400 năm huyền thoại võ Long Xà

Asaki_No1

Trưởng phòng thể thao
Xu
0
Tung Sơn - Thiếu Lâm là một hệ phái võ lâm lừng danh của Trung Hoa. Bởi vậy mới có câu “Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm” (mọi công phu võ thuật trong thiên hạ đều xuất phát từ Thiếu Lâm). Và khi nói đến Thiếu Lâm công phu không thể bỏ qua Ngũ hình quyền (Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc), do tăng nhân Bạch Ngọc Phong, sáng chế ra để làm cơ sở nền tảng cho Thiếu Lâm ngày nay… Tuy nhiên, đó là cách nói của người Trung Hoa.

Ở nước ta cũng có một võ tướng sáng chế ra bộ quyền pháp bí truyền đặt tên võ Long Xà.

Quyền pháp này không liên quan gì đến Thiếu Lâm công phu song đã làm nên những trận đấu đài kinh thiên động địa, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước võ phái Long Xà đã cống hiến cho cách mạng biết bao người con ưu tú…

vosu9.jpg

Võ sư Hồ Công Vinh múa roi biểu diễn trước sân nhà thờ tộc Hồ Công



Sáng lập võ phái giúp đời, giúp nước

Làng Châu Bí nằm dưới chân núi Bồ Bồ, ngày nay thuộc xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi, tướng quân Hồ Công Sùng làm quan triều Mạc, nổi tiếng là người đảm lược, tài ba nên được làm đến chức “Đô chỉ huy sứ Thiêm sự vệ phủ Nam”. Đầu thế kỷ XVII, tướng quân Hồ Công Sùng từ quan dẫn ba người con trai vào miền đất Châu Bí khai hoang, mở đất. Và, việc đánh rắn, đuổi cọp trên núi Cấm đã được ông đúc kết kinh nghiệm, sáng chế ra những thế võ độc đáo, đặt tên là võ Long Xà.

Nó hoàn toàn khác với “Ngũ hình quyền” của Thiếu Lâm công phu do tăng nhân Bạch Ngọc Phong đời nhà Minh sử dụng “Thất Thập Nhị quyền pháp” của sư Giác Viễn kết hợp với bài tập khí công của Y sư Hoa Đà thời Tam Quốc và “Bát đoạn cẩm” mà triển khai thành. Quyền pháp võ Long Xà được mô phỏng từ những thế trườn, quật bắt mồi của loài rắn dữ, song cương nhu kết hợp làm cho thân pháp của người luyện võ dẻo dai, uyển chuyển như rồng cuộn trong mây; đòn, thế đánh ra người ngoài cuộc nhìn ngỡ nhẹ như bông mà thực chất đối phương đón đỡ nặng tựa ngàn cân…

Tôi có cái may mắn là đã từng được nói chuyện với võ sư Hồ Điệp, Chưởng môn đời thứ 8 võ phái Long Xà, khi ông còn sống. Võ sư Hồ Điệp đã kể cho tôi nghe về sư phụ của mình là võ sư Hồ Hương, một thời tiếng tăm lừng lẫy…

Tuổi thanh niên, Hồ Hương có sức khỏe hơn người lại rất đam mê võ thuật nên ngoài việc rèn luyện tinh thông quyền pháp võ Long Xà, ông còn rước một võ sư người Pháp tên là Big Bag về để học thêm võ thuật của người nước ngoài. Với ý chí tự tôn dân tộc, quyết không để người Pháp coi thường dân ta là “Annamite”, Hồ Hương mời Big Bag về nhà hầu hạ cơm nước gần một năm trời để học thêm những miếng võ lạ. Cho đến một hôm, Big Bag nói rằng đã dạy hết những gì mình đã học được cho Hồ Hương, chỉ còn để lại một tuyệt chiêu “làm vốn”. Rồi Big Bag ra điều kiện, nếu Hồ Hương đánh trúng mình 5 roi, sẽ dạy nốt tuyệt chiêu này.

Với khao khát học cho bằng được tuyệt chiêu của Big Bag, Hồ Hương đã ngày đêm suy nghĩ sáng chế ra 5 đường roi có thể gọi là tuyệt kỹ công phu. Khi giao đấu với Big Bag, ông đã triển khai 5 đường roi như giông bão làm cho vị võ sư của “mẫu quốc” tối tăm mày mặt và lãnh trọn 5 đòn vào những yếu huyệt trên người.

Ông Hồ Điệp là cháu gọi Hồ Hương là bác ruột. Võ sư Hồ Hương không có con trai nối dõi nên đem ông Điệp về nuôi và truyền dạy tất cả những ngón võ bí truyền của phái Long Xà. Nhắc đến võ sư Hồ Điệp, ngày nay, người làng Châu Bí và các môn sinh võ phái Long Xà vẫn còn nhớ vị võ sư tài ba và đức độ này. Ai cũng kể, võ sư Hồ Điệp tuổi ngoài 90 mà mỗi ngày vẫn múa roi, đi quyền ít nhất cũng vài giờ đồng hồ. Năm tròn 100 tuổi, ông bị ốm, bỏ roi nằm liệt giường được 28 ngày thì mất.



Chuyện để đời của những võ sĩ thành danh

Võ sư Hồ Công Vinh, con trai của võ sư Hồ Điệp, giờ đây đã 54 tuổi, tóc điểm hoa cau. Ấy vậy, đường roi, thế quyền của vị Chưởng môn võ phái Long Xà đời thứ 9, đánh ra vun vút tựa chớp giật. Tôi ngồi ở sân nhà thờ họ Hồ Công - Châu Bí để xem võ sư Hồ Công Vinh biểu diễn mà cứ ngỡ ông đang còn ở tuổi thanh niên. Khi kể chuyện cho tôi nghe về những võ sĩ tài ba của võ phái Long Xà, giọng võ sư Hồ Công Vinh sang sảng như chuông…

Trong rất nhiều võ sinh Long Xà thành danh, phải kể đến hai anh em Hồ Cưu và Hồ Cập. Tên tuổi của những võ sĩ này cũng đã được khắc ghi vào cuốn “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Điện Tiến giai đoạn 1930-1975”. Hồ Cưu và Hồ Cập gọi võ sư Hồ Điệp là chú ruột vì thế cả hai được truyền dạy tất cả những tuyệt kỹ công phu võ Long Xà. Tuy nhiên, Hồ Cưu chuyên tâm nghiên cứu thế võ “bắt ngựa” và nhờ nó mà ông đã nổi danh.

Chuyện rằng, khi còn thanh niên, một đêm đi chơi ngang qua đình Thái Cẩm, ông lọt giữa vòng vây của 74 võ sư, võ sĩ khét tiếng làng bên, với mục đích hạ sát ông cho bằng được. Thế nhưng, ông như một Triệu Tử Long một mình tả xung, hữu đột, túm lấy đối phương từng người một quẳng ra xa, không hề hại chết một ai cho đến khi võ sư Hồ Điệp dẫn học trò tới giải vây. Ngày hôm sau, trận đấu đó đồn đại lọt tới tai quan phủ Điện Bàn nên đôi bên bị gọi lên hỏi tội gây rối trật tự trị an.

Tại huyện đường, Hồ Cưu đưa ra chiếc áo dài ông mặc đã bị đối phương đâm, chém làm rách 21 chỗ, song cơ thể ông vẫn không có một dấu tích gì. Vì thế, quan phủ cảm phục mà cho ông trở về nhà không truy cứu nữa.

Tại huyện đường, Hồ Cưu đưa ra chiếc áo dài ông mặc đã bị đối phương đâm, chém làm rách 21 chỗ, song cơ thể ông vẫn không có một dấu tích gì. Vì thế, quan phủ cảm phục mà cho ông trở về nhà không truy cứu nữa.

Không thua kém anh, võ sĩ Hồ Cập cũng từng nổi danh là võ sĩ vô địch miền Nam trước ngày đất nước giải phóng. Hồ Cập đã mày mò nghiên cứu thành công một cú đá hiểm hóc đặt tên là “Nghịch cước xuyên tâm”. Với đòn đánh này ông đã nhiều lần thượng đài, hạ đo ván những võ sĩ tiếng tăm lừng lẫy ở khu vực Nam Trung Bộ và Sài Gòn như: Bửu Tuyền, Huỳnh Tiến, Huỳnh Cảnh…

Đến bây giờ, hễ nhắc tới Hồ Cập là người xứ Quảng nhớ ngay đến trận đấu đài của ông với Tôn Ngọc Lộc, một “võ lâm đệ nhất” của võ đoàn “Long Hổ Hội” vào đầu thập niên 60 thế kỷ XX. Lúc đó, Hồ Cập đã 40 tuổi, cán bộ Đảng bộ khu vực Châu Bí, hoạt động bán công khai. Tôn Ngọc Lộc thượng đài và đánh bại nhiều đối thủ bằng những chiêu thức hiểm ác nên y rất kiêu căng, tự phụ.

Sau khi dựng đài thi đấu ở Trung Phước, Quế Sơn, Tôn Ngọc Lộc liên tục hạ gục nhiều võ sĩ nên y càng được thể, lớn tiếng huênh hoang rằng, xứ Quảng chẳng có nhân tài võ thuật. Nghe thiên hạ đồn rầm, Hồ Cập xin sư phụ Hồ Điệp đi thi đấu với Tôn Ngọc Lộc. Vào trận, thấy Hồ Cập nhỏ con hơn, họ Tôn lao vào tấn công tới tấp. Võ sĩ Hồ Cập bình thản đón đỡ cho tới hiệp đấu thứ ba bất ngờ ông tung cú “Nghịch cước xuyên tâm”, người xem chỉ nghe Tôn Ngọc Lộc “hự” một tiếng rồi đổ vật xuống sàn.

Bấy giờ, Hồ Cập bước tới đỡ y dậy mà dạy rằng: “Anh là người có tài, nhưng phải chuyên tâm rèn luyện đạo đức hơn nữa trong nghiệp võ thuật...”, rồi ra hiệu cho đám đệ tử của y đưa đi cấp cứu. Sau khi được cách mạng rút vào hoạt động bí mật, võ sĩ Hồ Cập vừa làm bảo vệ, liên lạc cho các đồng chí Hồ Nghinh, Năm Dừa ở Khu ủy Khu V và Ban An ninh Quảng Đà. Ông hy sinh trong một trận đánh tại Hòa Phước, Hòa Vang trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968…



Nỗi niềm người soạn sách võ Long Xà

Võ sư Hồ Công Vinh cho biết, từ khi võ phái Long Xà ra đời đã có quy ước, không truyền cho người ngoại tộc. Ngay cả con gái tộc Hồ Công cũng không được truyền dạy hết những thế võ bí truyền. Thế nhưng, đến đời võ sư Hồ Điệp thì ông đã “bước qua” quy ước dạy võ cho thanh niên trai tráng trong làng, ngoài tỉnh để họ tham gia kháng chiến cứu nước…

Khi còn trong bộ đội, ông Vinh đã nhiều lần tham gia thi đấu các giải võ thuật cổ truyền. Đến năm 1981, xuất ngũ về lại quê nhà, được sự khuyến khích của võ sư Hồ Điệp, ông đã chuyên tâm nghiên cứu võ Long Xà, rồi được sự cho phép của chính quyền địa phương ông mở lò dạy võ. Theo tinh thần của cha, không được để võ Long Xà mai một, ông đã dốc tâm truyền thụ tất cả quyền pháp bí truyền cho những học trò có đức độ, có chí hướng giúp đời, giúp nước. Cho đến nay, con số học trò của võ sư Hồ Công Vinh đã lên đến hàng nghìn người.

Điều đáng nói, các võ sinh đã không phụ lòng tin tưởng của ông, giành thành tích xuất sắc trong các giải thi đấu võ thuật cổ truyền quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Các em cũng là những công dân tham gia rất nhiệt tình trong lực lượng Công an, dân phòng bảo vệ ANTT địa phương… Và không chỉ học võ, học trò của võ sư Hồ Công Vinh học văn hóa cũng rất chăm, thường niên có đến hàng chục em thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp…

Võ sư Hồ Công Vinh tâm sự rằng, ông đang tập hợp tất cả những quyền pháp võ Long Xà để viết lại thành cuốn sách “Võ Long Xà” lưu truyền hậu thế. Và ông mơ ước chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ để ông phát huy hơn nữa trong công việc dạy võ tại quê nhà.


(sưu tầm)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top