5 khám phá nổi bật về nuôi dạy con cái trong năm 2012

rubi_mos2002

New member
Xu
0
Tìm kiếm trên Amazon về ‘parenting’ (nuôi dạy con) bạn sẽ thấy 120,000 cuốn sách. Các phụ huynh, gồm cả tôi, tất nhiên có rất nhiều câu hỏi. Những nghiên cứu mới hàng năm vẫn đang cung cấp các câu trả lời – nhưng dường như hiện nay có quá nhiều công trình nghiên cứu, có thể gây choáng ngộp. Dưới đây là tổng kết của tôi về những nghiên cứu được coi là phát hiện nổi bật về ‘nuôi dạy con cái’ trong năm 2012, đây không phải là những nghiên cứu chuyên sâu về bộ não, mà đơn giản chỉ là dưỡng chất cho tâm trí.

1. Trẻ không được tự do thì khả năng sáng tạo cũng suy giảm

Chúng ta sống trong một thế giới bị ám ảnh bởi các dữ kiện. Ứng dụng xu thế này vào trong giáo dục sẽ thu được những kết quả không mong muốn, tạo ra nỗi ám ảnh với việc tuân thủ các qui định, phải tìm ra câu trả lời đúng, và làm giảm khả năng suy nghĩ độc lập của trẻ. Các nhà nghiên cứu đang tự hỏi liệu xu thế này có phải là một phần nguyên nhân gây ra sự suy giảm đều đặn tính sáng tạo của học sinh Mĩ trong vài thập niên vừa qua không.

Theo giáo sư Kyung Hee Kim thuộc Học viện William và Mary (College of William and Mary), mọi khía cạnh sáng tạo của trẻ đều bị suy giảm, trong đó trầm trọng nhất là khía cạnh mang tên Thí nghiệm Sáng tạo (Creative Elaboration) – đánh giá năng lực mở rộng các ý tưởng theo lối tiểu thuyết. Thật đáng báo động.

Giáo sư Kim đã phân tích các kết quả trắc nghiệm từ lứa tuổi mẫu giáo tới lớp mười hai trong vài thập niên bằng chương trình mang tên Trắc nghiệm Torrance về suy nghĩ sáng tạo (Torrance Tests of Creative Thinking). Các kết quả trắc nghiệm bắt đầu suy giảm vào khoảng từ năm 1984 tới 1990 và cứ tiếp tục suy giảm từ đó trở đi, bất kể cấp lớp học.

Sự suy giảm tính sáng tạo rất đáng được lưu tâm trong thế giới thương mại, nơi tính sáng tạo là loại tài sản rất quan trọng, là một trong những nguồn lực to lớn mở đường cho các sáng kiến và giải pháp để giải quyết vấn đề. Có nhiều mối liên hệ vững chắc giữa kết quả sáng tạo với sự thành công trong cuộc sống, mà chương trình Torrance Tests of Creative Thinking là một trong những công trình dự báo thành quả tương lai tốt hơn các báo cáo về IQ hay nhiều mô hình tương tự khác.

Liệu chúng ta có bỏ sót trẻ nào không, hay chúng ta không để cho bất kì đứa trẻ nào được tự do sáng tạo?

2. Trẻ được nuông chiều quá mức có nguy cơ trở thành những người thiếu năng lực khi lớn lên

Các nghiên cứu đã chỉ ra một điều rất quan trọng là cha mẹ hãy chuyện trò, cổ vũ và âu yếm trẻ thật nhiều nếu quan tâm tới sự phát triển đạo đức và sự đồng cảm của trẻ. Chỉ cần cẩn thận đừng biến sự âu yếm thành nuông chiều mà thôi.

Việc trẻ luôn được khen ngợi và thấy mình “đặc biệt” sinh ra hai hệ luỵ: làm giảm khao khát khiến chúng phải nỗ lực và làm giảm năng lực kiểm soát vì chúng không biết tự thử sức mình. Kiểm soát bản thân là yếu tố trung tâm quyết định sự thành bại của một người. Nhà nghiên cứu Carol Dweck đã chỉ ra rằng tâm trí “thay đổi” đối đầu với tâm trí “được điều chỉnh” là trọng tâm của việc học hỏi. Cố truyền cho trẻ tính tự phụ mà không để chúng tự thử sức cũng giống như việc để cho tâm trí của những người lớn tương lai đó được vạch sẵn kế hoạch, thiếu khả năng phát triển tự thân và quan trọng nhất là thiếu ý chí thay đổi hoàn cảnh bế tắc mình đang mắc phải.

Trẻ được nuông chiều lớn lên sẽ trở thành những người trông chờ rất nhiều vào cuộc sống nhưng lại không sẵn sàng đánh đổi để có được điều mình muốn.

3. Cha mẹ quá khắt khe dễ khiến trẻ trở nên hư hỏng

Có ba cách nuôi dạy con phổ biến: khắt khe, khéo léo, hoặc dễ dãi – mỗi cách có những đặc trưng riêng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy một trong số đó có nguy cơ khiến trẻ trở nên hư hỏng.

Cha mẹ nuôi dạy con một cách khéo léo, vừa nghiêm khắc dạy bảo, nhưng cũng nồng ấm và lắng nghe. Họ muốn con cái độc lập, đồng thời vẫn duy trì sự kính trọng đối với cha mẹ mình.

Cha mẹ dễ dãi (đôi khi còn gọi là cha mẹ hay nuông chiều con cái) là những người nồng ấm và nắm bắt được nhu cầu của con, và không nghiêm khắc với con cái.

Cha mẹ khắt khe có cách nuôi dạy con rất hà khắc – hay nói cách khác “đó là cách dạy dỗ của tôi, nó không nghe thì đi khỏi nhà”. Những phụ huynh dạng này quan tâm nhiều tới chuyện con cái phải biết vâng lời và tuân theo kỉ luật – điều bên ngoài nghe có vẻ ổn, nhưng theo một nghiên cứu mới đây của Rick Trinkner, nghiên cứu sinh thuộc Đại học New Hamsphire (University of New Hamsphire), thì cách giáo dục này có xu hướng sinh ra những đứa trẻ thiếu sự tôn trọng và dễ hư hỏng, những đứa trẻ không coi mình có quyền lợi hợp pháp.

Vậy chúng ta không nên quá nuông chiều trẻ, cũng không nên quá khắt khe. Nuôi dạy con cái quả là rất khó.

4. Cha mẹ dễ hiểu sai các tín hiệu cảm xúc của trẻ

Một đội ngũ dẫn đầu bởi Kristin Lagattuta vừa tìm ra một bằng chứng cho thấy các bậc cha mẹ không những đánh giá thấp mức độ lo âu của con cái mà thậm chí còn đánh giá quá cao mức lạc quan của mình.

Nghiên cứu được bắt đầu thực hiện bằng việc hỏi 228 trẻ thần kinh bình thường trong độ tuổi từ 4 tới 11 về các mức độ lo âu của chúng. Trẻ được hỏi về nỗi lo âu chung chung, về sự hoảng loạn, chứng sợ xã hội và nỗi lo âu chia cách. Nghiên cứu phát hiện thấy các câu trả lời của trẻ không tương xứng với các câu trả lời của cha mẹ chúng (thường là người mẹ) về trải nghiệm lo âu của con họ. Các kết quả cho thấy cha mẹ có khuynh hướng đánh giá thấp mức độ lo âu mà trẻ thực sự trải nghiệm.

Trong một nghiên cứu tiếp theo về mức độ lạc quan của trẻ, 90 trẻ tuổi từ 5 tới 10 trả lời về câu hỏi về sự lạc quan, trong khi cha mẹ chúng cũng trả lời các câu hỏi dành cho họ về sự lạc quan của con họ. Các kết quả lại một lần nữa không tương xứng, lần này cha mẹ đã đánh giá cao trải nghiệm lạc quan của trẻ. (Một chi tiết được hé lộ trong nghiên cứu này là các mức độ lạc quan của cha mẹ có liên quan tới cách họ đánh giá mức độ lạc quan của con mình.)

5. Cha mẹ hay nói đùa và giả vờ như trẻ con sẽ giúp ích cho sự phát triển những kĩ năng của trẻ

Điều ngạc nhiên nổi bật sau cùng trong nghiên cứu về nuôi dạy con đến từ thạc sĩ Elena Hoicka, người tin rằng cha mẹ hay nói đùa và giả vờ như trẻ con sẽ giúp ích cho sự phát triển những kĩ năng của trẻ. (Cuối cùng, đây là điều dễ nhất mà chúng ta có thể thực hiện.)

“Cha mẹ, người chăm sóc và người dạy dỗ trong những năm đầu đời không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của việc tương tác với trẻ thông qua các câu nói đùa và giả vờ như trẻ con,” Hoicka nói.

Một nghiên cứu khảo sát các bậc cha mẹ hay sử dụng các tín hiệu khác nhau (như giọng điệu hoặc độ trầm bổng của lời nói) giúp trẻ phân biệt được giữa lời nói đùa và giả vờ như trẻ con. Các phát hiện không nhiều nhưng gây ngạc nhiên; nó tiết lộ rằng cha mẹ thường sử dụng các kiểu ngôn ngữ khác nhau và các cử chỉ không lời khi tương tác với con cái nhưng họ lại ít khi để ý.

Khi giả vờ như trẻ con, cha mẹ thường nói chậm lại, giọng lớn hơn và bắt chước các hành động của chúng. Khi nói đùa, cha mẹ thường nói bằng giọng cao và cường điệu hơn. Bài thực hành này không những dạy trẻ cách phân biệt giữa thực tế và giả vờ mà còn giúp cả cha mẹ và trẻ tăng mức độ tự tin bằng cách tăng thời gian tiếp xúc với trẻ.

Đó là những gì tôi muốn chia sẻ. Còn rất nhiều hiểu biết sâu sắc về việc làm sao để chúng ta có thể trở thành những bậc phụ huynh tốt hơn, tất cả đều xoay quanh sự phát triển bộ não của trẻ. Chúng cần tự do để suy nghĩ, chứ không phải chỉ cần nghe rằng mình “đặc biệt”. Chúng cần được tự do phát triển đồng thời cũng cần được nuôi dạy. Chúng trải nghiệm các cảm xúc mạnh mẽ hơn cha mẹ nghĩ, và trên hết chúng thích được vui đùa. Có vẻ như làm một đứa trẻ đã là khó, nhưng làm cha mẹ lại còn khó hơn trong hành trình trưởng thành.

Nguồn: PsychologyToday
Theo chiecnon.wordpress

 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top