Đặc trưng của chủ nghĩa hiện sinh

Áo Dài

Cô gái Việt Nam
Thành viên BQT
Thuật ngữ “Existentialism”(Chủ nghĩa hiện sinh), có gốc từ “Existence”có nghĩa là sự tồn tại hay hiện hữu, nhưng không phải là sự tồn tại của các sự vật, hiện tượng vật lý hay sự tồn tại của sinh vật mà là sự tồn tại của con người. Ban đầu, chủ nghĩa hiện sinh là một trào lưu văn học phản ánh triết lý sống tự nhiên, tự tại, tự do bằng các hình thức tiểu thuyết, truyện, kịch, thi ca, nhật ký, tiểu luận, v.v... Theo dòng thời gian, triết lý sống đó được đa số người chấp nhận và lý luận hóa, trừu tượng hóa trở thành một trường phái triết học, một phong trào xã hội, ảnh hưởng sâu rộng trong lối sống giới trẻ.

Để tìm hiểu sâu hơn về chủ nghĩa hiện sinh, mời bạn đọc tham khảo bài viết về đặc trưng của trào lưu này.
received_951161525811666.jpeg
GORDON E. BIGELOW

CAO HÙNG LYNH dịch
(Trích)
1. Hiện sinh có trước bản chất

Sở dĩ được gọi là chủ nghĩa hiện sinh là vì chủ nghĩa này nhấn mạnh rằng đời sống nhân loại chỉ có thể hiểu được thông qua sự hiện sinh của cá nhân, tức là thông qua kinh nghiệm riêng biệt của anh ta về cuộc đời. Người ta sống, chứ không phải tồn tại, trong mỗi phút giây, và kinh nghiệm về cuộc sống của mỗi người luôn có tính chất độc đáo, khác biệt hoàn toàn với kinh nghiệm của mọi người, và chỉ có thể được hiểu đúng thông qua sự dấn thân của anh ta vào cuộc sống. Chủ nghĩa hiện sinh chối bỏ quan điểm về khuôn mẫu lý tưởng của Con Người viết hoa, hoặc của nhân loại, trong đó mỗi người chỉ là một hình ảnh của con người phổ quát. Nó cũng khước từ câu hỏi của triết học Hy-lạp “Nhân loại là gì?”, một câu hỏi hàm ý rằng con người có thể được định nghĩa, nếu như anh ta được đặt vào một vị trí thích hợp trong trật tự vạn vật; thay vào đó, nó hỏi cái câu hỏi của Job và thánh Augustine “Tôi là ai?” với sự gợi ý về tính độc đáo và kỳ bí của mỗi thân phận và sự nhấn mạnh đến chủ thể tính, tức nhân vị, hơn là đến khách thể tính, tức sự vật. Nhìn bên ngoài, con người chỉ là một sinh linh như mọi sinh linh khác; nhưng nhìn từ bên trong, anh ta là cả một vũ trụ, là trung tâm của cái vô cùng. Các nhà hiện sinh đề cao quan điểm chủ thể tính, và tất cả những đặc tính còn lại của chủ nghĩa hiện sinh đều phát triển từ quan điểm này.

2. Lý trí luôn bất lực khi đề cập đến chiều sâu của đời sống con người

Có hai khía cạnh liên quan đến nhận định này – một là, lý trí của con người thường mềm yếu và bất toàn; hai là, có những khoảng tối trong đời sống con người mang đặc tính “phi lý trí”, và vì thế là nơi lý trí không thể nào thâm nhập. Kể từ Plato, nền văn minh phương Tây luôn luôn thừa nhận sự tách biệt lý trí ra khỏi phần còn lại của tinh thần con người, và ca ngợi lý trí như là một công cụ thích hợp dùng để chi phối các yếu tố phi lý trí. Tuyên bố mang tính cổ điển về sự tách biệt này xuất hiện nơi tác phẩm Phaedrus, trong đó Plato mô tả tinh thần qua câu chuyện về cỗ xe được kéo bời các con ngựa bạch cảm xúc và những con ngựa ô bất kham tượng trưng cho lòng ham muốn. Người đánh xe chính là Lý trí, kẻ cầm cương chế ngự các con ngựa và vung roi để khuất phục lũ ngựa ô. Chỉ có người đánh xe, một thực thể lý trí, mới có thể dạng con người; phần còn lại của tinh thần, phần phi lý trí, nằm dưới một thể dạng thấp kém hơn, thể dạng súc vật. Sự tách biệt và đề cao lý trí này được đưa đi xa hơn nữa trong câu chuyện ngụ ngôn về cái hang trong tác phẩm Republic. Hãy nhớ lại bức tranh ảm đạm về đời sống con người mà từ đó câu chuyện được bắt đầu: trong hang tối, người ta bị xích lại, lưng quay về một ngọn lửa bập bùng, không nhìn thấy gì khác ngoài những chiếc bóng đang chuyển động trên vách đá, không thể nghe thấy gì khác ngoài những âm vọng hỗn loạn. Một người, bằng cách phá vỡ gông cùm, tức thì có thể quay lại nhìn sự vật và ánh sáng mà trước đó đã tạo nên những chiếc bóng trên vách hang; thậm chí anh ta còn có thể thoát ra khỏi hang để đi về phía ánh dương tỏ rạng ngoài xa. Thông qua lý trí, anh ta có thể làm được tất cả những điều này; anh ta sẽ thoát khỏi tình trạng nô lệ của sự ngu muội, thoát khỏi thời gian và sự đổi thay, thoát khỏi chính cái chết, để bước vào vương quốc của những ý niệm hằng hữu, tức Chân lý; và thế là cái bản chất thấp kém đã trói buộc anh ta trước đây sẽ mãi mãi bị rơi lại phía sau.

Chủ nghĩa hiện sinh trong thời đại chúng ta, đây là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của nó, nhất mực thống nhất phần “thấp kém”, phần phi lý trí của tinh thần, với phần “cao cả”. Nó khẳng định rằng con người phải được thừa nhận trong thực thể trọn vẹn của anh ta, chứ không phải trong một tình trạng phân chia nào đó, đồng thời nó cũng đòi hỏi rằng con người trọn vẹn không chỉ hàm chứa tri thức, mà còn cả những âu lo, tội lỗi và ước vọng quyền lực – những thứ làm biến đổi, và đôi khi, lấn át chính lý trí. Con người được nhìn thấy dưới quan niệm này là một con người, về cơ bản, hết sức mơ hồ, nếu không nói là huyền bí, đầy rẫy những vấn đề mâu thuẫn và căng thẳng tiềm ẩn, những vấn đề không thể giải quyết một cách đơn giản bằng tư duy. “Đời sống con người,” Beryaev nói, “được hình thành từ muôn vạn mạch suối ngầm.” D. H. Lawrence giận dữ chống lại Franklin và nỗ lực duy lý nhằm đạt tới sự hoàn hảo về tinh thần của Franklin: “Ôi, tính có thể hoàn thiện của con người!... Tính có thể hoàn thiện của con người nào? Tôi là nhiều người. Anh dự tính hoàn thiện con người nào trong số ấy? Tôi đâu phải là một sản phẩm máy móc... Tâm hồn con người kỳ lạ lắm. Nó là cái toàn vẹn của anh ta. Điều đó có nghĩa là nó vừa là cái có thể hiểu được và vừa là cái không thể hiểu được... Tâm hồn con người là một khu rừng thẳm tăm tối, bao giờ cũng có một đời sống hoang dại trong ấy.” Trong chủ nghĩa hiện sinh, trọng tâm không được đặt vào ý tưởng, mà vào kẻ tư duy, tức người mang ý tưởng ấy. Nó thừa nhận không chỉ sức mạnh tư tưởng của kẻ tư duy, mà còn thừa nhận cả cuộc ngẫu sinh (contingency), sự lầm lạc, tính nhu nhược, thân xác, máu xương và sự chết của anh ta. Kierkegaard nhấn mạnh sự khác biệt giữa sự thật chủ quan (điều mà một người nghiệm sinh) và sự thật khách quan (điều mà con người biết về), và nói rằng chúng ta chạm trán với chính sự thật không phải trong sự phân chia của lý trí, mà trong sự dấn thân trọn vẹn và nỗi đớn đau của sự lựa chọn, trong niềm bi tráng khi sống tận tuỵ cho điều chọn lựa của mình. Quan điểm ngờ vực hệ thống duy lý này giúp ta giải thích tại sao cách diễn tả của nhiều nhà văn hiện sinh thường tỏ ra nghịch lý, bí ẩn và có tính chất tiên tri, và tại sao tác phẩm của họ thường nằm trong địa hạt văn chương hơn là triết lý.

3. Sự xung khắc

Kết quả quan trọng của sự tách rời lý trí ra khỏi phần còn lại của tinh thần chính là sự phát triển của khoa học, điều đã trở thành một trong những dấu hiệu đặc trưng của nền văn minh phương Tây, và hành động xếp đặt trật tự xã hội càng lúc càng mang tính duy lý của con người. Theo các nhà hiện sinh, các thế lực chính của lịch sử, kể từ thời kỳ Phục hưng, đã không ngừng tách con người ra khỏi cuộc sống trần thế, buộc anh ta phải sống theo những tiêu chuẩn trừu tượng cao cả, tập thể hoá con người cá nhân, đưa Thượng đế ra khỏi thiên đàng và trái tim của con người. Con người hiện đại đang sống trong tình trạng xung khắc: với Thượng đế, với thiên nhiên, với người khác và với chính mình.

Sự xung khắc với Thượng đế được thể hiện qua tiếng kêu thống thiết của Nietzsche: “Thượng đế đã chết,” một tiếng kêu âm vọng mãi trong những tác phẩm của các nhà hiện sinh, đặc biệt là các tác giả Pháp quốc. Đề tài về sự trống vắng tâm linh là một đề tài thường gặp trong văn chương của thế kỷ này, từ “The Hollow Men” của Eliot cho đến tiểu thuyết của Dos Passos, Hemingway và Faulkner. Trong A Story-Teller’s Story, Sherwood Anderson mô tả hành vi thức ngộ của chính ông trước sự thiếu vắng tâm linh. Ông kể, khi một mình lang thang giữa đêm khuya trên con đường ngập ánh trăng, thì:

Bất giác trong đầu tôi có một điều kỳ quặc, một ước muốn tự làm nhục mình trước một cái gì đó không phải con người, và khi đang bước trên con đường ngập ánh trăng, tôi liền quỳ xuống. Không có Thượng đế, mọi thần linh đã bị xua đuổi khỏi tâm hồn tôi bởi chính cuộc sống quanh tôi, vì Thượng đế đã bị tước đoạt khỏi con người hiện đại bởi một thế lực tiềm ẩn bên trong, mà chính con người cũng không tài nào mường tượng được, ngoài việc biết rằng nó được gọi là tri thức. Tôi cứ mỉm cười với hình ảnh đã chết dưới mắt mình, khi tôi quỳ xuống bên đường...

Không có Thượng đế trên bầu trời, không có Thượng đế trong tôi, không có lý lẽ nào giúp tôi có đủ sức mạnh để tin vào một Thượng đế, thế là tôi chỉ biết thinh lặng quỳ trên đất đen và đôi môi không thốt được lời nào.”

Trong một đoạn khác, Anderson tự hỏi phải chăng tước bỏ điều linh thiêng ấy có thực sự làm cho con người không còn bất lực, phải chăng khao khát một quân lực hùng cường hơn, một toà cao ốc cao hơn không là dấu hiệu của sự bất lực. Ông nghĩ rằng Thanh giáo và con đẻ của nó – hệ thống đại kỹ nghệ – đã làm cho đời sống hiện đại trở nên cỗi cằn, đồng thời đề nghị con người nên quay về sự mạnh mẽ của một con thú bằng sự gắn bó trở lại với những điều giản đơn của trần thế, một trong số ấy, là sự bộc lộ tình dục không bị cấm đoán.

Sự xung khắc của con người với thiên nhiên là đề tài chính trong văn chương, ít nhất là kể từ Rousseau và trào lưu lãng mạn, và hầu như không được xem là tài sản của các nhà hiện sinh. Tuy nhiên, các tác giả hiện sinh cứ cho rằng một trong những mối nguy khốn đáng chú ý nhất của con người hiện đại là anh ta đang xây dựng các bức tường kỹ nghệ ngày càng cao và chính điều này đang ngăn chặn anh ta đến với một cuộc sống tràn đầy sinh lực phù hợp với “thiên nhiên.” Việc xử lý đề tài này của họ thường được thể hiện như là lời kêu gọi con người hiện đại cần phải xa lánh cái trừu tượng để quay về với “cái cụ thể” và “sự trọn vẹn”.

Xung đột thứ ba xuất hiện ở mức độ xã hội và biểu hiện của nó là cảm giác tuyệt vọng về tình trạng bất khả tự lực của con người khi đứng trước cỗ máy khổng lồ của xã hội kỹ nghệ. Đây là một đề tài quan trọng khác của văn chương phương Tây, và một lần nữa, mặc dầu hầu như không khám phá được sự nguy hiểm hay tiến hành một sự phản đối nào, nhưng các nhà hiện sinh thời đại chúng ta vẫn khôi phục sự phản kháng trước bất cứ khuôn mẫu hoặc thế lực nào manh nha dập tắt tính độc đáo và sự tự tại trong đời sống cá nhân. Sự đông đúc nơi đô thị, sự chia nhỏ lao động nhận chìm con người trong chức năng kinh tế của anh ta, sự phát sinh chính quyền trung ương tập quyền, sự phát triển của quảng cáo, tuyên truyền và truyền thông đại chúng trong các hoạt động giải trí và thông tin – tất cả những điều đẩy con người vào “Đám đông cô độc” của Riesman – đã xé nát con người bằng cách huỷ diệt cá tính và khiến họ phải sống trên bề mặt của cuộc đời, sẵn lòng giao du với “vật” hơn là với người. “Sự bộc lộ xung khắc ra bên ngoài,” Berdyaev nói, “là gốc rễ của tình trạng nô lệ, trong khi tự do là suy tư về mối xung khắc ấy. Nô lệ luôn luôn biểu thị qua sự xung khắc, tức hành vi tống đẩy bản chất con người ra thế giới bên ngoài.” Loại xung khắc này được minh hoạ bằng nhân vật Zero trong vở kịch “The Adding Machine” của Elmer Rice. Hai mươi lăm năm làm nhân viên ghi chép sổ sách trong một cửa hàng bách hoá của Zero đã vắt kiệt nhân tính của ông ta, khiến ông không còn khả năng cảm nhận tình yêu, tình bằng hữu hay bất cứ tình cảm sâu thẳm nào khác. Sự xung khắc như thế thường được đưa ra như là một nguyên nhân lý giải cho hành động tàn bạo của người với người, hoặc như là lời giải thích cho nỗi bất công trong xã hội hiện đại. Trong cuốn tiểu thuyết của Camus, The Stranger (Kẻ xa lạ), một chàng thanh niên bị toà buộc tội sát nhân. Đây là vụ giết người mà anh ta thực sự đã thực hiện trong một tình huống, nếu xét ra, có thể được giảm khinh. Nhưng toà không bao giờ để ý đến bất cứ chứng cứ liên quan đến yếu tố giảm khinh ấy, và dường như cũng không thèm nghe bất cứ điều gì liên quan đến chính tội ác đang xét xử; họ buộc tội chàng thanh niên dựa trên những lý lẽ hoàn toàn phi lý, bởi vì anh đã có những hành xử lạ thường tại tang lễ mẹ anh một ngày trước khi xảy ra vụ sát nhân. Nơi cuốn tiểu thuyết này, người ta cảm thấy một thực tại bị bóp méo một cách huyễn hoặc giống như cảnh phiên toà trong Alice in Wonderland, một cảm giác ngột ngạt vì bị vây bọc bởi các sự kiện chẳng những phi lý, xuẩn động, mà còn không làm cho người ta động tâm. Điều gây phiền não nhất nằm ở sự cô độc của chàng thanh niên, vách tường thù hận bủa vây lấy anh và cản ngăn bất cứ kẻ nào muốn bước vào đời sống anh hoặc muốn chia sẻ sự đồng cảm với nó.

4. "Run sợ” – Âu lo

Tại Stockhom, khi nhận giải Nobel, William Faulkner đã nói rằng: “Bi kịch của chúng ta ngày nay chính là nỗi sợ hãi mang tính phổ biến và bao trùm liên quan đến thể xác, nỗi sợ hãi mà chúng ta đã phải chịu đựng quá lâu. Không còn vấn đề tâm linh gì nữa cả. Câu hỏi duy nhất còn lại là: Khi nào tôi bị nổ tung đây?” Hình ảnh lạc quan của thời đại Khai sáng, một thời đại nhìn thấy con người, thông qua lý trí và khoa học, chế ngự thiên nhiên và giải quyết các vấn nạn chính trị và xã hội theo đường trôn ốc của sự phát triển, đã bị vỡ tan sau Đệ nhất Thế chiến, giống như quả dưa va vào phiến đá. Những học thuyết ôm giữ nhiều cao vọng như thế đã gục ngã trong cuộc giết chóc kinh hoàng và khó hình dung ấy. Đây chính là yếu tố cụ thể trong bản chất con người và xã hội mà các học thuyết đó không dung nạp được. Giai đoạn Đại Khủng hoảng kinh tế những năm 1929 – 1930 và cuộc Đệ nhị Thế chiến đã khoét sâu thêm tình trạng mất tinh thần do sự cáo chung của các lý tưởng cũ gây ra; tuy nhiên, chỉ bằng một quả bom nguyên tử, điều này đã biến thành nỗi kinh hãi bất kham, một mối đe doạ huỷ diệt nhân loại tức thời mà con người phải đối mặt với, ngay cả đối với những ai được bảo vệ nghiêm ngặt nhất bởi bức tường dày hàng hoá và dịch vụ. Giờ đây, kẻ thiếu suy nghĩ nhất cũng có thể cảm nhận được rằng mỗi bước tiến trong kỹ nghệ cơ khí không chỉ mang đến những triển vọng nhung lụa, mà còn cả mối đe doạ tiềm tàng.

5.Chạm trán với Hư vô

Đối với người xung khắc với Thượng đế, với thiên nhiên, với đồng loại và với chính mình, thì cuối cùng còn lại gì, ngoài Hư vô? Các nhà hiện sinh xác nhận rằng đó chính là nơi mà giờ đây con người hiện đại tìm thấy mình, không phải trên con đường thẳng tắp hướng về một xã hội sáng lạn không tưởng, nhưng tại bờ vực của một vách đá thê lương, mà phía dưới lồ lộ một hố thẳm tuyệt đối, một khoảng Hư vô đen ngòm. Trong một ý nghĩa nào đó, đây chính là Đất Hoang (Wasteland) của Eliot, nơi cư ngụ của Kẻ Vô Hồn (The Hollow Man), một con người:

Chỉ có hình mà không hề có dáng,

Là bóng đen không một chút hương màu

Mọi sinh lực hãm giam trong tù đọng

Bước âm thầm tựa như bóng ma trơi [2]

Đó là điều đã khích động Richard Cory của E. A. Robinson, người mà khiến chúng ta phải nghĩ rằng nếu như rơi vào trường hợp của anh ta, chúng ta cũng sẽ làm như anh ta, tức là đi về nhà vào một đêm hè êm ả, và kê súng bắn một phát vào đầu.

6. Tự do

Không sớm thì muộn, các tác phẩm hiện sinh sẽ đi đến đề tài về tự do. Các đề tài mà chúng ta vừa phác hoạ bên trên đã mô tả phần nào sự mất tự do của con người, hoặc mối đe doạ đối với tự do, và tất cả các nhà hiện sinh, dù thuộc trường phái nào, cũng đều ưu tư đến hành động mở rộng phạm vi tư do của nhân loại.

Đối với những tác giả công khai thừa nhận mình là kẻ vô thần như Sartre, thì tự do có nghĩa là tự do lựa chọn. Trong một vũ trụ không có mục đích, con người buộc phải có tự do, bởi vì anh ta là sinh linh duy nhất có thể tự vượt qua chính mình, có thể trở thành một cái gì đó khác với cái anh ta hiện là. Chính vì không có Thượng đế mang lại cứu cánh cho vũ trụ, cho nên mỗi người phải nhìn nhận trách nhiệm cá nhân đối với tiến trình đang trở thành của chính mình; đây là một gánh nặng sẽ trở nên nặng nề hơn, vì khi chọn lựa cho chính mình, anh ta cũng đồng thời chọn lựa cho tất cả những người khác “một hình ảnh con người mà anh ta phải là”. Con người là toàn bộ các hành vi làm nên đời sống anh ta – không hơn, không kém – và dẫu cho một kẻ đớn hèn đã tạo nên mình một cách hèn mạt, thì lúc nào cũng có thể tự mình thay đổi để biến thành kẻ anh hùng. Trong cuốn tiểu thuyết The Age of Reason của Sartre, một trong các nhân vật ít đáng yêu nhất, kẻ hầu như bị chôn vùi trong sự tuyệt vọng và cảm giác tự ghê tởm mình vì khuynh hướng tình dục đồng tính, sắp sửa giải quyết vấn đề của mình bằng cách dùng lưỡi dao cạo để tự sát; nhưng với sự nỗ lực của ý chí, anh ta ném lưỡi dao xuống, và chúng ta phải hiểu rằng kể từ giây phút đó, anh ta sẽ chế ngự được bản năng dị thường của mình. Vì lẽ đó, trong thế giới của Sartre, con người phải định hướng cho tiến trình trở thành của mình trên lối đi hàng ngày của đời sống thường nhật.

Bài viết trên hi vọng sẽ cung cấp cho các bạn thêm kiến thức về chủ nghĩa hiện sinh trong triết học. Bài viết sẽ giúp bạn trong quá trình tìm hiểu triết học phương Tây. Chúc bạn học tốt !
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top