Đâu là đích ngắm của tên lửa Trung Quốc đặt tại Quảng Đông?
Đài BBC đưa tin Trung Quốc (TQ) vừa lập căn cứ tên lửa mới ở phía bắc tỉnh Quảng Đông, mà cụ thể là tại một khu vực miền núi có tên Thiều Quan và do Đoàn 96166 Binh chủng Pháo binh số 2, tức Binh chủng chuyên trách tên lửa chiến lược của Quân Giải phóng nhân dân TQ, quản lý.
BBC còn dẫn lời giới quan sát cho rằng, tại căn cứ nói trên, quân đội TQ sẽ đặt các hỏa tiễn đạn đạo DF-21C hoặc tên lửa hành trình tầm xa CJ-10 mà cả hai loại này đều có tầm che phủ trên 2.000 cây số.
Trước BBC một ngày, chính tờ Minh báo xuất bản tại Hongkong đã loan tin TQ đang xây dựng một căn cứ tên lửa chống hạm mới tại Thiều Quan, Quảng Đông, và căn cứ này trực thuộc Lực lượng Pháo binh số 2 (tên lửa chiến lược), do đơn vị 96166 từ Trì Châu, An Huy, tới đóng giữ, được trang bị tên lửa đạn đạo Đông Phong - 21C, nhưng không loại trừ khả năng trong tương lai sẽ được trang bị tên lửa chống hạm cao hơn một cấp là Đông Phong - 21D.
Việc bố trí một căn cứ quân sự trên lãnh thổ của một quốc gia trong kế hoạch phòng thủ của quốc gia đó, lẽ đương nhiên, là chuyện bình thường. Nhưng điều không bình thường khiến dư luận phải đặt ra những câu hỏi là thời điểm, địa điểm và bối cảnh của việc thiết lập căn cứ này cũng như đích ngắm của những tên lửa có tầm bắn tới hơn 2.000 cây số được đặt tại đây.
Chưa có thông tin về thời điểm cụ thể mà TQ tiến hành xây dựng căn cứ tên lửa Thiều Quan, nhưng BBC nói là "vài tuần trước ngày Bát Nhất" - ngày thành lập Quân Giải phóng nhân dân TQ (1/8).
Chẳng phải ngẫu nhiên mà tờ Minh báo "tiết lộ" (trước cả BBC) về sự hiện diện của căn cứ tên lửa này trong bối cảnh tình hình khu vực đang căng thẳng xung quanh vụ chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc bị đắm, mà trong câu chuyện này, rõ ràng là TQ một bên và Mỹ một bên, rồi tiếp đó là cuộc tập trận Mỹ - Hàn với sự có mặt của tàu sân bay USS George Washington trên biển Nhật Bản, kéo dài 4 ngày, từ ngày 25/7, được TQ đáp lại bằng các cuộc tập trận dồn dập, kể cả tập trận bắn đạn thật trên biển Đông.
Trước đó, quan hệ Trung - Mỹ đã thực sự "nổi sóng gió" như lời mô tả của tờ Tín báo (Hongkong) khi TQ phản ứng quyết liệt trước tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), tổ chức tại Hà Nội, rằng: "Mỹ có quyền lợi quốc gia về tự do hàng hải, mở cửa những thủy lộ chung tại châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển Đông".
Biển Đông đang là điểm nóng khi TQ tiến hành nhiều hoạt động phục vụ cho mưu đồ tranh giành chủ quyền và lãnh thổ đối với những vùng biển, đảo không thuộc về họ nhằm "thu hẹp không gian sinh tồn" của nhiều quốc gia có chung biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh như vậy, việc TQ thiết lập một căn cứ tên lửa ở ngay Quảng Đông rõ ràng càng làm cho tình hình trong khu vực thêm căng thẳng và phức tạp.
Chính báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, xuất bản tại Hongkong, số ra ngày 8/8 vừa qua, đã viết rằng "căn cứ này được cho là sẽ mở rộng khả năng quân sự của TQ tới nhiều phần ở biển Đông cũng như các quần đảo tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa".
Các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Project 2049 có trụ sở đặt tại Washington (Mỹ), được báo chí dẫn lời, cho rằng TQ xây dựng căn cứ này phục vụ cho việc bố trí vũ khí mới, chủ yếu để ứng phó với tình hình phức tạp tại khu vực châu Á, đặc biệt là ở Đài Loan và biển Đông và rằng một khi căn cứ Thiều Quan được đưa vào sử dụng, phạm vi tấn công của nó có thể bao phủ 70% diện tích biển Đông, có thể vươn tới đại đa số mục tiêu ở Việt Nam và miền Bắc Philippines, đồng thời cũng đưa toàn bộ Đài Loan vào trong tầm bắn.
Đài BBC dẫn lời giới quan sát nhận định rằng với tầm che phủ hơn 2.000 cây số, các tên lửa đặt tại căn cứ Thiều Quan có thể "vươn tới tận quần đảo Trường Sa".
Việc thiết lập căn cứ tên lửa này nằm trong nỗ lực gia tăng sức mạnh quân sự của TQ nói chung, đặc biệt là sức mạnh quân sự trên biển. Những nỗ lực mang tính thị uy với Mỹ như vậy không chỉ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ của TQ với Mỹ mà còn gây lo ngại cho các nước trong khu vực, nhất là các nước bị TQ tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ trên biển Đông, vì các nước này rõ ràng là nằm trong "tầm ngắm" của các tên lửa đặt tại Quảng Đông.
TQ từng đưa ra khái niệm "thế giới hài hòa" mà người ta hiểu rằng cái đích của nó là đưa đến hòa bình và phát triển. TQ cũng thường tuyên bố là họ "trỗi dậy trong hòa bình". Như vậy, việc họ tăng cường sức mạnh quân sự, trong đó có cả việc thiết lập những căn cứ tên lửa chiến lược như kiểu căn cứ Thiều Quan, chí ít cũng làm dấy lên sự nghi ngờ đối với những tuyên bố mang tính mềm dẻo của họ.
Nghi ngờ thường làm người ta phải cảnh giác.
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: