Trang Dimple

New member
Xu
38
Kiên trì để theo đuổi đến cùng mục tiêu vốn là phẩm chất quan trọng nhất để đi đến thành công. Nhưng rèn nó có khó không? Hãy nhìn bài học từ đội tuyển U23 Việt Nam bố mẹ sẽ thấy, bí quyết lớn nhất chính là phải có đam mê và bền bỉ rèn luyện trong một môi trường cần sự nỗ lực mỗi ngày. Cho con chơi một môn thể thao cũng chính là một cách tốt để rèn luyện sự kiên trì cho con đấy bố mẹ ạ.

Tác giả Angela Lee Duckworth – tiến sĩ tâm lý học của trường ĐH Pennsylvania, người cũng đã có bài chia sẻ truyền cảm hứng gây bão bão trên TED cũng như trong cuốn sách “GRIT” của mình về bí quyết của thành công, đã thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn với những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhân vật nổi tiếng, vận động viên thể thao, để cuối cùng đưa đến một kết luận là: Bí quyết của thành công nằm ở hai yếu tố, đó là lòng đam mê và sự kiên trì bền bỉ theo đuổi đến cùng mục tiêu dài hạn đó.

Đam mê rất cần được nuôi dưỡng ở môi trường tương tác và trải nghiệm phong phú. Đối với con trẻ ở lứa tuổi dưới 6 tuổi có thể bé sẽ chưa bộc lộ đam mê nào rõ rệt nhưng có rất nhiều cách để nuôi dưỡng đam mê cho trẻ, trong đó quan trọng nhất chính là cho trẻ được trải nghiệm với thiên nhiên nguyên sơ như trong chương về “Trải nghiệm thiên nhiên nguyên sơ”, được tiếp xúc với môi trường phong phú, thử sức với nhiều lĩnh vực để từ đó bé biết tìm ra cái mình hứng thú, và ba mẹ cho trẻ được làm cái mình muốn.
2953_3.jpg


Nuôi dưỡng tính kiên trì và nhẫn nại làm một cái gì đó đến cùng cho trẻ không khó, nhưng nó lại đòi hỏi sự kiên nhẫn và các ứng xử tinh tế của ba mẹ trong những tình huống ứng xử hàng ngày. Đôi khi chỉ vì sự nôn nóng, cáu giận của cha mẹ khi con làm sai, con mắc lỗi lại chính là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ thiếu tự tin và hay bỏ cuộc giữa chừng. Sự bền bỉ và kiên trì phải được thử thách qua những lần thất bại, rồi lại tự mình đứng lên đi tiếp. Muốn vậy cha mẹ thay vì dang tay ra giúp trẻ khi trẻ vấp ngã, hãy để trẻ tự học cách giải quyết vấn đề, đối diện với thất bại và rút ra bài học từ chính thất bại đó.

1. Những cách ứng xử dễ khiến trẻ hay bỏ cuộc giữa chừng

Bạn sẽ nằm trong nhóm ba mẹ ứng xử như nào trước những lỗi sai của con cái? Cái mà các bé được trải qua thất bại, cũng như suy nghĩ của cha mẹ trước thất bại của con là 2 nguyên nhân rất lớn ảnh hưởng đến tính kiên trì của trẻ.

Thường la mắng khi con làm sai: Khi con làm hỏng cái gì là ba mẹ liền mắng mỏ “Mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi, không được làm thế, phải chú ý chứ”. Hay khi con bị điểm kém ở trường thì “Mẹ đã nhắc phải học hành cho đàng hoàng bao nhiêu lần rồi”. Có nghĩa là trước mỗi thất bại, ba mẹ luôn dùng những từ ngữ phủ định và la mắng theo cảm tính. Đó là nguyên nhân đầu tiên khiến con mất tự tin để có thể duy trì sự nỗ lực đến cùng.

Những “ba mẹ không muốn con mình thất bại”: Càng những ba mẹ nhiệt tâm với chuyện nuôi dạy con cái thì càng dễ rơi vào khuynh hướng này. Khi con gặp khó khăn một chút là chạy đến giúp liền “Con làm như này mới đúng này”, hay “Con không làm như này thì con sẽ làm sai đấy”. Có nghĩa là ba mẹ đã tước đoạt đi cơ hội được trải nghiệm thất bại của con. Đặc biệt là ở giai đoạn tầm 2-3 tuổi, trẻ còn chưa thành thục về các kỹ năng thì càng nhiều ba mẹ có khuynh hướng thích “vẽ đường trước cho hươu chạy” thay vì để con hươu đó tự học cách suy nghĩ và học cách thất bại.

2. Hãy cho con quyền làm sai

Hãy thay đổi suy nghĩ và thói quen ứng xử rằng con thất bại cũng được, làm sai cũng được vì đó là cơ hội để con học hỏi. Cha mẹ hãy cho mình quyền được thất bại. Bởi chính cha mẹ có nhiều thất bại, mới là cha mẹ dễ dàng nuôi dưỡng tính kiên trì cho con nhất.

Đừng giúp con tránh trước thất bại: Khi con muốn làm gì đó mà lóng ngóng, đừng sợ con làm hỏng mà vội vàng làm hết thay con. Khi con làm mất đồ đạc, đừng vội mua đồ mới thay thế cho con. Đừng dọn phòng, đừng chuẩn bị dụng cụ học tập cho con. Ngay cả khi con bị bạn bè nói xấu bỏ rơi, khoan hãy ra mặt can thiệp thay con.

Đừng la mắng, chỉ trích khi con làm sai, và cấm đoán khi con muốn tự làm: Bởi vì chính điều ấy khiến đứa trẻ trở nên sợ thất bại, và thiếu sự tự tin vào bản thân. Hãy cho con hiểu dù con có làm sai hay thất bại, ba mẹ vẫn luôn yêu và tin tưởng con. Thay vào đó, hãy dạy con về tính chịu trách nhiệm trước lỗi sai như tự mình đi sửa, hoặc giúp con tìm ra nguyên nhân của thất bại.

Để con tự mình sửa chữa sai lầm: Vì đó là cách tốt nhất giúp con không sợ bị thất bại cũng như rút ra được bài học sau mỗi sai làm. Có lần Bon bê hộp sữa từ tủ lạnh và làm đổ tràn ra sàn, mình nhớ lại bài học về chai sữa đổ đã đọc được ở đâu đó trên mạng, mình bảo “ôi sữa lênh láng cả ra sàn rồi, mình phải làm gì nhỉ. Hai mẹ con mình cùng lau dọn nào. Hay khi Bon san nước từ cốc này sang cốc kia để nghịch, đổ ra bàn thì Bon luôn là người lau dọn.

3. Dùng ngôn ngữ tích cực khích lệ tinh thần cố gắng

Khi con nói “Con không làm được, mẹ giúp con”: Thay vì bỏ mặc “Con tự nghĩ đi. Mẹ không biết” hãy hỏi con “Con không biết làm chỗ nào, nói cho mẹ nghe. Mẹ con mình cùng nghĩ nhé”. Cũng đừng chỉ ngay cho con “Con hãy làm như này này”, hãy đưa ra lựa chọn cho con tự suy nghĩ “Mẹ nghĩ có cách làm khác như này, con nghĩ sao”. Cũng đừng vội vàng dùng những câu khích lệ “Mẹ tin con sẽ làm được” vì nó không có tác dụng trong lúc tinh thần trẻ đang đi xuống, và trẻ cần một sự hỗ trợ từ ba mẹ.

Khi con muốn bỏ cuộc “Con không muốn làm nữa”: “Hãy nói cho mẹ nghe lí do nào? “Con không biết”. “Ồ vậy thì con nghĩ đi đến tối nói lại cho mẹ nhé”. Trẻ con thường bất an và sợ bị thất bại hơn người lớn tưởng tượng. Vì thế khi con nói không muốn làm nữa, ba mẹ hãy khéo léo dẫn dắt để hỏi nguyên nhân, sau đó dùng những câu nói thể hiện sự đồng cảm để giúp con lấy lại sự tự tin. “À đúng là như thế nhỉ. Mẹ cũng từng bị như vậy đấy”. Sau đó khích lệ “Thất bại cũng được mà con. Chỉ cần con cố gắng hết sức là được. Còn nếu mình không thử tiếp tục, làm sao vượt qua nỗi sợ thất bại nhỉ”.

Thừa nhận sự cố gắng: Khi con đã cố gắng mà vẫn thất bại hãy thừa nhận sự cố gắng con đã làm “Mẹ tin con đã rất cố gắng. Kết quả hơi đáng tiếc nhỉ”. Hãy coi trọng quá trình cố gắng của con hơn là nhìn vào kết quả. Mọi đứa trẻ đều muốn được ba mẹ thừa nhận mình.

Giúp con rút ra bài học từ thất bại theo chiều hướng tích cực: Khi con bị điểm kém trong kì thi đừng chỉ trích “Mẹ nói rồi mà không nghe”. Hãy nói tên cảm xúc con đang trải qua như “Mẹ biết con đang buồn”. Đưa ra điểm cố gắng của con “Con đã hơn 2 điểm so với bài trước rồi đấy”. Sau đó hãy hỏi để con tự rút ra bài học “Vậy bước tiếp theo (lần sau) theo con mình nên là gì để sửa sai”. “Lần này mình làm không được, lần sau mình nên làm như nào để không thất bại con nhỉ”.


4. Xây dựng nền tảng kiên trì từ những việc nhỏ hàng ngày

Nuôi dưỡng động lực cố gắng với niềm vui “con đã làm được rồi này”: Trải nghiệm qua niềm vui “con làm được rồi này” chính là những viên gạch đầu tiên để xây dựng động lực cố gắng cũng như tính kiên trì cho trẻ. Bởi vì chỉ khi trẻ được trải nghiệm qua niềm vui đạt được kết quả nhờ sự cố gắng, trẻ mới hiểu mình cần phải kiên trì để làm nó đến cùng. Giai đoạn từ tầm 2 đến 3 tuổi chính là giai đoạn quạn trọng nhất để xây dựng nền tảng này cho con. Vì thế ở tầm tuổi này khi con có làm sai cũng đừng trách mắng, con lúng túng vụng về cũng hãy để con được tự mình làm. Cũng đừng nói với con câu “nhanh lên đi”.

Tạo cơ hội cùng cùng con vượt qua khó khăn: Cùng con chơi một môn thể thao nào đó, đạp xe hay đi bộ, ghép một bộ ghép hình, làm một dự án nhỏ...tất cả đều là trải nghiệm tuyệt vời để giúp con nuôi dưỡng tính kiên trì.

5. Xây dựng mục tiêu dài hạn

Mình nhớ trong cuốn sách “Cách cha mẹ Nhật truyền cảm hứng cho con”, công ty sách 1980s phát hành, tác giả Nishimura đã đưa ra một gợi ý rất hay về việc xây dựng mục tiêu dài hạn cho trẻ bằng cách hãy viết mục tiêu đó lên một tờ giấy để mỗi ngày bản thân mình đều nhớ đến nó. Chị Hồ Điệp, mẹ em Đỗ Nhật Nam cũng từng chia sẻ bí quyết để con đạt được những thành tích ấn tượng với môn tiếng Anh đó chính là chia nhỏ những mục tiêu và cố gắng thực hiện từng mục tiêu đó. Ví dụ cho Nam đăng kí tham gia các kỳ thi để Nam có động lực và mục tiêu cố gắng phấn đấu, có kế hoạch ôn luyện rõ ràng.


7. Mỗi ngày đều đặn 30 phút còn hơn là hôm nay 1 tiếng, hôm sau nghỉ

Bí quyết quan trọng thứ ba của năng lực theo đuổi đến cùng mục tiêu chính là sự chuyên cần. Nếu hôm nay bạn rất cố gắng học chăm chỉ 1 tiếng mà hôm sau lại bỏ đi chơi, thì rõ ràng sẽ không hiệu quả bằng việc mỗi ngày một chút một. Vì thế việc duy trì thói quen học tập cho trẻ, mỗi ngày 30 phút sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với bữa đực, bữa cái. Hồi mình ôn thi đại học năm lớp 12, đều đặn ngày nào mình cũng đi ngủ từ 10h tối và dậy từ 3h sáng để học bài rồi mới đến trường. Kết quả là mình tiếp thu bài hiệu quả hơn, và quan trọng hơn thế nữa chính là sự chuyên cần khiến mình trở nên bền bỉ hơn, không lùi bước trước những khó khăn gặp phải sau này khi sang Nhật du học.

Cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới Christian Ronaldo, người được cả thế giới bóng đá ngưỡng mộ không chỉ bởi tài năng mà bởi tính chuyên cần và tinh thần luyện tập chuyên nghiệp hơn tất cả mọi cầu thủ. Khi các đồng đội đã rời sân tập, anh vẫn luôn là người ở lại cuối cùng để luyện tập thêm. Không bỏ tập luyện bất cứ ngày nào cho dù là kỳ nghỉ. Hay như vận động viên cầu lông nổi tiếng nhất Việt Nam là Tiến Minh cũng từng chia sẻ rằng ngay cả những ngày tết anh cũng không nghỉ mà vẫn luyện tập, bởi với một vận động viên việc duy trì thói quen và chăm chỉ luyện tập là yếu tố quan trọng nhất của thành công.

8. Cho con rèn luyện qua gian khổ

Bạn hãy nghĩ đến hình ảnh những vận động viên thể thao nổi tiếng, để có thể hình dung được sự bền bỉ và nỗ lực cố gắng của họ đã được tôi rèn dưới thời tiết cực độ như nào. Những vận động viên leo núi phải trải qua sự nguy hiểm với cái nóng cái lạnh, những vận động viên bóng đá vẫn miệt mài trên sân dù trời lạnh căm căm hay dù trời mưa phùn gió bấc, hay trời nắng chang chang.

Bí quyết để giúp con có tinh thần vượt khó cũng như rèn luyện sự bền bỉ ở những năm tháng đầu đời chính là cho con học một môn thể thao nào đó. Có thể là bơi lội, chạy hoặc bóng đá.

Những môn nhẹ nhàng hơn như violin, piano, bale, võ cũng rất tốt vì nó vẫn đòi hỏi người chơi phải nỗ lực luyện tập mỗi ngày và thử thách qua gian khổ.

9. Nếu con muốn bỏ cuộc giữa chừng hãy duy trì hết 2 năm hãy bỏ

Rất nhiều ba mẹ gặp phải trường hợp con đòi học môn này môn kia những chỉ được một thời gian con thấy chan và bỏ cuộc. Đó là cái con đã tự mình lựa chọn học nên trước khi đồng ý cho học ba mẹ nên có một giao kèo đó là nếu con muốn bỏ dở giữa chừng đi nữa thì cũng hãy duy trì nó hết 2 năm. Sau 2 năm nếu con vẫn muốn bỏ thì ba mẹ sẽ đồng ý cho con bỏ. Đôi khi không phải cứ cho trẻ làm cái mình thích đã là tốt, mà chính quá trình duy trì 2 năm ấy sẽ rèn luyện cho trẻ sự kiên trì và bền bỉ, sự nỗ lực phải theo đuổi mục tiêu.

Tác giả bài viết : Nguyễn Thị Thu
3738_nguyen_thi_thu.jpg
 
Chúng ta có đang biến con cái mình thành những đứa trẻ ỷ lại và ích kỉ?
Chúng ta luôn mong muốn con cái sống tự lập và biết quan tâm đến mọi người xung quanh. Thế nhưng nhìn vào cuộc sống hiện đại ở Việt Nam mình nhận thấy có rất nhiều rào cản để có thể giúp đứa trẻ rèn luyện phẩm chất ấy. Càng ngày trẻ con càng được quan tâm nhiều hơn, để rồi một thế hệ lớn lên mặc nhiên coi rằng mọi người cũng phải quan tâm tới mình như một điều hiển nhiên. Mình chỉ xin đưa ra một vài quan sát của mình khi về hẳn Việt Nam sinh sống.


1. Người giúp việc đã tước đoạt của trẻ những gì?


Chúng ta hay hỏi nhau vì sao những đứa trẻ ở Nhật chúng tự lập hơn, sống có trách nhiệm hơn, là bởi vì 99.9% gia đình Nhật không có giúp việc, và tới 90% gia đình không sống chung cùng với ông bà. Vì thế ba mẹ là người có trách nhiệm dạy cho trẻ những công việc nhà, trẻ tham gia vào việc giúp đỡ gia đình với trách nhiệm của một thành viên trong gia đình. Khi trẻ đến tuổi đi học, chúng được dạy cách phải tự mình chuẩn bị đồ dùng đi học, phải tự mình dọn dẹp phòng, và làm các công việc nhà.



Còn ở Việt Nam bác giúp việc đã và đang làm thay cho trẻ những việc mà lẽ ra chúng phải tự mình học cách làm. Lẽ ra cần được ngồi tự xúc ăn để học quy tắc rằng bữa ăn là phải ngồi thì ông bà hay bác giúp việc cầm theo bát cơm, hộp sữa chạy theo trẻ đi rong. Thay vì tự mình vác ba lô đi học thì vác ba lô giùm trẻ. Chuyện những đứa trẻ 5-6 tuổi, thậm chí đã đi học lớp 1 vẫn được người lớn đút cho ăn, cầm ba lô cho không phải là chuyện hiếm ở Việt Nam.


Ở Việt Nam chưa có một số liệu thống kê chính xác có bao nhiêu % những đứa trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 18 tuổi biết tự biết dọn dẹp phòng của mình, tự gấp quần áo của mình, tự giác giúp cha mẹ việc nhà như nấu cơm, rửa bát, con dọn nhà lại càng ít. Tụi trẻ con lớn lên chỉ cần ung dung hưởng thụ không cần động chân, động tay vào bất cứ việc gì. Bởi vì mọi việc đã có bác giúp việc làm hết rồi.


Có bác giúp việc trong nhà, người đàn ông vốn chẳng mấy khi động đến công việc nội trợ, thì nay sẽ là hoàn toàn không ngó ngàng gì đến chuyện cơm nước, không hỗ trợ hay san sẻ cùng vợ trong chuyện chăm sóc con cái. Đây là thực tế mà mình đã từng nghe rất nhiều chị em tâm sự. Trẻ con không thấy ba mẹ làm thì chúng cũng chẳng có tấm gương nào để học theo.


2. Chúng ta có đang biến con cái mình thành những đứa trẻ ích kỉ?


Cô bé 7 tuổi nũng nịu trong bữa ăn: Con không ăn canh rau cải đâu. Bố gọi bác giúp việc. Bác Lan ơi, bác nấu cho cháu nó bát canh cà chua đi. Thế là bác giúp việc lục đục xong nồi nấu riêng bát canh cà chua cho riêng con bé con.


Khi có giúp việc, không ít cô bé cậu bé trở thành những “ông vua con” trong nhà, được bác giúp việc cung phụng theo mọi nhu cầu của mình. Không ít những đứa trẻ ấy lớn lên, chung sẵn sàng hỗn láo với bác giúp việc vì trong suy nghĩ non nớt kia chúng nghĩ rằng mình có quyền được ra lệnh như thế với người “làm thuê”. Đó là một tư tưởng rất đáng sợ vì nó nuôi dưỡng nên những tâm hồn sống ích kỉ và thiếu sự tôn trọng, chia sẻ với mọi người xung quanh.


Trong quá trình tiếp xúc với trẻ em ở trường mầm non, có rất nhiều trẻ sống cùng bác giúp việc, mình nhận ra xu hướng ấy. Đó là cái nhìn thiếu tôn trọng với người giúp việc, mà nguyên nhên đến từ chính cách ứng xử vô tình của ba mẹ. Đó là sự ích kỉ chỉ quen coi mình là trung tâm, quen được mọi người xung quanh quan tâm, mà thiếu đi sự quan tâm đến những người khác trong gia đình, sau đó là đến mọi người xung quanh. Vì thế trong nội dung phát triển EQ cho trẻ, mình rất chú trọng đến yếu tố là học cách quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh, như cách người Nhật vẫn dạy con trẻ như ở chương phát triển EQ.


3. Đừng nuôi dưỡng nên những đứa trẻ ăn bám, sống ỷ lại


Có một thực tế đau lòng không chỉ ở thành phố mà cả nông thôn cũng đang xuất hiện ngày một nhiều hơn là những đứa con tuổi đi làm rồi vẫn ăn bám bố mẹ. Hầu hết đều là con trai. Tâm lí coi trọng con trai hơn đã biến ba mẹ trở thành những người nuông chiều, bao bọc con, từ nhỏ đã không bắt con làm gì, đến bữa đã có người cơm bưng nước rót. Học xong ra trường vốn không quen chịu khổ nên làm ở đâu mà khó khăn, lương thấp một chút thì bỏ việc, về nhà để ba mẹ nuôi. Những ba mẹ ngấp nghé tuổi về hưu phải đèo bòng thêm một miệng ăn to xác. Nguyên nhân sâu xa cũng đều đến từ việc ba mẹ đã không coi trọng rèn thói quen và suy nghĩ tự lập cho con ngay từ giai đoạn ấu thơ.


Và còn nhiều những nguyên nhân khác khiến trẻ em ngày nay được bao bọc, được sự quan tâm quá mức của mọi người xung quanh mà quên đi mất chúng cũng rất cần được học cách quan tâm đến những thành viên khác trong gia đình.


d11c29_306c09689321466898b562ca0443aff1~mv2.webp

Trẻ con luôn hào hứng được thử thách những trò chơi mới, trong đó là làm việc nhà là trò chơi rất thú vị với con.


Muốn trẻ đừng sống ích kỷ và biết quan tâm đến mọi người thì việc làm đầu tiên là


1. Để trẻ tham gia làm việc nhà


Không chỉ có vậy, bản thân đại đa số cha mẹ và người lớn ở Việt Nam vẫn chưa đánh giá đúng về tầm quan trọng của việc để trẻ tham gia làm việc nhà, rèn thói quen tự lập trong những năm tháng đầu đời. Chúng ta sẵn sàng bỏ tiền cho con theo học những khóa học về kỹ năng sống, mà vô tình quên mất rằng chính những việc làm nhỏ bé hàng ngày trong gia đình, chính ba mẹ mới là tấm gương lớn nhất để nuôi dưỡng cho trẻ tính tự giác, tự chủ, và sống có trách nhiệm. Đó mới chính là kỹ năng sống tốt nhất cần trang bị cho con khi con ra đời.


Mình chỉ muốn kể một thực tế như này, trong những học sinh cùng đi du học tự túc theo chương trình du học Đông Du với mình, thì những ai ở nhà vốn quen chịu khổ, quen làm việc nhà giúp đỡ bố mẹ từ nhỏ thì sẽ học cách thích ứng khi sang Nhật rất nhanh, nhanh hơn rất nhiều những bạn ở nhà quen được chiều chuộng. Vì quen làm việc nhà rồi nên khi sang Nhật, tụi mình dễ dàng làm những công việc làm thêm ở quán ăn, học hỏi rất nhanh. Vì quen tự lập rồi nên khi sống một mình tụi mình có thể cân bằng chi tiêu, quản lí tài chính rất tốt để tiết kiệm nộp tiền học mà không cần xin hỗ trợ gì từ ba mẹ ở nhà.


Chị bạn người Nhật khi chứng kiến mình làm việc nhà, vừa rửa bát vừa lau dọn cất đi đã phải thốt lên khiến mình cũng ngạc nhiên “Sao em có thể làm nhanh đến thế. Dường như mọi đông tác mọi sự sắp xếp đều có chủ ý thì phải, để không có động tác nào thừa cả”. Mình chợt nhận ra rằng, chính trong quá trình đi làm thêm, mình đã học hỏi từ những người Nhật làm cùng và tự rút ra được cho bản thân cách làm sao cho hiệu suất công việc cao nhất. Vừa làm cái này nhưng đã phải nghĩ đến việc tiếp theo cần làm gì, chứ không thể ngồi chờ luộc rau xong rồi mới rang thịt. Chỉ có làm nhiều, chúng ta mới rút ra được minh nghiệm để ít phạm sai lầm hơn, để trở nên thành thục hơn. Những bài học từ việc phụ giúp ba mẹ việc nhà, cho đến khi sang Nhật là dọn dẹp ở bếp, phụ bếp trong quán ăn là những bài học đầu tiên giúp ích cho mình rất nhiều trong việc sắp xếp cuộc sống, học tập và làm việc sau này.

 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top