Đàn ghi ta của Lorca - tiếng đàn gọi tiếng tri âm

Đàn ghi ta của Lorca - tiếng đàn gọi tiếng tri âm

Với bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”, Thanh Thảo đã ghi được dấu chân của mình lên trảng cỏ nghệ thuật. Dấu chân ấy in hình trong những tìm tòi, đổi mới về tư duy và hình thức diễn đạt của bài thơ. Mặc dù kho được hỏi: “Viết bài thơ này nhà thơ có gửi lời tri âm hay kí thác nào không?” , nhà thơ Thanh Thảo đã trả lời “tôi không biết”, nhưng đọc bài thơ độc giả vẫn nhận ra sự gặp gỡ, đồng điệu giữa những tấc lòng tri kỉ.

Trước tiên, nhan đề bài thơ đã tác động mạnh vào trực cảm của người đọc. “Đàn ghi ta” – Tây Ban Cầm, cây đàn gắn bó, song hành , thân thiết với Garxia Lorca như đất nước, như tâm hồn, như nghệ thuật, như số mệnh cuộc đời ông vậy. Có cây đàn ấy bên cạnh, Lorca trở thành “con họa mi của xứ Espansa”, trở thành thiên xứ hát ca và thành một nốt thăng trầm trong bản đàn nghệ thuật của cuộc đời này. Hơn thế, cầy đàn – tiếng đàn ấy còn rung lên từ trong tiềm thức người đọc những ấn tượng được gợi về từ tiếng đàn Bá Nha – Tử Kỳ xưa, hay tiếng đàn của người cô phụ trên bến Tầm Dương đêm khuya đưa khách (Tì bà hành – Bạch Cư Dị) và gần hơn nữa là những tiếng khoan, tiếng mau nức cở đàn Kiều…Phải chăng, nhắc tới cây đàn, tiếng đàn âu cũng là cách gợi nhớ tới những tấm lòng tri âm, đồng điệu trong đời?

Ở bài thơ “ Đàn ghi ta của Lorca” , sự thấu hiểu, gặp gỡ không dừng lại ở đàn ghi ta và người nghệ sĩ G.Lorca , nó còn biểu hiện ở “sự cộng hưởng đồng cảm, đồng điệu, đồng tình, đồng ý, đồng chí, đồng vọng” giữa Thanh Thảo với Lorca , giữa những người nghệ sĩ ham sáng tạo và bạn đọc muôn đời.

Cả bài thơ như một bản ghi ta gẩy lên trong niềm ngưỡng mộ, tưởng niệm tinh thần đặc biệt giữa cây đàn ghi ta và chủ nhân của nó – Lorca. Những câu thơ đầu tiên gợi ra bầu không khí ngột ngạt của đất nước Tây Ban Nha thời điểm Lorca sống: “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt” . hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” cho phép ta hình dung đất nước Tây Ban Nha tâm điểm của mọi kích động , một khối nam châm hút lấy tất cả những xung lực ghê rợn nhất như 1 đấu trường bò tót khổng lồ . Ta cũng tưởng tượng ra những cuộc đàn áp của chính quyền độc tài đang trút máu lên chiếc áo choàng đỏ gắt – trùm phủ cả Tây ban Nha. Và Thanh Thảo đã mở đầu bài thơ 1 cách thật đặc biệt :
“Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
Li la li la li la…”

Nhà thơ để lại những tiếng đàn nổi lên đầu tiên, rồi lại dùng những âm thanh mô phỏng tiếng đàn “li la li la li la…” giống như cú vê ghi ta gợi lại những hình dung của chúng ta về xã hội Tây Ban Nha lúc ấy. Có lẽ âm thanh tiếng đàn đã mang lí tưởng của Lorca (người chiến sĩ đấu tranh cho tự do, dân chủ) nên nó biến mình thành “ những tiếng đàn bọt nước” – đẹp, mong manh mà sinh sôi bất tận như “bọt nước” lặn rồi lại nổi lên để làm dịu mát, dập tắt phần nào màu đỏ gắt như đang bừng bừng thiêu đốt của Tây Ban Nha. Hơn thế sắc thắm dịu dàng của hoa “li la” (hoa Tử đinh hương) cũng như đang nở ra bát ngát trên từng gia điệu, nó là sự tương phản hoàn toàn với bối cảnh chính trị Tây Ban Nha.

Cứ như thế , đàn và người quá đỗi hiểu nhau, tiếng đàn ấy giấu mình dưới những câu thơ dài ngắn khác nhau cũng giống như bước chân của người nghệ sĩ lãng tử, phiêu bồng trên hành trình đời sống:

“…li la li la li la
Đi lang thang về miền đơn độc
Với vầng trăng chếnh choáng
Trên yên ngựa mỏi mòn…”

Đến khí Lorca bị bọn phát xít Frang-co “điệu về bãi bắn” để hành hình, tiếng đàn ấy cũng theo người mà đớn đau, khắc khoải:

“…tiếng ghita nâu
Bầu trời cô gái ấy
Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
Tiếng ghi ta trong bọt nước vỡ tan
Tiếng ghi ta ròng ròng
Máu chảy…”

Phép chuyển đổi cảm giác mang đến hiệu quả không ngờ khi âm thanh tiếng đàn được cảm nhận bằng sắc màu (nâu, xanh), bằng đường nét (hình lá, đường cong của khối cầu nước), bằng hình khối (tròn bọt nước, giọt máu). Điều đó cho chúng ta suy tưởng: Tiếng đàn đã mang tâm tư và gánh chịu nỗi đau của người tạo ra nó. Khi con người phải oằn mình chịu đựng những vết thương đang vỡ ra, lở lói dưới từng làn roi hung tợn, họng súng tàn bạo của bọn phát xít thì tiếng đàn cũng không đành lòng tồn tại như một thứ âm thanh nguyên uyrm nó cũng đau đớn, vỡ ra thành màu sắc, đường nét, hình khối. Thanh Thảo tài tình điệp lại “tiếng ghi ta” ở đầu câu và nâng cấp độ âm thanh bằng những thanh trắc được gieo vào những tiếng cuối cùng ở nhiều dòng thơ:
“…tiếng ghi ta nâu
Bầu trời cô gái ấy
Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
Tiếng ghi ta trong bọt nước vỡ tan
Tiếng ghi ta ròng ròng
Máu chảy…”

Khiến thơ như nhạc , nhạc như người, tất cả đều đang rướn mình lên kiên cường không khuất phục.

Hình ảnh thơ “tiếng ghita ròng ròng / máu chảy” ám ảnh tâm trí chúng ta như một thước phim xanh rờn ghi lại nỗi đau chung của nghệ thuật và người tạo ra nó. Ta bần thần nhớ lại cái đẹp mà Nguyễn Du của ta xưa đã từng xót thương:

“Son phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư”

(Độc Tiểu Thanh kí – Nguyễn Du)

Thì ra cái đẹp, nghệ thuật đích thực ở thời nào và ở đâu cyngx gặp những truân chuyên, sóng gió; nhất là khi đó lại là những cái đẹp, nghệ thuật rất có duyên và thấu hiểu lòng người!

Có lẽ vì sự gắn bó ấy, nên Lorca chân thành khẩn thiết trong Di chúc:
“Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”

Lời di chúc cho thấy tình yêu tha thiết của Lorca với cây đàn ghi ta: Ông muốn sống và chết cùng cây đàn của mình. Cách giãi bày ấy cũng giống cách Nguyễn Tuân diễn đạt khát vọng được xê dịch của mình :”Khi tôi chết hãy thuộc da tôi làm thành chiếc va li”.

Tuy nhiên, đúng như TS. Nguyễn Phượng khẳng định “…Di chúc của Lorca còn có ý nghĩa sâu xa khác”. Lorca không muốn những người đến sau bị cản trở bởi cái bóng của mình trên hành trình nghệ thuật , không muốn những người đến sau vì quá yêu mến tiếng đàn của ông, nghệ thuật của ông mà lặp lại nó một cách đơn điệu , nhàm chán và không thể sáng tạo những đỉnh cao nghệ thuật mới. Đó thực sự là tâm nguyện của một người nghệ sĩ đầy lương tâm, trách nhiệm với nghệ thuật. Và Thanh Thảo – nhà thơ Việt Nam đã đồng cảm với nguyện vọng ấy của Lorca , ông bộc lộ sự chia sẻ với bậc đàn anh qua hình ảnh thơ

“..Giọt nước mắt vầng trăng
Long lanh trong đáy giếng...”

Chi tiết trong cuộc đời thực: Lorca bị bọn phát xít sát hại rồi quẳng xác xuống giếng, giờ đây sáng lên “long lanh” trong ý thơ. Lorca như vầng trăng sáng mãi hay vầng trăng là hình ảnh cuộc đời trường cửu, vĩnh hằng dưới tầng tầng nước phủ thời gian; mãi mãi xót thương , soi tỏ nỗi niềm ngừi quá cố?

Đoạn cuối bài thơ, Thanh Thảo cũng vì đồng cảm , trân trọng với Lorca mà xây dựng trong tâm tưởng của mình một đoạn kết thần kì về huyền thoại Lorca

“..đường chỉ tay đã đứt
Dòng sông rộng vô dùng
Lorca bơi sang ngang
Trên chiếc ghita màu bạc”

TS. Chu Văn Sơn đã rất tinh tế khi phát hiện “Chiếc ghita màu bạc” là biến ảnh của “chiếc ghi ta nâu”, là chiếc ghi ta đã hóa, giờ sang cõi siêu sinh”…như thế Thanh Thảo đã hoàn thành tâm nguyện của Lorca ; Để cho thi sĩ ấy sống và chết cùng cây đàn, cùng nghệ thuật của mình. Và đó là một cái chết đặc biệt- một sự giải thoát do chính Lorca chọn lấy, chứ không phải chết dười đòn roi phát xít:

“…chàng ném lá bùa cô gái Di-gan
Vào xoáy nước
Chàng ném trái tim mình
Vào lặng yên bất chợt…”

Những câu thơ gieo vào ta một hình ảnh đẹp như mơ: Lorca bơi sang ngang trên chiếc ghi ta trên một dòng sông rộng và đó cũng chính là cách ông đã bơi trên con thuyền nghệ thuật vượt thời gian. Ông đã xa hẳn mọi ồn ào, xáo trộn ở cõi đời để thanh thản bước vào cõi “lặng yên bất chợt” .

Và bài thơ khép lại , nhưng thực chất là mở ra cả thế giới suy tưởng sau âm thanh “li la li la li la…” Đó là chuỗi âm đệm ru lòng mai hậu, an ủi phần nào cho nỗi xót thương người nghệ sĩ vĩ đại mà số phận cuộc đời gặp nhiều ngang trái, éo le. Chuỗi âm ấy cũng như muôn ngàn đóa hoa li-la kết lại thành một tràng hoa tưởng niệm rất mực chân thành được đặt dưới tượng đài Lorca mà Thanh Thảo đã biến thi phẩm của mình thành một nhạc phẩm, để tưởng niệm thi sĩ – nhạc sĩ Lorca, khi tạo ấn tượng bài thơ là một “bè trầm, có phần nhạc đệm của ghi ta(….) Chuỗi âm “li la li la li la”…kết thúc bài thơ gợi lên tiếng vang của chùm hợp âm vĩ thanh, sau khi phần chính của bản nhạc đã dừng lời” (Chu Văn Sơn – Điệu hồn và cấu trúc)

Tự nhiên mà chân tình , bài thơ đến và ở mãi trong ta, nhắc nhở mỗi chúng ta : “Sống trong đời cần có một tấm lòng..” (Trịnh Công Sơn) – tấm lòng để lắng nghe và thấu hiểu, tấm lòng để sống trong nghệ thuật và sống với con người.
Nguyễn Thị Minh Duyên, Gv. THPT Yên Dũng 1 – Bắc Giang
- Bắc Giang, 2008-

Nguồn: diendankienthuc.net


(mọi sao chép đưa tài liệu đi nơi khác hãy ghi rõ tác giả và nguồn. Xin cám ơn!)​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top