Đảng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954-1975)

  • Thread starter Thread starter lo kien
  • Ngày gửi Ngày gửi

lo kien

New member
Xu
0
Trung thành với cương lĩnh chính trị đã vạch ra từ năm 1930, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Đảng ta chủ trương đưa miền Bắc lên chủ nghĩa xã hội, nhằm đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân miền Bắc và làm hậu phương vững chắc cho việc tiếp tục thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh đặc biệt, có cả thuận lợi và khó khăn:

Thứ nhất, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ và tay sai mở cuộc chiến tranh thực dân mới kéo dài suốt 20 năm, với phạm vi ngày càng mở rộng, quy mô ngày càng leo thang. Trong thời kỳ này, miền Bắc phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh phá hoại có tính huỷ diệt bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, hòng ngăn chặn cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân ta ở miền Nam. Vì vậy, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội phải trải qua ba lần khôi phục kinh tế, vừa phải bảo đảm đời sống nhân dân và chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, vừa phải làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc điểm này chi phối trực tiếp đến đường lối và chính sách trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Thứ hai, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cũng như cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong cả nước đã nhận được sự giúp đỡ hết sức to lớn về mọi mặt của các nước xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, từ những năm 60 thế kỷ XX, trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa cũng xảy ra những chia rẽ sâu sắc, nhất là giữa Liên Xô và Trung Quốc, đòi hỏi Đảng ta phải có đường lối sáng tạo, độc lập tự chủ, bảo đảm vừa tranh thủ được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, góp phần đấu tranh vì sự thống nhất của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vừa giữ vững được độc lập, tự chủ trong tiến trình cách mạng.

Thứ ba, xuất phát điểm đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta rất thấp - từ một nước nông nghiệp, sản xuất nhỏ là phổ biến, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Trong khi đó, mô hình chủ nghĩa xã hội mà Liên Xô và các nước Đông Âu áp dụng có điều kiện, hoàn cảnh, xuất phát điểm không giống nước ta. Vì vậy, việc xác định mô hình, bước đi phải có thời gian để tìm tòi, khảo nghiệm. Đây cũng là đặc điểm lớn chi phối đến đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Trong bối cảnh như vậy, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954-1975) đã trải qua nhiều thời kỳ, với các bước đi, kế hoạch dài hạn và ngắn hạn khác nhau.

1. Khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, hoàn thành về cơ bản những nhiệm vụ còn lại của cách mạng dân tộc dân chủ (1954-1957)

Sau chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, miền Bắc bị chiến tranh tàn phá nặng nề: 14 vạn hécta ruộng đất hoang hoá; các công trình thuỷ lợi lớn và vừa đều bị phá hỏng; đê điều không được củng cố; trâu bò, công cụ sản xuất bị cướp phá; thiên tai liên tiếp làm mất mùa, gây đói kém kéo dài từ vụ mùa năm 1954 đến giữa năm 1955; công nghiệp đình đốn; giao thông hư hại nặng; buôn bán sút kém;... Đứng trước tình hình đó, Hội nghị Bộ Chính trị tháng 9-1954 đã chỉ rõ: công việc trước mắt là ổn định đời sống nhân dân, chống chính sách cưỡng ép di cư vào Nam của địch, hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi nền kinh tế quốc dân. Trong đó, phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp là vấn đề trọng tâm. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, có ý nghĩa lớn đối với việc cải thiện đời sống nhân dân, tạo tiền đề cho công cuộc cải tạo nông nghiệp và xây dựng mô hình quản lý nông nghiệp phù hợp với tình hình đất nước.

Việc khôi phục kinh tế nông nghiệp có liên quan mật thiết với việc giải quyết vấn đề ruộng đất nhằm giải phóng lực lượng sản xuất của hàng triệu nông dân, thực hiện khẩu hiệu "Người cày có ruộng" đã được nêu lên trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa II (5-1955) nêu rõ chủ trương: để củng cố miền Bắc, trước hết cần phải hoàn thành cải cách ruộng đất và coi đây là chính sách bất di bất dịch. Để đảm bảo cho công cuộc cải cách ruộng đất giành được thắng lợi, Đảng xác định rõ phương pháp tiến hành là: dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp với phú nông, đánh đổ giai cấp địa chủ, tiêu diệt chế độ phong kiến từng bước. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: cải cách ruộng đất quan hệ đến củng cố miền Bắc, chẳng những đưa lại quyền làm chủ ruộng đất cho nông dân, mà còn tạo điều kiện cho công cuộc khôi phục và phát triển sản xuất, củng cố quốc phòng, củng cố cơ sở của Đảng và chính quyền ở nông thôn, củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất.

Tháng 12-1955, cải cách ruộng đất đợt 5 được triển khai ở 1.732 xã, với 6 triệu dân trong 20 tỉnh và 2 thành phố. Toàn đợt cải cách ruộng đất và giảm tô (từ tháng 9-1954 đến tháng 7-1956) đã đạt được kết quả như sau:

+ Tiến hành 8 đợt giảm tô ở 1.777 xã với 1.106.995 ha ruộng đất; 5 đợt cải cách ruộng đất ở 3.653 xã trên toàn vùng đồng bằng, trung du và 280 xã miền núi với 2.435.518 nhân khẩu, can thiệp vào 1,5 triệu hécta; đã tịch thu, trưng thu, trưng mua: 810.000 ha ruộng đất chia cho 2,2 triệu hộ nông dân gồm 9,5 triệu người (72,8% số hộ ở nông thôn được chia ruộng đất).
+ Hoàn thành việc xoá bỏ giai cấp địa chủ và quan hệ sản xuất phong kiến ở miền Bắc; nâng cao quyền làm chủ cho nông dân ở nông thôn, giải phóng một bước sức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh những thắng lợi to lớn đó, trong khi tiến hành cải cách ruộng đất và chỉnh Đảng, chúng ta đã phạm một số sai lầm nghiêm trọng trong chỉ đạo thực hiện.

Với tinh thần tự phê bình và phê bình, với ý thức trách nhiệm cao trước toàn thể nhân dân, Đảng ta một mặt nhanh chóng sửa chữa sai lầm, mặt khác có những biện pháp củng cố và phát huy thắng lợi. Cho đến cuối năm 1957, công tác sửa sai đã đưa lại kết quả tốt: nông thôn dần dần ổn định; nội bộ Đảng đoàn kết, nhất trí; lòng tin của quần chúng đối với Đảng được khôi phục; sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh; khối liên minh công - nông được củng cố.

Cùng với việc hoàn thành cải cách ruộng đất, Nhà nước đã ban hành các chính sách kinh tế quan trọng, như: khuyến khích phát triển kinh tế hộ nông dân; bảo đảm quyền sử dụng ruộng đất của nông dân; bảo vệ tài sản của các tầng lớp nhân dân; cho tự do vay mượn và thuê mướn nhân công; khuyến khích các hình thức đổi công; sửa đổi chính sách thuế, nhằm giảm bớt sự đóng góp của nông dân, v.v.. Những biện pháp đó đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nền kinh tế miền Bắc, góp phần hoàn thành công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đến cuối năm 1957, 85% diện tích ruộng hoang hoá đã được khôi phục, nhiều công trình thuỷ lợi được sửa chữa, diện tích tưới nước tăng thêm. Sản lượng lương thực trung bình hằng năm đạt gần 4 triệu tấn, vượt mức trước chiến tranh (năm 1939 chỉ đạt 2,4 triệu tấn). Trong công nghiệp, hầu hết các xí nghiệp quan trọng được phục hồi, nâng cấp và xây dựng thêm một số nhà máy mới; chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp. Hệ thống giao thông được cải tạo và nâng cấp, nhất là các tuyến đường thuỷ, đường bộ và bốn tuyến đường sắt nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc,... bảo đảm giao lưu giữa các vùng, phục vụ công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, y tế phát triển nhanh. Sau ba năm đã có hơn một triệu người thoát nạn mù chữ. Tổng số học sinh phổ thông lên tới trên 1 triệu. Số học sinh trung học chuyên nghiệp là 7.783 người. Số sinh viên đại học lên tới 3.664 người, gấp hơn 6 lần số sinh viên thời kỳ chiến tranh, gần 2.000 học sinh được gửi đi học tại các nước xã hội chủ nghĩa.

Hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở được củng cố, phát huy tốt vai trò là nhân tố quyết định bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Chính quyền cách mạng đập tan mọi hành động chống phá của bọn phản động đội lốt tôn giáo (Quỳnh Lưu, Nghệ An), các vụ xúi giục dân tộc thiểu số ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là nhóm "Nhân văn giai phẩm" (1956).

2. Cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế và văn hoá (1958-1960)

Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) tháng 11-1958 đã xác định: Nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân ta là ra sức củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống Mỹ - Diệm nhằm thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ.

Nhiệm vụ trước mắt của miền Bắc là đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công và thành phần kinh tế tư bản tư doanh; đồng thời ra sức phát triển thành phần kinh tế quốc doanh, làm cho thành phần kinh tế này giữ vai trò nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Tiếp đó, Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (4-1959) đã xác định những vấn đề cơ bản của đường lối, chính sách hợp tác hoá nông nghiệp. Hội nghị khẳng định chỉ có đi vào con đường hợp tác hoá, làm ăn tập thể mới khắc phục được những khó khăn trong sản xuất, cải thiện đời sống. Phương châm tiến hành hợp tác hoá là: "tích cực lãnh đạo, vững bước tiến lên; quy hoạch về mọi mặt, sát với từng vùng; làm tốt, vững và gọn". Hình thức, bước đi, tốc độ của quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa phải phù hợp, từ thấp lên cao, tập dượt cho nông dân và thợ thủ công quen dần với cung cách làm ăn tập thể, từ tổ đổi công, hợp tác xã bậc thấp, tiến lên hợp tác xã bậc cao. Quy mô cũng phải từ nhỏ lên lớn. Việc đẩy mạnh cải tạo quan hệ sản xuất cũ và xây dựng quan hệ sản xuất mới phải tuân thủ nguyên tắc "tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ".

Thực hiện chủ trương của Đảng, phong trào hợp tác hoá được đẩy mạnh từ cuối năm 1958 và nhanh chóng trở thành cao trào. Mùa thu năm 1958, tiến hành thí điểm ở 134 hợp tác xã, đến cuối năm 1960 miền Bắc về cơ bản đã hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, có 41.401 hợp tác xã (chủ yếu là hợp tác xã bậc thấp) với 85% số hộ nông dân tham gia, chiếm 76% ruộng đất của nông dân. Phong trào hợp tác hoá nhanh chóng hoàn thành là do nhiều nhân tố: sự quyết tâm của Đảng và chính quyền các cấp; khí thế cách mạng và khát vọng của nông dân muốn sớm thoát khỏi cuộc sống đói nghèo và niềm tin tuyệt đối vào con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Phong trào hợp tác hoá nông nghiệp thời gian này đã có tác dụng tích cực trong việc đẩy mạnh sản xuất, đưa mức tăng trưởng bình quân của sản xuất nông nghiệp đạt 5,6%, đưa tổng sản lượng lương thực lên mức cao vào năm 1959 là 5,15 triệu tấn; đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân miền Bắc được cải thiện một bước.

Bên cạnh những thành công nổi bật đó, quá trình tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp bộc lộ một số thiếu sót. Nhiều địa phương chạy theo thành tích, gò ép, áp đặt theo kiểu hành chính mệnh lệnh, cưỡng bức tập thể hoá tư liệu sản xuất, vi phạm nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi, vi phạm nguyên tắc của Đảng về hợp tác hoá. Các hợp tác xã mới thiết lập gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong tổ chức lao động, sản xuất, quản lý và phân phối. Tham ô, lãng phí dần xuất hiện.

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do bệnh chủ quan, nóng vội trong quá trình hợp tác hoá; đồng nhất hợp tác hoá với tập thể hoá; chưa chuẩn bị được những điều kiện cần thiết cho hợp tác xã tồn tại và phát triển. Đặc biệt là cơ sở vật chất - kỹ thuật còn nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất hàng hoá còn yếu kém; cán bộ quản lý vừa yếu lại vừa thiếu, chưa được đào tạo; quần chúng chưa được chuẩn bị tốt về tư tưởng, v.v..

Về cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thợ thủ công và những người buôn bán nhỏ: đến cuối năm 1960 đã có 88% thợ thủ công miền Bắc gia nhập các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp bậc thấp và bậc cao; 45% người buôn bán nhỏ được tổ chức vào hợp tác xã mua bán, gần 5 vạn người được chuyển sang sản xuất. Sau hợp tác hoá, thủ công nghiệp dần dần kết hợp với công nghiệp quốc doanh địa phương, phát huy tác dụng hỗ trợ cho công nghiệp quốc doanh trung ương phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân và xuất khẩu. Khuyết điểm của công tác cải tạo thợ thủ công và người buôn bán nhỏ là tư tưởng nóng vội, mệnh lệnh, gò ép, không tính đến yêu cầu xã hội và hiệu quả thực tế. Vì những điều kiện cho sự ra đời và tồn tại của các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và mua bán chưa hình thành nên không ít hợp tác xã làm ăn thua lỗ, thậm chí tan rã.

Việc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh được tiến hành bằng phương pháp hoà bình với phương châm: tốt, vững, gọn. Đảng chủ trương chuộc lại những tư liệu sản xuất của giai cấp tư sản theo phương thức "trả dần", đồng thời sắp xếp công ăn việc làm hợp lý cho các nhà tư sản và gia đình họ. Chính sách này về cơ bản được giai cấp tư sản hưởng ứng. Đến tháng 11-1960, đã cải tạo được 2.097 cơ sở thương nghiệp tư bản tư doanh với tổng số vốn là 25 triệu đồng. Song, việc sớm xoá bỏ nền kinh tế nhiều thành phần và "trong sản xuất kinh doanh không áp dụng những quy luật của sản xuất hàng hoá, đã tác động tiêu cực không ít đến đời sống kinh tế, hạn chế việc phát triển lực lượng sản xuất"[SUP]1[/SUP].

Cùng với nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa, Nhà nước tăng cường đầu tư xây dựng một bước cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1958 đến năm 1960, đã xây dựng 130 công trình công nghiệp trên hạn ngạch như: khu gang thép Thái Nguyên, nhà máy Súppe phốt phát Lâm Thao... với tổng số vốn là 3.481 triệu đồng và đã đưa được 86 nhà máy, xí nghiệp vào sản xuất. Nếu như năm 1957, miền Bắc mới có 97 xí nghiệp thì đến năm 1960 đã có 172 xí nghiệp do trung ương quản lý và trên 500 xí nghiệp do địa phương quản lý. Công nghiệp quốc doanh tăng từ 10,8% năm 1955 lên 52,4% năm 1960 trong tổng sản lượng công nghiệp.

Những thành quả kinh tế tạo thêm điều kiện cho sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế phát triển. Hệ thống giáo dục phổ thông phát triển mạnh, số học sinh năm 1960 tăng 80 lần so với năm 1957. Cơ sở y tế năm 1960 tăng hơn 11 lần so với năm 1955. Đời sống văn hoá, trình độ hiểu biết của các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt.
3. Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965)

Từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được tiến hành tại Hà Nội. Đại hội đã thảo luận và thông qua đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Đại hội xác định đặc điểm chi phối toàn bộ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là đất nước ta còn tạm thời bị chia làm hai miền. Vì vậy, sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trước hết phải nhằm mục tiêu biến miền Bắc thành căn cứ địa vững chắc cho cách mạng cả nước, hậu thuẫn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Nhận thức rõ xuất phát điểm thấp của miền Bắc, Đại hội xác định cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của miền Bắc là một quá trình cải biến về mọi mặt. Đó là quá trình đấu tranh gay go giữa hai con đường: xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa - trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá. Trong đó, trọng tâm là đưa miền Bắc từ một nền kinh tế chủ yếu dựa trên chế độ sở hữu cá thể về tư liệu sản xuất tiến lên nền kinh tế xã hội chủ nghĩa dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và tập thể, từ nền sản xuất nhỏ tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội về kinh tế được xem là hai mặt của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về quan hệ sản xuất. Hai mặt này có quan hệ tác động qua lại và thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển, trong đó cải tạo xã hội chủ nghĩa cần đi trước một bước để mở đường.

Đại hội đã xác định: muốn cải biến tình trạng kinh tế lạc hậu của nước ta thì không có con đường nào khác ngoài con đường công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nhằm xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Đồng thời với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về kinh tế, phải tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hoá, nhằm thay đổi căn bản đời sống tư tưởng, tinh thần và văn hoá của xã hội, phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa.

Phương châm lúc này là đưa miền Bắc “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” lên chủ nghĩa xã hội, nhằm xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Trên cơ sở đường lối chung, Đại hội lần thứ III đã vạch ra phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Phương hướng của kế hoạch 5 năm là "chúng ta cần phải chuyển sang lấy xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đồng thời hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, làm cho nền kinh tế miền Bắc nước ta trở thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa"[SUP]2[/SUP].
Nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm là:

- Ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, thực hiện ưu tiên phát triển công nghiệp nặng; đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, phát triển công nghiệp thực phẩm và công nghiệp nhẹ, phát triển giao thông vận tải, tăng cường thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã, chuẩn bị cơ sở để đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp và nông nghiệp xã hội chủ nghĩa.

- Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và công thương nghiệp tư bản tư doanh, tăng cường mối quan hệ giữa sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, mở rộng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

- Nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nâng cao năng lực quản lý kinh tế của cán bộ, công nhân và nhân dân lao động, tăng cường đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề; xúc tiến công tác khoa học kỹ thuật, xúc tiến thăm dò tài nguyên thiên nhiên và tiến hành điều tra cơ bản, nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và văn hoá xã hội chủ nghĩa.

- Cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động, làm cho nhân dân ta được ấm no, tăng thêm sức khoẻ, có thêm nhà ở và được học tập, mở mang thêm phúc lợi công cộng, xây dựng đời sống mới ở nông thôn và thành thị.
- Đi đôi và kết hợp với phát triển kinh tế cần ra sức củng cố quốc phòng, tăng cường an ninh trật tự, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá III gồm 48 uỷ viên chính thức và 31 uỷ viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm 11 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết. Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Để thực hiện nhiệm vụ, phương hướng đã đề ra, Trung ương Đảng đã tiến hành nhiều hội nghị cụ thể hoá đường lối của Đại hội. Năm 1961, Đảng ta họp các hội nghị Trung ương: về công tác xây dựng Đảng trong quá trình lãnh đạo thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa (4-1961), về phát triển nông nghiệp (7-1961), về phát triển công nghiệp (7-1961), về công tác thương nghiệp và giá cả (12-1964), v.v.. Các hội nghị này đều phân tích rõ mối quan hệ giữa ba mặt của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá (thường gọi là ba cuộc cách mạng) và nhiều vấn đề quan trọng khác như tích luỹ vốn ban đầu, mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng, giữa xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng, giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ, giữa công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Bắc đã hoà chung vào không khí thi đua sôi nổi, lao động sáng tạo. Do đó, mặc dù kế hoạch 5 năm mới thực hiện được trong 4 năm và phải bước vào chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, nhưng với sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và sự nỗ lực của nhân dân, miền Bắc đã căn bản hoàn thành các mục tiêu chủ yếu của kế hoạch đề ra.

Về nông nghiệp, tiếp tục hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, đưa 88,8% số hộ nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 71,7% số hộ vào hợp tác xã bậc cao. Tổng thu bình quân trên một hécta canh tác tăng 43,7%; cuối năm 1965 có 162 xã, gần 700 hợp tác xã đạt và vượt trên 5 tấn thóc trên 1ha gieo trồng hai vụ; lương thực bình quân đầu người đạt 15kg/tháng; đời sống xã viên được cải thiện; thu nhập của người lao động từ kinh tế tập thể tăng khá. Phong trào thâm canh ở những vùng trọng điểm lúa được đẩy mạnh và xuất hiện nhiều điển hình tốt.

Cơ sở vật chất - kỹ thuật trong nông nghiệp tăng đáng kể: nhiều công trình thuỷ lợi lớn đã được xây dựng, tưới tiêu cho hơn nửa triệu hécta ruộng đất; vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản trong nông nghiệp tăng 4,9 lần; điện cấp cho nông nghiệp tăng 9 lần; số máy kéo tiêu chuẩn tăng 11 lần so với thời kỳ 1958-1960; vốn bình quân cho 1 ha canh tác tăng 2,1 lần; hệ thống các công trình thuỷ lợi, sửa chữa cơ khí, sân phơi, sức kéo, chuồng trại, v.v. của hợp tác xã tiếp tục tăng. Đến năm 1965, bình quân cứ 6 hợp tác xã có 1 máy bơm nước, 3 hợp tác xã có 1 máy tuốt lúa, 10 hợp tác xã có 1 máy xay xát, bình quân mỗi hợp tác xã có 9 nhà kho (của đội sản xuất) và 436m[SUP]2[/SUP] sân phơi,...

Bên cạnh thành tích đó, việc đưa ồ ạt các hợp tác xã bậc thấp thành các hợp tác xã bậc cao và quy mô lớn đã làm cho những yếu kém trước đó của các hợp tác xã tiếp tục bộc lộ: trình độ quản lý và điều hành của đội ngũ cán bộ không đáp ứng được đòi hỏi của thực tế; tham ô, lãng phí vẫn còn phổ biến; tốc độ tăng thu nhập chậm hơn tốc độ tăng chi phí sản xuất; hiệu quả kinh tế giảm dần; số hợp tác xã yếu kém còn lớn, chiếm 18% tổng số hợp tác xã; tỷ lệ xã viên xin ra hợp tác xã tăng. Nguyên nhân của hiện trạng này là do quan hệ sản xuất đẩy lên quá cao, không phù hợp với trình độ và sức phát triển của lực lượng sản xuất, dẫn đến làm suy yếu sản xuất nông nghiệp mặc dù mới được giải phóng sau cải cách ruộng đất.

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 19-2-1963, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc. Cuộc vận động này có ba yêu cầu lớn: 1- Cải tiến quản lý hợp tác xã; 2- Cải tiến kỹ thuật và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của hợp tác xã; 3- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Cuộc vận động này được triển khai sâu rộng trong tất cả các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp.

Về công nghiệp, bước đầu xây dựng được một số cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Những cơ sở đầu tiên của các ngành công nghiệp chủ yếu như điện, cơ khí, luyện kim, hoá chất, nhiên liệu, vật liệu xây dựng,... đã được đưa vào sản xuất. Đến năm 1965, đã có 1.045 xí nghiệp, nhà máy lớn; trong đó có 250 xí nghiệp, nhà máy do trung ương quản lý. Công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp cũng phát triển mạnh, đã sản xuất được 12.000 mặt hàng, bảo đảm được 90% hàng tiêu dùng của xã hội và một phần tư liệu sản xuất phục vụ nông nghiệp mà phần lớn trước đây phải nhập khẩu.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển công nghiệp, chúng ta còn mắc một số khuyết điểm, nhất là giáo điều về đường lối công nghiệp hoá, quá nhấn mạnh đến việc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng; cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, đầu tư quá nhiều cho xây dựng cơ bản nhưng đầu tư cho nông nghiệp và công nghiệp nhẹ lại không tương xứng với chủ trương đề ra; nhận thức về mối quan hệ giữa xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng còn hạn chế, chưa tính đến khả năng bảo vệ khi Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, vì vậy khi chiến tranh phá hoại nổ ra đã bị tổn thất lớn. Đặc biệt là quản lý kinh tế nói chung và quản lý công nghiệp nói riêng theo cơ chế hành chính, quan liêu, bao cấp đã bộc lộ nhiều mặt yếu kém, gây trở ngại cho phát triển sản xuất.
Trước tình hình đó, ngày 24-7-1963, Bộ Chính trị chủ trương mở cuộc vận động Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật; chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong công nghiệp và thương nghiệp (gọi là "ba xây, ba chống"). Yêu cầu của cuộc vận động là thực hiện một cuộc chuyển biến cách mạng trên các mặt tư tưởng và tổ chức, đưa công tác quản lý trong công nghiệp và thương nghiệp lên một trình độ mới, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao đời sống nhân dân. Cuộc vận động này kéo dài trong ba năm (1963-1965), qua nhiều đợt, tuy có làm chuyển biến tình hình nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp đã làm triệt tiêu động lực của sản xuất, kinh doanh.

Sự nghiệp phát triển về văn hoá, giáo dục, y tế trong thời kỳ này đạt thêm nhiều thành tích mới: trình độ văn hoá, khoa học, kỹ thuật của cán bộ và nhân dân được nâng lên rõ rệt; số học sinh phổ thông tăng gấp 3,5 lần, số sinh viên đại học và trung học tăng 25 lần. Hầu hết các xã đều có trường phổ thông cấp I, cấp II, các huyện có trường phổ thông cấp III. Năm 1965 có 18 trường đại học, với 26.100 sinh viên; đã có 21.332 cán bộ tốt nghiệp đại học và 55.000 cán bộ tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp.

Công tác y tế, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân được coi trọng. Đến năm 1965, 70% số huyện có bệnh viện, 90% số xã đồng bằng và 78% số xã miền núi có trạm y tế. Số bác sĩ, dược sĩ từ năm 1960 đến năm 1965 tăng 5 lần (năm 1965 có 1.525 bác sĩ và 8.043 y sĩ, trong đó có 3.220 y sĩ phục vụ ở xã).

Đời sống của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Bình quân thu nhập quốc dân nói chung tăng lên 6,1% và bình quân theo đầu người tăng 3,4%.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất tuy còn bộc lộ những hạn chế, nhược điểm về xác định mục tiêu, bước đi, cũng như việc tổ chức chỉ đạo các ngành kinh tế chủ yếu, song những thành tựu đạt được là rất quan trọng, đem lại những biến đổi quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đánh giá những thắng lợi đó, tại Hội nghị chính trị đặc biệt (3-1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới"[SUP]3[/SUP].

4. Chuyển hướng xây dựng kinh tế trong hoàn cảnh "vừa sản xuất, vừa chiến đấu"

Nhận thức rõ vai trò của miền Bắc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của miền Nam, từ tháng 3-1964 đến tháng 8-1964, đế quốc Mỹ đã lập kế hoạch và dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” để tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đối với miền Bắc nước ta. Trong điều kiện chiến tranh lan rộng, tháng 3-1965, Hội nghị lần thứ 11 của Trung ương Đảng đã đề ra nhiệm vụ cách mạng mới của quân và dân miền Bắc là:

- Chuyển hướng xây dựng kinh tế phù hợp với tình hình có chiến tranh phá hoại, bảo đảm yêu cầu chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, tích cực chi viện cho miền Nam, đồng thời vẫn bảo đảm phù hợp với phương hướng lâu dài về công nghiệp hoá, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và chú ý đúng mức đến các nhu cầu thiết yếu về đời sống của nhân dân.

- Tăng cường nhanh chóng lực lượng quốc phòng cho kịp với sự phát triển tình hình có chiến tranh trong cả nước, ra sức tăng cường công tác phòng thủ để bảo vệ miền Bắc. Cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất sự thiệt hại do địch gây ra và gây thiệt hại cho địch đến mức cao nhất. Nắm vững phương châm dựa vào sức mình là chính, đồng thời chú trọng tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa.

- Chi viện cao nhất cho miền Nam để đánh bại các chiến lược chiến tranh xâm lược của Mỹ trên chiến trường miền Nam.

- Kịp thời chuyển hướng tư tưởng và tổ chức đi đôi với việc chuyển hướng kinh tế và tăng cường quốc phòng cho phù hợp với tình hình mới.

Việc chuyển hướng nêu trên là một chủ trương đúng đắn của Đảng, phản ánh quyết tâm của Đảng và nhân dân ta trong việc kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, tiếp tục tăng cường sức mạnh vật chất và tinh thần của miền Bắc, làm chỗ dựa vững chắc, cùng miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Từ năm 1965 đến cuối năm 1968, giặc Mỹ đã huy động lực lượng không quân và hải quân rất lớn tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Chúng trút hơn 1 triệu tấn bom đạn tàn phá nhiều thành phố, thị xã, thị trấn, xóm làng; huỷ hoại nhiều công trình công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi, bệnh viện, trường học, nhà ở; giết hại nhiều dân thường, gây nên những tội ác tày trời đối với nhân dân ta.

Quán triệt đường lối của Đảng, phong trào thi đua chống Mỹ, cứu nước diễn ra sôi nổi với khẩu hiệu "mỗi người làm việc bằng hai" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động từ Hội nghị chính trị đặc biệt năm 1964. Các lực lượng vũ trang nêu cao khẩu hiệu "Nhằm thẳng quân thù mà bắn"; công nhân thực hiện khẩu hiệu "Tay búa tay súng"; phấn đấu để đạt ba điểm cao trong sản xuất (năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều), dũng cảm trong chiến đấu và bảo vệ nhà máy, xí nghiệp; nông dân xã viên các hợp tác xã thực hiện khẩu hiệu "Tay súng tay cày", phấn đấu mỗi lao động đạt 5 tấn thóc, hai con lợn trên 1ha gieo trồng. Đoàn Thanh niên Lao động có phong trào "Ba sẵn sàng" (sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu; sẵn sàng đi bất cứ nơi nào và làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần; sẵn sàng tòng quân, lên đường diệt Mỹ); phụ nữ có phong trào "Ba đảm đang" (sản xuất, công tác thay nam giới đi chiến đấu; lo việc nhà để chồng con phục vụ trong quân đội; phục vụ chiến đấu và chiến đấu tại chỗ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc); trí thức có phong trào "Ba quyết tâm" (phục vụ tốt sản xuất, chiến đấu, đời sống; đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá; đẩy mạnh xây dựng đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa); ngành giáo dục có phong trào "Hai tốt"...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua bốn năm thực hiện chuyển hướng kinh tế và chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, nhân dân miền Bắc đã giành được những thắng lợi to lớn trên nhiều mặt:

Thứ nhất, chế độ xã hội chủ nghĩa được xây dựng ở miền Bắc đã vượt qua thử thách nghiêm trọng và ngày càng phát huy tính ưu việt trong thời kỳ có chiến tranh. Sản xuất nông nghiệp được đặc biệt coi trọng, bảo đảm cung cấp phần lớn lương thực, thực phẩm cho nhân dân miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Sự nghiệp giáo dục, văn hoá, văn nghệ, y tế, đào tạo cán bộ chẳng những không ngừng trệ mà còn phát triển. Công tác nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, thăm dò tài nguyên được đẩy mạnh, vừa phục vụ cho sự nghiệp xây dựng kinh tế trước mắt, vừa chuẩn bị cơ sở cho bước phát triển tiếp theo.

Thứ hai, qua bốn năm chiến đấu anh dũng, quân và dân miền Bắc đã đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Tính đến ngày 1-11-1968, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 3.243 máy bay phản lực Mỹ, trong đó có 6 máy bay chiến lược B.52 và 2 máy bay F.111A, tiêu diệt và bắt sống hàng nghìn giặc lái, bắn cháy hàng trăm tàu chiến lớn, nhỏ.
Thứ ba, miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, bảo đảm "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", góp phần quan trọng vào thắng lợi ở chiến trường miền Nam.

Hội nghị lần thứ 19 của Ban Chấp hành Trung ương (1-1971) - hội nghị đầu tiên sau chiến tranh phá hoại - đã tập trung bàn về phương hướng, nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế miền Bắc. Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 19 đã vạch rõ: "Sản xuất nông nghiệp phát triển chậm, có những mặt trì trệ hoặc sút kém, không bảo đảm được những nhu cầu cấp thiết của đời sống nhân dân, nguyên liệu cho công nghiệp và nông sản để xuất khẩu. Mặc dầu nông dân đã được tổ chức lại và sau mười năm làm ăn tập thể, nhưng số hợp tác xã sản xuất và quản lý khá vẫn ít, số hợp tác xã yếu kém còn nhiều, trình độ sản xuất nông nghiệp của ta về căn bản còn tính cách tự cấp tự túc, sản xuất nhỏ theo lối thủ công, năng suất lao động rất thấp và khối lượng sản phẩm hàng hoá còn ít"[SUP]4[/SUP]. Vì vậy, Nghị quyết vạch rõ đường lối xây dựng kinh tế miền Bắc trong giai đoạn trước mắt là: "... Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ; xây dựng kinh tế trung ương, đồng thời phát triển kinh tế địa phương; kết hợp kinh tế với quốc phòng"[SUP]5[/SUP]. Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh việc đưa nền nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Nội dung chuyển lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp ở nước ta là xây dựng từng bước cơ cấu sản xuất toàn diện, hợp lý.

Trong khi đó ở miền Nam, trước nguy cơ chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” lại bị phá sản do cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta, chính quyền Níchxơn tiến hành “Mỹ hoá” trở lại cuộc chiến tranh. Cùng với việc huy động trở lại một lực lượng quân sự lớn ồ ạt tham chiến ở miền Nam là quá trình Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc. Từ ngày 6-4-1972, Mỹ đưa không quân và hải quân đánh phá một số nơi thuộc Khu IV cũ. Ngày 16-4-1972, Níchxơn tuyên bố chính thức mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, với mục đích không khác cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, nhằm phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của miền Bắc, ngăn chặn nguồn tiếp tế của miền Bắc cho miền Nam, làm giảm ý chí đấu tranh của nhân dân cả nước. Nhưng về quy mô, cường độ đánh phá thì cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ vượt xa cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất.

Ngày 1-6-1972, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết về việc khẩn trương chuyển hướng mọi hoạt động của miền Bắc nhằm vừa đẩy mạnh sản xuất vừa chiến đấu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần chủ động, sáng tạo và với ý chí quyết tâm cao độ, quân và dân miền Bắc đã chống trả quyết liệt trước các đợt tấn công, bắn phá của không quân Mỹ. Quân và dân miền Bắc đã phá vỡ âm mưu của địch trong việc phong toả bờ biển, bến cảng, giữ vững mạch máu giao thông vận tải nên lượng hàng hoá chuyển từ miền Bắc vào các chiến trường trong năm 1972 vẫn tăng 1,7 lần so với năm 1971.

Để tranh thủ dư luận phục vụ cho cuộc tranh cử tổng thống lần thứ hai của mình, ngày 22-10-1972, Níchxơn tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Nắm chắc diễn biến của tình hình, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương vẫn nhấn mạnh tới việc nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng trong tư thế chiến đấu và dự đoán có nhiều khả năng Mỹ sẽ trở lại đánh phá miền Bắc ác liệt hơn và mục tiêu chính là Hà Nội, Hải Phòng.

Ngay sau khi tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, ngày

14-12-1972, chính quyền Níchxơn phê chuẩn kế hoạch mở cuộc tập kích bằng không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng. Trong 12 ngày đêm đánh phá (18 – 29-12-1972), Mỹ đã sử dụng khoảng 700 lần chiếc máy bay chiến lược B.52, 3.884 lần chiếc máy bay chiến thuật chiến đấu, dội 10 vạn tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu phía bắc vĩ tuyến 20.

Do có sự chủ động chuẩn bị toàn diện nên quân và dân miền Bắc, trực tiếp là quân và dân Hà Nội, Hải Phòng, đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 - con “chủ bài” của không quân Mỹ. Thắng lợi của nhân dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai, đặc biệt là trận “Điện Biên Phủ trên không” diễn ra trong 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (27-1-1973) về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và rút quân đội về nước. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, quyết định tới thắng lợi cuối cùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, quán triệt đường lối của Đảng, nhân dân miền Bắc tiến hành lao động khẩn trương, thực hiện có kết quả kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế. Đến đầu năm 1975, hầu hết các cơ sở kinh tế đã trở lại hoạt động bình thường, năng lực sản xuất của nhiều ngành được tăng thêm một bước. Trong nông nghiệp, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực đối với hợp tác xã, từng bước đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, khuyến khích phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, mở rộng nghề cá, nghề rừng... Các hợp tác xã đều thi đua phấn đấu giành "ba mục tiêu": 1 lao động đạt 5 tấn thóc, 2 con lợn trên 1ha gieo trồng... Trong công nghiệp, hầu hết các nhà máy bị đánh phá đều được sửa chữa và sắp xếp lại dây chuyền sản xuất. Giá trị các sản phẩm chủ yếu trong công nghiệp nặng như: điện, than, xi măng và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như vải, giấy, v.v. đều tăng hơn trước. Nhà nước và nhân dân đã có những nỗ lực cao trong việc khôi phục hệ thống đường giao thông, cầu phà, bến bãi, xây dựng thêm cầu đường mới để bảo đảm yêu cầu vận tải hàng hoá, nhất là hàng hoá chiến lược phục vụ chiến trường miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ và tay sai. Sự nghiệp giáo dục, văn hoá, y tế tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Sự lớn mạnh về mọi mặt của miền Bắc xã hội chủ nghĩa thời kỳ này là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, công cuộc khôi phục kinh tế thời kỳ này cũng gặp nhiều khó khăn và bộc lộ không ít những yếu kém, tiêu cực như sản xuất không đủ tiêu dùng; tình trạng mất cân đối vốn có của nền kinh tế ngày càng nghiêm trọng hơn như lao động, vật tư, tiền vốn bị lãng phí nhiều, năng suất lao động xã hội giảm sút; bộ máy hành chính quá lớn trong khi lực lượng lao động trực tiếp sản xuất giảm đi. Tình trạng này đã ảnh hưởng không tốt đến nhiệm vụ khôi phục kinh tế và xây dựng miền Bắc vững mạnh.

Trải qua 20 năm bền bỉ, kiên cường, Đảng đã lãnh đạo nhân dân miền Bắc giành được nhiều thắng lợi to lớn: chế độ người bóc lột người bị xoá bỏ, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa bước đầu được xác lập; đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ; làm tròn nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và giúp đỡ cách mạng Lào, Campuchia; phát triển mạnh mẽ giáo dục, văn hoá, y tế; cải thiện nhiều mặt đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân.
Thành tựu nêu trên tuy còn ở mức thấp so với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, nhưng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, thì nó đã đưa lại những biến đổi lớn trên miền Bắc, đã tỏ rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trước thử thách của cuộc chiến tranh tàn khốc.

Tuy vậy, nền kinh tế miền Bắc vẫn mang tính sản xuất nhỏ, cơ sở vật chất - kỹ thuật còn thấp kém. Các ngành công nghiệp then chốt còn nhỏ bé, chưa đủ sức làm nền tảng cho nền kinh tế quốc dân. Quan hệ sản xuất mới chưa được củng cố vững chắc, còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho nhân dân và nguyên liệu cho công nghiệp. Lao động thủ công còn chiếm 80% lực lượng lao động xã hội. Năng suất lao động xã hội còn thấp; tổng sản phẩm xã hội chưa bảo đảm được các nhu cầu của nhân dân.

Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ cả lý do khách quan và chủ quan:

Về khách quan, miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện xuất phát điểm còn thấp, bị chính sách khai thác hàng trăm năm của thực dân Pháp làm kiệt quệ. Mặt khác, miền Bắc tiến hành xây dựng kinh tế trong điều kiện đất nước có chiến tranh, phải tập trung sức người, sức của cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam và chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ.

Về chủ quan, chúng ta đã mắc một số sai lầm, bắt nguồn từ những nhận thức còn đơn giản, duy ý chí, chưa nắm đúng quy luật vận động đi lên chủ nghĩa xã hội ở một nước vốn là thuộc địa, sản xuất nhỏ, lạc hậu. Đây là biểu hiện của phương pháp tư duy giáo điều, rập khuôn mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội của Liên Xô, chưa xuất phát đầy đủ từ hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của thực tiễn đất nước ta.

Những thành tựu và hạn chế trong quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc từ năm 1954 đến năm 1975 là những cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta sau năm 1975 của Đảng, khi cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top