Y PHỤC CỔ TRUYỀN HUẾ
Y phục cổ truyền Huế Hài hòa trong cách ăn mặc, sử dụng màu sắc là một trong những nét nổi bật của phong cách Huế, con người Huế. Màu sắc thiên nhiên đã ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ và thị hiếu ăn mặc của người Huế.
Góp phần tạo nên phong cách ăn mặc Huế còn phải kể tới điều kiện lịch sử, đó là ý định lâu dài của chúa Nguyễn Đàng Trong muốn tạo ra quốc gia, phong tục riêng, lệnh "trai gái hai xứ đôi dùng áo quần Bắc quốc để tỏ sự biến đổi", tới thời Nguyễn, Minh Mạng lại lệnh cấm mặc "quần không đáy" (váy) thành ra ở Huế cũng như miền Nam có nhiều phong tục ăn mặc riêng, sớm mặc quần, ít dùng áo tứ thân, không quen mặc yếm, vấn tóc, đội khăn vuông đen...
Trong các giai đoạn lịch sử sau này, Huế cùng miền Nam sống dưới sự chia cắt và chế độ Cộng Hoà, Huế với bản lĩnh văn hóa truyền thống của mình đã tẩy chay cách ăn mặc đua đòi của lối sống ngoại lai, do vậy, nơi đây hơn mọi địa phương của miền Nam vẫn giữ lại những cung cách ăn mặc riêng của mình. Người Huế ăn mặc giản dị, nhưng vẫn tươm tất đàng hoàng, khi hữu sự cần tề chỉnh, nhưng vẫn không ra vẻ sang trọng, phô trương, các kiểu mốt thời trang sặc sỡ, lòe loẹt của Tây Âu, Bắc Mỹ, đều khó tìm được chỗ đứng chân nơi Huế. Nói tới phong cách ăn mặc truyền thống Huế, người ta thường nghĩ tới chiếc áo dài Huế. Vẫn là chiếc áo dài Việt Nam có gốc gác từ áo năm thân cổ truyền, nhưng trong dòng cải biến, cách tân chung ấy, Huế đã tạo cho mình một phong cách riêng, bởi màu sắc, cách may, kiểu mặc... áo dài Huế không chấm gót như áo Sài Gòn, cổ áo cao vừa phải, co áo cũng không thắt đáy lưng ong, nhưng lại không bó quá, tà cũng không xẻ quá cao. Đặc biệt, người Huế đã thể hiện nét riêng của mình qua chọn các loại hàng vải với màu sắc khác nhau để may áo dài: màu trắng hay tuyền đen, các màu nhẹ như xanh lơ, hồng nhạt, vàng mơ, tím phớt... vải hoa chỉ điểm vài bông màu đậm hay nhạt hơn màu vải một chút, chứ không dùng các loại vải hoa to, màu sắc vải nền hay hoa quá tương phản, sặc sỡ.
Áo dài Huế được nhiều loại người Huế ưa mặc, trước nhất là học sinh, sinh viên, viên chức, thanh niên, rồi cả đến những lớp người trung niên, các bà già, chị em làm nghề buôn bán nhỏ ở các cửa tiệm, ở ngoài chợ... Các cô gái chọn màu quần tuyền trắng hay màu tím nhạt, các em học sinh, sinh viên chọn màu áo tím Huế thành đồng phục.. với áo trắng, áo tím, với cánh nón trắng mỏng manh là thế, nhưng suốt hàng thế kỷ nay, nó vẫn bền vững, thủy chung với nữ tính và dân tộc tính, bất chấp mọi sự tấn công của lối sống, kiểu mặc lai căng mất gốc.
Nữ sinh Huế thướt tha trong tà áo dài trắng tinh khiết.
Tà áo dài trắng, tím cùng cánh nón bài thơ luôn đi liền với hình bóng người phụ nữ Huế mọi lúc, mọi nơi, trong nhà, ngoài phố. Những làng thủ công làm nón này, người thợ biết mấy công phu châm lên những chiếc nón khéo léo ít nơi nào sánh kịp: vàng tre cái chuốt nhỏ như tăm, mượt trơn như ngà, nhẹ như khung bấc, những tấm lá cọ phơi khô, trắng muốt xếp đều đặt trên mặt khung, những sợi cước trong suốt khâu kín đáo, tỉ mỉ những lá cọ mềm vào thân nón. Cầm nón soi lên mặt trời, giữa những thân lá mỏng tang, xen vào giữa những cánh hoa là câu thơ được người thợ lồng khéo léo vào giữa các lớp lá. Nón bài thơ Huế có chiếc quai lụa nõn đủ màu, khi thì màu tím ấp ủ, khi lại màu vàng mỡ gà, khi lại màu hồng ráng chiều, cũng có khi người ta chọn chiếc quai nón lụa trắng bạch hay giải yếm gấm đen tuyền, tôn thêm làn da, khuôn mặt người đội nón.
Không như những thiếu nữ Bắc Hà, 13-14 tuổi mẹ đã dạy cách chải tóc, vấn khăn, thiếu nữ Huế thường để tóc xõa bờ vai, tóc thề, các em sinh viên đến trường kẹp tóc gọn gàng để chảy nhẹ xuống lưng áo dài màu tím. Khi đã có chồng con, thành niên, các bà chải tóc ngược lên (gọi là chải láng) rồi búi gọn sau gáy, như phụ nữ Nam Bộ. Cũng có đôi người vẫn giữ cổ tục nơi đất bắc xưa, vấn tóc quanh đầu, nhưng không dùng khăn mà để tóc trần như vùng quê Nghệ Tĩnh. Mái tóc Huế không chỉ đẹp kiểu dáng, mà lúc nào cũng như tắm trong hương sắc đất trời, mùi nhẹ nhàng thoang thoảng nơi mái tóc, hoa bưởi, hoa quýt, bồ kết, hoa cam, hoa nhài, hoa lý... Hương ướp từ nước gội đầu, nhưng cũng có khi trên mái tóc kín đáo cài thêm một bông hoa lý:
Tóc em dài em cài hoa lý
Miệng em cười có ý anh thương
Cũng chính vì vậy, phụ nữ Huế ít dùng nước hoa hay chỉ dùng đôi chút thoảng nhẹ, bởi vì thiên nhiên và con người ở đây lúc nào mà chẳng thoảng nhẹ mùi hương.
Ngày tết, ngày hội, những dịp cưới xin, màu sắc y phục Huế như nở bừng trên nền màu đen và trắng thường ngày. Xưa kia, người Huế thường mặc áo năm thân, nhưng không mặc yếm trong, nên cổ cài cúc kín. Ngày hội, mặc áo mớ ba, mớ bảy, không như phụ nữ Bắc Hà để hở màu áo trong thấp thoáng ở tà áo gần cổ, mà mỗi màu áo trong hở ra một chút nhờ khéo léo xếp thầp dần chiếc áo đứng ôm gọn lấy cổ thon cao ba ngấn; nhờ tà áo thấp thoáng theo những bước đi thanh thản.
Tà áo dài trắng, tím cùng cánh nón bài thơ luôn đi liền với hình bóng người phụ nữ Huế mọi lúc, mọi nơi.
Có thể nói phong cách Huế, mảng màu Huế đã được thể hiện trong các đám cưới truyền thống. Trong lễ rước dâu, cô dâu mặc áo điều lục (điều là đỏ, lục là xanh) chít khăn vàng màu vàng trang nhã, sang trọng, các cô phụ dâu đi cạnh mặc áo màu tường vi, nguyệt bạch hay màu thiên thanh. Bà già đi trước bưng quả hộp sơn son, mặc áo xanh rộng, chít khăn màu hoa hồng; các ông già, bà già đi sau, ông thì mặc áo cổ đồng chít khăn đỏ, bà thì chít khăn lục. Đi sau cô dâu là bạn bè nam nữ thanh niên đi dự lễ, người mặc áo đơn, người mặc áo cặp đội với các màu lát gừng và bông bèo, tường vi và nguyệt bạch, màu mỡ gà và màu xanh da trời...
Người Huế giản dị nhưng rất tinh tế trong cả cách trang sức hàng ngày cũng như khi có lễ hội hè, lễ tết. Phụ nữ Huế ít dùng son phấn hay khi cần thiết chỉ dùng thoảng nhẹ, tạo nên vẻ hài hòa tự nhiên, chứ không tô, vẻ đến mức giả tạo. Trang sức đeo trên người có chiếc kiềng vàng nơi cổ, tạo nên sự hài hòa giữa vật đeo với cổ áo dài, một dáng vẻ riêng của cô gái Huế. Nơi cổ tay đeo ngoài tay áo là những vòng xuyến, cũng như kiềng, có thể đánh trơn hay chạm trổ tinh vi, ngón tay đeo nhẫn vàng trơn hay mặt ngọc. Thời xưa các cô gái đi hài mũi cong mũi quai thêu đính hạt cườm lóng lánh...
Trong nước cũng như nước ngoài, nói tới Huế, người ta thường nghĩ tới màu tím, một hiện tượng hiếm thấy khi gắn phong cách của một địa phương với màu sắc và từ đó trong bảng màu dân gian, có màu sắc mang tên một địa phương. Có lẽ không nên hiểu Huế trong ăn mặc chỉ có màu tím, thậm chí không phải chỉ chủ yếu là màu tím, mà bảng màu của nó trong ăn mặc, kiến trúc, pháp lam đa dạng và phong phú hơn nhiều, tạo nên một bản sắc riêng của mảng màu địa phương, mà nhà nghiên cứu hội họa Phan Đăng Trí gọi là ngũ sắc Huế. Chính ngũ sắc Huế đã ảnh hưởng chi phối nhiều tới thẩm mỹ và thị hiếu Huế trong ăn mặc và nó cùng với các kiểu cách ăn mặc, phong độ trong ăn mặc, tạo nên đặc trưng của riêng phụ nữ Huế, trong nữ phục miền Trung và nữ phục cả nước.
Màu tím, phụ nữ Huế quan niệm đó là màu trang nhã, trông không buồn, có vui cũng chỉ vui nơi khóe môi, không nồng nàn như hoa lài, và thoang thoảng như hương lan thanh đạm, tế nhị. Bởi vậy, đàn bà, con gái thường mặc màu này trong những lúc giao tế bình thường, hay trong những ngày kỵ giỗ sau khi đoạn tang. Còn nữ sinh Huế từ những năm 30,40 thế kỷ này, chọn màu tìm làm đồng phục. Màu tím Huế không chỉ nói về màu, mà nói về con người.
Chọn màu sắc hợp với từng lứa tuổi là một nghệ thuật tinh tế của người Huế. Các cụ già, râu tóc bạc phơ thường chọn những màu thiên về sắc đỏ. Sắc này tạo ấn tượng vui, mạnh nên tiệc khao tiệc cưới không thể thiếu màu đỏ ẩn trong quà mừng, trên trang trí nhà cửa, bàn tiệc. Con cháu cũng thường sắm quà mừng cho các bậc cha mẹ, ông bà...màu đỏ với ý nghĩa mong mỏi các cụ khỏe mạnh, sống lâu, vui với tuổi già.
Đàn ông con trai mặc áo xanh sẫm lót màu cổ đồng (như sắc đồng cũ). Họ quan niệm đỏ tuy có cường, mạnh, hợp với nam tính, nhưng quá rực rỡ, thiếu vẻ khiêm tốn của người trẻ. Màu cam, màu vàng trông chói chang, còn màu đọt chuối hoa cà thì lại dịu dàng, hợp với nữ tính. Theo đó, đàn ông đứng tuổi thường dùng màu xanh nguyên thủy, tuổi càng trẻ, màu xanh càng sẫm.
Phụ nữ thường thích những màu tươi. Những cô gái trẻ, mặc màu càng tươi, ẩn hiện trong các cặp áo với màu cặp môi hòa hợp, như lát gừng- bông bèo, lòng tôm- nguyệt bạch, mỡ gà- xanh da trời. Đó là những cặp màu tươi sáng, non dẻo, khi đã chuyển sang mặc áo dài tân thời, các cô gái trẻ vẫn ưa các màu xanh lơ, hồng nhạt, vàng mơ, tím phớt...phụ nữ có tuổi một chút, vẫn ưa thích những màu tười, những sắc độ đằm và dịu mắt hơn. Các cụ bà chít khăn nhiễu lục, mặc áo dài lá cam, bày ra chút khăn nhiễu lục ,mặc áo dài lá cam, bày ra chút bên trong màu dạ lang (đỏ tím gần như vỏ khoai lang).
Thị hiếu màu sắc Huế đã tìm sự hòa hợp trong sự tương phản giữa con người với thế giới thiên nhiên giàu mắc sắc. Trong quan niệm ngũ sắc phương đông, màu đen và các màu có sắc độ tối đậm đều thuộc về âm, còn mầu trắng và sáng đều thuộc dương. Thế nhưng, người phụ nữ Huế, khác với phụ nữ miền Bắc gắn bó với màu đen, nâu bình dị, người Nam bộ gắn với màu đen của bộ bà ba. Phụ nữ Huế chọn màu trắng, màu sáng, là những màu đối lập với tính giới của mình, tạo nên sự tương hợp cao hơn và cũng nhuần nhụy hơn. Đó là một nét riêng của nữ phục Huế cổ truyền.
ST