Câu 2:
Tình yêu nước yêu làng thể hiện xúc động trước tâm trạng đau khổ, nhục nhã, tuyệt vọng của ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo Tây. Thoạt nghe tin, ông Hai đã vô cùng bàng hoàng, sửng sốt, cổ họng ông nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân, ông lặng đi tưởng chừng như đến không thở được, ông như không tin nổi vào tai mình. Như một kẻ vô hồn lần bước trở về nhà, ông nằm vật ra giường, nước mắt giàn giụa, bao đau đớn tủi hờn trào dâng trong lòng. Những ngày tiếp theo, ông không dám ra khỏi nhà, hễ nghe nhắc đến các từ "Việt gian, Tây, Cam nhông" là ông lủi ngay vào 1 góc nhà, nín thin thít. Ông Hai luôn phải sống trong dằn vặt, lo lắng và sợ hãi. Khi bị mụ chủ nhà đuổi đi, tuyệt đường sinh sống, ý nghĩ quay về làng vừa mới nhen nhóm lên trong đầu ông đã bị ông vội vàng dập tắt "làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Đó là một quyết định đau đớn nhưng vì quá yêu nước, ông phải để cho nỗi đau ấy giằng xé trong lòng...Chúng ta nhận ra trong lời trò chuyện với đứa con một mâu thuẫn đáng thương trong lòng ông. Vừa muốn con ghi trong tâm trí làng Chợ Dầu, lại muốn con thủy chung, son sắt với kháng chiến, với cụ Hồ. Có lẽ lần đầu tiên trong văn học chúng ta cảm nhận một tấm lòng, một tâm trạng đau đớn, dằn vặt vì làng vì nước như thế. Ông Hai càng đau đớn, càng tủi nhục bao nhiêu thì chúng ta càng khâm phục trước tấm lòng yêu làng, yêu nước của ông bấy nhiêu.