Chia Sẻ đảng quốc đại ấn độ với phong trào tự trị từ 1916 đến 1919

Trang Dimple

New member
Xu
38
Phong trào tự trị đã xuất hiện từ sớm với những hoạt động của S.Krisma Varma ở London vào năm 1905. Đến những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất nó đã phát triển và trở thành một phong trào thực sự, lôi cuốn đông đảo quần chúng nhân dân cũng như các lãnh tụ Ấn Độ. Theo A.Besant, một trong những người khởi xướng phong trào, phong trào tự trị thực sự bắt đầu vào mùa Xuân năm 1914, khi bà bắt đầu xuất bản tuần báo “Commonweal” vào 1 – 1914. Tháng 7 – 1914, A.Besant mua tờ báo Madras Standard, thành lập từ năm 1841, và đổi tên thành tờ New India để mở rộng công tác tuyên truyền ở Ấn Độ và chuẩn bị cơ sở để thành lập Liên đoàn tự trị. Ngày 14 – 7 – 1914 tờ báo đã ra số đầu tiên với 1.100 bản, sau một tháng số lượng in của nó đã lên tới 5.000 bản .

Với tấm lòng nhiệt thành của mình A.Besant không ngừng tìm cách cổ động cho quyền tự trị của Ấn Độ. Theo bà, “Ấn Độ phải được quyền bình đẳng, Ấn Độ cũng như các thuộc quốc tự trị khác của Đế quốc đã yêu cầu điều này từ trước chiến tranh, ngày nay nó vẫn đang yêu cầu và sẽ còn tiếp tục yêu cầu trong tương lai. Nhưng đó không phải là một phần thưởng mà như một quyền chính đáng của mình, không phải nghi ngờ một điều gì ở đó cả”, bởi lẽ “ấn Độ không phải mãi mãi là một đứa trẻ trong vườn trẻ của đế quốc Anh, vì sự trung thành của nó, cần phải để cho nó được độc lập trong phạm vi Đế quốc Anh” .

Ngày 25 – 9 – 1915, A.Besant công khai tuyên bố các nhiệm vụ của cuộc vận động đòi quyền tự trị trên tờ báo New India: Liên đoàn tự trị Ấn Độ sẽ được thành lập với nhiệm vụ cơ bản là tiếp nhận quyền tự trị cho ấn Độ. Liên đoàn kêu gọi sự giúp đỡ của Đảng Quốc Đại. Cần thành lập một ủy ban của Liên đoàn ở Anh với nhiệm vụ cơ bản là thông báo thường xuyên cho các giới xã hội Anh về các sự kiện ở Ấn Độ.

Với suy tính rằng Đảng Quốc Đại là một tổ chức chính trị lớn, có uy tín của dân tộc Ấn Độ, A.Besant đã cố gắng tìm đến sự giúp đỡ của Đảng Quốc Đại. A.Besant đã bàn bạc với nhiều nhà lãnh đạo Đảng Quốc Đại về các vấn đề thành lập Liên đoàn tự trị ở Ấn Độ. Nhiều người trong số họ đã ủng hộ tư tưởng này và khuyên bà thành lập nó như một tổ chức độc lập và ủng hộ cho Đảng Quốc Đại. Bà đã đồng ý với ý kiến này và nhiều thành viên của Đảng, trong đó có cả S.Banerjee, và S.Banerjee đã biểu thị sự cộng tác của mình với Phong trào tự trị.

Cuối tháng 12 – 1915, trong Hội nghị thường niên của Đảng Quốc Đại ở Bombay, A.Besant đã tổ chức một Hội nghị thảo luận về vấn đề tổ chức Liên đoàn tự trị nhằm tiếp tục tuyên truyền cho nền tự trị Ấn Độ. Phần lớn những người tham dự cho rằng sự ra đời của Liên đoàn tự trị có thể tạo ra sự suy yếu, thậm chí là sự đình trệ, các hoạt động của Đảng Quốc Đại. Do vậy, với đa số phiếu, Hội nghị đã quyết định rằng việc thành lập Liện đoàn tự trị sẽ chưa được quyết định trong một thời gian . Mặc dù thất bại tại Hội nghị nhưng A.Besant vẫn tiếp tục mở rộng hơn nữa sự phát triển của phong trào để thành lập Liên đoàn tự trị. Hội nghị Bombay (1915) của Đảng Quốc Đại đã thảo luận vấn đề này và quyết định giao cho ủy ban toàn ấn của Đảng Quốc Đại chuẩn bị dự án thành lập Liên đoàn tự trị sau khi thảo luận với các uỷ ban hàng tỉnh, thời gian ấn định là ngày 1- 9 – 1916. Tuy nhiên những người ôn hòa của Đảng Quốc Đại đã không đưa ra một dự án nào. Vì vậy A.Besant đã chủ động đi đến quyết định. Ngày 01 – 9 – 1916, tại Madras, Liên đoàn tự trị Ấn Độ được tuyên bố thành lập do Subramanya Aiyer làm Chủ tịch . Chỉ vài ngày sau khi tuyên bố thành lập, chi nhánh của Liên đoàn tự trị đã mở ra ở Bombay, Allahabad, Calcutta, Kanpur, Ahmadnagar, Matshur, Benari, v.v… A.Besant đã sử dụng tối đa hai tờ báo Commonweal và New India cùng các chi nhánh để tuyên truyền cho mục đích và nhiệm vụ của Liên đoàn tự trị. Trong các bài phát biểu của mình, A.Besant nói rằng bà muốn đánh thức nhân dân Ấn Độ thoát khỏi trạng thái tiềm sinh từ ngàn xưa, bà ví mình như một “chiếc trống đại Ấn Độ” để đánh thức tất cả những người đang ngủ, làm cho họ có thể cống hiến cho “Tổ quốc thân yêu” và nói với các giới cầm quyền Anh rằng: Ấn Độ – đó là một biển người với tài nguyên thiên nhiên giàu có, một nước Ấn Độ tự trị sẽ rất có lợi cho Đế quốc trong cuộc đấu tranh của nó chống lại chủ nghĩa phiệt Đức.

Sau sự do dự ban đầu, Đảng Quốc Đại đã tán thành hoạt động của Liên đoàn tự trị và quyết định sử dụng tổ chức này vào việc tuyên truyền, cổ động các nghị quyết của Đảng.

Cũng vào năm 1916, một Liên đoàn tự trị khác do B.G.Tilak khởi xướng đã được thành lập và đi vào hoạt động. Sau khi mãn hạn tù, B.G.Tilak tiếp tục tích cực hoạt động chính trị. Mặc dù trong thời gian đầu ông và những người cánh tả vẫn còn ở ngoài Đảng Quốc Đại nhưng ảnh hưởng ngày càng tăng lên mạnh mẽ. So với A.Besant, B.G.Tilak có lợi thế hơn hẳn về uy tín chính trị. Ông không phải chờ đợi sự tán thành hay kết nạp chính thức của Đảng Quốc Đại mà ông đã bỏ ra vì sự phản đối năm 1907, và ông đã không mất thời gian cho việc tổ chức một Liên đoàn tự trị.

Tháng 12 – 1915, Tại Poona, B.G.Tilak đã triệu tập Hội nghị những người cánh tả Bombay, Berak và Các tỉnh thuộc trung ương. Tại Hội nghị, một ủy ban được thành lập để soạn thảo các dự án cụ thể cho việc thành lập Liên đoàn tự trị ở Maharastra trong thời gian ngắn nhất. Đến đầu năm 1916, ủy ban này đã soạn thảo và đề ra các yêu cầu đầu tiên của việc thành lập Liên đoàn tự trị tại Bombay, Berara và Các tỉnh thuộc trung ương, sau đó thành lập các chi nhánh của nó trên khắp các miền của Ấn Độ, cuối cùng mới đi đến thành lập Liên đoàn tự trị tại Poona. Bộ máy cơ quan chấp hành tổ chức này, được Hội nghị những người cánh tả Maharastra thông qua ngày 23 – 4 – 1916, do G.Bantista làm Chủ tịch, N.K.Kelkar làm thư ký . Những người sáng lập Liên đoàn tự trị ở Maharastra đề ra nhiệm vụ cơ bản của tổ chức này là phấn đấu cho một nền tự trị trong phạm vi Đế quốc Anh bằng con đường hợp hiến. Để thực hiện mục đích đó cần phải chuẩn bị và tổ chức dư luận xã hội. Trên cơ sở đó, ngày 28 – 4 – 1916 Liên đoàn tự trị cho Ấn Độ (The Home-rule for India League) được tuyên bố thành lập. Mặc dù bản thân B.G.Tilak không ở trong Ban lãnh đạo của tổ chức Liên đoàn tự trị nhưng ông đã không ngừng cổ vũ cho hoạt động của nó. Ông đã viết trên tờ Mahratta rằng: “Tất cả chúng ta đều hiểu rằng đã đến lúc phải thành lập một tổ chức để bắt đầu chuẩn bị dư luận xã hội và cổ động cho tư tưởng tự trị ở trong nước. Những người cánh tả không thể cam chịu việc thực hiện chậm trễ kế hoạch tự trị và đã tích cực hoạt động để giải quyết các nhiệm vụ cấp thiết, thực tế của nó” . B.G.Tilak nói rằng, thậm chí ngay cả khi chiến tranh đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, vấn đề trao quyền tự trị cho Ireland vẫn được thảo luận tại Anh, do đó ông yêu cầu vấn đề tự trị của Ấn Độ phải là nhiệm vụ số một và không thể trì hoãn chờ đến khi chiến tranh kết thúc. Ông yêu cầu Nghị viện Anh nhanh chóng soạn thảo và phê chuẩn một đạo luật mới đảm bảo cho quyền tự trị của Ấn Độ. Ông nói: “Hiện nay tất cả mọi người đều đòi hỏi tự trị và từ nay về sau nước Anh không thể ngăn cản được đòi hỏi đó” .

Tilak và Besant đã nhất trí là hai Liên đoàn tự trị sẽ hoạt động trong những vùng được phân ranh giới rõ ràng , cả hai đều thống nhất sẽ phối hợp chặt chẽ trong hoạt động chung. Với tinh thần đó, ngày 22 – 5 – 1916, tại Poona, A.Besant đã đọc một bài diễn văn trước cuộc mít tinh mà bà đến thăm theo sáng kiến của Liên đoàn tự trị ở Maharastra. Trong bài diễn văn bà nói rằng: Ấn Độ cũng như các thuộc địa khác cần phải bắt đầu cuộc đấu tranh để thực hiện các yêu cầu chính trị của mình. Bài diễn văn tác động mạnh mẽ đến nỗi chính quyền Bombay phải cấm bà đi đến các tỉnh khác . Tiếp theo, ngày 7-10- 1917, chi nhánh Allahabad của Liên đoàn tự trị Maharastra đã tổ chức một cuộc mít tinh do A.Besant làm chủ tọa. Tại đây B.G.Tilak đã đọc một bài diễn văn mà sau đó 4 ngày A.Besant đã phát biểu rằng “Từ ngày tôi đến Ấn Độ vào năm 1893, tôi đã chờ mong những hoạt động tích cực của B.G.Tilak. Sự thức tỉnh chúng ta thấy ngày hôm nay cũng như công tác tuyên truyền cổ động mà mà chúng ta đang tiến hành đều là kết quả sự nỗ lực của Tilak” .

Hoạt động chung của hai Liên đoàn tự trị đã được báo cáo của chính quyền Bombay xác nhận. Báo cáo nhấn mạnh rằng: “Cuộc bầu cử đại biểu của Hội nghị của Đảng Quốc Đại tổ chức ở Lucknow năm 1916 đã xác nhận sự bắt đầu các hoạt động chung của các đại biểu hai Liên đoàn mà mở đầu là ở Bombay còn sau đó là ở Hội nghị của Đảng Quốc Đại”. Tại Bombay, các thành viên Phong trào tự trị đã bầu được 8 đại biểu của mình, trong số 15 đại biểu được bầu từ tỉnh Bombay, để đi dự Hội nghị của Đảng Quốc Đại.

Trong Hội nghị của Đảng Quốc Đại ở Lucknow (1916), hoạt động của các thành viên Liên đoàn tự trị càng nhất trí, vững chắc hơn. Khi tiến hành bầu cử đại biểu vào ủy ban nghiên cứu các dự án, họ yêu cầu chỉ bầu những thành viên của Liên đoàn. M.Gandhi cùng một số người khác đã phát biểu phản đối đề nghị này nhưng không thành công. Tuy nhiên, theo chỉ thị của chủ tọa Hội nghị, M.Gandhi vẫn được cử vào Ban lãnh đạo của ủy ban.

Một số thành viên của Liên đoàn tự trị muốn tổ chức của họ được công nhận là một bộ phận trong toàn bộ của Đảng Quốc Đại. Tuy nhiên đa số phiếu đã thông qua nghị quyết của Đảng Quốc Đại buộc Liên đoàn tự trị và các tổ chức chính trị khác phải tiếp tục tuyên truyền, cổ động cho việc thực hiện các nguyên tắc của Công ước Lucknow . Trên cơ sở đó, tháng 9 – 1917 S.Aiyer đã soạn thảo chương trình của Liên đoàn tự trị để tuyên truyền các nguyên tắc của Công ước Lucknow đến với nhân dân. Chương trình định ra việc đào tạo các cổ động viên để phổ biến các yêu cầu của Đảng Quốc Đại và Liên đoàn Hồi giáo về quyền tự trị. Điều này chứng tỏ rằng Đảng Quốc Đại muốn thông qua Liên đoàn tự trị để lôi kéo quảng đại quần chúng nhân dân vào cuộc đấu tranh.

Hội nghị Lucknow (12 – 1916) của Đảng Quốc Đại đã hoan nghênh các hoạt động của Liên đoàn tự trị và quyết định tuyên truyền các nghị quyết cũng như dự án cải cách chính trị được Đảng Quốc Đại cùng Liên đoàn Hồi giáo phê chuẩn. Như vậy, quyền tự trị – ước mơ bao năm của Ấn Độ – đã trở thành khẩu hiệu đấu tranh và mục đích cơ bản trong các hoạt động của Đảng Quốc Đại.

Với sự ra đời và hoạt động của các Liên đoàn tự trị, Phong trào tự trị đã lôi kéo ngày càng đông sự tham gia của quần chúng nhân dân, trong đó có cả phụ nữ. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Đảng Quốc Đại năm 1917, A.Besant nhận xét:

“Sức mạnh của phong trào tự trị được tăng lên gấp 10 lần với sự tham gia của một số lượng lớn những người phụ nữ. Họ đã thể hiện tính kiên quyết và lòng kiên nhẫn. Đội quân chí nguyện dũng cảm nhất của Liên đoàn chúng ta – đó là những người phụ nữ… Phong trào tự trị đã lan tràn khắp nơi, đến nỗi cả những người phục vụ tôn giáo cũng đã tuyên truyền quyền tự trị trong các nhà thờ ở thành thị lẫn nông thôn” .

B.G.Tilak và các đồng chí của ông đều tin tưởng rằng việc phấn đấu cho quyền tự trị sẽ nhanh chóng trở thành nhiệm vụ cốt yếu và cấp bách của Liên đoàn tự trị. Liên đoàn tự trị do Tilak khởi xướng và đã mở rộng các hoạt động sôi nổi ở Maharastra, Karnataka, Berara và các Tỉnh liên hiệp. Tư tưởng của Liên đoàn đã được sự đồng tình, ủng hộ ở Sinds, Ahgmi, Delhi, ở các vùng miền Bắc và miền Tây đất nước.

Đến đầu năm 1917, Phong trào tự trị đã mang tính chất quần chúng. Điều này làm cho chính quyền thực dân hết sức lo ngại. Một bức thư mật đề ngày 17-1-1917, của một thành viên phụ trách công tác đối nội của chính phủ, đã viết rằng: “Tình hình rất nguy ngập. Những người cánh tả hoạt động theo sự hướng dẫn của B.G.Tilak và A.Besant có thể đẩy các tầng lớp có của ra khỏi chúng ta”. Còn hoạt động của B.G.Tilak và A.Besant thì được nhận xét “mọi người đều biết rằng, bằng những lời phát biểu của mình, họ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các biến cố” . Trước tình hình đó, tháng 3 – 1917, chính phủ đã ra một bức thông đạt cho các chính quyền địa phương ngăn cản việc tuyên truyền quyền tự trị. A.Besant bị cấm không được đến thăm Bombay và các Tỉnh thuộc trung ương. Chính quyền Punjab và Delhi cấm B.G.Tilak và B.C.Pal vào địa hạt của mình, còn Thống đốc Madras thì đe doạ áp dụng các biện pháp bạo lực nếu nhân dân ủng hộ những yêu cầu “vô lý” của Liên đoàn tự trị . Sinh viên các trường đại học và cao đẳng bị cấm tham gia vào các cuộc mít tinh do Liên đoàn tự trị tổ chức…

Ngày 15 – 6 – 1917, chính quyền Madras công bố lệnh bắt giữ A.Besant cùng một số đồng chí của bà. Tuy nhiên biện pháp trấn áp này đã đem lại kết quả trái với mong đợi của chính quyền thực dân. Hơn 2.000 đội viên của Liên đoàn tự trị đã cùng một lời thề bảo vệ sự nghiệp của Liên đoàn, dù họ bị chính quyền tuyên bố đặt ngoài vòng pháp luật. Dư luận ở Anh cũng biểu thị sự bất bình về việc bắt giữ A.Besant. Một làn sóng căm phẫn tràn khắp Ấn Độ, thậm chí một số lãnh tụ ôn hoà không tham gia phong trào thì nay đã gia nhập Liên đoàn và trở thành thành viên tích cực của phong trào, chẳng hạn như M.Jinnah ở Bombay, M.Nehru ở Các tỉnh liên hiệp, R.R. Das ở Calcutta,v.v… . K.Dwarkadas viết rằng: “Những gì mà A.Besant chưa đạt được trong suốt 20 năm thì việc bỏ tù bà đã làm cho nó đạt được trong một ngày. Quyền tự trị đã trở thành một vấn đề của toàn Ấn Độ” .

Theo đề nghị của B.G.Tilak, ủy ban toàn ấn của Đảng Quốc Đại đã lên tiếng phản đối chính sách đàn áp, khủng bố của Phó vương, ủy ban yêu cầu lời tuyên bố chính thức để đáp ứng các yêu cầu chính trị của người ấn và đòi thả A.Besant cùng các đồng chí của bà. S.Banerjee, một lãnh tụ phái ôn hoà, nhớ lại rằng ông đã chủ tọa hai cuộc mít tinh ở Calcutta để chống lại việc bắt giữ A.Besant, ông viết “Việc bắt giữa A.Besant đã tạo ra lý do để bắt đầu cuộc vận động bầu bà vào ghế Chủ tịch Hội nghị Đảng Quốc Đại sắp tới vào năm 1917”, để rồi tại đây bà tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu tự trị cho Ấn Độ. Trong diễn văn chủ tọa Hội nghị, bà nói:

“Để nhìn thấy Ấn Độ tự do, để nhìn thấy sự làm gương của nó, sự chính yếu của nó trong các dân tộc, để nhìn thấy những đứa con trai, con gái của nó được tôn trọng ở mọi nơi, để nhìn thấy sự đáng kính trọng của nó về một quá khứ vĩ đại và một tương lai được tiến hành xây dựng vĩ đại hơn của nó – Vậy có đáng để làm việc, để chịu đựng đau đớn và đáng sống và chết vì điều đó hay không?” .

Rõ ràng là sự bắt giữ A.Besant đã đưa lại kết quả trái với mong đợi của chính quyền thực dân, Phong trào tự trị càng phát triển và công tác tuyên truyền cổ động cho quyền tự trị càng được tăng cường. Đến tháng 4 – 1917, tức là một năm sau khi Liên đoàn tự trị được thành lập ở Maharastra, số hội viên đã lên đến 14.000 người và số tiền hội phí thu được hàng năm là 16.000 rupee . Tại Hội nghị hàng năm của Liên đoàn tổ chức vào tháng 5 – 1917, B.G.Tilak đã nhấn mạnh rằng, khác với Đảng Quốc Đại, Liên đoàn tự trị đã tròn một năm tăng cường các hoạt động để phấn đấu cho mục đích cơ bản là quyền tự trị . Ông còn cho rằng sau khi đạt được quyền tự trị cho Ấn Độ, vai trò của Liên đoàn sẽ kết thúc và nó sẽ giải tán sau đó vài năm.

Sau Hội nghị tháng 5 – 1917, tính tích cực của Liên đoàn tự trị càng được phát triển mạnh mẽ, công tác tuyên truyền cổ động cho quyền tự trị được phát triển sâu rộng hơn, nhất là ở nông thôn. Bên cạnh đó, theo sáng kiến của M.Gandhi, cả Ấn Độ chuẩn bị một cuộc vận động phản kháng bất bạo động đòi thả A.Besant, tình hình Ấn Độ càng trở nên căng thẳng. Tháng 7-1917, phiên họp chung của ủy ban toàn ấn của Đảng Quốc Đại và Hội đồng của Liên đoàn Hồi giáo được tiến hành. Ngoài việc cử một phái đoàn sang nước Anh để xin trao quyền tự trị cho Ấn Độ , phiên họp này đã xem xét vấn đề phản kháng bất bạo động theo đề xuất của M.Gandhi. Trong tháng 8 và tháng 9 – 1917, tất cả các ủy ban hàng tỉnh của Đảng Quốc Đại đã thảo luận sôi nổi dự án của ủy ban tổ chức phản kháng bất bạo động, ủy ban của Các tỉnh liên hiệp và Berara cho rằng dự án hoàn toàn có thể chấp nhận được; Bombay và Punjab quyết định chưa thảo luận vấn đề này cho đến khi Montagu đến Ấn Độ, Bihar quyết định bắt đầu cuộc phản kháng bất bạo động với yều cầu không chỉ đòi trả tự do cho những người lãnh đạo Liên đoàn tự trị mà cả anh em Ali và M.A.Kalam Azad, ủy ban Madras tán thành dự án… Dưới áp lực xã hội Ấn Độ và “nhằm mục đích tạo ra không khí thuận lợi cho những cuộc đàm phán hoà giải” khi Montagu sang Ấn Độ, A.Besant và các đồng chí của bà đã được thả ra vào tháng 9 – 1917. Do vậy, vấn đề phản kháng bất bạo động được rút ra tại phiên họp chung giữa ủy ban toàn ấn của Đảng Quốc Đại với Hội đồng Liên đoàn Hồi giáo vào tháng 10 – 1917.

Tháng 10 – 1917, Montagu đã đến Bombay. Theo đề nghị của M.Gandhi, Liên đoàn tự trị tại Bombay đã tập hợp hơn 50.000 chữ ký của cư dân thành phố để trao cho Montagu, xem đó như một bản thỉnh nguyện yêu cầu thực hiện dự án chung của Đảng Quốc Đại và Liên đoàn Hồi giáo. Ngày 26 – 10 – 1917, các lãnh tụ phong trào như A.Besant, B.G.Tilak đã đến Delhi gặp Montagu và trao cho ông ta một bản thỉnh nguyện . Đồng thời, dưới sự lãnh đạo của B.G.Tilak, cánh tả đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền cổ động cho quyền tự trị để chính quyền Anh chú ý đến các yêu cầu của người ấn. Hoạt động của cánh tả được sự ủng hộ của những người Hồi giáo như anh em nhà Ali, M.Jinnah. Lúc bấy giờ các thành viên của Phong trào tự trị cũng như chính quyền thực dân đều xem B.G.Tilak là vị lãnh tụ lớn nhất của phong trào chính trị ở Ấn Độ.

Tháng 4 – 1918 Hội nghị chiến tranh đã tổ chức ở Delhi để thảo luận về khả năng Ấn Độ giúp đỡ cho Đế quốc, đặc biệt là vấn đề tuyển mộ người ấn vào quân đội. Phó vương Chelmsford mời Gandhi tham dự Hội nghị và tuyên bố rằng “Người Ấn Độ có thể đưa ra bất cứ vấn đề gì và có thể đòi hỏi ở chúng tôi những gì thích hợp, nhưng phải là sau khi chiến tranh kết thúc chứ không phải làm hôm nay” . Theo Montagu thì mời B.G.Tilak có lợi hơn. Ông ta cho rằng sự vắng mặt của B.G.Tilak, “Lãnh tụ lớn nhất của Ấn Độ trong giai đoạn hiện tại, là một sai phạm của chính phủ và chúng ta đã để mất một lãnh tụ có ảnh hưởng nhất” . Các cuộc mít tinh phản đối sự vắng mặt của các lãnh tụ Liên đoàn tự trị tại Hội nghị chiến tranh đã chứng tỏ ý kiến của Montagu là có cơ sở.

Tháng 4 – 1918, B.G.Tilak, A.Besant, K.R.Aiyer, M.Jinnah, M.Ghose, S.R.Das…. đã soạn thảo một bản tuyên bố và gửi nó cho chính phủ Anh cũng như chính phủ Ấn Độ. Bản tuyên bố nhấn mạnh rằng nếu như Ấn Độ phải đi đến một sự hy sinh lớn vì quyền lợi của Đế quốc thì nó phải được đối xử như các xứ tự trị khác chứ không phải là giữ nguyên sự lệ thuộc . Tại một cuộc mít tinh được tổ chức ở Bombay vào tháng 5 – 1918 để thảo luận về kết quả của Hội nghị chiến tranh Delhi, B.G.Tilak cho rằng Hội nghị Delhi đã không mang lại kết quả mà các lãnh tụ Ấn Độ mong đợi, nó chỉ có tác dụng phục hồi hoạt động của phái ôn hoà mà thôi. Đối với B.G.Tilak, ông sẵn sàng hợp tác với chính phủ, nhưng trước hết là phải có quyền tự trị. Vì thế tại Hội nghị chiến tranh tổ chức ở Bombay ngày 10 – 6 – 1918 ông đã bỏ Hội nghị ra về cùng các lãnh tụ của Liên đoàn tự trị . Quan điểm của B.G.Tilak và Liên đoàn tự trị là rất rõ ràng. Tại Poona, tháng 6-1918, B.G.Tilak đã đọc một bài diễn văn với câu hỏi “chúng ta chiến đấu vì cái gì, hay vì một nước Ấn Độ mà nhân dân mãi bị đói nghèo và bị tước đoạt những quyền cơ bản của con người?” . Trong các bức thư gửi cho M.Gandhi, B.G.Tilak cũng đã giải thích thái độ của mình đối với việc giúp đỡ Đế quốc. Ông cam đoan với M.Gandhi rằng ông sẵn sàng tuyển 5.000 quân ở Maharastra nếu như ông nhận được một sự thoả thuận chính thức của chính quyền về việc bổ dụng người Ấn Độ vào các chức vụ sỹ quan trong quân đội. Để đảm bảo lời hứa của mình, B.G.Tilak đã gửi cho M.Gandhi một tấm séc 50.000 rupee và đề nghị trong trường hợp không thực hiện được lời hứa sẽ không phải trả lại số tiền đó . M.Gandhi đã trả lại tiền và hứa sẽ bàn bạc với chính quyền về vấn đề này. K.Dwarkadas, người đã tham gia vào các sự kiện của những năm này, cho biết rằng B.G.Tilak tỏ rõ sự sẵn sàng ủng hộ tích cực các hoạt động quân sự của Anh và rất quan tâm đến việc tuyển mộ 100.000 người ấn cho quân đội Anh, tuy nhiên với điều kiện là chính quyền Anh phải đồng ý để cho Ấn Độ được tự do .

M.Gandhi và B.G.Tilak có thái độ khác nhau trong việc giúp đỡ cho Đế quốc. Trong khi M.Gandhi đi đến các nơi để tuyển mộ người ấn cho quân đội Anh thì B.G.Tilak yêu cầu nhanh chóng thực hiện các biện pháp cho vấn đề tự trị. Trong Đảng Quốc Đại, phái ôn hoà cổ động cho các nghị quyết Hội nghị chiến tranh Delhi, còn phái tả chỉ trích nó một cách gay gắt. A.Besant theo quan điểm của M.Gandhi và phái ôn hoà. Cuộc tranh luận sôi nổi giữa các lãnh tụ đã diễn ra. Giữa lúc đó dự án cải cách Montagu – Chelmsford được công bố và nó đã thu hút sự chú ý của các nhà hoạt động chính trị Ấn Độ.

Năm 1919, khi M.Gandhi bắt đầu đề ra phong trào bất hợp tác chống lại Đạo luật Rowlatt, Hội nghị Đảng Quốc Đại ở Calcutta đã thảo luận sôi nổi vấn đề này và tại Hội nghị Nagpur (12- 1920) đã thông qua chương trình bất hợp tác theo dự án của M.Gandhi. A.Besant tán thành với chương trình của M.Gandhi song đồng thời bà cũng tán thành với đạo luật Rowlatt. Điều này đã làm cho A.Besant bị mất uy tín nghiêm trọng. Kết quả là các thành viên Liên đoàn tự trị Madras do bà sáng lập đã bầu đại biểu của mình là M.Gandhi chứ không phải là A.Besant. Sau khi B.G.Tilak qua đời (1 – 8 – 1920), Liên đoàn tự trị toàn ấn đã bầu M.Gandhi làm Chủ tịch.

Căn cứ vào tình hình chính trị trong nước, M.Gandhi quyết định thay đổi đường lối và nhiệm vụ của Liên đoàn tự trị. Nhằm mục đích đó, đầu tháng 9 – 1920, một ủy ban nghiên cứu điều lệ và cương lĩnh của Liên đoàn được thành lập. Ngày 3 – 10 – 1920, tại Bombay đã tổ chức Hội nghị toàn thể của Liên đoàn, dưới sự chủ tọa của M.Gandhi. Hội nghị đã thảo luận dự án của ủy ban nghiên cứu cương lĩnh và điều lệ Liên đoàn với các nội dung chính như sau:

1. Đổi tên liên đoàn từ Home- rule League thành Svatja Sabha.

2. Mục đích Svatja Sabha (Liên đoàn tự trị) là phải “đạt được quyền tự trị (Svatja) hoàn toàn ở Ấn Độ để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”.

3. Việc giải thích từ Svatja (tự trị ) phải phù hợp với điểm I trong Điều lệ của Đảng Quốc Đại Ấn Độ .

Một số các lãnh tụ do M.Jinnah, K.Dwarkadas đứng đầu đã phát biểu chống lại sự thay đổi này. Sau cuộc tranh cãi gay gắt kéo dài Hội nghị đã thông qua dự án với đa số phiếu. Do vậy, 20 thành viên do M.Jinnah đứng đầu đã tuyên bố ra khỏi Đảng Quốc Đại. Từ đây Liên đoàn tự trị đã chấm dứt sự tồn tại độc lập và trở thành một bộ phận của Đảng Quốc Đại.

Như vậy, trong một thời gian ngắn (1916 – 1919) Phong trào tự trị đã có những đóng góp lớn lao cho cuộc đấu tranh đòi quyền tự trị của nhân dân Ấn Độ nói chung, của Đảng Quốc Đại nói riêng. Dưới các khẩu hiệu cấp tiến và những lời kêu gọi nhiệt thành, Phong trào tự trị đã lôi kéo các điền chủ nhỏ, các tầng lớp trung lưu và những người buôn bán vào cuộc đấu tranh chính trị. Bằng các cuộc mít tinh chính trị, bằng việc tuyên truyền, cổ động cho quyền tự trị, phong trào đã có ý nghĩa lớn đối với sự giác ngộ lòng yêu nước, ý thức dân tộc ở Ấn Độ, nó kích thích khát vọng đấu tranh để đạt được quyền tự trị.

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã buộc chính phủ Anh tiến hành những nhượng bộ trước các yêu cầu của người ấn ở Nam Phi cũng như ở các thuộc địa chưa được tự trị của Anh. Điều này góp phần làm cho đời sống chính trị ở Ấn Độ trở nên sôi động, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Phong trào tự trị ở Ấn Độ. Nhìn chung, các lãnh tụ của Liên đoàn tự trị đều muốn giúp đỡ Đế quốc Anh trong chừng mực có thể, và họ nghĩ rằng sau khi kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh, nước Anh sẽ trao cho Ấn Độ quyền tự trị bởi sự giúp đỡ và lòng trung thành của họ. Về phía mình, chính phủ Anh muốn lợi dụng phong trào để động viên tối đa sức người, sức của của Ấn Độ vào lợi ích cuộc chiến tranh mà nó đang tiến hành. Mặc dầu vậy Phong trào tự trị vẫn là một giai đoạn mới của cuộc đấu tranh đòi độc lập của nhân dân Ấn Độ. Với sự phát triển của phong trào, quyền tự trị đã trở thành mục tiêu chính trị hàng đầu, không chỉ của Đảng Quốc Đại mà của cả dân tộc Ấn Độ. Đảng Quốc Đại đã ủng hộ, hậu thuẫn cho phong trào để làm áp lực đối với chính quyền Anh trong cuộc đấu tranh đòi phê chuẩn phê chuẩn và thực hiện Công ước Lucknow. Chính Phong trào tự trị đã tạo ra một khoảng thời gian thuận lợi để B.G.Tilak và những người phái tả mở rộng hoạt động và ảnh hưởng của mình. Từ đó phái tả đã tiến lên làm biến đổi Đảng Quốc Đại, làm Đảng gần gũi hơn với phong trào quần chúng. Sự nghiệp này của B.G.Tilak đã được M.Gandhi tiếp tục một cách tài tình, sáng tạo.

Những lời kêu gọi của Phong trào tự trị nói lên ý nghĩ và nguyện vọng của các tầng lớp xã hội Ấn Độ, tuy nhiên, chủ yếu là các tầng lớp trung lưu, “họ không có liên hệ với quần chúng” .

Ban đầu, chính quyền thực dân không chống lại ý định thành lập Liên đoàn tự trị ở Ấn Độ vì mục đích và nhiệm vụ của phong trào là đòi quyền tự trị cho Ấn Độ trong phạm vi Đế quốc, bằng con đường hợp hiến. Nhưng khi phong trào lan rộng ra cả nước và lôi cuốn ngày càng đông đảo số người ủng hộ thì chính quyền thực dân tỏ ra lo lắng, do đó chúng đã đàn áp phong trào. Khi Hội nghị chiến tranh ở Delhi lặng lẽ bỏ qua vấn đề tự trị và cải cách Montagu – Chelmsford không đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân Ấn Độ, thì số lượng dân chúng tham gia chống lại chính quyền thực dân càng tăng lên mạnh mẽ. Sự bội ước của chính phủ Anh cùng chính sách đàn áp, khủng bố mà đạo luật Rowlatt đưa ra làm cho mối liên hệ của các tầng lớp trên trong xã hội Ấn Độ càng gắn bó với quần chúng nhân dân để tiến hành cuộc đấu tranh. Đây chính là nền tảng vững chắc mà Phong trào tự trị đã chuẩn bị để M.Gandhi tiến hành phát động quần chúng nhân dân trong cuộc vận động bất hợp tác của mình, đồng thời nó cũng là nền tảng, cơ sở để Đảng Quốc Đại có những bước chuyển biến mạnh mẽ cả về chính trị lẫn tổ chức dưới sự lãnh đạo của M.Gandhi.

Mặc dù có lịch sử ngắn ngủi, Liên đoàn tự trị đã thực hiện một sứ mạng lớn trong việc tuyên truyền, cổ động cho tư tưởng tự trị. Mục đích và nhiệm vụ của Liên đoàn tự trị phù hợp với mục đích và nhiệm vụ của Đảng Quốc Đại. Phong trào tự trị phát triển trong phạm vi các yêu cầu của Đảng Quốc Đại, phong trào tự trị nhằm góp phần thi hành các Nghị quyết của Đảng. Các thành viên của Phong trào tự trị đã tiến tới việc hình thành một tư tưởng chung cho các giới xã hội Ấn Độ rằng, trong điều kiện lúc bấy giờ, trước mắt Đảng Quốc Đại và dân tộc Ấn Độ có một nhiệm vụ cơ bản nhất, đó là phấn đấu đạt đến quyền tự trị trong thành phần Đế quốc cho Ấn Độ.

Có thể nói Phong trào tự trị là một giai đoạn mới của cuộc đấu tranh vì nền độc lập dân tộc Ấn Độ. Với sự phát triển của phong trào, quyền tự trị đã trở thành mục tiêu chính trị hàng đầu, không chỉ với Đảng Quốc Đại mà toàn thể dân tộc Ấn Độ. Đảng Quốc Đại đã ủng hộ, hậu thuẫn cho phong trào nhằm làm áp lực đối với chính quyền Anh trong cuộc đấu tranh đòi quyền tự trị cho Ấn Độ. Phong trào tự trị như một chiếc cầu nối giữa Đảng với quần chúng, làm cho Đảng gần gũi hơn với phong trào quần chúng. Đây rõ ràng là một bước tiến mới của Đảng Quốc Đại. Bởi vì, ngay cả trong giai đoạn 1903 – 1908, khi phong trào đấu tranh quần chúng diễn ra sôi nổi chống lại sự chia cắt Bengal, thái độ của Đảng Quốc Đại cũng mới chỉ dừng lại ở chỗ đứng về phía phong trào quần chúng mà thôi. Đối với Phong trào tự trị, mục đích và nhiệm vụ của nó phù hợp với mục đích và nhiệm vụ của Đảng Quốc Đại, cho nên phong trào phát triển trong phạm vi các yêu cầu của Đảng. Đảng Quốc Đại đã sử dụng Liên đoàn tự trị nhằm thực hiện các nghị quyết của mình, đó là tuyên truyền cho cuộc đấu tranh đòi quyền tự trị trong thành phần Đế quốc, bằng con đường hợp hiến, thông qua việc thực hiện Công ước Lucknow. Chính mối liên hệ này đã giúp cho Đảng Quốc Đại bắt đầu khoác bộ quần áo dân tộc trong cuộc đấu tranh đòi quyền tự trị. Đây là sự chuẩn bị để Đảng Quốc Đại có những bước chuyển biến mạnh mẽ cả về chính trị lẫn tổ chức dưới sự lãnh đạo của M.Gandhi ở giai đoạn tiếp theo.

VĂN NGỌC THÀNH
 
Sửa lần cuối:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top