tĩnh ôn luyện và thi.
Cần ổn định tư tưởng
Thời điểm này, các em học sinh đang chuẩn bị chọn trường, nộp hồ sơ đăng ký dự thi và chính thức bước vào guồng quay của kỳ thi ĐH-CĐ 2012. Tôi luôn khuyên rằng, các em phải coi việc học ĐH, CĐ cũng như học nghề là một bước phát triển tiếp theo trong cuộc sống, việc đỗ ĐH- CĐ chỉ là bước đầu của chặng đường dài học và làm việc chuyên nghiệp chứ không phải tất cả. Nhiều em ngộ nhận việc mình được vào ĐH hay không là hơn thua bạn bè nên đã tạo ra những áp lực cho bản thân.Tuy nhiên cũng không vì thế mà quá lạc quan, thiếu chuẩn bị chu đáo.
Trước một trận đánh mà không chuẩn bị gì cả thì coi như đã thua. Chính vì vậy thí sinh cần tuyệt đối tập trung tinh thần, trí tuệ vào việc ôn tập để thi cử. Theo tôi, có 3 bước để học sinh ổn định tư tưởng.
Bước 1: là các em cần biết vượt qua những khó khăn (vật chất, tinh thần, sức khỏe) và cám dỗ (ăn chơi, bè bạn lôi cuốn)... Cần phải tập trung cố gắng, ưu tiên số 1 cho việc ôn thi. Ngoài ra phải dứt khoát bỏ đi tâm lý thiếu chủ động, phải xác định không thể trông chờ vào bố mẹ có "ô dù, vai vế" hay bạn bè hỗ trợ, ỉ vào “phao”...
Bước 2: là lựa chọn phương pháp ôn tập đúng: Tôi khuyên các em cần phải tự hệ thống hóa kiến thức ôn tập; tự xây dựng những bản đồ tư duy để ghi nhớ, vận dụng những kiến thức từ đời sống để bài làm có được sự sinh động và có nét riêng của mình, những sáng tạo riêng. Các em vừa học cá nhân nhưng phải có thời gian trao đổi với bạn bè, đây cũng là cách ôn tập thông minh và chắc chắn. Ngoài ra, nên tìm nguồn vui học tập trong thời gian ôn thi, nên thay đổi môn học để việc học không quá nặng nề, buồn chán.
Bước 3: là cần phân bổ thời gian hợp lý: Các em không nên học dồn dập vào những ngày cận kỳ thi, bởi theo nghiên cứu tâm lý, những đường mòn trên vỏ não của chúng ta phải được lặp đi lặp lại thì sức nhớ mới lâu. Vì vậy, các em phải chia thời gian học, không để gần thi mới học, kiến thức bị dồn lại khiến phản xạ thần kinh khi bị tác động quá sẽ tự động xóa dữ liệu gây phản tác dụng.
Tâm lý thoải mái, thí sinh sẽ làm bài tốt.
Phụ huynh: Không kỳ vọng mà phải kỳ công
Phụ huynh đóng một vai trò rất quan trọng với việc thi cử của con. Bây giờ mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con nên nhiều khi phụ huynh đã kỳ vọng vào con tất cả những việc mà mình đã không làm được trong quá khứ. Đấy là tâm lý chung. Nhưng các bậc phụ huynh cũng phải hiểu mỗi con em mình có một điều kiện, hoàn cảnh và khả năng nhất định, vì vậy phải biết bằng lòng với những điều mà con cái mình có.Nhiều bậc cha mẹ còn áp dụng cả cách "nói nhiều" với mong muốn "mưa dầm thấm lâu" nhằm đưa con theo hướng đi mình đã vạch sẵn, nhưng thực tế trẻ con lại không thích, chính điều đó sẽ phản tác dụng.
Bố mẹ phải bớt kỳ vọng và tăng kỳ công bởi nếu quá kỳ vọng vào con cái mà sau đó con thất bại thì sẽ thành bi kịch với chúng. Còn kỳ công là phải bỏ nhiều công sức hơn để hỗ trợ con chứ không phải làm giúp con (về cả tâm lý, trí tuệ, chăm sóc chứ không chỉ là tiền bạc). Không can thiệp sâu, áp đặt hay ép buộc con cái phải làm theo ý mình, nhất là định hướng chọn nghề nghiệp.
Một sai lầm khác là các bậc cha mẹ thường vẽ ra những viễn cảnh xấu nếu con trượt ĐH. Tôi đã từng nghe nhiều phụ huynh răn con rằng: "Nếu không đỗ ĐH thì chỉ có đi cày ruộng; không vào ĐH thì chẳng làm được gì cho đời; không đỗ ĐH thì thà giết bố mẹ đi còn hơn...”. Họ vô tình trút lên vai con những dằn vặt, lo toan của bản thân mình, gây ảnh hưởng rất xấu cho sĩ tử.
Nguồn: DânViệt
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: