vanchuong83
New member
- Xu
- 0
ANH NGỌC: NHỮNG KỈ NIỆM TINH THẦN VỀ NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC
Nếu hiểu “kỷ niệm” là những sự việc diễn ra với ta trong đời thực, ở thì quá khứ, mà nay ta nhớ lại, - thì trong đời tôi cho đến nay, những sự việc liên quan đến nhà văn Nguyên Ngọc có rất ít, chẳng có gì để mà kể lể. Nhưng ngược lại, ở trong thế giới tinh thần của tôi, đặc biệt là trong những suy nghĩ, thì nhà văn Nguyên Ngọc lại đã từng hiện diện rất nhiều, rất gần gũi và có những tác động nhất định, dù là gián tiếp, lên một số suy nghĩ và việc làm cụ thể của tôi. Tôi tạm gọi đó là “những kỷ niệm tinh thần”, vừa vì nó có vẻ chính xác trong trường hợp này, vừa để đùa một chút với cái nhan đề tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng của một người bạn, PGS-TS, nhà thơ Trương Đăng Dung ở Viện Văn.
Và từ đó cho đến suốt hơn mười năm sau, trước và trong cuộc chuyển động to lớn ở xứ sở này, cuộc chuyển động có tên là Đổi mới – tôi càng có thêm những “kỷ niệm tinh thần” về (và đôi lúc là “với”) nhà văn Nguyên Ngọc. Cái cơn cớ cũng là bất đắc dĩ đã chia giới nhà văn dạo ấy thành hai phía mà ở giữa là một cái ranh giới thực ra rất mù mờ - rất mù mờ nhưng vẫn có thực. Chẳng hạn, trong một lần trò chuyện với một nhà lý luận phê bình quen biết vừa từ thành phố Hồ Chí Minh ra chơi, tôi đã đọc gần như ứng khẩu cho các vị có mặt hôm ấy nghe cho vui mấy câu (gọi là) thơ về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người bấy giờ đang gây dư luận cực kỳ ồn ào trên báo Văn nghệ của nhà văn Nguyên Ngọc:
Không thuần túy diễn ra trong trí tưởng tượng như trong thơ anh Trương Đăng Dung, những kỷ niệm của tôi về nhà văn Nguyên Ngọc mặc dù diễn ra trong thế giới tinh thần, nhưng chúng hoàn toàn có thật, thậm chí rất cụ thể và còn lưu lại dấu vết trong lời nói và trên giấy trắng mực đen. Trong bài viết nhỏ này, xin được nhớ lại một vài kỷ niệm như vậy:
Mặc dù đã đọc và biết đến nhà văn Nguyên Ngọc từ thuở còn là cậu học trò phổ thông, nhưng thực sự kỷ niệm đầu tiên của tôi dính dáng đến cái tên của ông mãi đến khoảng tháng 9/1979 mới diễn ra. Ấy là ngay trong lần ra mắt đầu tiên của tôi khi vừa chuyển từ báo Quân đội Nhân dân sang tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong buổi xuất hiện thuộc loại “màn chào hỏi” của cô dâu mới trước đông đủ các bậc đàn anh lừng lẫy ở cái “Hội Nhà văn thứ hai” ấy, không hiểu sao tôi đã vội vã dốc hết gan ruột của mình về thực trạng văn học của ta ngày ấy theo kiểu điếc không sợ súng. Những ấp ủ, đúng hơn là bức bách của tôi về những khiếm khuyết của nền văn học, mà thật ra là còn vượt ra ngoài cả phạm vi văn học, được tôi phát biểu một cách thẳng thắn và thẳng thừng. Hăng lên, tôi còn đọc cả một đoạn trích trong trường ca Sông Mê Công bốn mặt mà lúc ấy tôi đang viết. Đó là cái đoạn nói về cải cách ruộng đất với những câu thơ mà cho đến bây giờ tôi còn ngạc nghiên về sự táo tợn của mình dạo đó:
… Năm 1956
trong cải cách ruộng đất
tôi đã được xem một vụ hành hình
người ta kéo ra pháp trường
một ông chủ tịch xã bị quy là Quốc dân đảng
một viên đạn trúng vào giữa trán
ném nửa mái đầu ông bay vút lên cao
cái mảnh đầu như một vì sao
vẽ ngang trời một đường cong ngoạn mục
vợ con ông quay đi không dám khóc
trước đám đông đang hò hét reo cười
và tôi, đứa trẻ lên mười
cùng hò hét với đám đông điên loạn
trước vẻ đẹp của một người bị bắn!...
Ngay khi tôi vừa phát biểu xong, nhiều nhà văn đàn anh của Văn nghệ Quân đội đã phản ứng cũng thẳng thừng một cách không khoan nhượng với cái tay lính mới ất ơ là tôi. Tôi nhớ, một nhà văn kỳ cựu về tuổi nghề trong lúc phê phán tôi đã nhắc đến câu nói của ông Nguyễn Văn Thiệu (“hãy nhìn cộng sản làm, đừng nghe cộng sản nói”) khiến cho câu chuyện càng trở nên nghiêm trọng. Còn một nhà văn vào loại hàng đầu thì ngay lập tức không cần tìm hiểu đã cho rằng tôi bị ảnh hưởng của bản Đề dẫn của nhà văn Nguyên Ngọc trình bày trong cuộc Hội nghị các nhà văn Đảng viên mà lúc ấy đang rất gây xôn xao. Mặc dù trong thực tế lúc ấy tôi chưa phải là hội viên Hội Nhà văn, không hề biết gì về nội dung của bản Đề dẫn, cũng chưa từng vinh dự quen biết nhà văn Nguyên Ngọc, mà tất cả chỉ là sự trùng hợp tự nhiên trong cách nghĩ của không ít người sống nghiêm túc và có ý thức trách nhiệm trước cuộc sống và công việc, nhưng thế cũng đủ để cho nhiều người vốn quen chia thiên hạ thành phe phái gạt phắt tôi về một phía, dĩ nhiên là cái phía có tên nhà văn Nguyên Ngọc! (Nếu hành văn theo lối “văn mạng” bây giờ, thì phải thêm một tiếng cười “hì hì…” vào chỗ này!).
Hì hì…
Anh là dòng sông Bến Hải
Chảy ngang qua giữa những cặp bạn bè
Giữa những cặp vợ chồng
Giữa cha con, mẹ con, ông cháu, bà cháu
Đồng đội xưa từ trong rừng trong rú
Giờ chia thành hai phe
Bạn bè bù khú rượu bia
Giờ sẵn sàng quay mặt
Tôi vừa đánh mất
Người bạn cuối cùng
Trong cuộc chiến tranh có tên là Đổi mới…
Những ai còn nhớ đến không khí dạo ấy, có thể tin là tôi đã nói thật, mặc dù có… quá lên một tí – làm thơ mà. Đã phân chia ra hai phe thì dĩ nhiên phải có thủ lĩnh các phe. Về phía “phe Đổi mới” (trong Vè đại hội nhà văn của Nguyễn Duy gọi là “phái vui tươi”), thì một trong những thủ lĩnh của “phe” này được nhiều người gán cho là nhà văn Nguyên Ngọc. Lối tư duy phe phái thô sơ muôn thuở ấy nhiều lúc rất nực cười. Chẳng hạn, chính nhà lý luận phê bình vừa nói ở trên hôm ấy có ý rủ tôi đi chơi với ông đến một vùng quê phía Bắc, khi nghe tôi kêu bận không đi được, ông liền cười chế giễu: “Chắc là thủ trưởng không cho đi phải không?!”. Tôi hiểu ý ông anh này muốn ám chỉ “thủ trưởng” là ai (các bạn đoán xem là ai nhé?) nên bật cười – không phải “hì hì…” mà là ha ha… Cười, rất to, nhưng trong bụng ngạc nhiên không để đâu cho hết: Sao trên đời lại có người, lớn tuổi hẳn hoi, thậm chí sắp già nữa, học vấn không ít, mà lại nghĩ ngợi như trẻ con vậy? Sao ông ấy không nghĩ rằng đã là người có chút tri thức và ý thức thì đều có những suy nghĩ độc lập, những suy nghĩ ấy có thể gần với suy nghĩ của người này và khác với suy nghĩ của người khác. Thế thôi. Không phải cứ hễ suy nghĩ giống nhau hay gần giống nhau thì cứ dính lấy nhau thành một phe, kể cả trong suy nghĩ cũng như trong đời thực. Tôi vốn là người dù có ít nhiều suy nghĩ độc lập, nhưng khi đem ra thực thi thì lại kém cỏi, rất dễ nản chí. Chẳng hạn như tôi luôn không tin vào việc có thể dùng lời lẽ mà thuyết phục được người khác thay đổi cách nghĩ. Ai đã nghĩ thế nào thì họ sẽ cứ thế mà nghĩ. Vì vậy, chẳng bao giờ tôi buồn “thanh minh thanh nga” về bất cứ điều gì mà thiên hạ nghĩ sai về mình. Nói dài dòng như thế, là vì câu chuyện trên thực ra rất liên quan đến nhà văn Nguyên Ngọc, nhân vật của bài viết này, người mà đích thực ông anh thích đùa dai muốn ám chỉ là “thủ trưởng” của phe Đổi mới, mà ông đinh ninh trong đó có tôi. Hì hì… Ông ấy không biết rằng trước đó ít lâu, nhà văn Nguyên Ngọc đã có nhã ý xin tôi về làm cho báo Văn nghệ, ông nói rõ nhiệm vụ - “anh sang trông coi cho tôi mảng phóng sự” (một mảng mà sau này các bạn thấy nó quan trọng như thế nào trên báo Văn nghệ của thời ông Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập), nhưng… tôi đã từ chối. Từ chối vì tôi biết rõ sở trường và sở đoản của mình. Tôi biết rằng trong thế giới tinh thần có một số người rất gần với tôi, tôi rất yêu mến thậm chí cảm phục họ, nhưng trong đời thực thì lại là chuyện khác, nhiều khi cách hành xử rất khác nhau. (Ngay với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người mà tôi yêu quý và kính trọng có lẽ là nhất trên đời, cả về âm nhạc lẫn nhân cách, thì nghe nói cách sống thường ngày của ông vẫn là một “típ” khác hẳn với bản thân tôi. Tôi không có ý học đòi theo ông đã đành, mà điều khác nhau đó cũng chẳng phương hại chút nào đến cảm tình tôi dành cho ông). Có lẽ, với những vị ấy, mình xa ra một chút trong đời thực lại có cái hay của nó. Nói như thơ Chính Hữu: “Yêu không nói, ấy là yêu mãi”.
Như thế là trong đời thực suýt nữa tôi đã có cơ duyên gần gũi hơn với nhà văn Nguyên Ngọc, nhưng tính cách (cái làm nên số phận) của tôi đã giữ tôi lại với “cái con người này” của riêng tôi. Tôi còn nhớ là khi thấy tôi từ chối, nhà văn Nguyên Ngọc vẫn tươi cười và có lần ông còn nói đùa với mọi người rằng tôi đang “chạy trốn” ông!
Không sai!
Tôi gần với ông trong thế giới tinh thần bao nhiêu thì cũng khác ông trong cách hành xử trong đời thực bấy nhiêu. Tôi đã “chạy trốn” ông trong cái phần đời thực, mà ở đấy ông là một con người hành động quyết liệt, một người hùng ngay trong hành động chứ không chỉ trong lập ngôn. Làm được điều đó phải có một tố chất đặc biệt. Điều này không phải ai cũng có được, mà đã không có thì tốt nhất hãy cứ cầm chắc thứ vũ khí của chính mình, không nên cố cầm nhầm thêm thứ vũ khí của người khác.
Và tôi tiếp tục gần gũi ông theo cái cách là dành cho ông một chỗ trang trọng trong thế giới tinh thần của mình mà thôi.
Trong thế giới tinh thần ấy, đặc biệt là trong nhận thức và suy nghĩ, nhà văn Nguyên Ngọc luôn hiện lên trước mắt tôi là một con người như sau (những hình dung chắc chắn là sẽ rất chủ quan và thiếu sót, xin nhà văn Nguyên Ngọc và mọi người bỏ quá cho): Trước hết, đó là một nhà trí thức đúng nghĩa, tức là một người luôn luôn cố gắng nắm bắt cái bản chất, cái cốt lõi của đời sống, cố gắng nhìn ra và gọi đúng tên bản chất của sự vật và hiện tượng đang diễn ra quanh ta. Mà hồn vía của bản chất của tồn tại là sự vận động theo quy luật. Nhìn ra quy luật vận động của xã hội (cũng như của tự nhiên), tôn trọng nó, góp sức thúc đẩy cho nó vận động thuận lợi hơn về phía trước là mục đích tối thượng cho mọi hoạt động của con người. Và để làm được điều đó, theo ông, người trí thức cần phải biết dấn thân. Nhà văn Nguyên Ngọc đã hành xử nhất quán theo lý tưởng sống ấy từ thuở mới bước vào đời, trải qua hai cuộc trường kỳ chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc, cho đến cuộc chiến đấu đang mở ra từ thời hậu chiến và hứa hẹn sẽ kéo dài bất tận - cuộc chiến đấu vì quyền sống đúng nghĩa của con người, và ông chiến đấu bằng cả hai thứ vũ khí của một nghệ sĩ và một chiến sĩ.
Những ngày ấy, nhà văn Nguyên Ngọc bận dốc sức vào làm tờ báo Văn nghệ và một số công việc ở Hội Nhà văn, ông rất ít viết và nói, nhưng toàn bộ tư tưởng chủ đạo của ông đã thể hiện rõ ràng và quyết liệt lên mặt tờ báo. Những ai đã theo dõi báo Văn nghệ dạo ấy chắc không thể quên được những bài vở đủ loại, từ văn xuôi, thơ, phóng sự, lý luận phê bình, dịch thuật, ngôn luận… đều mang khí thế hừng hực của một cuộc cách mạng thực sự, không thể và có lẽ không cần nhắc lại nhiều ở đây. Với tôi, chỉ cần nhớ lại một bài viết nhỏ, thậm chí chỉ cần một từ trong bài viết hiếm hoi ấy của nhà văn Nguyên Ngọc in trên tờ Văn nghệ dạo ấy là đủ nắm trọn chính kiến của ông về hồn vía đích thực của công cuộc Đổi mới, đó là từ: trở về. Vâng, ông muốn gọi công cuộc Đổi mới của chúng ta là một sự trở về - thế thôi. Tôi tin rằng chẳng cần diễn giải dài dòng thì rất, rất nhiều người – dĩ nhiên trong đó có tôi – cũng hiểu ngay, hiểu đúng ý của nhà văn, vì đó là một sự thực mà lúc này đã trở thành nhãn tiền, không thể che giấu được nữa.
Hoàn toàn không phải để khoe mẽ (vì không để làm gì, thậm chí còn có thể rước họa vào thân), nhưng sự thực những cách nghĩ như vừa nói ở trên của nhà văn Nguyên Ngọc cũng đã có trong tôi từ khá lâu, thậm chí chúng đã manh nha trong đầu tôi từ thuở mới biết suy nghĩ, tức là khi bước vào tuổi thành niên. Trong chiến tranh, mặc dù vẫn tuân thủ việc viết lách theo cung cách quen thuộc của nền “văn học minh họa” (theo chữ dùng của nhà văn Nguyễn Minh Châu), nhưng, dù vô cùng ít ỏi, tôi cũng đã cố gắng để giữ lại được đôi chút của “cái mình” (theo cách nói của nhà thơ Lưu Quang Vũ) trong tác phẩm, điều mà sau này tôi đã đề cập đến trong bài tạp bút Hành trình đi tìm mình (in cách nay gần mười năm). Khi đất nước bước vào kỷ nguyên hòa bình, con người được trở lại với cuộc sống bình thường như muôn thuở, lập tức những thuộc tính của “quy luật của muôn đời” liền rầm rộ nổi lên và từng bước đòi lại địa vị độc tôn của chúng. Và dĩ nhiên, những ai đã có lúc, vì lý do nào đó, xa rời con đường vận động của quy luật thì buộc phải làm một cuộc trở về - trở về, để hòa nhập trở lại vào lịch trình tiến hóa bất khả kháng của cả nhân loại. Vâng, chân lý chỉ giản dị như vậy. Nói theo kiểu “văn mạng” là: đơn giản như đan rổ.
Thế mà ở cái xứ ta, để nói ra được và thực thi đúng cái điều đơn giản ấy là cả một điều không đơn giản chút nào. Công cuộc Đổi mới, dù đến muộn màng một chút, cũng đã kịp mở cho ta cái cánh cửa để đi vào một thời kỳ mới trong sự phát triển đúng hướng của dân tộc. Và vào những ngày ấy, tờ báo Văn nghệ của Tổng biên tập Nguyên Ngọc thực sự là một diễn đàn đi tiên phong trong công cuộc Đổi mới. Với uy tín văn học và uy tín về nhân thân, với trí tuệ, tâm huyết và lòng quả cảm, nhà văn của Đất nước đứng lên và Rừng xà nu, của Đất Quảng và Đường chúng ta đi… đã tập hợp được xung quanh tờ báo một đội ngũ người viết có nhiệt huyết và tài năng, đã đưa lên mặt báo những bài vở đầy sức nặng công phá và khai mở…, không chỉ tạo điều kiện cho văn chương nghệ thuật tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu vì quyền sống của con người đang bước vào hồi nóng bỏng, mà còn góp phần tạo dựng nên một số tên tuổi sáng giá cho văn đàn và hứa hẹn sẽ có sức sống dài lâu trong nền văn học nước nhà.
Riêng với người viết những dòng này, chính nhuệ khí của nhà văn Nguyên Ngọc và sức lôi cuốn của tờ báo của ông đã hơn một lần khích lệ cho tôi chiến thắng được cái thói ngại ngần thâm căn cố đế, cái thói chỉ thích xem và bình luận bóng đá từ trên khán đài, để thỉnh thoảng liều mình xông vào cái sân đấu tóe lửa của báo Văn nghệ, đâu vào khoảng dăm, bảy lần gì đó không hơn.
Đến đây, tôi phải bày tỏ sự biết ơn chân thành của mình với nhà văn Nguyên Ngọc và tờ báo Văn nghệ của ông vì đã tạo điều kiện cho tôi công bố được một số trang dòng, một số tác phẩm mà tôi đã viết từ trước đó khá lâu nhưng biết chắc không thể đem in ở bất cứ nơi đâu, cũng như đã khuyến khích tôi viết tiếp những ý tưởng mà mình đã ấp ủ từ lâu nhưng chưa dám viết ra. Xin các bạn đừng nghĩ rằng tôi đang lợi dụng bài viết về nhà văn Nguyên Ngọc để tranh thủ nói về mình, để khoe mình. Bạn mà nói thế thì tôi cũng đành chịu. Ở đây tồn tại một cái có thể gọi là “lợi ích chung” giữa người viết và người công bố. Chắc ai cũng biết rằng với những người viết, nếu chỉ mới viết ra được tác phẩm mà thôi, dù là viết hết mình, viết tâm huyết và dũng cảm đến đâu, mà bản thảo vẫn chỉ nằm trong ngăn kéo của mình thì giá trị và tác dụng của nó vẫn chưa là “cái đinh” gì cả - chỉ khi bản thảo được công bố thì nó mới thực sự sống cuộc sống của nó, mới đúng là một tác phẩm – cơ thể sống (điều này thì lý thuyết về tiếp nhận văn học đã khẳng định từ lâu).
Vâng, chỉ có trên tờ Văn nghệ của những năm ấy, tôi mới có thể in được những câu thơ mà ngay lúc này, tức là một phần tư thế kỷ sau, cũng không chắc đã in nổi (hì hì…). Chẳng hạn những câu:
Tôi không bao giờ tha thứ cho mình
Đã có lúc tin niềm tin dễ dãi
Người khác nói còn tôi thì nhắc lại
Từng chữ từng lời như chiếc loa truyền thanh…
Hoặc đoạn này, trích trong trường ca Điệp khúc vô danh viết năm 1983:
Năm mươi ba năm sau cái chết của Mai-a
Nhân loại lại mừng ông
lần thứ chín mươi ngày sinh nhật
Khẩu súng lục không còn dùng tự sát
Thì viên đạn sinh ra biết để làm gì
Chúng không ưa những cái đầu đần độn ngu si
Những cái hố cá nhân ngụy trang bằng mái tóc
Chúng chỉ ưa những cái đầu nhà thơ và bác học
Như để tìm xem trong đó chứa những gì
Vâng xin thưa đồng chí Maiacôpxki
Lũ con cháu hậu sinh đã hiểu lòng đồng chí
Rằng: Vũ khí chỉ thật là vũ khí –
Nếu không bắn kẻ thù ư
Thì hãy tự bắn vào đầu!...
Đây chỉ là một đoạn ngắn trong một chương dài in cả trang báo Văn nghệ. Không bàn chuyện hay dở, chỉ việc in được nó lên mặt báo đã là một chuyện lạ ở xứ ta. Chính người viết những dòng này, sau cơn bốc lửa của cảm hứng, lúc tỉnh lại cũng không dám tin những gì mình viết lại có lúc có thể in ra. Ấy vậy mà nó đã in ra, ngay trên tờ báo chính thống của Hội Nhà văn Việt Nam!.. Và đó là vào khoảng cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX! Ở đây, người viết có thể là điếc không sợ súng, nhưng người in nó ra thì chỉ có thể gọi là can đảm. Nên nói cám ơn vẫn còn chưa đủ, phải nói là biết ơn và bái phục!
Không chỉ có thơ, tôi còn in được trên Văn nghệ ngày ấy tuy chỉ mấy bài viết theo lối tạp văn, tạp bút thôi, nhưng đã gửi gắm vào đấy rất nhiều những suy nghĩ, nói là chính kiến cũng không ngoa, về những vấn đề thực ra là then chốt nhất không chỉ về văn học, nghệ thuật, mà là cả chính trị, xã hội, văn hóa…, những chiêm nghiệm và suy nghĩ tôi đã dồn nén từ lúc biết làm người. Và thú thật, cho đến tận giờ này, khi đất nước đã có khá nhiều phương tiện để tự do tư tưởng, đã có mạng internet như một phép màu của tự do ngôn luận…, tôi vẫn có thể mỉm cười yên tâm vì những gì mình đã viết và in ra trên tờ báo của nhà văn Nguyên Ngọc ngày ấy vẫn chưa bị… bước qua, chưa bị đề mốt đê! Ha ha…
Đấy là, từ một mẩu nhỏ theo kiểu “ý kiến nhà văn” trong đó tôi phản ứng gay gắt với cái “thói nhân danh người khác” như một xảo thuật ngôn từ, một lối nhận vơ, cả vú lấp miệng em rất vô lối trong ngôn ngữ tuyên truyền của chúng ta (mà cho đên bây giờ ta vẫn thường xuyên bắt gặp), cho đến một bài viết ghi lại cảm tưởng sau khi nghe lại “những ca khúc trữ tình” bất hủ mà một thời bị coi là nhạc vàng và bị cấm đoán, bài viết có nhan đề: “Trở lại cái bình thường”. Trong bài viết khá ngắn chỉ về câu chuyện của âm nhạc ấy, tôi đã kịp gói trọn bản chất của công cuộc Đổi mới, và từ khái niệm “trở về” của nhà văn Nguyên Ngọc đến tinh thần “trở lại” của tôi thực chất là chẳng có khoảng cách nào. Còn nhớ, trong bài viết ấy tôi đã kịp biểu dương nhiệt liệt âm nhạc của Trịnh Công Sơn, và nhắc tới cả một thi sĩ trong quân đội Sài Gòn – thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn ở Phan Thiết. Sau khi bài đăng ra, một buổi sáng tôi thấy một ông già đội mũ nan, dáng dấp nhanh nhẹn, đến gõ cửa phòng tôi ở 4 Lý Nam Đế. Ông tự xưng là Doãn Mẫn, nhạc sĩ, tác giả bài hát Biệt ly mà tôi nhắc tới trong bài viết nói trên. Ông bảo ông muốn gặp tôi chỉ để tán thưởng cái ý “trở lại cái bình thường” của tôi mà theo ông là rất đúng và chưa nghe ai nói tới bao giờ. Tôi vốn là người rất yêu quý và nể trọng các nhạc sĩ, nên thực sự cảm động vì người nhạc sĩ già, tác giả của ca khúc Biệt ly tuyệt vời và cung cách xử sự của ông.
Có một điều thú vị đặc biệt là những bài vở ít ỏi của tôi được in trên Văn nghệ những ngày ấy, từ sáng tác, phê bình hay tạp văn, tạp bút… đều không bao giờ bị thêm bớt hay sửa chữa dù một chữ. Cái quyền tối thượng của người viết là được công bố tác phẩm của mình đúng như nó vốn có tưởng từ lâu đã thành thông lệ ở mọi xứ sở văn minh, thì ở xứ ta nó luôn bị coi khinh như mẻ! Và chính tôi đã bao lần tức giận điên đầu và ngán ngẩm lắc đầu vì sự can thiệp vô lối của những người tự cho mình cái quyền “nhào nặn” lại tác phẩm của người khác. Vì vậy, một cách ứng xử như của báo Văn nghệ ngày ấy là một việc hi hữu và trên cả tuyệt vời.
Tôi biết, giờ này mà ngồi tỉ mẩn nhắc lại những chuyện buồn vui của cái “thời xa vắng” ấy là rất dễ sa đà, thậm chí sa vào lẩn thẩn. Vả lại, bài viết cũng đã khá dài, để ôn lại những “kỷ niệm tinh thần” về nhà văn Nguyên Ngọc, thông qua mối lương duyên tuy không dài nhưng khó quên của tôi với tờ báo mà ông là linh hồn, chỉ xin kể thêm một kỷ niệm nữa thôi: Ấy là việc ông ủng hộ và in trọn vẹn cho tôi bài Đọc lại, Cửa mở của Việt Phương.
Đây là một bài viết rất tâm huyết mà tôi đã ấp ủ từ ngay khi tập thơ Cửa mở của nhà thơ Việt Phương mới ra đời vào năm 1970 và gây dư luận rất sôi nổi. Bởi vì đây không chỉ là chuyện của thơ. Đây là một tiếng nói mới mẻ và táo bạo về những vấn đề rất cốt tử trong thế giới tư tưởng, tình cảm của xã hội chúng ta, “mở” ra một cánh “cửa” cho ta có dịp nhìn lại chính mình, để nhận ra cả cái tốt lẫn cái xấu, cả cái đúng lẫn cái sai… Đúng là một tập thơ mang tinh thần “phản biện” đầu tiên trong nền thơ cách mạng của chúng ta. Câu chuyện này quá dài dòng và chúng ta, trong đó có tôi, đã nghĩ và nói tới quá nhiều rồi, xin không nhắc lại ở đây. Chỉ biết rằng, khi được nhà văn Nguyên Ngọc bật đèn xanh cho viết và in bài này, tôi đã cầm bút với tất cả sự xúc động và sung sướng khôn tả. Quả thực, với người viết không có gì cần thiết và hạnh phúc hơn là Tự do. Trong những ngày cánh cửa của Tự do cũng mới là mở he hé, mở một cách dè dặt… thế mà một người viết như tôi đã cảm thấy sung sướng đến như vậy. Bài viết khá dài này đã được in trên báo Văn nghệ số 44, ra ngày 29/10/1988. Sau này có in lại trong tập tiểu luận, phê bình của tôi nhan đề Từ thơ đến thơ do Nxb Thanh Niên ấn hành, năm 2000. Nếu phải nói thêm một lời về việc làm này, thì đó là: Tôi đã viết bài này với một trăm phần trăm những gì mình có trong đầu và trong tim, viết với ý thức chỉ nói một lần thôi, một lần rốt ráo để không bao giờ phải nói lại nữa. Nếu ai đã đọc qua bài này chắc sẽ nhận thấy điều ấy. Vì vậy, gần đây khi nhà thơ Việt Phương sắp cho ra mắt một tập thơ mới, một anh bạn làm thơ vốn rất yêu anh Việt Phương và có lẽ cũng quý tôi nữa, nên đã thay anh Việt Phương đề nghị tôi viết Lời bạt cho tập thơ ấy, tôi đã hết sức cám ơn, nhưng chân thành đề nghị các anh nên mời một… người khác viết. Và tôi đã nhận được tập thơ mới của anh Việt Phương, với lời bạt của nhà thơ Ý Nhi. Đọc những dòng của chị Ý Nhi, tôi rất vui vì tin rằng anh Việt Phương và anh bạn của tôi sẽ thấy sự rút lui của tôi là có ích cho tập thơ, cho tác giả và bạn đọc.
Những hồi ức xúc động quanh bài viết của tôi về tập thơ Cửa mở của nhà thơ Việt Phương in cách nay đã gần một phần tư thế kỷ trên tuần báo Văn nghệ đã khép lại bài viết “những kỷ niệm tinh thần về nhà văn Nguyên Ngọc” của tôi, theo cái cách đúng là chỉ diễn ra trong thế giới tinh thần: Ở đó, hình ảnh một con người cụ thể là nhà văn Nguyên Ngọc luôn được nhận thức một cách trừu tượng qua những suy nghĩ và cảm xúc, những cách nhìn và thái độ ứng xử, những tâm nguyện và những trăn trở… Với một con người như nhà văn nguyên Ngọc, tôi nghĩ, đó chính là cách để chúng ta xây dựng một bức chân dung hoàn hảo nhất về ông.
Và với tôi, đó cũng là cách duy nhất để tôi bày tỏ lòng yêu mến, quý trọng, cũng như sự biết ơn đối với một nhà văn đàn anh quá gần gũi trong thế giới tinh thần và là một tấm gương sáng láng về thái độ làm nghề và làm người mà tôi thành thực ngưỡng mộ.
Mong ông luôn khỏe mạnh để tiếp tục cuộc hành trình không mệt mỏi của mình về phía trước.
Hà Nội, 21/7/2012
(Sưu tầm)