Đánh chiếm toà đại sứ Mỹ

Asaki_No1

Trưởng phòng thể thao
Xu
0
Khoảng hơn 12 giờ đêm, mồng Một Tết Mậu Thân 1968, một thanh niên đi xe máy mô-bi-lết (mobylette) xanh đến quán Phở Bình (số 7 đường Yên Đổ). Đó là Ngô Văn Vân tức Ba Đen người chỉ huy tổ biệt động đánh vào tòa đại sứ Mỹ. Chủ quán phở Bình là ông Ngô Toại, một cơ sở cách mạng đã bố trí nhà mình thành trung tâm liên lạc bí mật của một bộ tư lệnh tiền phương bao gồm : biệt động võ trang Thành Đoàn, tham mưu, chính trị, binh vận và hậu cần. Nơi đây trước mặt đại tá Nguyễn Đức Hùng, tham mưu trưởng khu Sài Gòn - Gia Định năm 1968 - Ngô Văn Vân thay mặt toàn đội cảm tứ của đoàn biệt động F.100 hạ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong trận đánh chiếm tòa đại sứ Mỹ.

Đội cảm tử này được đặt phiên hiệu là D5 gồm 17 người đặt dưới sự lãnh đạo của một chi bộ Đảng mang cái tên vinh dự là Chi bộ Hồ Chí Minh, do Ngô Văn Vân là chỉ huy trưởng kiêm bí thư, Út Nhỏ phó bí thư, Bảy Tiến và Sơn là chính trị viên. Giờ nổ súng được quy định : chậm nhất là 3 giờ sáng phải đánh chiếm và giữ cho đến rạng đông sẽ có các đơn vị mũi nhọn đến tăng viện.

2 giờ 45 phút : Toàn đội biệt động D5 ngồi trên ba chiếc du lịch từ phía đường Mạc Đĩnh Chi quẹo qua đường Thống Nhất, rà sát trước tòa đại sứ Mỹ. Xe chưa ngừng hẳn mấy loạt AK đã lia vào cổng chính. Hai tên lính Mỹ gác cổng vội thụt vào bên trong và nhanh tay đóng sập cánh cửa thép khóa lại. Bên ta, hai chiến sĩ biệt động khác nhanh nhẹn nhảy xuống xe ôm bộc phá đến đánh sập một lỗ hổng trên vách tường rào tòa đại sứ chỗ gần bót gác ở góc đường Mạc Đĩnh Chi - Thống Nhất (nay là Lê Duẩn).

Theo cửa mở đó, toàn đội tràn vào chiếm lĩnh trận địa bên trong. Mũi thứ nhất khống chế cổng chính. Mũi thứ hai kiểm soát cổng phụ bên đường Mạc Đĩnh Chi. Mũi thứ ba do đồng chí Ba Đen chỉ huy đánh thẳng vào trung tâm "Tòa Nhà Trắng" này. Nói thì lâu nhưng diễn biến đó chỉ xảy ra trong vòng chưa đầy hai phút. Hầu hết các đòn tiến công của biệt động thành đều mở đầu như vậy - bất ngờ và thần tốc từ chiến lược đến chiến thuật.

2 giờ 47 phút : Hai quân cảnh Mỹ một là Xác-lơ Đa-nhi-en (Charles Daniel), một là Uy-li-am Sê-bát (William Sebast) ban nãy thoát chết trong đường tơ kẽ tóc vừa lọt vào bên trong đã gọi điện thoại báo động. Chúng phát "Tín hiệu số 300" - mật hiệu ngắn nhất của quân cảnh Mỹ có nghĩa là "Bị Địch Tấn Công". Nhưng Daniel chỉ kịp gào lên hai lần trong máy : "Chúng đang tràn vào tràn vào. Cứu với! Cứu với!" - Rồi im tiếng. Liên lạc điện thoại đã mất. Một băng đạn AK đã quạt vào đầu hắn và phá hủy luôn máy điện thoại. Sebast cũng chết gục tại chỗ vì bị đạn trổ qua ngực.

3 giờ 5 : Một xe Jeep của quân cảnh Mỹ đi tuần bắt được "Tín hiệu 300" vội từ hướng Dinh Độc Lập chạy tới. Hai quân cảnh Mỹ - một là Giôn-ni Thô-mát (Jonnie Thomas), một là Ô-oen Mi-bớt (Owen Mebust) - vừa từ trên xe nhảy xuống đã bị bắn gục ngay tại chỗ. Bên trong, các chiến sĩ biệt động chiếm lĩnh tầng dưới một cách dễ dàng, bắt được một số tù binh gồm quân cảnh và lính thủy đánh bộ Mỹ, xong lại đánh lên lầu ba, lầu bốn bắt thêm một số tù binh nhốt cả vào phòng. Số tù nhân này cả quân sự lẫn dân sự, Mỹ có Việt có. Khi đã đầu hàng chúng đều được tha chết. (Ngay cả những phút ngặt nghèo nhất sau đó các chiến sĩ biệt động vẫn chấp hành đúng chính sách, không thèm sát hại một mạng nào).

3 giờ 30 đến 4 giờ : Xe hú còi vang ngoài đường. Địch đã điều động các lực lượng hỗn hợp Mỹ ngụy đến phản kích tái chiếm Tòa Đại sứ. Chúng không dám đột phá vào cổng chính mà bố trí hỏa lực mạnh từ một cao ốc đối diện bắn sang. Bên trong ta vẫn làm chủ trận địa. Ba Đen dẫn một tổ sục sạo khắp các phòng ốc trên lầu ba để tìm bắt sống đại sứ Mỹ "Èo uột" Bân-cơ (Ellsworth Bunker). Anh có biết đâu rằng lão già "tủ lạnh" này đã được nhân viên bảo vệ đưa ra khỏi Tòa Đại sứ theo một lối đi bí mật để sau đó trốn vào phòng ngủ của Leo cam-say (Leo Crampsay), một tên trùm mật vụ, nhà ở đường Pát-tơ (Pasteur). Gặp một căn phòng kiên cố cửa đóng im ỉm, tổ Ba Đen bắn vào đấy một quả B.40. Bên trong không có người mà chỉ toàn hồ sơ mật bị bốc cháy.

5 giờ sáng : Giặc vây bốn phía. Quân cảnh Mỹ "học theo" cách của biệt động phá một lỗ hổng khác ở tường tràn vào bố trí hỏa lực ở các bồn cỏ cao trong sân. Quân ta di động trong sân đánh trả. Ba Đen nhìn đồng hồ; đã qua hơn hai giờ chiếm giữ. Chi bộ Hồ Chí Minh đã hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn trên giao. Trời đã hừng đông nhưng viện binh đâu? Ba Đen than thầm : "Các anh ơi! Hãy đến nhanh. Nếu chậm thì đơn vị cảm tử của chúng tôi sẽ không còn mấy người".

5 giờ 30 : Trực thăng của sư đoàn Kỵ binh không vận 101 ầm ầm quần đảo trên nóc Tòa Đại sứ. Súng ở dưới bắn lên dữ dội. Máy bay chuồn mất. Nhưng bên cổng Mạc Đĩnh Chi đã không còn nghe tiếng súng của các chiến sĩ ta. Trong tổ của Ba Đen lại thêm đồng chí Vinh, hy sinh vì bắn quả B.40 cuối cùng trong góc phòng chật hẹp vì nghi trong phòng có lão già Bân-cơ.

6 giờ : Nguyễn Văn Luận, Trung tá giám đốc Cảnh sát Đô thành điều động bộ hạ đến tiếp tay cho Mỹ. Từ trên lầu nhìn xuống các chiến sĩ ta thấy cả một rừng phóng viên báo chí nhiếp ảnh, quay phim...

7 giờ : Trời sáng rõ. Lính Mỹ mang mặt nạ đầu heo xuất hiện tấn công các chiến sĩ biệt động bằng lựu đạn cay.

7 giờ 20 : Hãng tin Mỹ AP bắt đầu loan tin do ký giả danh tiếng Pi-tơ A-nét (Peter Arnett) từ Sài Gòn điện về Niu Óoc (New York) : Việt cộng đã chiếm lĩnh bên trong Tòa Đại sứ". Các hãng thông tấn khác cũng tới tấp đưa tin. Cả thế giới đã biết và đang hồi hộp theo dõi trận đánh của biệt động Sài Gòn.

8 giờ : Trực thăng quay trở lại đổ quân lính Mỹ từ sân thượng dồn hỏa lực đánh xuống. Út Nhỏ, Sơn, Văn bị thương vẫn chiến đấu quyết liệt. Bên ta đã gần hết đạn. Phía Mỹ thêm một tên bị hạ. Đó là Giêm Ma-rơ-hon (James Marehall), hạ sĩ quân cảnh. Tên này chết gục trên sân thượng. Lính Mỹ tiếp tục tràn xuống.

8 giờ 30 : Đồng chí Mang bắn phát B.40 cuối cùng của đời mình cam chịu hy sinh vì sức ép của đạn lõm để tạm thời đẩy lui thêm một đợt phản kích của giặc.

9 giờ : Địch tràn ngập. Bên ta, toàn đội cảm tử đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Tất cả mười bảy người đều thương vong. Sau này chỉ còn một người may mắn sống sót và bị bắt làm tù binh. Đó là đồng chí Ba Đen.

Những chi tiết trong trận đánh này về phía ta do đồng chí Ba Đen kể lại. Thời điểm, giờ giấc và các tình tiết phía bên địch do nhà báo Mỹ Đôn O-bơ-đo-phơ (Don Oberdorfer) tường thuật trong quyển sách nhan đề là "TET" nói về Mậu Thân - sách bán chạy nhất năm 1972 ở Mỹ.

Sau ngày giải phóng; đồng chí Ba Đen có lần tâm sự : "Cho đến nay tôi vẫn không quên những hình ảnh máu lửa của trận đánh Tòa Đại sứ Mỹ. Suốt đời nhớ từng gương mặt, từng lời nói. Tôi thường nghĩ : các tướng lãnh chỉ huy hàng chục vạn quân khi phải hy sinh mười mấy chiến sĩ không biết có vấn đề gì đọng lại trong trái tim của các đồng chí ấy không? Còn tôi chỉ huy có 16 người và đã hy sinh cả 16. Toàn đội đã làm tròn nhiệm vụ nhưng con số 17 – 16 mà hỡi ôi! Một người còn sống sót đó lại là tôi"... Đấy là lời cuối cùng để kết thúc trận đánh. Đánh "Tòa Nhà Trắng ở phương Đông" mà chấn động cả Tòa Nhà Trắng ở phương Tây.

Theo "Mậu Thân Sài Gòn", NXB Trẻ - 1988)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top