ý nghĩa nhân sinh ý nghĩa nhân sinh

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0
Ý NGHĨA NHÂN SINH
TRONG TRUYỆN CƯỜI NƯỚC TA NGÀY XƯA

Đặng Thai Mai


Người ta kể chuyện lại rằng:

- Bộ tiếu lâm đầu tiên của nước ta ra đời về cuối nhà Lê. Tác giả là hai bố con ông cụ đồ người Bắc. Sau mấy phen lảo đảo với chốn khoa trường thì hai ông con đành phải lấy nghề gõ đầu trẻ làm kế sinh nhai. Nhân những lúc nhàn, hai nhà nho bất đắc chí mới góp nhặt những chuyện hài hước lưu truyền trong dân gian viết thành một bản sách chữ nôm, gọi là Tiếu lâm (Rừng cười). Bộ tiếu lâm không phải là một bộ sách làm ra để công bố nên ngòi bút tác giả rất là bạo dạn, phóng túng. Một câu chuyện nhặt được bất kỳ ở xó nào, ngõ nào, cũng chẳng cứ là tục tằn hay là thanh nhã, miễn cười được là họ chép vào sách.

Cuốn sách viết vào năm nào? Hai nhà biên tập tên là gì? Thân thế họ thế nào?... Hiện nay không ai rõ. Nhưng nghe đồn rằng: khi chép xong tập sách thì một ngày kia hai nhà tác giả đã cùng nhau bày một bữa tiệc “lạc thành” cuốn sách với rượu và thịt chó! Ăn uống no say, hai ông con sẽ cùng nhau duyệt lại công trình trước tác của mình … một lần cuối cùng! Thế rồi từ chương này đến chương khác, truyện nọ xọ truyện kia, hai bố con vừa đọc vừa ôm nhau mà cười sằng sặc! Cưới đến lúc duyệt xong bộ sách, thì hai nhà trước thuật vô danh cũng đồng thì ngã lăn mà chết thẳng!

Câu chuyện trên đây chỉ là một câu truyền ngôn không có bảo đảm chắc chắn gì về phần lịch sử. Nhưng các cụ ngày xưa vẫn thường nhắc đến cái chết ly kỳ của hai nhà văn sĩ để dạy con cháu và học trò. Và họ kết luận rằng: “Văn hài hước là một loại văn không có tương lai. Trò hài hước chỉ là cái trò “vô hậu”, chết như hai nhà văn ấy là “bất đắc kỳ tử”… Và cái chết ấy cũng chẳng có gì đáng thương tiếc. Ấy cũng là quan điểm của một lối lập luận. Nhưng cũng có người nói: đem thân thế một nhà văn, liễu kết trong một câu cười, vị tất đã là một số phận tủi nhục cho kẻ chết. Và cái ý muốn định đem một ít truyện vui cười mà cống hiến cho người sau cũng vị tất là một sự đáng khinh bỉ, đáng nguyền rủa. Ấy lại là một lối kiến giải khác. Một điều chắc chắn khác là văn cười xưa nay vẫn là một thứ văn đã bị rẻ rúng. Đạo đức và văn nghệ nước ta vẫn liệt văn hài hước vào những tác phẩm không đúng đắn. Chả là những câu cười đã chứa chan những ý vị chua cay độc địa. Và lúc đã cười thì phải nhãng hết những sự nghĩ ngợi sâu xa. Lại còn những giọng thô bỉ, tục tằn nữa là khác… Nhưng một mặt nữa, ta cũng phải công nhận rằng, trong văn nghệ hài hước của nước ta ngày xưa, thật chưa hề có những ngòi bút sâu xa bạo dạn như Aristophane, như Rabelais, Molière… chẳng hạn. Một nguyên nhân của sự thiếu thốn ấy hẳn là vì xã hội nước ta cũng như các nước Á đông đã khinh thị lối văn hài hước.

Một nhà đại triết học đã viết một câu giới thuyết có ý chỉ: “Người là một loài vật biết cười”. Một nhà đại triết học khác viết thêm: “… và là một loài vật vẫn làm cho người ta bật cười”. Về cả hai phương diện “biết cười” và “làm cho người ta bật cười” dân ta ngày xưa cũng không đến nỗi lạc hậu.

Mấy năm trước cuộc Âu chiến hiện giờ, một nhà văn Pháp đã phàn nàn rằng: “Thú cười đương ngắc ngoải”. Thú cười ấy đã hấp hối trên quả địa cầu ngày nay! Ở New York cũng như ở Londres, ở Paris cũng như ở Berlin, người ta không cười thiệt tình, cười dòn dã như ngày xưa nữa. Người ta chỉ cười mỉm nửa thôi. Đó là một điều đáng tiếc! Một điều đáng tiếc thật.

Bất kỳ ở kinh độ, ở vĩ tuyến nào, nếu cái thú cười bị tiêu diệt thì thật là một sự thiệt hại lớn cho sinh thú của loài người. Vẫn biết rằng: lịch sử nhân loại, lịch sử dân tộc có những ngày đau đớn, công cuộc sinh nhai có những ngày vất vả làm cho ta không thể nghĩ đến sự vui cười mà không ngượng ngịu được. Nhưng tai biến của lịch sử là một trạng thái nhất thì, mà vui vẻ là một điều nhu yếu thường xuyên của nhân tính. Người ta ai là người không cười? Huống hồ người ta vẫn có thể cười một cách đứng đắn! Huống hồ cười có thể là một động lực trong công tác hàng ngày của ta. Cần chống chọi với những nỗi khó khăn trong vũ trụ, trong xã hội, chúng ta cũng cần tìm trong thú cười một ít thú vị sống để cho có sức mà bước, thì ta cũng nên ước ao cho loài người sau những bi kịch trong lịch sử hiện thời, sẽ mau mau được sống lại những ngày vui vầy với những cuộc cười giòn giã, chính đáng, thiệt tình!

Cười có một ý nghĩa nhân sinh rõ rệt. Mỗi xã hội đều có những giọng cười riêng…. Lúc loài người đã đến một lịch trình sinh hoạt khá cao, thì cười không phải chỉ là một động lực cơ giới của bản năng trước một cảnh ngộ khoái lạc mà thôi. Cười cũng là một phương pháp tự vệ, một thủ đoạn trừng phạt của đoàn thể dùng để đối phó với những thái độ phản xã hội hoặc để công kích những điều bất bình trong sinh hoạt hàng ngày. Trên một trình độ tri thức cao hơn nữa, các nhà văn sẽ lợi dụng cái động lực của sự cười để răn đe người đời, hoặc để bài xích những hiện tượng bất như ý….

Một “bông xung” … của giọng cười dân chúng là những nhân cách, những cử chỉ, những thái độ phản xã hội. Nhưng nét xấu có thể phương hại đến hạnh phúc của đoàn thể, như là lười biếng, tham ăn, bủn xỉn, nói khác… xã hội cũng cần lấy sự cười để làm phương pháp trừng phạt.

Sinh hoạt xã hội căn bản ở năng lực cá nhân, ở luật hỗ trợ của đoàn thể. Nhưng một sự cần thiết cho nền sinh hoạt công cộng nữa là phẩm giá. Trong một địa vị cao quý mà không có tư cách tương đương thì sẽ bị cười. Một ông cụ đồ, có cái thiên chức giảng đạo thánh hiền, mà đọc chữ này ra chữ kia, đem lời thánh hiền ra mà giảng quàng giảng quấy thì bị người cười. Một ông quan phụ mẫu dân, nghe người ta bảo dân chết đói, mà hỏi: “Thế sao không nấu cháo gà ra mà ăn?” cũng là một câu chuyện cười!... Ông thầy thuốc bắt mạch một ông và tuyên bố: “Bệnh sản hậu!”; Thầy bộ lễ đứng hộ tang mà nhỏ nước dãi với cỗ bày trên giường thờ, cũng là những người đáng cười… Trong một trường hợp tương tự, người ta cười những ông chủ bị đày tớ đánh lừa, những ông chồng mọc sừng, những người sợ vợ - (có cả một làng sợ vợ!) – số là những sự trụy lạc về mặt phẩm giá, đều là những vai tuồng của trò cười dân chúng… Trong ý nghĩa xã hội của các chuyện cười ngày trước, ta cũng nên chú ý đến tính cách lịch sử dân tộc… Xã hội nước ta hồi xưa là một xã hội có trật tự nghiêm, có đẳng cấp phân minh, mà sao lời phúng thích không nể gì đến phần tử thống trị, đến cả những nghệ nghiệp trí thức như là nho, y, lý, số?...

Lý do lịch sử của nội dung những câu cười xưa kia có lẽ cũng không khác gì lai lịch của các hài văn nước Pháp về hồi Trung cổ…

Trích Tri Tân, số 81, 82 (28.1 – 4.2.1943) và số 83 (18.2.1943).

Nguồn:. Đặng Thai Mai Tác phẩm. Phan Cự Đệ (sưu tầm và tuyển chọn). Nxb. Văn học, 1978. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top