Đặc điểm của Văn học trung đại Việt Nam

Bút Nghiên

ButNghien.com
Đặc điểm của Văn học trung đại Việt Nam

Trong tập sách Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam (1 ), Lê Trí Viễn nêu ba đặc trưng: cao nhã, vô ngã và hữu ngã, quy phạm và bất quy phạm. Tác giả giải thích, đại ý: cao nhã là sự cao quý, thanh nhã ở quan niệm văn chương, quan niệm của người sáng tác, ở chức năng xã hội của văn chương, ở sự hạn hẹp của việc phổ biến (tr 139); vô ngã và hữu ngã là quá trình chuyển biến của văn học, đi từ vô ngã chuyển dần sang hữu ngã (tr 225); quy phạm và bất quy phạm cũng là quá trình chuyển đổi giữa cái quy tắc, nền nếp đến cái bất quy tắc, phá vỡ nề nếp có sẵn trong diễn đạt.

Khi nêu đặc điểm cơ bản của văn học trung đại, hai bộ sách Ngữ văn 10, chương trình chuẩn và chương trình nâng cao hiện hành, đã có sự khác biệt. Sách Ngữ văn 10, chương trình chuẩn, tập 1, viết (lược ghi các đề mục): 1) Những đặc điểm về nội dung: a) Chủ nghĩa yêu nước; b) Chủ nghĩa nhân đạo; c) Cảm hứng thế sự; 2) Những đặc điểm về nghệ thuật: a) Tính quy phạm và sự phá vỡ tính quy phạm; b) Khuynh hướng trang nhã và xu hướng bình dị; c) Tiếp thu và dân tộc hoá tinh hoa văn học nước ngoài (2 ). Sách Ngữ văn 10, chương trình nâng cao, tập 1, viết (lược ghi các đề mục): 1) Gắn bó với vận mệnh đất nước và số phận con người; 2) Luôn hấp thụ mạch nguồn văn học dân gian; 3) Tiếp thu tinh hoa văn học Trung Hoa trên tinh thần dân tộc, tạo nên những giá trị văn học đậm đà bản sắc Việt Nam; 4) Trong khuôn khổ thi pháp trung đại, văn học Việt Nam luôn vận động theo hướng dân tộc hoá và dân chủ hoá (3 ).

Có thể thấy các đặc điểm được nêu rất chung, e nhiều nền văn học (và văn học trung đại) của các dân tộc trên thế giới cũng không thể khác thế (đề mục 3 của sách Ngữ văn 10, chương trình nâng cao, có thể thay tên các nước liên quan). Mà mỗi khi có sự chung cùng kiểu ấy, thì để được gọi là đặc điểm (đặc điểm: nét riêng biệt) tất phải viện đến một vấn đề có tính chất bổ sung, chẳng hạn: mức độ đậm nhạt của các yếu tố liên quan; nhưng các sách được đề cập đã không làm như vậy.
Giả sử những trình bày ở trên là tính chất của văn học trung đại nói chung, thì theo thiển ý của người viết, dưới đây là một số đặc điểm về hình thức của riêng các thể loại, kiểu tác phẩm thuộc tản văn và biền văn trong nền văn học trung đại Việt Nam.

- Tính ngắn gọn:

Hầu hết các văn bản văn học thuộc tản văn và biền văn đều có dung lượng ngắn gọn. Khi là một tập sách, thì đó thường là một tập hợp của những mẩu ngắn hợp thành. Lĩnh nam chích quái (Trần Thế Pháp (?)), Nam Ông mộng lục (Hồ Nguyên Trừng), Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ), Thánh Tông di thảo (Lê Thánh Tông), Vũ trung tuỳ bút (Phạm Đình Hổ),... là những dẫn chứng. Thượng kinh kí sự (Lê Hữu Trác) và Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái) cũng ở mức vừa phải (4 ).

- Chưa có sự phân định rõ ràng giữa các thể loại, kiểu tác phẩm:

Với các thể loại văn học, nhất là các thể kí, như kí sự, kí văn, tuỳ bút, tạp thuật, ngẫu lục,... khó thể phân định sự khác biệt nhau giữa chúng. Với những kiểu tác phẩm thuộc các lĩnh vực hành chính, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cũng không có sự rạch ròi. Chẳng hạn, giữa chiếu và dụ, chế và sắc, biểu và tấu, sớ,... được dùng lẫn lộn, giữa một bài luận với một bài văn sách viết lối tản văn cũng thường khó tách bạch.

- Sự chi phối của thể biền văn, tản văn chịu ảnh hưởng của biền văn, là điều kiện quan trọng để biến phần lớn các văn bản không thuộc các thể loại văn học trở thành tác phẩm văn học:

Nếu ở trường hợp vận văn, hầu như hễ sử dụng đến là thuộc về văn học (không thuộc thể thơ này thì thuộc thể thơ khác, không ở loại bác học thì ở cùng dân gian), thì với biền văn, cũng gần như thế. Với tản văn chịu ảnh hưởng của biền văn thì mức độ có giảm bớt. Còn với tản văn thì ngoài các thể loại văn học, ở các lĩnh vực khác, phải xét cái chất văn chương (để xác định có phải là tác phẩm văn học hay không) qua mỗi văn bản cụ thể. Điều này có nghĩa, thể văn, một yếu tố thuần tuý hình thức, có vai trò quyết định tính chất, phạm vi của văn bản.

Ở đây, thể biền văn (và một phần tản văn chịu ảnh hưởng của biền văn) đã có tác dụng biến đổi phần lớn các văn bản không thuộc các thể loại văn học trở thành tác phẩm văn học. Chẳng hạn, một tờ chiếu biền văn thì thường được coi là một tác phẩm văn học (tức tờ chiếu này bên cạnh chức năng là một lệnh, còn có chức năng là một tác phẩm nghệ thuật), trong lúc một tờ chiếu bằng tản văn thì để được công nhận là một tác phẩm văn học, cần phải "đong đếm" theo những tiêu chuẩn của nghệ thuật, xem nó có hội đủ không đã (giả sử không là tác phẩm văn học, thì nó chỉ có mỗi chức năng là một lệnh của vua ban).

Trên đây, chỉ là những suy nghĩ bước đầu. Vấn đề cần được trao đổi, thảo luận để có thể có được những nhìn nhận khách quan, thấu đáo hơn.

(Theo Triều Nguyên )​
 
Đặc điểm của Văn học trung đại Việt Nam


1. Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo- hai dòng chủ lưu của VHTÐVN.

a. Chủ nghĩa yêu nước:

Văn hóa Ðại Việt, văn chương Ðại Việt khởi nguồn từ truyền thống sản xuất và chiến đấu của tổ tiên, từ những thành tựu văn hóa và từ chính thực tiễn hàng nghìn năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm phương Bắc.

Hiếm thấy một dân tộc nào trên thế giới lại phải liên tục tiến hành những cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm như dân tộc Việt Nam. Nhà Tiền Lê, nhà Lý chống Tống. Nhà Trần chống Nguyên Mông. Nhà Hậu Lê chống giặc Minh. Quang Trung chống giặc Thanh. Những cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại được tiến hành trong trường kỳ lịch sử nhằm bảo vệ nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc không những tôi luyện bản lĩnh dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tin, khí thế hào hùng của dân tộc mà còn góp phần làm nên một truyền thống lớn trong văn học Việt Nam: Chủ nghĩa yêu nước.

Ðặc điểm lịch sử đó đã quy định cho hướng phát triển của văn học là phải luôn quan tâm đến việc ca ngợi ý chí quật cường, khát vọng chiến đấu, chiến thắng, lòng căm thù giặc sâu sắc, ý thức trách nhiệm của những tấm gương yêu nước, những người anh hùng dân tộc quên thân mình vì nghĩa lớn. Có thể nói, đặc điểm này phản ánh rõ nét nhất mối quan hệ biện chứng giữa lịch sử dân tộc và văn học dân tộc.

Quá trình đấu tranh giữ nước tác động sâu sắc đến sự phát triển của văn học, bồi đắp, phát triển ý thức tự hào dân tộc, tinh thần độc lập tự chủ. Cho nên, chế độ phong kiến có thể hưng thịnh hay suy vong nhưng ý thức dân tộc, nội dung yêu nước trong văn học vẫn phát triển không ngừng.

Các tác phẩm văn học yêu nước thời kỳ này thường tập trung thể hiện một số khía cạnh tiêu biểu như:

- Tình yêu quê hương

- Lòng căm thù giặc

- Yï thức trách nhiệm

- Tinh thần vượt khó, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc

- Ý chí quyết chiến, quyết thắng

- Ðề cao chính nghĩa của người Việt Nam trong những cuộc kháng chiến.

b. Chủ nghĩa nhân đạo

Văn học do con người sáng tạo nên và tất yếu nó phải phục vụ trở lại cho con người. Vì vậy, tinh thần nhân đạo là một phẩm chất cần có để một tác phẩm trở thành bất tử đối với nhân loại. Ðiều này cũng có nghĩa là, trong xu hướng phát triển chung của văn học nhân loại, VHTÐVN vẫn hướng tới việc thể hiện những vấn đề của chủ nghĩa nhân đạo như:

- Khát vọng hòa bình

- Nhận thức ngày càng sâu sắc về nhân dân mà trước hết là đối với những tầng lớp thấp hèn trong xã hội phân chia giai cấp

- Ðấu tranh cho hạnh phúc, cho quyền sống của con người, chống lại ách thống trị của chế độ phong kiến.

- Ca ngợi vẻ đẹp của con người lao động

- Tố cáo mạnh mẽ và đấu tranh chống những thế lực phi nhân.


2. Văn học viết phát triển dựa trên những thành tựu của văn học dân gian

- Văn học viết Việt Nam hay bất kỳ một nền văn học dân tộc nào khác đều phải phát triển trên cơ sở kế thừa những tinh hoa của văn học dân gian. Trong tình hình cụ thể của VHTÐVN, mối quan hệ giữa văn học viết và văn học dân gian chủ yếu là do các nguyên nhân sau:

+ Sau khi nước nhà độc lập, nhu cầu thiết yếu mà nhà nước phong kiến Việt Nam cần phải chú ý là việc xây dựng một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, chống lại âm mưu bành trướng, đồng hóa của kẻ thù phương Bắc và nâng cao lòng tự hào dân tộc.

+ Những tác phẩm bằng chữ Hán trong thời kỳ này thường dễ xa lại với quần chúng bình dân, tác phẩm ít được truyền tụng rộng rãi. Vì vậy, càng về sau, nhu cầu quần chúng hóa, dân tộc hóa tác phẩm ngày càng mạnh mẽ. Trong quá trình giải quyết vấn đề này, chỉ có văn học dân gian là nhân tố tích cực nhất.

Quá trình kế thừa, khai thác VHDG là một quá trình hoàn thiện dần các yếu tố tinh lọc từ VHDG bắt đầu từ thơ ca Nguyễn Trãi về sau (Thời Lý- Trần, việc tiếp thu nguồn VHDG chưa được đặt ra đúng mức).

+ Văn học viết tiếp thu từ văn học dân gian chủ yếu là về đề tài, thi liệu, ngôn ngữ, quan niệm thẩm mỹ, chủ yếu là khía cạnh ngôn ngữ và thể loại.

+ Trong quá trình phát triển, hai bộ phận luôn có mối quan hệ biện chứng, tác động, bổ sung lẫn nhau để cùng phát triển (Những tác động trở lại của văn học viết đối với văn học dân gian.


3. Văn học viết phát triển dựa trên cơ sở tiếp thu, tinh lọc những yếu tố tích cực của hệ ý thức nước ngoài

- Sự du nhập của các học thuyết vào Việt Nam chủ yếu do các nguyên nhân sau:

+ Vấn đề giao lưu văn hóa giữa các dân tộc là một vấn đề mang tính quy luật. Từ xưa, nước ta và các vùng phụ cận đã có sự giao lưu văn hóa nhưng chỉ trong phạm vi hẹp, chủ yếu là từ Trung Quốc sang.

+ Hơn 1000 năm bắc thuộc, dân tộc ta không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi sự bành trướng văn hóa và nhất là âm mưu đồng hóa của kẻ thù. Những tên quan lại phương Bắc sang đô hộ Việt Nam không chỉ bóc lột, vơ vét tài nguyên mà còn truyền bá rộng rãi các học thuyết triết học có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam một cách khéo léo và thâm hiểm.

+ Khi nhà nước phong kiến VN bắt đầu hình thành, giai cấp thống trị không có mẫu mực nào khác hơn là nhà nước PK TQ đã tồn tại trước đó hàng nghìn năm và có rất nhiều kinh nghiệm trong việc lợi dụng các học thuyết triết học như một công cụ đắc lực trong việc củng cố ngai vàng, thống trị nhân dân.

- Các học thuyết Nho- Phật- Lão đều có những điểm tích cực nhất định nên các nhà tư tưởng lớn của Việt Nam thời Trung đại đã chú ý khai thác, tinh lọc, vận dụng sao cho nét tích cực đó phát huy tác dụng trong hoàn cảnh cụ thể của từng giai đoạn lịch sử.


4. Văn học chữ Hán phát triển song song với văn học chữ Nôm

Ngay từ khi được các nhà văn mạnh dạn đưa vào sáng tác văn học, chữ Nôm ngày càng khẳng định vị trí của mình bên cạnh chữ Hán vốn đã có ảnh hưởng sâu sắc trong văn học thời Lý Trần.

Sự phát triển của Văn học chữ Nôm khẳng định ý thức dân tộc phát triển ngày càng cao, biểu hiện lòng tự hào, ý thức bảo vệ ngôn ngữ, văn hóa dân tộc chống lại âm mưu đồng hóa của kẻ thù.

Ở thời Lý, Trần, việc sử dụng chữ Nôm trong sáng tác văn học chưa được phổ biến.

Từ thế kỷ XV về sau, Nguyễn Trãi đã mạnh dạn đưa chữ Nôm vào sáng tác văn học. Thơ ông tuy chưa được trau chuốt nhưng đậm đà bản sắc dân tộc.Thành công của Nguyễn Trãi chính là tiền đề cho con đường phát triển của văn học chữ Nôm đến đỉnh cao Truyện Kiều.

5. Thơ phát triển sớm và mạnh hơn văn xuôi.

Ở thời trung đại, văn chính luận mang tính quan phương chủ yếu là công cụ của nhà nước phong kiến. Mặt khác, những đặc thù trong tư duy nghệ thuật, truyền thống sáng tác dẫn đến một thực tế là các tác phẩm văn xuôi hình tượng chỉ chiếm một số lượng khiêm tốn so với các tác phẩm thơ ca.

Thể thơ thường sử dụng nhất trong VHTÐ là thơ Ðường luật. Ðây là hệ quả của quá trình giao lưu văn hóa lâu dài và nằm trong quan niệm thẩm mỹ của các nhà thơ cổ điển. Trong thời kỳ này, thơ Ðường luật đã được chính quy hóa trong văn chương trường ốc và văn chương cử tử. Cho nên, sự thống trị văn đàn của thơ Ðuờng luật trong bất kỳ một tập thơ nào thời trung đại là một điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, việc sử dụng thơ Ðường luật với tư cách là một thể thơ chính thống trong các kỳ thi và trong sáng tác đã gây không ít trở ngại trong nội dung thể hiện do bị chi phối bởi sự ngặt nghèo của luật thơ chặt chẽ.

Ở thời Nguyễn Trãi, thơ luật Ðường biến thể thành thơ thất ngôn xen lục ngôn đầy sáng tạo, độc đáo, phóng khoáng, rất phù hợp với cách nghĩ, cách nói, tâm lý của dân tộc nên được một số nhà thơ đời sau tiếp tục sử dụng (Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm).

6. Việc sử dụng điển tích và các hình ảnh tượng trưng ước lệ- những thủ pháp nghệ thuật được sử dụng phổ biến trong văn chương trung đại.

Ðể miêu tả, người ta cho rằng cần phải có những mẫu mực mà qua nhiều thời kỳ đã được mặc nhiên chấp nhận sử dụng. Quan điểm ước lệ không chú ý đến logic đòi sống, đến mối quan hệ thực tế của các hình ảnh mang tính chất mẫu mực, công thức. Vì thế, khi phân tích các hình ảnh ước lệ, chúng ta không cần đặt vần đề có lý hay không có lý, đúng hay không đúng thực tế mà chỉ xem xét sức mạnh khơi gợi của hình tượng có sâu sắc hay không, hình tượng có được dùng đúng tình đúng cảnh và thể hiện được tư tưởng tình cảm của nhà thơ hay không.

Nguồn: Giáo trình VHTĐ VN​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top