• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Âm mưu xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
Âm mưu xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp

Âm mưu xâm lược của tư bản Pháp đối với Việt Nam lâu dài và liên tục, bắt nguồn từ những năm đầu thế kỉ XVII được cắm mốc với việc kí kết hiệp ước Vecxai (Versaiìles) năm 1787, sau đó ngày càng được xúc tiến một cách mạnh mẽ, đặc biệt từ giữa thế kỉ XIX.


Âm mưu xâm lược của tư bản Pháp đối với Việt Nam lâu dài và liên tục, bắt nguồn từ những năm đầu thế kỉ XVII được cắm mốc với việc kí kết hiệp ước Vecxai (Versaiìles) năm 1787, sau đó ngày càng được xúc tiến một cách mạnh mẽ, đặc biệt từ giữa thế kỉ XIX. Năm 1847, hai tàu chiến Pháp Gơloarơ (Gloire) và Vichtoriơ (Victorieuse) đã xâm phạm hải phận Đà Nẵng, sau đó nổ súng làm đắm 5 chiến thuyền bọc đồng của triều đình rối rút đi. Việc này đã cắt đứt mối quan hệ Việt - Pháp trong nhiều năm. Nhưng một cơ hội mới đã đến ngày 2-12-1852, Lui Bônapác (Louis Bonaparte) dựa vào sự ủng hộ của bọn đại tư sản phản động, giáo dân, và sức mạnh của lưỡi lê lên ngôi hoàng đế. Nền Đế chế thứ hai là một hình thái chuyên chế của giai cấp tư sản Pháp, bên trong ra sức đàn áp và bóc lột nhân dân, bên ngoài ráo riết đẩy mạnh xâm chiếm thuộc địa. Nhưng cũng phải đợi đến tháng 9-1856, mâu thuẫn Anh - Pháp tạm thời hòa hoãn, liên quân hai nước cùng nhau câu kết để uy hiếp Trung Quốc, cộng thêm các báo cáo của bọn con buôn và giáo sĩ về tình hình ngày thêm suy đốn của triều đình Huế, Napôlêông III mới dám ra mặt hành động.

Ngày 16-9-1856, tàu chiến Catina (Catinat) đến Đà Nẵng có phái viên cầm quốc thư sang Việt Nam, nhưng triều đình Huế lo ngại không chịu tiếp. Thất bại trong âm mưu điều tra tình hình Việt Nam phục vụ âm mưu xâm lược, ngày 26 9-1856, tư bản Pháp đã trắng trợn nổ súng bắn phá các đồn lũy rồi kéo lên khóa tất cả các đại bác bố trí ở trên bờ, sau đó tàu nhổ neo bỏ đi. Một tháng sau, ngày 24 tháng 10, tàu chiến Caprixiơ (Capricieuse) lại cập bến Đà Nẵng xin được gặp các quan lại triều đình để thương lượng, nhưng cũng bị cự tuyệt. Cuối cùng, ngày 23-1-1857, phái viên của Napôlêông III là Môngtinhi (Montigny) cập bến Đà Nẵng yêu cầu được tự do truyền đạo và buôn bán. Thực ra đây chỉ là một chuyến đi dọn đường sẵn cho cuộc can thiệp vũ trang khi đánh xong Trung Quốc. Cho nên, ngay trước khi Môngtinhi đến Đà Nẵng một tháng, Bộ trưởng Hải quân Pháp là Hamơlanh (Hamelin) đã tiếp viện thêm cho hạm đội Pháp ở Thái Bình Dương, và Bộ trưởng Ngoại giao nước Pháp là Oalépxki (Walewski) cũng đã ra lệnh cho Phó Đô đốc Giơnuiy (Rigault de Genouilly), lúc đó đang chỉ huy hạm đội Pháp tham gia cuộc tấn công Trung Quốc, sau khi bắn phá và chiếm cứ xong Quảng Châu phải kéo ngay quân xuống đánh chiếm Việt Nam. Rõ ràng việc cử Môngtinhi sang triều đình Huế chỉ có giá trị ngoại giao hình thức, còn mọi mưu mô kế hoạch đều đã được bọn tư bản sắp đặt từ trước, chỉ đợi thời cơ và kiếm cớ để nổ súng. Vì thế, bản thân Môngtinhi đã có những hành động vô cùng trắng trợn. Vấp phải thái độ của triều đình Huế cương quyết cự tuyệt không tiếp, trước khi rút lui về nước, y đã đe dọa sẽ dùng vũ lực để trừng phạt nếu không đình chỉ việc cấm đạo; đồng thời y cũng cấp báo về nước yêu cầu cử binh chiếm gấp Nam Kì. Trước khi xuống tàu về nước, y còn lén lút đưa tên gián điệp đội lốt giáo sĩ Penlơranh (Pellerin) về Pháp yêu cầu Napôlêông III cử binh sang Việt Nam bênh vực những người theo đạo.

Ngày 22 - 4 - 1857, Napôlêông III quyết định cử ra Hội đồng Nam Kì để xét lại Hiệp ước Vécxai (Versailles) đã được kí kết năm 1787 giữa Bá Đa Lộc (Évêque d' Adran), đại diện cho Nguyễn Ánh và Môngmôranh (Montmorin), đại diện cho Lui XVI. Âm mưu của tư bản Pháp lúc đó là muốn dựa vào văn kiện bán nước đầu tiên của Nguyễn Ánh để "hợp pháp hóa" việc mang quân sang đánh chiếm Việt Nam. Nhưng trong thực tế thì hiệp ước đó đã bị thủ tiêu ngay sau khi kí kết, Chính phủ Pháp lúc đó không có điều kiện thi hành vì còn lo đối phó với ngọn sóng cách mạng đang dâng cao trong nước. Chúng không thể dựa vào cớ thi hành hiệp ước để đưa quân chiếm đóng Đà Nẵng, Côn Lôn, đòi độc quyền thương mại và tự do truyền đạo ở Việt Nam như các điều khoản của hiệp ước đã ghi. Mặc dù vậy, chúng vẫn quyết định cử quân sang đánh chiếm Việt Nam, lập luận một cách trắng trợn rằng việc đem quân đánh chiếm Nam Kì đã từ lâu nằm trong dự kiến của nước Pháp, đến nay thi hành chẳng qua chỉ là tiếp tục truyền thống cũ, trung thành với một "quốc sách" đã được các chính phủ tiếp tục theo đuổi qua các thời kì mà thôi. Tháng 7 - 1857, Napôlêông III quyết định vũ trang can thiệp vào Việt Nam. Tư bản Pháp đã lấy cớ trả thù việc triều đình Huế không tiếp nhận quốc thư của Pháp do tàu chiến Catina đem đến tháng 9 năm 1856, cho là "làm nhục quốc kì" Pháp. Mặt khác, chúng còn lấy cớ "bênh vực đạo", "truyền bá văn minh công giáo" để 'tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận công giáo ở Pháp và Việt Nam. Nhưng tất cả những lí do đó đều không che đậy nổi nguyên nhân sâu xa bên trong của âm mưu xâm lược. Đó là yêu cầu tìm kiếm thị trường và căn cứ ở Viễn Đông, nhất là ở miền Nam Trung Quốc, của chủ nghĩa tư bản Pháp đang chuyển mạnh lên con đường đế quốc chủ nghĩa; đó là cuộc chạy đua giành giật thị trường giữa Pháp với các nước tư bản khác ở khu vực Viễn Đông, đặc biệt với địch thủ cổ truyền là tư bản Anh.

Cuối cùng, sau khi liên quân Pháp - Anh đánh xong Quảng Châu (5 - 1 - 1858) và dùng áp lực quân sự buộc phong kiến Trung Quốc kí điều ước Thiên Tân (27 - 6 - 1858), Giơnuiy kéo ngay quân xuống hợp với quân Tây Ban Nha do đại tá Palăngca (Palanca) chỉ huy, rồi dong buồm kéo thẳng tới Đà Nẵng dàn trận từ chiều ngày 31 - 8 - 1858. Pháp và Tây Ban Nha liên minh quân sự với nhau vì trong số các giáo sĩ nước ngoài bị triều đình Huế giam giữ giết hại hồi đó có một số người Tây Ban Nha. Tư bản Tây Ban Nha cũng nhiều lần dòm ngó các vùng Đồ Sơn, Quảng Yên ngoài Bắc, nên nữ hoàng Tây Ban Nha là Idaben II (Isabelle II) sẵn sàng câu kết với Pháp trong cuộc viễn chinh này để kiếm lợi.

(Nguồn:Đại Cương Lịch sử Việt Nam, NXB GD Giáo Dục)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top