Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã xác định rõ mục tiêu đấu tranh làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập, đi tới xã hội cộng sản. Đó là hai mục tiêu cơ bản có ý nghĩa chiến lược và có quan hệ mật thiết và quyết định lẫn nhau; trước hết phải giành cho được độc lập cho dân tộc tạo tiền đề tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đó đã thể hiện sự thống nhất giữa cuộc đấu tranh giai cấp và giải phóng dân tộc, làm cho Đảng Cộng sản ngay từ khi thành lập đã trở thành đội tiên phong lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam.
Cao trào cách mạng những năm 1930 - 1931 do Đảng lãnh đạo đã tiến công quyết liệt vào chính quyền thực dân Pháp và phong kiến tay sai dẫn tới sự ra đời chính quyền cách mạng kiểu Xô - viết ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Chính quyền đó đã thực hiện các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân, trong đó có vấn đề ruộng đất. Mặc dù bị kẻ thù dìm trong máu lửa song cao trào này đã tôi luyện ý chí và quyết tâm đấu tranh của dân tộc; hình thành khối liên minh vững chắc giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khẳng định vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản và tinh thần hy sinh chiến đấu của những người cộng sản.
Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng họp từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935 ở Ma Cao (Trung Quốc) đã tổng kết kinh nghiệm 5 năm lãnh đạo của Đảng, đề ra phương hướng, chính sách mới cho thời kỳ tiếp theo. Sau Đại hội, Đảng đã phát động và lãnh đạo một phong trào đấu tranh mới với những hình thức đấu tranh phong phú, sáng tạo hướng vào mục tiêu dân sinh, dân chủ trong Phong trào Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939). Phong trào Mặt trận Dân chủ đã rèn luyện và hình thành đạo quân chính trị rộng lớn với hàng triệu quần chúng và thể hiện sự trưởng thành của Đảng trong thực hiện chiến lược và sách lược cách mạng, kết hợp mục tiêu cụ thể trước mắt và mục tiêu chiến lược lâu dài.
Khi chiến tranh thế giới thứ II nổ ra (1-9-1939), thực dân Pháp thủ tiêu các quyền tự do, dân chủ, thẳng tay đàn áp cách mạng Việt Nam. Hội nghị Trung ương Đảng (11-1939) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc và xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Mâu thuẫn dân tộc phát triển ngày càng gay gắt khi phát xít Nhật xâm chiếm Đông Dương và dân tộc Việt Nam bị cả Pháp, Nhật cai trị. Nhiều cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra như khởi nghĩa Bắc Sơn (9-1940), Khởi nghĩa Nam Kỳ (11-1940) và cuộc binh biến Đô Lương (1-1941). Ngày 28-1-1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã trở về Tổ quốc trực tiếp cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng.
Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (5-1941) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì họp ở Khuổi Nặm, Pác Bó, Cao Bằng đã hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, độc lập trên hết, Tổ quốc trên hết; ra sức xây dựng lực lượng chính trị tập hợp trong Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc trên cơ sở đó xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng; xác định phương pháp cách mạng đi từ khởi nghĩa từng phần đến tổng khởi nghĩa; chú trọng nắm bắt tình thế và thời cơ cách mạng; xây dựng Đảng vững mạnh để đưa quần chúng vào hành động cách mạng. Hội nghị đã kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.
Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh bằng đường lối chính trị đúng đắn và năng lực tổ chức thực tiễn sáng tạo đã thúc đẩy cao trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ trong những năm 1939 - 1945. Khi hội tụ đầy đủ những nhân tố chủ quan và thuận lợi khách quan, Đảng đã phát động nhân dân cả nước tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 với sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, với ý chí tự hào, tự cường quyết đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Cách mạng Tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển, hình đã đập tan chế độ thuộc địa của thực dân, phát xít, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, là cuộc cách mạng dân chủ triệt để, xóa bỏ chế độ phong kiến, xây dựng nền dân chủ cộng hòa với bản chất nhân đạo và nhân văn sâu sắc, xây dựng Nhà nước kiểu mới của dân, do dân và vì dân. Cuộc cách mạng đó đã mở ra kỷ nguyên mới của thời đại Hồ Chí Minh - Kỷ nguyên đất nước độc lập, dân tộc được hưởng tự do, hạnh phúc, mở đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Cuộc cách mạng Tháng Tám là sự đổi đời của cả một dân tộc. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Nhưng độc lập mới được ba tuần lễ, thực dân Pháp đã quay lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai bằng việc đánh chiếm Nam Bộ (23-9-1945). Cách mạng, chính quyền nhân dân và cả dân tộc đứng trước những thử thách hiểm nghèo. Phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, nạn đói và những khó khăn về kinh tế, về ngoại giao và nội trị. Đảng, Nhà nước cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, sáng suốt, chủ động chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh mà lướt tới. Với đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Việt Minh và Liên Việt, Đảng đã động viên sức mạnh tại chỗ và của cả nước tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Nam Bộ, trấn áp các thế lực phản động, bài trừ nội gián, xây dựng củng cố chính quyền cách mạng, phát triển kinh tế văn hóa, giáo dục, cải thiện đời sống nhân dân.
Nhiệm vụ cấp bách của Đảng, Nhà nước và toàn dân ta, ngoài việc chống ngoại xâm còn là làm sao thoát ra khỏi nạn đói, thoát khỏi nạn dốt; thực thi quyền tự do, dân chủ về mọi mặt, tổ chức bầu cử Quốc hội, lập Chính phủ chính thức, thông qua Hiến pháp... Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh quan điểm: nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì. Mục tiêu cao cả của Đảng, Nhà nước và chế độ mới là: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm 1945 - 1946 đã cùng toàn dân quyết tâm chống xâm lược, bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền độc lập. Mặt khác, thực hiện đường lối, chính sách ngoại giao thêm bạn, bớt thù, hòa hoãn, nhân nhượng có nguyên tắc nhằm làm thất bại âm mưu, hành động xâm lược, thôn tính, lật đổ và phá hoại của nhiều thế lực thù trong, giặc ngoài. Việc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với phía Pháp Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, mở cuộc đàm phán Việt - Pháp ở Fontainebleau, ký Tạm ước 14-9-1946 trong chuyến thăm chính thức nước Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện đầy đủ mong muốn hòa bình, hữu nghị của Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Thực dân Pháp đã ngày càng bộc lộ dã tâm xâm lược, muốn áp đặt trở lại ách thống trị đất nước Việt Nam. Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc Việt Nam thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.
Bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành. Đảng đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính với niềm tin trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Với đường lối kháng chiến của Đảng, vai trò tổ chức của Nhà nước và sức mạnh toàn dân đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh và Liên Việt (từ tháng 3-1951 thống nhất thành Mặt trận Liên Việt), Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ngày càng phát triển và giành thắng lợi to lớn, vững chắc. Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951 tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình) huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang – Căn cứ kháng chiến Việt Bắc – Trước đây, ngày 11-11-1945 do hoàn cảnh lịch sư, Đảng phải rút vào bí mật, nay điều kiện cho phép, Đảng tổ chức Đại hội và Đảng ra hoạt động công khai. Đại hội quyết định mỗi nước ở Đông Dương xây dựng một Đảng cách mạng riêng. Ở Việt Nam là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội II đã tổng kết 5 năm kháng chiến và 21 năm Đảng lãnh đạo cách mạng. Báo cáo Chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày, Luận cương Cách mạng Việt Nam do đồng Trường Chinh trình bày cùng nhiều báo cáo khác đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam và sự phát triển tất yếu lên chủ nghĩa xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, công cuộc kháng chiến kiến quốc không ngừng phát triển với những thắng lợi to lớn, sức mạnh của chế độ chính trị dân chủ nhân dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước điều hành và toàn dân đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt đã bảo đảm cho kinh tế kháng chiến không ngừng lớn mạnh, văn hóa, giáo dục phát triển, tư tưởng thống nhất và mở rộng quan hệ ngoại giao. Đó là cơ sở vững chắc để phát triển lực lượng vũ trang và giành thắng lợi về quân sự. Từ Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông (1947) đến Chiến thắng Biên giới (1950), Chiến thắng Hòa Bình (1951), Chiến thắng Tây Bắc (1952) và đi tới đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp chấp nhận thất bại, ký kết Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954), công nhận những quyền dân tộc cơ bản của 3 nước Đông Dương.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954)- là sự tiếp tục phát triển sự nghiệp của Cách mạng Tháng Tám - đã hoàn toàn giải phóng miền Bắc, đưa miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Cuộc kháng chiến thành công là nhờ đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhờ sự hy sinh chiến đấu của chiến sĩ, đồng bào cả nước, nhờ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; vai trò tổ chức của chính quyền Nhà nước; khoa học, nghệ thuật, chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh và với sự liên minh chiến đấu của 3 nước Đông Dương và sự ủng hộ của đồng bào, bạn bè quốc tế. Chặng đường 1930-1954 thật sự đã ghi những cột mốc vẻ vang trong lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.