A. Đại cương về văn học dân gian
I. Khái niệm
Văn học dân gian chính là những sáng tác nghệ thuật ngôn từ truyền miệng do con người sáng tạo ra trong khi tham gia các sinh hoạt tập thể nhằm biểu đạt, ghi lại những tri thức, kinh nghiệm, tư tưởng, tình cảm về cuộc sống xã hội và thiên nhiên, vũ trụ.
II. Các đặc trưng của Văn học dân gian
1. Văn học dân gian là những sáng tác ngôn từ mang tính tập thể - truyền miệng.
+ Tính tập thể: VHDG là sản phẩm sáng tạo của nhiều người, thuộc nhiều thế hệ qua những thời gian và không gian khác nhau.
- Về nội dung, một tác phẩm Văn học dân gian phải phản ánh được nhiều nét sinh hoạt, tình cảm, nguyện vọng và mơ ước, cách nhìn nhận về cuộc đời và con người của đông đảo quần chúng nhân dân lao động.
- Về hình thức, tác phẩm ấy phải kết tinh được thị hiếu thẩm mĩ, tài năng sáng tạo của quần chúng nhân dân thuộc về một dân tộc nhất định và với tư cách như một chỉnh thể có chung điều kiện sinh hoạt, lao động, tranh đấu và sáng tạo nghệ thuật.
+ Tính truyền miệng: Văn học dân gian ra đời khi chưa có chữ viết. VHDG là loại hình nghệ thuật diễn xướng.
+Tính dị bản: Do tính tập thể và tính truyền miệng quy định. VHDG có nhiều dị bản.
VD: truyện Tấm Cám – có bản cái kết hai mẹ con Cám bị đuổi khỏi làng, có dị bản nói mẹ Cám ăn hũ mắm làm từ Cám, liền phát điên, có dị bản lại viết hai mẹ con Cám bị sét đánh chết…
2. Tính nguyên hợp của Văn học dân gian
- VHDG là một loại hình nghệ thuật nguyên hợp cả về nội dung lẫn hình thức phản ánh khiến cho nó không chỉ là một hiện tượng văn học mà còn là một hiện tượng văn hoá.
- Về nội dung, tác phẩm VHDG phản ánh nhiều phương diện khác nhau của đời sống vật chất và tinh thần trong xã hội, do vậy nó vừa thực hiện chức năng của văn học (thẩm mĩ), của sử học ( phản ánh lịch sử), của dân tộc học (phong tục, tập quán, tôn giáo), của triết học, tâm lí học…nghĩa là cùng một lúc tổng kết các tri thức của nhân dân thuộc nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội khác nhau trong dạng thức còn chưa phân chia tách bạch (nghĩa là trong trạng thái nguyên hợp).VHDG gắn với tôn giáo khi nó được dùng như một phương tiện thể hiệnthế giới quan, nhân sinh quan của người xưa.
VD: các vị Thần trong thần thoại là biểu hiện của thế giới quan thần linh.
- Về hình thức, khác với tác phẩm văn học viết chỉ được diễn đạt bằng phương tiện ngôn ngữ, tác phẩm VHDG, ngoài việc sử dụng phương tiện chính là ngôn ngữ, còn sử dụng thêm vài phương tiện khác nữa như âm nhạc, vũ điệu, động tác.
3. Tính quốc tế và tính dân tộc
+Tính quốc tế: VHDG các dân tộc trên thế giới có những điểm chung. Đều sử dụng mô típ “Vật thần kì đem lại hạnh phúc”.
+ Tính dân tộc: VHDG của dân tộc nào in đậm bản sắc văn hóa của dân tộc đó.
VD: thần Dớt trong thần thoại Hy lạp; Thần trụ trời, thần sông thần biển của Việt Nam.
III. Phân loại Văn học dân gian
* Xét về phương thức biểu diễn (hay hình thức diễn xướng), có thể chia VHDG thành bốn loại hình:
a. Loại hình nói (luận lí): tục ngữ, câu đố.
b. Loại hình kể (tự sự): các loại truyện kể dân gian như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười.
c. Loại hình hát: ca dao, đồng dao, hát ru.
d. Loại hình diễn: tuồng, chèo, cải lương, múa rối.
* Xét về phương diện thể loại, có thể chia VHDG thành ba thể loại:
a. Truyện cổ dân gian: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười.
b. Thơ ca dân gian: ca dao, tục ngữ, câu đố, hát ru, đồng dao.
c. Sân khấu dân gian: chèo, tuồng, cải lương, múa rối. Hệ thống phân loại trên về cơ bản có thể áp dụng chung cho cả VHDG của người Việt cũng như của các dân tộc thiểu số khác, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số biệt loại – tức những thể loại độc đáo có mặt trong kho tàng VHDG của một dân tộc nào đó. Đó là sử thi, hay trường ca như Đẻ đất đẻ nước của người Mường, Đam San của người Ê Đê, Sing Nhã của người Gia Rai; hoặc truyện thơ như Tiễn dặn người yêu của dân tộc Thái.
IV. Giá trị của VHDG
- VHDG chính là bộ Bách khoa toàn thư vĩ đại của mỗi dân tộc và của cả nhân loại, là nơikết tinh những tri thức khoa học, tài năng nghệ thuật, tư tưởng tình cảm của nhân dân.
- VHDG là nguồn cung cấp những kinh nghiệm thực tiễn để vận dụng vào quá trình lao động chinh phục tự nhiên, cải tạo xã hội, thiết lập quan hệ giữa con người với con người. Đồng thời VHDG còn đúc kết các quan điểm thẩm mĩ, đạo đức, các quan niệm ứng xử, những khát vọng cùng lí tưởng sống của nhân dân lao động…
- VHDG giúp cho người đời sau nhận thức được bề dày lịch sử, truyền thống văn hoá, cốt cách và vẻ đẹp tinh thần của dân tộc mình, từ đó biết phát huy thế mạnh quá khứ, lí giải hiện tại và dự đoán tương lai.
- VHDG lại là thế giới của tượng và ước mơ, là sản phẩm của tâm hồn và trí tuệ ngây thơ của nhân loại. Các bài học giáo dục đạo đức, nhân cách đã được đúc kết trong VHDG chưa bao giờ cũ so với mọi thời đại, bởi vì chúng luôn được khái quát từ triết lí của tình thương.
B. Một số thể loại truyện dân gian
1.Thần thoại
a. Khái niệm
Truyện thần thoại là thể loại truyện ra đời và phát triển sớm nhất trong lịch sử TCDG, đó là những truyện kể dân gian về các vị thần, các nhân vật anh hùng, các nhân vật sáng tạo văn hoá, nhằm phản ánh và lí giải các hiện tượng tự nhiên và xã hội theo quan niệm vạn vật có linh hồn của người cổ đại.
Thần thoại được hình thành từ ba nguồn chủ yếu: từ mâu thuẫn giữa khát vọng giải thích tự nhiên với sự hiểu biết còn hạn chế về tự nhiên của người xưa; từ khát vọng vươn lên chiếm lĩnh, chinh phục tự nhiên của con người và từ khát vọng giải thích các mối quan hệ mới nảy sinh ngày càng đa dạng giữa cá nhân với các nhân, cá nhân với cộng đồng.
b. Đặc trưng
- Thần thoại thể hiện quan niệm của người xưa về vũ trụ thông qua nhân vật Thần: đó là quan niệm về ba tầng vũ trụ và bốn thế giới: trên có Trời (Thiên đình), giữa có Con người (Trần gian), dưới có Đất (Âm phủ), Trần gian lại chia thành Nhân gian và Thuỷ phủ. Các tầng vũ trụ đều thông tỏ với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau.
- Thần thoại còn thể hiện thái độ tôn sùng tự nhiên của người xưa qua quan niệm về vật tổ.
Ví dụ người Việt thờ chim lạc và rồng, người Thái thờ chim, người Mường thờ hươu sao…
- Thần thoại gắn chặt với các hình thức nghi lễ. Người ta thường diễn xướng thần thoại bằng các nghi lễ cúng tế.
c. Nội dung
- Thần thoại là phương tiện giải thích nguồn gốc tự nhiên.
- Thần thoại phản ánh ước mơ sống hoà hợp với tự nhiên và chinh phục tự nhiên của người xưa.
- Thần thoại giải thích nguồn gốc loài người và muôn loài.
2. Truyền thuyết
a. Khái niệm
Truyền thuyết là thể loại truyện cổ dân gian có chức năng chủ yếu là phản ánh và lí giải các nhân vật và sự kiện lịch sử có ảnh hưởng quan trọng tới một thời kì, một bộ tộc, một dân tộc, một quốc gia hay một địa phương. Truyền thuyết bắt nguồn từ thần thoại và có quan hệ mật thiết với thần thoại.
b. Đặc trưng cơ bản
- Truyền thuyết chịu sự chi phối của thế giới quan thần thoại trong việc xây dựng hình tượng người anh hùng.
- Truyền thuyết phản ánh lịch sử một cách độc đáo, thể hiện quan điểm đánh giá của quần chúng nhân dân về lịch sử.
c. Nội dung
- Truyền thuyết ca ngợi chiến công chinh phục tự nhiên, xây dựng nền văn hiến trong thời kì đầu dựng nước.
+ Truyền thuyết đề cao sự nghiệp giữ nước, chống ngoại xâm của dân tộc. VD: Thánh Gióng, An Dương Vương. Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Mai Thúc Loan…
- Truyền thuyết phản ánh phong trào nông dân khởi nghĩa.
3. Truyện cổ tích
a. Khái niệm: Là thể loại truyện cổ dân gian ra đời trong thời kì xã hội đã phân chia giai cấp nên mang chủ đề xã hội, phản ánh những xung đột đặc trưng cho các thời kì lịch sử, khi đã có chế độ tư hữu tài sản, có gia đình riêng, có mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp. Vừa miêu tả và lí giải hiện thực, cổ tích vừa thể hiện mơ ước của người lao động về một cuộc sống tốt đẹp hơn thực tại.
b. Đặc trưng
- Truyện cổ tích được sáng tác với mục đích giáo dục đạo đức cho trẻ em.
- Truyện cổ tích phản ánh thực tại một cách độc đáo.
VD: cùng sử dụng mô típ ướm giày, truyện Tấm Cám của Việt Nam có cách miêu tảkhác với truyện Cô bé Lọ Lem của Pháp. Cô Tấm mất giày khi đi hội làng, còn cô Lọ Lem đánh rơi giày khi đi khiêu vũ ở hoàng cung.
* Phân loại: Căn cứ vào phương thức phản ánh, có thể chia truyện cổ tích thành hai loại: Cổ tích thần kì và Cổ tích sinh hoạt.
- Cổ tích thần kì là loại cổ tích ra đời sớm, luôn luôn sử dụng yếu tố thần kì khi xây dựng cốt truyện và miêu tả số phận nhân vật, nếu thiếu sự can thiệp của nó, câu chuyện khó lòng tiếp tục.
- Cổ tích sinh hoạt là loại cổ tích ra đời muộn, khi mâu thuẫn xã hội đã trở nên gay gắt, nhân dân không còn ảo tưởng dùng yếu tố kì ảo để giải quyết các vấn đề xã hội.
- Truyện cổ tích miêu tả hiện thực cuộc sống của người xưa. Hiện thực ấy được thể hiện qua các mâu thuẫn gia đình và xã hội được phản ánh trong cổ tích.
+ Mâu thuẫn về quyền lợi vật chất trong khuôn khổ gia đình phụ quyền.
+ Mâu thuẫn về tình cảm nảy sinh trong quá trình hình thành những quan hệ mới giữa các thành viên của gia đình, khi thành viên mới có thể đe doạ các thành viên khác cả về quan hệ tình cảm lẫn vị thế và quyền lợi vật chất: người chị, người dì ghẻ, cha dượng, người con riêng…
- Truyện cổ tích miêu tả thế giới ước mơ của người lao động lương thiện.
4. Truyện ngụ ngôn
a. Khái niệm: là loại truyện cổ dân gian được đặt ra cốt để gửi gắm một ý răn đời, một kết luận luân lí, triết lí, một quan niệm nhân sinh hay một nhận xét về thực tế xã hội, với lối biểu hiện thông thường là nhân hoá giới tự nhiên để nói chuyện về con người. Mỗi truyện ngụ ngôn là một biện pháp nghệ thuật nhân hoá
b. Các đặc trưng cơ bản
- Ngụ ngôn rất ngắn gọn. Mỗi câu chuyện chỉ nêu lên một tình huống ứng xử và giải quyết tình huống đó, vì vậy ngụ ngôn không quan tâm tới việc miêu tả chi tiết.
- Nhân vật của ngụ ngôn thường là loài vật được nhân hoá.
- Ngụ ngôn luôn đặt ra mục tiêu triết lí.
- Ngụ ngôn dùng các bài học kinh nghiệm thực tiễn để giáo dục người đời.
5. Truyện cười
a. Khái niệm Là một thể loại truyện dân gian chứa đựng cái hài, dùng tiếng cười làm phương tiện chủ yếu để thực hiện chức năng phê phán, châm biếm, đả kích cái xấu và mua vui giải trí.
b. Những đặc trưng cơ bản.
- Khuôn khổ phản ánh của truyện cười là những yếu tố gây cười.
- Mục đích của truyện cười là dùng cái cười để phê phán cái xấu, cái chưa hoàn thiện.
c. Phân loại
- Căn cứ vào nội dung, có thể chia truyện cười thành hai loại: Truyện khôi hài (truyện hài hước) và Truyện trào phúng.
- Truyện khôi hài chủ yếu được dùng để giải trí và giáo dục nhẹ nhàng. VD: Cho nó khỏi lạc đàn, Làm theo lời vợ dặn,Sợ vợ chết cứng, Giàn lí đổ, Chẳng phải tay ông, Đi chợ, Thả lờ ngọn cây...
- Truyện trào phúng được dùng để châm biếm, đả kích thói xấu của một hạng người có mặt trong các thứ bậc xã hội.
(kéo xuống dưới để xem tiếp nội dung)