thuydaonguyen
New member
- Xu
- 0
Bà Ba Cai Vàng và cuộc khởi binh chống Nguyễn năm 1862-1864.
Bà Ba Cai Vàng (1836-1908), tên thật là Lê Thị Miên, còn được gọi là Yến Phi, biệt biệu Hồng Y liệt nữ; là vợ ba của Cai Vàng, thủ lĩnh cuộc nổi dậy chống lại nhà Nguyễn vào năm 1862-1864, dưới thời vua Tự Đức tại miền Bắc Việt Nam.
Quê bà ở thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Tương truyền, trong một ngày hội Lim, có một công tử đang giỡ trò thô lỗ trêu ghẹo những cô gái quê. Bất bình, một chàng trai trẻ xông tới tung quyền cước khiến người vị công tử ngã sóng soài trên mặt đất. Lập tức, những người theo hầu ùa tới. Thất thế, chàng trai vội nhảy phốc lên con ngựa của mình rồi phóng đi mất dạng...
Người ta còn kể rằng, trong một lần thi đấu võ, có thủ lĩnh Cai Vàng chứng kiến, cũng chính chàng trai ấy đã giao chiến với Đốc Đen, một thuộc hạ của Cai Vàng, có tiếng là dũng mãnh. Trong lúc quần nhau dữ dội, bất ngờ cái khăn nhiễu quấn đầu chàng trai bị xổ tung, để lộ ra một mái tóc dài… Người con gái giả trai ấy, chính là Lê Thị Miên, một người có tài văn (1) lẫn võ.
Sau đó, cô Miên đầu quân vào lực lượng của Cai Vàng và sau nữa, cô trở thành người vợ thứ ba của vị thủ lĩnh này, nên còn được gọi là: Bà Ba Cai Vàng.
Theo Đại Nam thực lục chính biên và Địa chí Bắc Giang, thì chồng bà tức Cai Vàng có tên là Nguyễn Thịnh, người xã Vân Sơn, huyện Phượng Nhỡn, Bắc Ninh (nay thuộc xóm Kẻn, thôn Vân Sơn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang). Trước đây, ông làm Cai tổng, theo đạo Gia Tô, tự xưng là Nguyên soái, suy tôn Lê Duy Uẩn (hoặc Huân) làm minh chủ, lấy danh nghĩa phò Lê, để phát động cuộc nổi dậy chống lại nhà Nguyễn (thời vua Tự Đức) tại Yên Thế (Bắc Giang).
Và theo bài Vè Cai Vàng (không rõ tác giả là ai), thì kể từ khi làm vợ, Bà Ba Cai Vàng đã cùng chồng, chỉ huy hàng ngàn trai tráng để đánh nhau với quân Nguyễn và đã lập được nhiều chiến công. Sử nhà Nguyễn cũng đã ghi nhận rằng đội quân đông đảo của Cai Vàng đã lần lượt hạ thành Phủ Mộc, thành phủ Lạng Giang, tiến qua vùng Yên Dũng, đánh tới tỉnh thành Bắc Ninh. Thừa thắng, họ đánh tràn qua cả phủ Thuận Thành, chiếm Siêu Loại-Văn Giang, phủ Từ Sơn, rồi xông lên huy hiếp thành Hà Nội...
Đề cập đến cuộc nổi dậy này, sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép:
Tháng Ba năm Nhâm Tuất (1862), ở Bắc Ninh có tên Cai tổng Nguyễn văn Thịnh (tục gọi là Cai tổng Vàng) xưng làm nguyên súy, lập tên Uẩn mạo xưng là con cháu nhà Lê, lên làm minh chủ, rồi nhập đảng với tên (Tạ Văn) Phụng, đem binh đi đánh phủ Lạng Giang, huyện Yên Dũng, và vây thành Bắc Ninh. Bấy giờ quan Bố chính ở Hà Nội là Nguyễn Khắc Thuật, quan Bố chính tỉnh Sơn Tây là Lê Dụ và quan Phó lãnh binh tỉnh Hưng Yên là Vũ Tảo đem quân ba tỉnh về đánh giải vây cho tỉnh Bắc.. (tr. 502)
Trong sách Việt sử tân biên (quyển 5, tập thượng) của Phạm Văn Sơn, cũng đã kể rằng:
Nguyễn Văn Thịnh tôn lập Uẩn lên làm minh chủ. Uẩn mạo xưng là dòng dõi nhà Lê, hợp sức với Tạ Văn Phụng dấy binh vào tháng Ba năm Nhâm Tuất (1862), đánh phá các vùng Lạng Sơn, Yên Dũng (Bắc Giang), Bắc Ninh, Tuyên Quang, làm tình thế miền Trung Du một thời rất nguy ngập... (tr.147-148).
Cũng theo sử liệu trên, thì tại Bắc Ninh, quân triều và quân Thịnh giao phong trên mười trận, quân Thịnh mới tan. Qua tháng Ba năm Quý Hợi (1863), quân triều (lúc này nhà vua đã phái thêm Nguyễn Tri Phương, Phạm Đình Tuyển, Tôn Thất Huệ ra trợ lực) mới lấy được thành Tuyên Quang, bắt sống được Uẩn đem về trị tội...
Trong hơn mười trận đó, có lần đội quân nổi dậy đã đánh chiếm lại được phủ Lạng Giang, giết chết viên quan Tri phủ là Lê Huy Trạc.
Tuy nhiên, theo dân gian thì chưa biết cuộc chiến này sẽ còn kéo dài bao lâu nữa, nếu như thủ lĩnh Cai Vàng không chết sớm. Quyển Bắc Giang địa chí, cho biết: ngày 30 tháng 8 năm Quý Hợi (tháng 9 năm 1863), Cai Vàng đi tuần tiễu trên sông Thương, giữa đường gặp đội chiến thuyền của Lãnh Tảo (Phó lãnh binh Vũ Tảo). Tức thì, các họng súng từ các chiến thuyền trên cứ nhắm mục tiêu mà nả đạn. Thuyền Cai Vàng bị cháy, Đốc Xồm (một cộng sự của Cai Vàng) chết ngay trong thuyền, còn Cai Vàng bị thương nặng, không ngồi dậy được, chẳng bao lâu sau thì mất.
Còn dân gian thì kể rằng, do “có tên đày tớ phản thùng nội công” (Vè Cai Vàng), nên quân triều biết chính xác nơi Cai Vàng đang trú quân, mà trút đạn xuống như mưa, và đã giết chết được ông.
Để trả thù cho chồng, mùa xuân năm 1864, Bà Ba Cai Vàng trực tiếp cầm quân đánh vào Nải Sơn (Kiến Thụy, Hải Phòng). Sau 22 ngày chiến đấu liên tục, hao quân hao tướng mà không thắng được, bà cho lui quân. Xét thấy, không còn đủ sức để tiến hành cuộc chiến đấu lâu dài được nữa, ngày 11 tháng 3 năm 1864, bà tổ chức lễ tế chồng cùng các thuộc hạ đã mất, rồi giải tán lực lượng...
Theo truyền thuyết, Bà Ba Cai Vàng mai danh ẩn tích ở chùa Dặn (Đình Bảng, Bắc Ninh). Cũng có người cho rằng, bà đã vào tu tại chùa Hương nơi thôn Tứ Kỳ (nay là thôn Đại Trạch, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), với pháp danh là Đàm Giác Linh. Tại chùa này, bà đã cho dựng miếu Âm Hồn để thờ chồng (Cai Vàng) và các cộng sự đã bỏ mình trong cuộc chiến vừa qua.
Năm 1908, ni cô Đàm Giác Linh (Bà Ba Cai Vàng) viên tịch, thọ 72 tuổi. Hiện nay, tại miếu thờ trên vẫn còn có câu đối chữ Hán ca ngợi bà (Hoàng Giá dịch):
Thời trẻ mang giáp trụ, cỡi ngựa phất cờ, nức tiếng anh hùng miền Kinh Bắc;
Xuất gia vào chùa thiền, tụng kinh đọc kệ, hiểu tường đức độ Phật Như Lai.
Giới thiệu Vè Cai Vàng
(Trích những đoạn liên quan đến Bà Ba Cai Vàng)
Cai Vàng tỉnh Bắc gan thay
Mộ quân bảy ngày được một vạn ba...
...Khen cho trí lực đàn bà
Bắc Ninh tài tướng vợ ba Cai Vàng
Đấu gan thi sức rõ ràng,
Vợ bé Cai Vàng đánh trận giỏi thay...
Theo bài vè này, thì trước khi phất cờ chống Nguyễn, Cai Vàng có hỏi ý kiến của ba bà vợ. Bà cả nói: "Điềm trời chưa vững đừng đi hội này", bà hai nói: "Xin chàng nghe thiếp đừng đi", còn bà ba thì:
...Nghe hai chị nói em đây không đồng.
Nói rồi quỳ xuống lạy chồng,
-Chàng dốc một lòng thiếp cũng xin chơi...
Trước thái độ cương quyết của người vợ ba, Cai Vàng đồng ý khởi binh, rồi thì:
Trong thì Cai Vàng xông pha
Ngoài thì vợ bé thứ ba đánh vào
Quân trào (triều) tán lạc binh đao,
Bốn bề súng bắn xôn xao đì đùng.
Đánh nhau đã ba giờ ròng,
Súng bắn đì đùng như thể pháo ran.
Đạn bắn như các rải đàng
Các quan vội vàng về tỉnh Bắc Ninh.
Truyền quân coi giữ mặt thành,
Cô Ba đuổi tới Bắc Ninh đánh trào.
Truyền quân đóng sập cử vào,
Hãm lương quân trào mấy tháng chẳng tha.
Ngoài thì đàn hát reo hò,
Các quan trong tỉnh nằm lo đêm ngày...
Đoạn Cai Vàng bị trúng đạn, sắp mất:
Cô ba cầm lấy cổ tay,
Chàng ơi có thác phen này không oan.
Mình thiếp thi sức, thi gan
Mang thân thác cửa vua quan đáng đời.
Chàng thác yên phận chàng rồi,
Chàng thác đã vậy thiếp tôi thế nào?
Mình thiếp mười vạn binh đao
Biết rằng có chống lại trào được chăng?
Vợ chồng than thở vừa xong,
Cai Vàng sức kiệt dốc lòng ngã ra.
Truyền quân mang xác về nhà,
Tìm nơi an táng để mà cho yên.
Rồi ra lập lại binh quyền,
Cất quân ra đánh một phen báo thù...
Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
1. Người ta kể rằng, vì cô Miên không chịu lấy chồng,, nên có lần cô bị các nho sĩ làm thơ trêu ghẹo rằng: Lạnh lùng thay, giấc cô Miên/ Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u. Không chịu kém, cô Miên xướng trước sau hai câu, thách ai đối được sẽ nhận người ấy làm chồng, nhưng rồi không một ai lên tiếng. Hai câu đó như sau: Cô Miên ngủ một mình, và: Chửa chồng chơi chốn chùa chiền/ Chanh chua chuối chát chín chuyên chờ chồng. (theo Giai thoại về phụ nữ Việt Nam, tr. 98-99)
Tài liệu tham khảo:
-Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nxb Tân Việt. Sài Gòn, 1968.
-Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (quyển 5, tập thượng). Tác giả tự xuất bản, Sài Gòn, 1962.
-Lê Minh Quốc, Các vị nữ danh nhân Việt Nam. Nxb Trẻ, 2009.
-Hoàng Khôi và Hoàng Đình Thi, Giai thoại về phụ nữ Việt Nam. Nxb Phụ nữ, 1987
Bà Ba Cai Vàng (1836-1908), tên thật là Lê Thị Miên, còn được gọi là Yến Phi, biệt biệu Hồng Y liệt nữ; là vợ ba của Cai Vàng, thủ lĩnh cuộc nổi dậy chống lại nhà Nguyễn vào năm 1862-1864, dưới thời vua Tự Đức tại miền Bắc Việt Nam.
Quê bà ở thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Tương truyền, trong một ngày hội Lim, có một công tử đang giỡ trò thô lỗ trêu ghẹo những cô gái quê. Bất bình, một chàng trai trẻ xông tới tung quyền cước khiến người vị công tử ngã sóng soài trên mặt đất. Lập tức, những người theo hầu ùa tới. Thất thế, chàng trai vội nhảy phốc lên con ngựa của mình rồi phóng đi mất dạng...
Người ta còn kể rằng, trong một lần thi đấu võ, có thủ lĩnh Cai Vàng chứng kiến, cũng chính chàng trai ấy đã giao chiến với Đốc Đen, một thuộc hạ của Cai Vàng, có tiếng là dũng mãnh. Trong lúc quần nhau dữ dội, bất ngờ cái khăn nhiễu quấn đầu chàng trai bị xổ tung, để lộ ra một mái tóc dài… Người con gái giả trai ấy, chính là Lê Thị Miên, một người có tài văn (1) lẫn võ.
Sau đó, cô Miên đầu quân vào lực lượng của Cai Vàng và sau nữa, cô trở thành người vợ thứ ba của vị thủ lĩnh này, nên còn được gọi là: Bà Ba Cai Vàng.
Theo Đại Nam thực lục chính biên và Địa chí Bắc Giang, thì chồng bà tức Cai Vàng có tên là Nguyễn Thịnh, người xã Vân Sơn, huyện Phượng Nhỡn, Bắc Ninh (nay thuộc xóm Kẻn, thôn Vân Sơn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang). Trước đây, ông làm Cai tổng, theo đạo Gia Tô, tự xưng là Nguyên soái, suy tôn Lê Duy Uẩn (hoặc Huân) làm minh chủ, lấy danh nghĩa phò Lê, để phát động cuộc nổi dậy chống lại nhà Nguyễn (thời vua Tự Đức) tại Yên Thế (Bắc Giang).
Và theo bài Vè Cai Vàng (không rõ tác giả là ai), thì kể từ khi làm vợ, Bà Ba Cai Vàng đã cùng chồng, chỉ huy hàng ngàn trai tráng để đánh nhau với quân Nguyễn và đã lập được nhiều chiến công. Sử nhà Nguyễn cũng đã ghi nhận rằng đội quân đông đảo của Cai Vàng đã lần lượt hạ thành Phủ Mộc, thành phủ Lạng Giang, tiến qua vùng Yên Dũng, đánh tới tỉnh thành Bắc Ninh. Thừa thắng, họ đánh tràn qua cả phủ Thuận Thành, chiếm Siêu Loại-Văn Giang, phủ Từ Sơn, rồi xông lên huy hiếp thành Hà Nội...
Đề cập đến cuộc nổi dậy này, sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép:
Tháng Ba năm Nhâm Tuất (1862), ở Bắc Ninh có tên Cai tổng Nguyễn văn Thịnh (tục gọi là Cai tổng Vàng) xưng làm nguyên súy, lập tên Uẩn mạo xưng là con cháu nhà Lê, lên làm minh chủ, rồi nhập đảng với tên (Tạ Văn) Phụng, đem binh đi đánh phủ Lạng Giang, huyện Yên Dũng, và vây thành Bắc Ninh. Bấy giờ quan Bố chính ở Hà Nội là Nguyễn Khắc Thuật, quan Bố chính tỉnh Sơn Tây là Lê Dụ và quan Phó lãnh binh tỉnh Hưng Yên là Vũ Tảo đem quân ba tỉnh về đánh giải vây cho tỉnh Bắc.. (tr. 502)
Trong sách Việt sử tân biên (quyển 5, tập thượng) của Phạm Văn Sơn, cũng đã kể rằng:
Nguyễn Văn Thịnh tôn lập Uẩn lên làm minh chủ. Uẩn mạo xưng là dòng dõi nhà Lê, hợp sức với Tạ Văn Phụng dấy binh vào tháng Ba năm Nhâm Tuất (1862), đánh phá các vùng Lạng Sơn, Yên Dũng (Bắc Giang), Bắc Ninh, Tuyên Quang, làm tình thế miền Trung Du một thời rất nguy ngập... (tr.147-148).
Cũng theo sử liệu trên, thì tại Bắc Ninh, quân triều và quân Thịnh giao phong trên mười trận, quân Thịnh mới tan. Qua tháng Ba năm Quý Hợi (1863), quân triều (lúc này nhà vua đã phái thêm Nguyễn Tri Phương, Phạm Đình Tuyển, Tôn Thất Huệ ra trợ lực) mới lấy được thành Tuyên Quang, bắt sống được Uẩn đem về trị tội...
Trong hơn mười trận đó, có lần đội quân nổi dậy đã đánh chiếm lại được phủ Lạng Giang, giết chết viên quan Tri phủ là Lê Huy Trạc.
Tuy nhiên, theo dân gian thì chưa biết cuộc chiến này sẽ còn kéo dài bao lâu nữa, nếu như thủ lĩnh Cai Vàng không chết sớm. Quyển Bắc Giang địa chí, cho biết: ngày 30 tháng 8 năm Quý Hợi (tháng 9 năm 1863), Cai Vàng đi tuần tiễu trên sông Thương, giữa đường gặp đội chiến thuyền của Lãnh Tảo (Phó lãnh binh Vũ Tảo). Tức thì, các họng súng từ các chiến thuyền trên cứ nhắm mục tiêu mà nả đạn. Thuyền Cai Vàng bị cháy, Đốc Xồm (một cộng sự của Cai Vàng) chết ngay trong thuyền, còn Cai Vàng bị thương nặng, không ngồi dậy được, chẳng bao lâu sau thì mất.
Còn dân gian thì kể rằng, do “có tên đày tớ phản thùng nội công” (Vè Cai Vàng), nên quân triều biết chính xác nơi Cai Vàng đang trú quân, mà trút đạn xuống như mưa, và đã giết chết được ông.
Để trả thù cho chồng, mùa xuân năm 1864, Bà Ba Cai Vàng trực tiếp cầm quân đánh vào Nải Sơn (Kiến Thụy, Hải Phòng). Sau 22 ngày chiến đấu liên tục, hao quân hao tướng mà không thắng được, bà cho lui quân. Xét thấy, không còn đủ sức để tiến hành cuộc chiến đấu lâu dài được nữa, ngày 11 tháng 3 năm 1864, bà tổ chức lễ tế chồng cùng các thuộc hạ đã mất, rồi giải tán lực lượng...
Theo truyền thuyết, Bà Ba Cai Vàng mai danh ẩn tích ở chùa Dặn (Đình Bảng, Bắc Ninh). Cũng có người cho rằng, bà đã vào tu tại chùa Hương nơi thôn Tứ Kỳ (nay là thôn Đại Trạch, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), với pháp danh là Đàm Giác Linh. Tại chùa này, bà đã cho dựng miếu Âm Hồn để thờ chồng (Cai Vàng) và các cộng sự đã bỏ mình trong cuộc chiến vừa qua.
Năm 1908, ni cô Đàm Giác Linh (Bà Ba Cai Vàng) viên tịch, thọ 72 tuổi. Hiện nay, tại miếu thờ trên vẫn còn có câu đối chữ Hán ca ngợi bà (Hoàng Giá dịch):
Thời trẻ mang giáp trụ, cỡi ngựa phất cờ, nức tiếng anh hùng miền Kinh Bắc;
Xuất gia vào chùa thiền, tụng kinh đọc kệ, hiểu tường đức độ Phật Như Lai.
Giới thiệu Vè Cai Vàng
(Trích những đoạn liên quan đến Bà Ba Cai Vàng)
Cai Vàng tỉnh Bắc gan thay
Mộ quân bảy ngày được một vạn ba...
...Khen cho trí lực đàn bà
Bắc Ninh tài tướng vợ ba Cai Vàng
Đấu gan thi sức rõ ràng,
Vợ bé Cai Vàng đánh trận giỏi thay...
Theo bài vè này, thì trước khi phất cờ chống Nguyễn, Cai Vàng có hỏi ý kiến của ba bà vợ. Bà cả nói: "Điềm trời chưa vững đừng đi hội này", bà hai nói: "Xin chàng nghe thiếp đừng đi", còn bà ba thì:
...Nghe hai chị nói em đây không đồng.
Nói rồi quỳ xuống lạy chồng,
-Chàng dốc một lòng thiếp cũng xin chơi...
Trước thái độ cương quyết của người vợ ba, Cai Vàng đồng ý khởi binh, rồi thì:
Trong thì Cai Vàng xông pha
Ngoài thì vợ bé thứ ba đánh vào
Quân trào (triều) tán lạc binh đao,
Bốn bề súng bắn xôn xao đì đùng.
Đánh nhau đã ba giờ ròng,
Súng bắn đì đùng như thể pháo ran.
Đạn bắn như các rải đàng
Các quan vội vàng về tỉnh Bắc Ninh.
Truyền quân coi giữ mặt thành,
Cô Ba đuổi tới Bắc Ninh đánh trào.
Truyền quân đóng sập cử vào,
Hãm lương quân trào mấy tháng chẳng tha.
Ngoài thì đàn hát reo hò,
Các quan trong tỉnh nằm lo đêm ngày...
Đoạn Cai Vàng bị trúng đạn, sắp mất:
Cô ba cầm lấy cổ tay,
Chàng ơi có thác phen này không oan.
Mình thiếp thi sức, thi gan
Mang thân thác cửa vua quan đáng đời.
Chàng thác yên phận chàng rồi,
Chàng thác đã vậy thiếp tôi thế nào?
Mình thiếp mười vạn binh đao
Biết rằng có chống lại trào được chăng?
Vợ chồng than thở vừa xong,
Cai Vàng sức kiệt dốc lòng ngã ra.
Truyền quân mang xác về nhà,
Tìm nơi an táng để mà cho yên.
Rồi ra lập lại binh quyền,
Cất quân ra đánh một phen báo thù...
Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
1. Người ta kể rằng, vì cô Miên không chịu lấy chồng,, nên có lần cô bị các nho sĩ làm thơ trêu ghẹo rằng: Lạnh lùng thay, giấc cô Miên/ Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u. Không chịu kém, cô Miên xướng trước sau hai câu, thách ai đối được sẽ nhận người ấy làm chồng, nhưng rồi không một ai lên tiếng. Hai câu đó như sau: Cô Miên ngủ một mình, và: Chửa chồng chơi chốn chùa chiền/ Chanh chua chuối chát chín chuyên chờ chồng. (theo Giai thoại về phụ nữ Việt Nam, tr. 98-99)
Tài liệu tham khảo:
-Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nxb Tân Việt. Sài Gòn, 1968.
-Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (quyển 5, tập thượng). Tác giả tự xuất bản, Sài Gòn, 1962.
-Lê Minh Quốc, Các vị nữ danh nhân Việt Nam. Nxb Trẻ, 2009.
-Hoàng Khôi và Hoàng Đình Thi, Giai thoại về phụ nữ Việt Nam. Nxb Phụ nữ, 1987