Đất đai, địa hình
Đất đai: Bạc Liêu có diện tích đất tự nhiên 2.594 km[SUP]2[/SUP] .
Địa hình: khá bằng phẳng, không có đồi, núi nên không có các chấn động địa chất lớn. Địa hình cơ bản là đồng bằng với các cánh đồng rộng mênh mông, sông rạch và kênh đào chằng chịt.
Khí hậu
Bạc Liêu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết chia thành hai mùa rõ rệt: mùa khô (mùa nắng) bắt đầu từ tháng 10-11 năm trước đến tháng 4 - 5 năm sau; mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 - 5 đến tháng 10 - 11.
Nhiệt độ trung bình năm 28,5[SUP]0[/SUP]C, nhiệt độ thấp nhất trong năm là 21[SUP]0[/SUP]C (vào mùa mưa), nhiệt độ cao nhất trong năm là 36[SUP]0[/SUP]C (vào mùa nắng).
Tài nguyên
- Tài nguyên rừng và động - thực vật: rừng Bạc Liêu thuộc hệ sinh thái rừng ngập mặn như: tràm, chà là, giá, cóc, lâm vồ,... Bên dưới là thảm thực vật gồm cỏ và các loài dây leo. Theo Viện sinh học nhiệt đới, rừng Bạc Liêu có 104 loài thực vật, 10 loài thú nhỏ, 8 loài bò sát,...
Sau khi các kênh xáng được đào xong, đại bộ phận đất ngập úng ở Bạc Liêu được ngăn mặn, xổ phèn. Kết quả, hơn 240 nghìn ha đất hoang hoá trở nên màu mỡ. Bạc Liêu nhanh chóng trở thành tỉnh đứng đầu Nam Kỳ về diện tích trồng lúa nước; đứng thứ hai (sau Kiên Giang) về nguồn lợi thuỷ sản.
Ngoài ra, Bạc Liêu có 01 vườn chim hoang dã (diện tích hơn 30 ha) ở xã Hiệp Thành, cách thị xã Bạc Liêu khoảng 3 km (về phía đông); hai vườn cò ở thị trấn Phước Long và Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long); một vườn chim với loài giang sen quý hiếm ở huyện Đông Hải. Đặc biệt, vườn chim Bạc Liêu là
vườn chim lớn nhất trong tỉnh với khoảng hơn 40 loài chim, số lượng hơn 60 nghìn con, gồm nhiều loại như: điên điển, quắm trắng, quắm đen, chằn bè, cò lông bông, le le, vịt nước, còng cộc, vạc, cò ngà, cò trắng, giang sen, mỏ thác, ốc cao, thằng chài, diệc Sunatra,... Vườn chim Bạc Liêu là một trong những khu vực được đưa vào hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia của Việt Nam.
- Hệ thống sông ngòi: Bạc Liêu có hệ thống sông ngòi, kênh đào chằng chịt, cơ bản chia làm hai nhóm:
Nhóm 1: chảy ra hải lưu phía nam, gồm: sông Gành Hào (dài 55 km) có các nhánh là rạch Giồng Ké, rạch Lộ, rạch Nhà Thờ, rạch Cái Keo, rạch Gốc,...; sông Mỹ Thanh (70 km) có các nhánh là rạch Lé, rạch Bạc Liêu, rạch Trò Nho, rạch Trà Niêu, rạch Trà Teo, trong đó rạch Bạc Liêu dài 35 km.
Nhóm 2: chảy ra sông Ba Thắc (thường gọi là sông Hậu, tức Hậu Giang). Nhóm này gồm rạch Ba Xuyên và các nhánh nhỏ của rạch Ba Xuyên.
Về kênh đào: để tháo phèn phục vụ sản xuất và phục vụ nhu cầu giao thông, giai đoạn 1901 - 1903, chính quyền thực dân đã đào kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp dài 140 km, đoạn Bạc Liêu - Cà Mau dài 48, 5 km. Đến năm 1915, chính quyền thực dân lại dùng xáng nạo vét mở rộng kênh đào Bạc Liêu - Cà Mau (dài 66 km) và đào thêm kênh Bạc Liêu - Cổ Cò (dài 18 km). Sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), chính quyền thực dân tiếp tục khai thác vùng đất Bạc Liêu với quy mô lớn hơn: năm 1920, đào kênh xáng Hộ Phòng - Chủ Chí - Chợ Hội (dài 29 km) và kênh Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền (dài 33 km); năm 1925, đào kênh xáng Lộ Bẻ - Gành Hào dài 18 km; năm 1931 đào kênh xáng Xóm Lung - Cống Cái Cùng (dài 13 km), kênh xáng cầu số II - Phước Long (dài 24 km) và kênh xáng Cầu Sập - ngã tư Vĩnh Phú - Ngan Dừa (dài 49,5 km).
- Biển: Bạc Liêu có bờ biển dài 56 km. Biển Bạc Liêu có nhiều loài tôm, cá, ốc, sò huyết,... Hàng năm, sản lượng khai thác đạt gần 100 nghìn tấn cá, tôm. Trong đó, sản lượng tôm gần 10 nghìn tấn.
Bờ biển thấp và phẳng rất thích hợp để phát triển nghề làm muối, trồng trọt hoặc nuôi tôm, cá. Hàng năm, sự bồi lấn biển ở Bạc Liêu ngày một tăng. Đây là điều kiện lý tưởng cho Bạc Liêu phát triển thêm quỹ đất, đồng thời là yếu tố quan trọng đưa kinh tế biển của Bạc Liêu phát triển.