small star
Moderator
- Xu
- 0
Trung thu ê hề phố xá, nhưng Trung thu vắng quá trong ánh mắt ngơ ngác của cô bé, cậu bé khi được bố mẹ vội vã chở về nhà sau một ngày rộn rịp nhịp sống chốn thị thành.
Trung thu về. Phố phường xuất hiện hàng dãy những gian hàng bánh kẹo xanh đỏ, những hộp bánh đủ kiểu, đủ màu sắc mùi vị chất liệu: bánh vi cá, hạt sen, mè đen, thịt quay… Những dãy lồng đèn nhựa giăng giăng rực rỡ sắc màu: đèn giấy nan tre nép mình e dè bên Tề Thiên Đại Thánh, máy bay, tàu thủy, ôtô… bằng pin có gắn bóng đèn nhấp nháy, tí toe.
Trung thu tràn ngập phố phường, len lỏi vào từng góc nhà, ngõ phố. Trung thu rộn rịp chốn công sở, trường học. Trung thu ê hề phố xá, nhưng Trung thu vắng quá trong ánh mắt ngơ ngác của cô bé, cậu bé khi được bố mẹ vội vã chở về nhà sau một ngày rộn rịp nhịp sống chốn thị thành. Trung thu vắng quá như điệu sáo buồn của ông già mù ở ngã tư chật ních người, với đứa bé nhem nhuốc tay lăm lăm chiếc nón rách đang cầu lòng thương hại của khách qua đường. Trung thu vắng quá trong màu sắc lạc lõng của mấy con tò he, cào cào lá dừa buồn thiu đậu trên que tre của anh chàng bán hàng rong.
"Tết trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường…" [1], lời bài hát quen thuộc phát ra văng vẳng từ một ngôi nhà góc phố kín cổng cao tường. Một cậu bé đang loay hoay với chiếc lồng đèn siêu nhân được mẹ mua sớm. Không biết đến đêm trung thu, cậu nhóc có thật sự biết cảm giác "rước đèn đi khắp phố phường…" không, hay chỉ quanh quẩn bên góc salon phòng khách, tí toe với đồ chơi nhựa trong tiếng léo nhéo trên tivi của kênh Disney Channel [2].
Không biết mấy tiếng "Tết trung thu" còn đủ sức làm cho bao nhiêu người lớn cảm thấy xao xuyến. Và không biết còn có bao nhiêu người lớn nhớ về những ngày thơ bé, thời mà chỉ cần mỗi lần ngước nhìn mặt trăng óng ả, vàng ươm trên cao cũng đủ làm dấy lên trong đầu những người từng là cô bé cậu bé ấy cái bồi hồi, xúc động khó tả. "Mẹ ơi, có chú cuội chị Hằng trên đó không mẹ…?", "Có phải chấm đen kia là cây đa không…?". Có bao nhiêu người - từng - bé nhớ lại những khoảnh khắc ngây ngô?
Tự hỏi như thế mới thấy mấy tiếng "Tết trung thu" quý như thế nào. Quý không phải ở miếng bánh ngon, món quà đẹp, mà ở chỗ thời gian lắng đọng và đóng khung tại đấy. Tết trung thu - Tết dành riêng cho trẻ con, dành riêng cho một giai đoạn đặc biệt của cuộc sống con người, dành riêng cho những kỷ niệm thần tiên ấp iu trên dòng chảy mải miết của thời gian.
Ai đó từng có một thời tuổi thơ chắc không ít lần háo hức chờ đón Tết Trung thu về. Và nếu ai đó từng sống ở một vùng làng quê thì chắc khó quên được cái háo hức, tưng bừng của lũ nhóc quê nghèo chào đón Tết của riêng mình. Quê tôi chỉ là một xóm nhỏ ở Thoại Sơn, An Giang, vùng miền Tây sông nước, nhưng cứ mỗi khi vào dịp trăng tròn vạnh và đẹp nhất thì lũ trẻ quê lại bày lắm trò "xôm tụ". Trước Trung thu một tuần, hai chị em tôi đã săn tìm hộp lon sữa đặc Ông Thọ, đã dùng hết, để mang sang nhà chú Minh bên cạnh, năn nỉ chú cưa cắt, thiết kế lon sữa thành chiếc đèn hoa nan tròn xoe, xinh xắn, có chỗ để cắm một cây đèn cầy (nến) ở giữa và còn có tay cầm đẩy cho đèn lăn xoay xoay rất đẹp.
Chú Minh được "đặt hàng" nhiều quá, làm không xuể nên "cấm cửa" không cho tụi nhỏ quấy rối; vì thế các "khách hàng" quay sang nhờ anh Thảo làm lồng đèn tre đan giấy. Chỉ là đèn cá chép, bươm bướm, ông sao… nhưng đèn tre đan giấy bóng xanh đỏ tím vàng khi được thắp một cây đèn cầy (nến) ở giữa sẽ sáng lung linh, rất đẹp. Khổ nỗi, mấy đứa con gái lại cứ nơm nớp lo sợ tụi con trai phá bĩnh, chỉ chực theo sau nắm tóc, giật áo và xô cho lồng đèn cháy xém.
Con nít ở quê khoái nhất là trò "tích lũy" đèn cầy chờ Trung thu để thắp lên. Tôi còn nhớ, khoảnh sân nhỏ trước nhà là "đại bản doanh" của mình và nhóm bạn. Trước trung thu vài ngày, tụi tôi nhịn tiền ba mẹ cho ăn quà vặt để gom góp "tậu" những cây đèn cầy đủ màu sắc ở tiệm tạp hóa. Và đến đêm trăng rằm, đêm "đặc ân" trong năm mà người lớn khá thoải mái khi cho tụi nhỏ "nghịch lửa", chúng tôi đốt đèn cầy trong những cái chén cũ, trên hòn đá cuội, trên một hộp thiếc đựng bánh tây mà người lớn vứt đi… rồi ngồi bên nhau xì xèo chuyện trẻ con, ăn bánh dẻo, khoai lang luộc và khoái chí nhìn từ thân ngọn nến, từng giọt sáp tròn, xinh xắn đang nhỏ xuống với cái nhìn háo hức, bỡ ngỡ. Và ngoài kia, con sông Thoại hiền hòa đang chảy, có tiếng mái chèo của chiếc ghe đang nhẹ nhàng khỏa nước. Ngoài vườn, cây đu đủ, cây mãng cầu (na), cây ổi… ngủ yên hài lòng vì chiều nay đã giúp cho chủ nhà một mâm cỗ đầy, khỏi phải đi chợ xa.
Tụi tôi chơi đèn, chơi nến đến tận khuya. Khi trăng lên cao, khi đèn dưới mặt đất đang lụn dần thì chính là lúc "dàn đèn" sao trên trời đang sáng nhất. Nhắm mắt lại, tôi có thể thấy đứa bé nào đó lơ mơ ngủ, miệng chóp chép cười ngay cả khi đã được người lớn "khiêng" vào nhà sau khi chơi mệt lử. Cái cười ngô nghê còn rớt lại ngoài góc sân, còn rớt lại trên chiếc lá ướt sương đêm trong vườn… Nụ cười ông trăng còn theo cả vào giấc ngủ bé thơ, giản dị.
Đọc đến đây bạn đừng cười thầm cho tôi là người "lãng mạn hóa" và "sến hóa" nhé! Có những tuổi thơ nhọc nhằn, cơ cực, tủi nhục, có những tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc và có những tuổi thơ sóng gió, lao đao… Tuổi thơ tôi có những khoảng buồn vui riêng. Nhưng bạn tôi ơi, hãy cứ thi vị và mộng mơ khi nghe đâu đó "Tết Trung thu rước đèn đi chơi…". Vì biết đâu nhờ thế, đâu đó trong góc tâm hồn, chúng ta còn có cái để mà nhớ.
Dương Thanh Vân
Trung thu về. Phố phường xuất hiện hàng dãy những gian hàng bánh kẹo xanh đỏ, những hộp bánh đủ kiểu, đủ màu sắc mùi vị chất liệu: bánh vi cá, hạt sen, mè đen, thịt quay… Những dãy lồng đèn nhựa giăng giăng rực rỡ sắc màu: đèn giấy nan tre nép mình e dè bên Tề Thiên Đại Thánh, máy bay, tàu thủy, ôtô… bằng pin có gắn bóng đèn nhấp nháy, tí toe.
Trung thu tràn ngập phố phường, len lỏi vào từng góc nhà, ngõ phố. Trung thu rộn rịp chốn công sở, trường học. Trung thu ê hề phố xá, nhưng Trung thu vắng quá trong ánh mắt ngơ ngác của cô bé, cậu bé khi được bố mẹ vội vã chở về nhà sau một ngày rộn rịp nhịp sống chốn thị thành. Trung thu vắng quá như điệu sáo buồn của ông già mù ở ngã tư chật ních người, với đứa bé nhem nhuốc tay lăm lăm chiếc nón rách đang cầu lòng thương hại của khách qua đường. Trung thu vắng quá trong màu sắc lạc lõng của mấy con tò he, cào cào lá dừa buồn thiu đậu trên que tre của anh chàng bán hàng rong.
"Tết trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường…" [1], lời bài hát quen thuộc phát ra văng vẳng từ một ngôi nhà góc phố kín cổng cao tường. Một cậu bé đang loay hoay với chiếc lồng đèn siêu nhân được mẹ mua sớm. Không biết đến đêm trung thu, cậu nhóc có thật sự biết cảm giác "rước đèn đi khắp phố phường…" không, hay chỉ quanh quẩn bên góc salon phòng khách, tí toe với đồ chơi nhựa trong tiếng léo nhéo trên tivi của kênh Disney Channel [2].
Không biết mấy tiếng "Tết trung thu" còn đủ sức làm cho bao nhiêu người lớn cảm thấy xao xuyến. Và không biết còn có bao nhiêu người lớn nhớ về những ngày thơ bé, thời mà chỉ cần mỗi lần ngước nhìn mặt trăng óng ả, vàng ươm trên cao cũng đủ làm dấy lên trong đầu những người từng là cô bé cậu bé ấy cái bồi hồi, xúc động khó tả. "Mẹ ơi, có chú cuội chị Hằng trên đó không mẹ…?", "Có phải chấm đen kia là cây đa không…?". Có bao nhiêu người - từng - bé nhớ lại những khoảnh khắc ngây ngô?
Tự hỏi như thế mới thấy mấy tiếng "Tết trung thu" quý như thế nào. Quý không phải ở miếng bánh ngon, món quà đẹp, mà ở chỗ thời gian lắng đọng và đóng khung tại đấy. Tết trung thu - Tết dành riêng cho trẻ con, dành riêng cho một giai đoạn đặc biệt của cuộc sống con người, dành riêng cho những kỷ niệm thần tiên ấp iu trên dòng chảy mải miết của thời gian.
Ai đó từng có một thời tuổi thơ chắc không ít lần háo hức chờ đón Tết Trung thu về. Và nếu ai đó từng sống ở một vùng làng quê thì chắc khó quên được cái háo hức, tưng bừng của lũ nhóc quê nghèo chào đón Tết của riêng mình. Quê tôi chỉ là một xóm nhỏ ở Thoại Sơn, An Giang, vùng miền Tây sông nước, nhưng cứ mỗi khi vào dịp trăng tròn vạnh và đẹp nhất thì lũ trẻ quê lại bày lắm trò "xôm tụ". Trước Trung thu một tuần, hai chị em tôi đã săn tìm hộp lon sữa đặc Ông Thọ, đã dùng hết, để mang sang nhà chú Minh bên cạnh, năn nỉ chú cưa cắt, thiết kế lon sữa thành chiếc đèn hoa nan tròn xoe, xinh xắn, có chỗ để cắm một cây đèn cầy (nến) ở giữa và còn có tay cầm đẩy cho đèn lăn xoay xoay rất đẹp.
Chú Minh được "đặt hàng" nhiều quá, làm không xuể nên "cấm cửa" không cho tụi nhỏ quấy rối; vì thế các "khách hàng" quay sang nhờ anh Thảo làm lồng đèn tre đan giấy. Chỉ là đèn cá chép, bươm bướm, ông sao… nhưng đèn tre đan giấy bóng xanh đỏ tím vàng khi được thắp một cây đèn cầy (nến) ở giữa sẽ sáng lung linh, rất đẹp. Khổ nỗi, mấy đứa con gái lại cứ nơm nớp lo sợ tụi con trai phá bĩnh, chỉ chực theo sau nắm tóc, giật áo và xô cho lồng đèn cháy xém.
Con nít ở quê khoái nhất là trò "tích lũy" đèn cầy chờ Trung thu để thắp lên. Tôi còn nhớ, khoảnh sân nhỏ trước nhà là "đại bản doanh" của mình và nhóm bạn. Trước trung thu vài ngày, tụi tôi nhịn tiền ba mẹ cho ăn quà vặt để gom góp "tậu" những cây đèn cầy đủ màu sắc ở tiệm tạp hóa. Và đến đêm trăng rằm, đêm "đặc ân" trong năm mà người lớn khá thoải mái khi cho tụi nhỏ "nghịch lửa", chúng tôi đốt đèn cầy trong những cái chén cũ, trên hòn đá cuội, trên một hộp thiếc đựng bánh tây mà người lớn vứt đi… rồi ngồi bên nhau xì xèo chuyện trẻ con, ăn bánh dẻo, khoai lang luộc và khoái chí nhìn từ thân ngọn nến, từng giọt sáp tròn, xinh xắn đang nhỏ xuống với cái nhìn háo hức, bỡ ngỡ. Và ngoài kia, con sông Thoại hiền hòa đang chảy, có tiếng mái chèo của chiếc ghe đang nhẹ nhàng khỏa nước. Ngoài vườn, cây đu đủ, cây mãng cầu (na), cây ổi… ngủ yên hài lòng vì chiều nay đã giúp cho chủ nhà một mâm cỗ đầy, khỏi phải đi chợ xa.
Tụi tôi chơi đèn, chơi nến đến tận khuya. Khi trăng lên cao, khi đèn dưới mặt đất đang lụn dần thì chính là lúc "dàn đèn" sao trên trời đang sáng nhất. Nhắm mắt lại, tôi có thể thấy đứa bé nào đó lơ mơ ngủ, miệng chóp chép cười ngay cả khi đã được người lớn "khiêng" vào nhà sau khi chơi mệt lử. Cái cười ngô nghê còn rớt lại ngoài góc sân, còn rớt lại trên chiếc lá ướt sương đêm trong vườn… Nụ cười ông trăng còn theo cả vào giấc ngủ bé thơ, giản dị.
Đọc đến đây bạn đừng cười thầm cho tôi là người "lãng mạn hóa" và "sến hóa" nhé! Có những tuổi thơ nhọc nhằn, cơ cực, tủi nhục, có những tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc và có những tuổi thơ sóng gió, lao đao… Tuổi thơ tôi có những khoảng buồn vui riêng. Nhưng bạn tôi ơi, hãy cứ thi vị và mộng mơ khi nghe đâu đó "Tết Trung thu rước đèn đi chơi…". Vì biết đâu nhờ thế, đâu đó trong góc tâm hồn, chúng ta còn có cái để mà nhớ.
Dương Thanh Vân