Anh (chị) hãy phân tích bài Thơ duyên của thi sĩ Xuân Diệu

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Đề: Anh (chị) hãy phân tích bài Thơ duyên của thi sĩ Xuân Diệu.

Hướng dẫn làm bài

1. Giải thích nhan đề "Thơ duyên":

"Duyên" nghĩa gốc là noi theo, bởi (duyên do). Phật giáo có quan niệm và khái niệm thập nhị nhân duyên. "Duyên" còn có nghĩa là nguyên nhân sinh ra việc (duyên cớ, duyên do). Ngoài ra cũng có nghĩa "duyên hài": mối nhân duyên hòa hợp nhau (Gia thất duyên hài - Truyện Kiều). Tục ngữ Việt Nam có câu: "Một duyên, hai nợ, ba tình" nghĩa là vợ chồng lấy nhau có thể do duyên phận định sẵn nhưng có khi hai người không hay biết, cứ ngỡ phút tình cờ nên vợ nên chồng, có thể là do nợ từ kiếp trước bây giờ phải trả, có thể do tình yêu. Ở đây, thi sĩ Xuân Diệu nói "duyên" nghĩa là một cuộc gặp gỡ tình cờ, không hẹn mà trở thành tình yêu, vì thế mối tình càng thi vị. Do đó, Thơ duyên không phải là thơ tình, cần phải hiểu Thơ duyên là những rung động ban đầu của một chàng trai mở rộng lòng mình, say cảnh, say người, khao khát gắn kết tâm hồn mình với tất cả những gì đáng yêu ở trước mắt trong đó có người con gái yêu kiều chàng gặp giữa mùa thu. Thơ Duyên là khúc hát trong trẻo, mượt mà về duyên của thiên nhiên đất trời và duyên của con người.

2. Phân tích:

2.1. Khổ 1:

Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên.
Cây me ríu rít cặp chim chuyền,
Đổ trời cành ngọc qua muôn lá,
Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền.


Khổ thơ này như một ống kính quay cảnh chiều thu thật đẹp với đường nét mềm mại, duyên dáng: một nhành thơ tỏa ra từ nhánh cây, những âm thanh ríu rít của đôi chim đang chuyền cành và màu xanh ngọc bích tràn trề như thác đổ từ trời cao xuống muôn lá. Từng ấy thứ đầy ắp trong tâm hồn người trai trẻ khiến anh phải thốt lên sung sướng: "Thu đến!" Và lòng anh lãng ru trong bản đàn huyền diệu của thiên nhiên. Ở đây, cách nói của Xuân Diệu vừa tinh tế, vừa sôi sục, tràn đầy. Thi nhân không bao giờ bằng lòng với lối diễn đạt ở dạng mờ nhạt hoặc trung tính. Thi nhân dùng nhiều từ ngữ chưa từng có trong văn chương trước đó như: "chiều mộng", "nhánh duyên", "Đổ trời xanh qua muôn lá". Từ "chiều mộng" rất thi vị, tình tứ. Từ "nhánh duyên" rất gợi cảm. Từ "đổ" đặt ở đầu câu thơ "Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá" là cách dùng từ rất Tây miêu tả vẻ đẹp kì diệu của bầu trời: bầu trời trong xanh như đổ tràn, như tuôn chảy, ánh sáng như ngọc lấp lánh qua muôn lá. Sắc màu xanh ngọc vừa gợi lên một vẻ đẹp quý phái, vừa nõn nà, quyến rũ.

2.2. Khổ 2:

Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều.
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,
Lần đầu rung động những thương yêu.


Con mắt mê say vẻ đẹp của thiên nhiên đến gần như chếnh choáng khiến chàng trai trẻ nhìn hiện thực như ngả nghiêng, chao đảo. Các cặp từ láy sóng đôi: "nho nhỏ", "xiêu xiêu", "lả lả" và một chút vần lưng rất đắt "nhỏ - gió" đã làm cho cảnh vật như đu đưa, ngây ngất trên sóng.

Các từ dùng đã hay nhưng cái hay nhất có lẽ là chính các từ ấy đã thể hiện được cái cảm xúc dâng trào trong tâm hồn người thi sĩ trẻ đang say cảnh đẹp. Và chính trong "buổi ấy", khi tâm hồn ngây ngất men đời, chàng trai trẻ đã lắng nghe cả lòng mình. Kỳ diệu hơn nữa: "nghe ý bạn"! Lần đầu trong đời, trong đáy sâu hun hút nơi tâm hồn chàng trai trẻ đã rung lên sợi dây đàn thương yêu giữa người với người. Tâm trạng này của nhân vật trữ tình chợt gợi nhớ gợi thương tâm trạng của Miên Thẩm - Một thi sĩ thuộc dòng Tôn Thất, triều Nguyễn:

Uống cảnh say men, uống cả tình.

2.3. Khổ 3:

Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững thững chẳng theo gần,
Vô tâm - nhưng giữa bài thơ dịu,
Anh với em là một căp vần.


Tứ thơ phát triển thêm một bước nữa hướng về phía con người. Ở khổ thơ này chúng ta bắt gặp hai ý thơ có thể nói là rất đặc sắc, rất Xuân Diệu..

Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững thững chẳng theo gần.

Người con gái thanh tân ấy đi giữa chiều thu, quả thật nàng hoàn toàn thanh thản "lâng lâng chẳng bợn chút trần ai". Bước đi điềm nhiên, dang đi uyển chuyển, lòng không vướng bận gì, con người ấy là hiện thân của một sự trong trắng, tinh khiết. Có người phân tích: Cô gái ấy cũng giả vờ "vô tâm", chân bước điềm nhiên nhưng lòng cũng hướng tới chàng, tôi cho như thế là hiểu sai ý thơ, và sự gán ghép ấy đã làm mất đi sự tinh tế trong ý tình của tác giả. Câu thơ nói về chàng:

Anh đi lững thững chẳng theo gần

Là một câu thơ rất hay và sáng tạo. Đi "lững đững" chứ không phải "lững thững". Đi "lững thững" là lối đi tản bộ của một người thật sự vô tâm, như là đi dạo mát. "Đi lững đững" là kiểu đi có khi khoan, có khi nhặt, cố giữ một cự li nhất định với một đối tượng mình đang hướng tới. Không biết từ "lững đững" có cùng ý tứ với "lãng đãng" của Nguyễn Du trong câu thơ Kiều "Sen vàng lãng đãng như gần như xa" hay không? Tôi có suy diễn không khi nói rằng "đi lững đững" là kiểu đi có nhiều tâm trạng?

Trong cuộc đời, có lúc nào lòng bạn đang reo hát, bắt gặp một dáng kiều thơm trên đường, bạn cố bám theo, chỉ bạn hữu ý còn người ấy vô tâm, bạn sẽ thấy Xuân Diệu đã nói giùm bạn một tình cảm bất chợt đến với lòng bạn, và bạn bỗng nảy sinh lòng ao ước được sánh đôi với người đẹp ấy.

Khổ thơ thứ 3 nói cái tình đời tha thiết của nhà thơ, rất trẻ trung và sáng tạo, và tình cảm ấy là nét đặc sắc bậc nhất của cả một đời thơ Xuân Diệu.

Thứ tình cảm lãng mạn này rất mới nếu đặt vào bối cảnh những năm 1936 - 1938, khi lễ giáo phong kiến còn chi phối mạnh cuộc sống tình cảm của con người.

2.4. Khổ 4:

Trở lại với cảnh sắc thiên nhiên nhưng ở một thời điểm khác: "chiều muộn". Khổ thơ này có những hình ảnh rất hay, vừa cổ điển, vừa hiện đại. Mây biếc bay nhanh mà không biết về đâu, cùng với cánh cò phân vân tạo nên âm hưởng bâng khuâng và man mác buồn (Ta nhớ Xuân Diệu rất sợ chiều tàn và bóng đêm). Một cánh chim chiều cố gắng giang thêm cánh trước vũ trụ bao la, và dưới mặt đất, sương lạnh đã phủ lên những đóa hoa.

Đây là khổ thơ duy nhất trong cả bài thơ mang nỗi buồn, có chút gì đơn côi, lạnh lẽo trong chiều thu tàn, là nét tâm trạng cũng dễ hiểu của Xuân Diệu.

2.5. Khổ thơ cuối:

Ý thơ lại nhanh chóng trở về với cuộc sống con người.

Chàng thi sĩ bước lặng giữa thu êm, chẳng cần ai mối lái trước cảnh chiều thu đẹp đến ngơ ngẩn cả tâm hồn: "Lòng anh thôi đã cưới lòng em". Tức cảnh si tình vốn là lẽ thường xưa nay, Xuân Diệu không nói: Anh yêu em, mà nói "Lòng anh thôi đã cưới lòng em". Chữ "thôi" thật hay vì nó nhấn mạnh đến sự hiển hiên, một sức mạnh nào đấy làm cho người ta không cưỡng lại được. Lòng anh và lòng em, cách nói ấy mạnh mẽ, sâu xa, ý vị hơn nhiều hai tiếng anh và em, và chữ "cưới" nhấn thật mạnh vì sự tác hợp của hai cõi lòng, cũng là một từ dùng táo bạo và rất hay cho đến bây giờ nó vẫn giữ nguyên sự mới mẻ của ngôn ngữ thơ. Câu thơ cuối thể hiện ý nguyện gắn kết giữa hai tâm hồn nhưng thực ra nó cũng bộc lộ một cách sâu sắc và mặn mà sự gắn kết tâm hồn giàu cảm xúc của chàng thi sĩ trẻ với cuộc sống muôn vẻ yêu kiều mà chàng đã và sẽ say mê mãi mãi trọn đời.

Theo Nhà giáo Trần Tư*
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top