Đặc điểm nhân vật qua các trào lưa sáng tác văn học

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Đặc điểm nhân vật qua các trào lưa sáng tác văn học
1398421745-le-kieu-nhu-4.jpg
Nhà văn Đức Goethe đã từng nói: "Con người là điều thú vị nhất đối với con người, và con người cũng chỉ hứng thú với con người". Con người là nội dung quan trọng của của văn học. NV văn học là khái niệm dùng để chỉ hình tượng các cá thể con người trong tác phẩm văn học - cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo và thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ. Qua NV, tác giả khái quát đời sống hiện thực, thể hiện chủ để, tư tưởng của tác phẩm.

Trào lưu văn học là hiện tượng lịch sử gắn liền với sự vận động mạnh mẽ của quá trình văn học nhằm khắc phục những mâu thuẫn nội tại để đưa văn học phát triển sang một giai đoạn mới hoặc theo hướng nhất định nào đó. Mỗi trào lưu văn học đều có nguyên tác sáng tác riêng.

Lịch sử văn học nhân loại xuất hiện nhiều trào lưu văn học, mỗi trào lưu có nét đặc trưng riêng trong cách xây dựng NV. Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu đặc điểm NV ở sáu trào lưu sáng tác sau: Cổ đại Hi Lạp, văn học Phục hưng, CN cổ điển, CN lãng mạn, CN hiện thực phê phán và CN hiện thực XHCN.

Trào lưu sáng tác văn chương Cổ đại Hi Lạp hình thành và phát triển từ khoảng thế kỉ thứ IX đến thế kỉ thứ I TCN. Nảy sinh trong thời kì chiếm hữu nô lệ, trình độ của lực lượng sản xuất còn thấp kém nên các nghệ sĩ chưa có khả năng thấu hiểu hiện thực của thế giới xung quanh. Do vậy, bản chất sự thật của nó được thần bí hóa. Người nghệ sĩ ở đâu cũng nhìn thấy ý chí của thần thánh. Điều này chi phối sâu sắc đến đặc điểm NV trong các sáng tác văn học.

NV văn học thời Cổ đại Hi Lạp là những vị thần hoặc bán thần. Họ hầu như không có sự thay đổi về tính cách. Giữa các NV ít có mối quan hệ qua lại với nhau mà chủ yếu là độc thoại. Tâm trạng NV không được khai thác ở chiều sâu tâm lý, chỉ được thể hiện qua nét mặt, nét cười, hành động. Nét nổi bật ở NV trong các sáng tác thời kì này là tính cách của NV chủ yếu được thể hiện qua ngôn ngữ của người kể chứ không thể hiện qua hành động và lời nói. Đặc biệt, NV thường rơi vào bi kịch do chống lại đấng tối cao.

NV Prômêtê trong tác phẩm "Prômêtê bị xiềng" của Esin là một vị thần - hiện thân của hiểu biết và trí tuệ. Vì đánh cắp lửa của thần Dớt mang xuống trần gian cho con người mà Prômêtê đã phải chịu sự trừng phạt của đấng tối cao. Nhưng tính cách của NV này luôn luôn kiên định từ đầu cho đến cuối tác phẩm. Đây là vị thần biểu tượng cho ước mơ, khát vọng của nhân dân thời bấy giờ.

Có thể thấy rằng, văn học Cổ đại Hi Lạp xuất hiện khá sớm, NV vẫn còn mang những đặc điểm rất đơn giản, phán ánh ước mơ, khát vọng của con người. Càng đến các trào lưu sau, đặc điểm NV càng đa dạng hơn, phức tạp hơn.

Trào lưu văn học Phục hưng xuất hiện cuối thế kỉ XIV - đầu thế kỉ XV. Đây là thời kì manh nha xuất hiện những quan hệ sản xuất Tư bản CN trong lòng chế độ phong kiến, mở đầu cho thời kì quá độ từ chế độ phong kiến sang Tư bản Chủ nghĩa. Trên cơ sở đó hình thành CN Nhân văn - hệ tư tưởng trong buổi đầu của giai cấp tư sản dùng để chống lại chế độ phong kiến và giáo hội. CN Nhân văn chủ trương: khai thác văn hóa Cổ đại Hi Lạp, đề cao nhân quyền, xem con người là chúa tể của vũ trụ, là căn bản của đời sống; khẳng định đời sống thực tế, ca ngợi niềm vui và hạnh phúc trần thế, khẳng định tình yêu là cao đẹp, con người có quyền theo đuổi danh vọng, của cải, khẳng định địa vị, phẩm giá con người qua nhân cách, bất cứ xuất thân như thế nào.

Những nội dung của CN Nhân văn thời kì này có ảnh hưởng rất lớn đến văn chương Phục hưng. Mà thay đổi trước hết và dễ dàng nhận thấy nhất đó là sự thay đổi trong hình tượng NV. NV văn học Phục hưng mang những đặc điểm sau:

Trước hết, NV là những con người bình thường, con người hằng ngày với tất cả những nét tự nhiên vốn có của nó. Hămlét, Rômêô, Guyliet, Ôphênia... không phải những vị thần mà là những con người quen thuộc, con người của đời sống hằng ngày. Đây là điểm khác so với NV của trào lưu sáng tác Cổ đại Hi Lạp.

NV được đặt trong những bối cảnh rộng lớn và trong mối quan hệ đa chiều với các NV khác. Hơn nữa, NV luôn ở trong thế đối lập với những thế lực và tàn dư của phong kiến. NV Gácgiăngchuya của Rabơle với lòng tự tin vững chãi và niềm tôn kính phẩm giá con người đối lập với Picrôkhôn - hiện thân của bọn cầm quyền tham lam, tàn nhẫn. Các NV trong sáng tác thời kì này luôn luôn đấu tranh chống lại số phận nhưng do đấu tranh đơn độc nên họ bị rơi vào bi kịch. Hămlet khi phát hiện ra kẻ thù giết cha mình đã chìm đắm trong bi kịch của những suy tư, đau khổ, dằn vặt, do dự trước khi hành động.

CN Nhân văn yêu cầu phải giải phóng cá tính, nêu cao ý chí tự do, đề xướng bình đẳng nhân ái giữa người với người nên NV Phục hưng không còn là những con người chung chung mà họ đã mang màu sắc cá nhân riêng biệt. Nói cách khác, NV đã được đặc trưng hóa. Cũng yêu đương nồng nhiệt nhưng Rômêô khác Hămlet, Guyliet cũng không giống Ôphênia. Cùng trả thù cho cha nhưng Hămlet khác Laectơ. Hămlet trải qua rất nhiều hoài nghi, bi quan, do dự còn Laectơ thì bừng bừng nộ khí đòi trừng trị thủ phạm ngay tức khắc.

Trong văn học Phục hưng, tính cách NV không đơn nhất một chiều mà rất đa dạng. Các tác giả đã xây dựng được những NV lưỡng hóa về tính cách. Môlie tả một kẻ đại hà tiện và chỉ có hà tiện mà thôi. Còn Sâylốc của Sêchxpia thì vừa hà tiện, vừa ranh mãnh, vừa hằn thù, vừa yêu con lại vừa sắc nhạy thông minh.

Nếu trong văn học Cổ đại Hi Lạp, tính cách NV chủ yếu được thể hiện qua lời của người kể thì đến văn học Phục hưng tính cách NV được thể hiện qua hành động, lời nói, suy nghĩ. Đó là những còn người biết suy nghĩ, hành động. Suy nghĩ để hành động, hành động có suy nghĩ. Hămlet là một người thận trọng, muốn tìm ra chân lý phải tự mình kiểm tra sự thật. Hành động của Ôtenlô siết chặt cổ người yêu tuyên bố: "Nàng phải chết, nếu không nàng còn làm hại nhiều người đàn ông khác nữa" qua đó cho thấy Ôtenlô là một người dám hành động, hành động không chỉ vì lợi ích của bản thân mà còn vì lợi ích cộng đồng.

Như vậy, chúng ta có thể thấy trào lưu văn học thời Phục hưng là một bước tiến bộ trong lịch sử văn học nhân loại. Đây là thời kì con người được đề cao, văn học thể hiện niềm tự hào về con người. Các nhà văn được tự do sáng tác do vậy thời kì này xuất hiện nhiều tên tuổi và tác phẩm tiêu biểu.

Nối tiếp CN Phục hưng là CN cổ điển ra đời ở Pháp vào thế kỉ XVII. Đây là thời kì chế độ phong kiến ở Pháp được củng cố vững chắc. Áp lực lịch sử dẫn đến sự ra đời của văn học cổ điển chính là sự hòa hoãn giữa giai cấp tư sản và đại quý tộc phong kiến. Nói như Ăngghen "giai cấp quý tộc và giai cấp tư sản trong thế quân bình đối lập nhau". Do vậy, văn học cổ điển vừa phản ánh ý thức hệ tư sản nhưng lại mang màu sắc phong kiến. Bên cạnh đó, văn học cổ điển chịu ảnh hưởng của triết học duy lí Descartes với câu nói nổi tiếng "Tôi tư duy vậy tôi tồn tại". Ông coi tư duy là hoạt động của lí tính, tất cả đều phải dựa vào lí tính mà phán đoán. Đồng thời, triết học Descartes cũng thừa nhận sự song song tồn tại của vật chất và tinh thần. Ông đề cao vai trò của nhận thức lí tính mà chưa coi trọng nhận thức cảm tính. Điều này có ảnh hưởng đến việc lý giải các hình tượng trong văn học.

Sự thay đổi của đời sống xã hội làm thay đổi tư duy người nghệ sĩ dẫn đến sự thay đổi trong cách xây dựng NV văn học. NV thời kì này mang những đặc điểm sau:

Trước hết, NV là những con người đặt lí trí lên trên tỉnh cảm, chiến thắng mọi đam mê, coi nhẹ lợi ích cá nhân, phục tùng lợi ích và danh dự của gia đình và dòng dõi. Các NV hành động theo lý trí nhưng không phải theo thần quyền mà luôn luôn đấu tranh với những đam mê, dục vọng riêng để phục vụ lợi ích chung. NV hành động theo lý trí được ca ngợi, theo dục vọng thì bị phê phán. Có thể lấy bi kịch "Lơxit" của Coornây làm ví dụ. Rôđrigơ không thể vì tình yêu với Simen mà không giết chết bố nàng để rửa nhục cho cha. Còn Simen cũng không thể vì tình yêu mà quên chuyện giết Rôđrigơ báo thù cho cha. Cặp đôi này có lý trí tỉnh táo và nghĩa vụ đến mức không những tán thành mà còn tạo điều kiện cho hành động trả thù lẫn nhau giữa hai người.

Đề cao lí trí nên lời nói của NV mang tính khúc chiết, trang nhã, tỉnh táo. Hãy lắng nghe lời nói của Simen với Rôđrigơ: "Bằng việc xúc phạm đến thiếp, chàng dã tỏ ra xứng đáng với thiếp. Nhưng thiếp phải giết chàng để được xứng đáng với chàng". Quả là Simen đã suy nghĩ và phát ngôn một cách duy lí theo những chuẩn mực đạo đức thẩm mĩ của nhà nước phong kiến tập trung thế kỉ XVII.

NV cổ điển được xây dựng theo luật "Tam duy nhất": duy nhất về không gian, thời gian và hành động. Điều này được thể hiện rõ nhất trong các tác phẩm kịch.

CN duy lí quan niệm bản chất sự vật một cách siêu hình, tĩnh tại, cho bản tính con người là "dĩ thành bất biến" nên tính cách NV không phát triển được. Mở mản là Táctuyp thì đóng màn vẫn là tên đạo đức giả ấy. Mở màn là lão hà tiện thì đóng màn vẫn là anh chàng Acpagong không có gì khác. Trong khi đó NV của CN hiện thực như: AQ, Chị Dậu, Sáclơ... thì tính cách luôn luôn vận động.

Xây dựng những NV loại hình cũng là đặc điểm nổi bật của văn học cổ điển. NV chỉ mang tính cách chung mà không mang cái riêng, thiếu cá tính, độc diện, thiếu bản sắc dân tộc. CN Descartes quan niệm bản chất con người không phục thuộc vào hoàn cảnh lịch sử xã hội cụ thể nên các nhà văn xem nhẹ việc xây dựng những hoàn cảnh điển hình.

Tóm lại, NV của CN cổ điển hiện lên như một khuôn mẫu, bị chi phối bởi quan niệm của đạo đức phong kiến. Do vậy mà chưa được chú trọng sâu đến đời sống nội tâm. Có thể nói đây là một bước thụt lùi của CN cổ điển so với văn học Phục hưng. Tuy nhiên bằng việc hướng về thực tế, cố gắng đi sâu vào bản chất của sự vật và NV, CN cổ điển vẫn là tiền đề nghệ thuật quan trọng của CN hiện thực sau này.

Nếu nghệ thuật cổ điển là sản phẩm của sự hòa hoãn giữa tư sản và quý tộc phong kiến thì CN lãng mạn là sản phẩm của sự thắng thế của giai cấp tư sản đối với giai cấp phong kiến. Sau khi lật nhào ngai vàng phong kiến trong Cách mạng Tư sản Pháp 1789, giai cấp tư sản quay lưng phản bội tất cả, những giá trị vốn có của con người (danh dự, nghĩa vụ, tình thương) đều bị chối bỏ. Tiền là chuẩn mực thép làm hoen ố lời hứa của gia cấp tư sản lúc đang lên: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Tình hình trên dẫn tới tình trạng nhiều người bất mãn với thực tại, tìm sự giải thoát tâm hồn trong quá khứ hoặc tương lai. Trong hoàn cảnh đó, CN lãng mạn được hình thành với những nét riêng biệt khi xây dựng NV.

NV của CN lãng mạn ra đời để thể hiện ước mơ, khát vọng của người nghệ sĩ. Do vậy họ là những con người thoát li hiện thực, quay về với quá khứ hoặc đi vào mộng tưởng. Gioocgiơxăng - nhà văn nữ lãng mạn Pháp đã thừa nhận: "Nghệ thuật không phải là sự mô tả hiện thực có thực". NV là những con người khác thường, phi thương, gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc. NV Rơnê trong tác phẩm cùng tên của Satôbriăng, bỏ Tổ quốc Pháp ra đi sống với người da đỏ Châu Mĩ. Đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện di chuyển không gian sống mà còn là việc quay ngược thời gian, bỏ văn minh Châu Âu quay về sống với những bộ tộc bán khai. Chỉ trong CN lãng mạn mới có thể làm được những việc phi thường, tưởng chừng như không thể ấy.

Vì phục vụ cho ước mơ, lý tưởng của người nghệ sĩ nên số phận, cuộc đời của NV được lý giải không theo quy luật khách quan mà tuân theo đôi mắt chủ quan của tác giả. "Hồn bướm mơ tiên" của Khái Hưng là tác phẩm tiêu biểu cho phương pháp lãng mạn. Tác giả đã xây dựng NV Ngọc và Lan. Giữa họ là một tình yêu đẹp đặt trong không gian nhuốm màu tôn giáo - chùa Long Giáng. Lan là người đã đi tu. Tình yêu của họ là tình yêu trong mộng ảo, không có ở cuộc sống đời thường. Kết thúc tác phẩm, tác giả lựa chọn cho NV của mình con đường không ai giống ai: Lan vẫn đi tu, Ngọc trở về thành phố, hàng tuần đạp xe xuống thăm Lan và không lấy người con gái nào khác. Như vậy, kết thúc truyện cũng như số phận của NV mang nặng quan điểm chủ quan của người viết.

Văn học lãng mạn không đi sâu vào khắc họa tính cách NV do vậy mà cá tính NV mờ nhạt, tính cách không phát triển mà hoàn toàn do sự sắp đặt chủ quan của tác giả. Nhà văn đi sâu vào đời sống nội tâm do đó chưa xây dựng được những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Trở lại với "Hồn bướm mơ tiên", Khái Hưng không đi xây dựng NV của mình trở thành con người có cá tính mà ông đi sâu vào từng ngõ ngách trong tâm hồn, hình tượng hóa cái phi thường, mộng ảo. NV hành động theo động cơ thôi thúc của tình cảm bên trong. Ngọc và Lan hành động theo tiếng gọi của trái tim, do đó tính cách của hai NV này khá mờ nhạt. Như vậy có thể thấy xây dựng NV có cá tính là điều không dễ dàng đối với các nhà văn lãng mạn.

Khác với CN lãng mạn, CN hiện thực phê phán được hình thành trong những năm 30 của thế kỉ XIX, đến những năm 40 đạt tới độ hoàn chỉnh và phát triển rực rỡ về cả lý luận và sáng tác. Dám nhìn thẳng vào những mâu thuẫn cơ bản nhất của xã hội, CN hiện thực phê phán đã làm cho khuynh hướng nghệ thuật của họ trở thành nghệ thuật dũng cảm của các nghệ sĩ dũng cảm. Họ không sợ rút ra những kết luận phức tạp nhất, gay cấn nhất của xã hội tư sản. Họ dám xé nát mọi mặt nạ, dám từ bỏ mọi mơn trớn, rất sáng suốt trong phản kháng. Điểm xuất phát ban đầu của các nghệ sĩ hiện thực phê phán chính là mảnh đất hiện thực. Chính vì vậy NV trong CN hiện thực phê phán mang những đặc điểm cơ bản sau:

NV CN hiện thực phê phán mang những nét cá tính rất riêng, độc đáo. Nhờ vậy mà NV này không hề lẫn với NV khác. Nam Cao đã cá tính hóa NV Chí Phèo trong cách chửi, cách mua rượu hay cách tỏ tình. Hắn chửi tất cả những gì to tát nhưng lại rất trừu tượng, chung chung: chửi trời, chửi đất rồi chửi cả làng Vũ Đại. Đó là tiếng chửi của sự phận uất cho cảnh ngộ, tiếng chửi của khát khao giao tiếp với mọi người. Rồi cách tỏ tình của Chí cũng rất hồn nhiên mang bản chất của người nông dân thực thụ: "Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui". Bằng việc cá tính hóa NV, Nam Cao đã tạo ra một Chí Phèo không lẫn với bất cứ một NV nào khác. Điều này tạo nên sự độc đáo cũng như sức sống lâu bền của NV.

Xây dựng những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình cũng là một đặc điểm nổi bật của NV hiện thực phê phán. NV mang trong mình những tính cách, phẩm chất chung nhất tiêu biểu cho giai cấp và thời đại. Tính cách điển hình là con đẻ của hoàn cảnh điển hình. NV chị Dậu trong "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố là NV điển hình cho hình ảnh người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Đó là một người phụ nữ đẹp, giàu đức hi sinh, thương chồng, thương con nhưng luôn bị xã hội thực dân phong kiến đàn áp đến tận xương tủy. Qua NV chị Dậu, tác giả lên tiếng tố cáo xã hội đương thời.

NV trong CN hiện thực phê phán tuy có đứng lên đấu tranh nhưng rút cuộc vẫn chịu thua, đầu hàng hoàn cảnh. Chị Dậu dù có mạnh mẽ, bạo dạn, quyết liệt đến đâu chăng nữa thì cái tiền đồ của chị vẫn "tối đen như mực". Lão Hạc không chịu được cuộc sống nghèo khổ đến ngột ngạt đã phải tìm đến cái chết đau đớn bằng bả chó. Chí Phèo chấp nhận làm con "quỷ dữ” của làng Vũ Đại, rồi đến khi bị đẩy tới bước đường cùng cũng phải tìm đến cái chết.

Đặc điểm cuối cùng của NV hiện thực phê phán là số phận NV được nhà văn lý giải theo hướng khách quan của đời sống hiện thực. Dù tác giả có yêu quý NV của mình như thế nào đi nữa thì họ vẫn phải để cho NV của mình sống đúng theo quy luật khách quan. Sống trong xã hội phong kiến bất công, Chí Phèo lẽ tất yêu phải tìm đến cái chết, còn cuộc đời chị Dậu vẫn lâm vào bế tắc.

Như vậy, trong văn học hiện thực phê phán, NV hiện lên đa dạng, phong phú về cả số lượng và chất lượng. NV luôn gắn liền với hoàn cảnh, chịu sự tác động của hoàn cảnh. Qua NV, nhà văn phản ánh cuộc sống một cách chân thực. Đây cũng là điểm tiến bộ, là ưu thế của CN hiện thực phê phán so với CN lãng mạn.

Một trào lưu văn học không thể không nhắc tới trong tiến trình văn học đó là CN hiện thực XHCN. Xuất hiện vào những năm 30 của thế kỉ XX - thời kì giai cấp vô sản nắm quyền lãnh đạo. Phương pháp hiện thực XHCN yêu cầu mô tả cuộc sống một cách chân thực, lịch sử, cụ thể và trong quá trình cách mạng của nó. Trên cơ sở mô tả đó, giáo dục CN Cộng sản cho người lao động. Lênin khẳng định: nền văn học phải thấm nhuần tính Đảng, văn học phải trở thành một bộ phận hữu cơ trong sự nghiệp đấu tranh của Đảng, do Đảng lãnh đạo. Từ quan điểm trên, NV văn học thời kì này mang những đặc điểm sau:

NV là những con người thực, con người trần thế trong mỗi quan hệ xã hội tổng hòa. Họ mang cái độc đáo cả về ngoại hình lẫn chiều sâu trong tâm hồn. NV Nguyệt và Lãm trong "Mảnh trăng cuối rừng" của Nguyễn Minh Châu hiện lên là những con người không chỉ đẹp về ngoại hình mà còn đẹp cả trong tâm hồn và lý tưởng. Họ hi sinh tình yêu và tuổi trẻ cho cách mạng. Thâm chí tình yêu giữa hai con người ấy cũng được dựa trên lý tưởng cách mạng. Nguyễn Minh Châu đã nâng NV của mình lên một vẻ đẹp hoàn hảo, không tì vết.

Nếu NV của CN hiện thực phê phán gắn với hoàn cảnh, chịu sự tác động của hoàn cảnh thì NV của CN hiện thực XHCN là sản phẩm của hoàn cảnh, họ có khả năng cải tạo và chiến thắng hoàn cảnh. Đào trong "Mùa lạc" - Kim Lân là NV như thế. Cô xuất thân trong một gia đình nghèo, lấy chồng sớm nhưng rồi chồng con cũng lần lượt ra đi bỏ cô lại một mình. Trong những tháng ngày đau khổ ấy Đào như một kẻ mất phương hướng. Nhưng từ khi lên với nông trường Điện Biên, sống và làm việc với những con người thân thiện, bao dung... Đào đã trở thành một con người hoàn toàn khác: mạnh rạn, yêu đời, hăng say lao động. Cô tìm thấy hạnh phúc cuộc đời mình trên chính mảnh đất khô cằn tưởng chừng như không còn sức sống ấy. Đào đã vượt lên trên hoàn cảnh, làm chủ vận mệnh của chính cuộc đời mình. Cô là hiện thân của con người mới - con người XHCN.

Tóm lại, qua phân tích đặc điểm NV các trào lưu sáng tác văn học trên chúng ta thấy, mỗi trào lưu văn học ra đời trong những hoàn cảnh, lịch sử xã hội khác nhau kéo theo cách xây dựng NV cũng khác nhau. Tuy nhiên, giữa các trào lưu luôn luôn có sự kế thừa, học hỏi lẫn nhau khi xây dựng NV tạo nên thành công cho tác phẩm. Và thành công trong việc xây dựng NV chính là đóng góp lớn của người nghệ sĩ cho nền văn học nhân loại.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top