Ý nghĩa của tên gọi Hà Nội

  • Thread starter Thread starter liti
  • Ngày gửi Ngày gửi

liti

New member
Ý nghĩa của tên gọi Hà Nội


Sau khi diệt triều Tây Sơn, vua Gia Long đã đổi phủ Phụng Thiên ( vốn là đất đai của kinh thành Thăng Long cũ ) thành phủ Hoài Đức và vẫn coi là một đơn vị trực thuộc ngang với trấn tức trực thuộc trung ương mà đại diện là Tổng trấn Bắc Thành. Đến năm Minh Mạng thứ 12 ( 1831 ) vị vua này tiến hành một đợt cải cách hành chính lớn, xoá bỏ Bắc Thành ( gồm 11 trấn và 1 phủ trực thuộc ) ở miền Bắc, chia cả nước ra làm 29 tỉnh trong đó có 15 tỉnh trực thuộc trung ương. Tỉnh Hà Nội gồm thành Thăng Long, phủ Hoài Đức của trấn Tây Sơn, và ba phủ Ứng Hoà, Thường Tín, Lý Nhân của trấn Sơn Nam.

- phủ Hoài Đức gồm 3 huyện : Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm
- phủ Thường Tín gồm 3 huyện : Thượng Phúc, Thanh Trì, Phú Xuyên
- phủ Ứng Hoà gồm 4 huyện : Sơn Minh ( nay là Ứng Hòa ), Hoài An ( nay là phía nam Ứng Hòa và một phần Mỹ Đức ), Chương Đức ( Nay là Chương Mỹ - Thanh Oai )
- phủ Lý Nhân gồm 5 huyện : Nam Xang ( nay là Lý Nhân ), Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Bình Lục


Danh từ Hà Nội bắt đầu có từ bấy giờ ( 1831 ).

Hà Nội có nghĩa là phía trong các con sông, vì tỉnh mới Hà Nội được bao bọc bởi 2 con sông : sông Hồng và sông Đáy. Như vậy tỉnh Hà Nội lúc đó gồm thành phố Hà Nội, nửa chính đông tỉnh Hà Tây ( chính là tỉnh Hà Tây thời Pháp thuộc ) và toàn bộ tỉnh Hà Nam. Như vậy rõ ràng tỉnh Hà Nội có đại bộ phận nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Đáy.



Có người cho rằng chữ Hà Nội là lấy từ câu trong sách Mạnh Tử ( Thiên Lương Huệ Vương ) : "Hà Nội hung tắc di kỳ dân ư Hà Đông, chuyển kỳ tức ư Hà Nội" ( nghĩa là : Hà Nội bị tai hoạ thì đưa dân về Hà Đông, đưa thóc từ Hà Đông về Hà Nội ). Nguyên ở Trung Quốc thời Mạnh Tử ( thế kỷ III tr.CN ) phía bắc sông Hoàng gọi là đất Hà Nội, phía Nam là Hà Ngoại. Vùng đất Hà Nội ấy nay ứng với tỉnh Hà Bắc. Lại do sông Hoàng khi tới địa đầu tỉnh Sơn Tây ngày nay thì chạy theo hướng Bắc - Nam, trở thành ranh giới giữa hai tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây. Sơn Tây ở phía đông sông Hoàng nên thời cổ có tên là đất Hà Đông, còn Thiểm Tây là Hà Tây. Thực sự cũng có việc dùng câu sách Mạnh Tử nói trên, nhưng đó là trường hợp năm 1904 khi muốn đổi tên tỉnh Cầu Đơ cho khỏi nôm na, người ta mới dùng tên Hà Đông ( dựa vào tên Hà Nội đã có từ trước )


NHỮNG TÊN GỌI CỦA HÀ NỘI QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ


THĂNG LONG - HÀ NỘI là kinh đô lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam. Mảnh đất địa linh nhân kiệt này từ trước khi trở thành kinh đô của nước Ðại Việt dưới triều Lý (1010) đã là đất đặt cơ sở trấn trị của quan lại thời kỳ nhà Tuỳ (581 - 618), Ðường (618 - 907) của phong kiến phương Bắc. Từ khi hình thành cho đến nay, Thăng Long - Hà Nội có nhiều tên gọi, được chia thành hai loại: chính quy và không chính quy, theo thứ tự thời gian như sau:

Tên chính quy: Là những tên được chép trong sử sách do các triều đại phong kiến, Nhà nước Việt Nam chính thức đặt ra:

Long Ðỗ: Truyền thuyết kể rằng, lúc Cao Biền nhà Ðường, vào năm 866 mới đắp thành Ðại La, thấy thần nhân hiện lên tự xưng là thần Long Ðỗ. Do đó trong sử sách thường gọi Thăng Long là đất Long Ðỗ. Thí dụ vào năm Quang Thái thứ 10 (1397) đời Trần Thuận Tông, Hồ Quý Ly có ý định cướp ngôi nhà Trần nên muốn dời kinh đô về đất An Tôn, phủ Thanh Hoá. Khu mật chủ sự Nguyễn Nhữ Thuyết dâng thư can, đại ý nói: "Ngày xưa, nhà Chu, nhà Nguỵ dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Ðỗ có núi Tản Viên, có sông Lô Nhị (tức sông Hồng ngày nay), núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi". Ðiều đó cho thấy, Long Ðỗ đã từng là tên gọi đất Hà Nội thời cổ.

Tống Bình: Tống Bình là tên trị sở của bọn đô hộ phương Bắc thời Tuỳ (581-618), Ðường (618 - 907). Trước đây, trị sở của chúng là ở vùng Long Biên (Bắc Ninh ngày nay). Tới đời Tuỳ chúng mới chuyển đến Tống Bình.

Ðại La: Ðại La hay Ðại La thành nguyên là tên vòng thành ngoài cùng bao bọc lấy Kinh Ðô. Theo kiến trúc xưa, Kinh Ðô thường có "Tam trùng thành quách": Trong cùng là Tử Cấm thành (tức bức thành màu đỏ tía) nơi vua và hoàng tộc ở, giữa là Kinh thành và ngoài cùng là Ðại La thành. Năm 866 Cao Biền bồi đắp thêm Ðại La thành rộng hơn và vững chãi hơn trước. Từ đó, thành này được gọi là thành Ðại La. Thí dụ trong Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ viết năm 1010 có viết: "... Huống chi thành Ðại La, đô cũ của Cao Vương (tức Cao Biền) ở giữa khu vực trời đất..." (Toàn thư, Tập I, H, 1993, tr 241).

Thăng Long
(Rồng bay lên). Ðây là cái tên có tính văn chương nhất, gợi cảm nhất trong số các tên của Hà Nội. Sách Ðại Việt sử ký toàn thư cho biết lý do hình thành tên gọi này như sau: "Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010) vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra Kinh phủ thành Ðại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long" (Toàn thư, Tập I, H, tr 241).

Ðông Ðô: Sách Ðại Việt sử ký toàn thư cho biết: "Mùa hạ tháng 4 năm Ðinh Sửu (1397) lấy Phó tướng Lê Hán Thương (tức Hồ Hán Thương - TM) coi phủ đô hộ là Ðông Ðô" (Toàn thư Sđd - tr 192). Trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sử thần nhà Nguyễn chú thích: "Ðông Ðô tức Thăng Long, lúc ấy gọi Thanh Hoá là Tây Ðô, Thăng Long là Ðông Ðô" (Cương mục - Tập 2, H 1998, tr 700).

Ðông Quan: Ðây là tên gọi Thăng Long do quan quân nhà Minh đặt ra với hàm nghĩa kỳ thị Kinh đô của Việt Nam, chỉ được ví là "cửa quan phía Ðông" của Nhà nước phong kiến Trung Hoa. Sử cũ cho biết, năm 1408, quân Minh đánh bại cha con Hồ Quý Ly đóng đô ở thành Ðông Ðô, đổi tên thành Ðông Quan. Sách Ðại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 12 năm Mậu Tý (1408), Giản Ðịnh đế bảo các quân "Hãy thừa thế chẻ tre, đánh cuốn chiếu thẳng một mạch như sét đánh không kịp bưng tai, tiến đánh thành Ðông Quan thì chắc phá được chúng" (Toàn thư Sđd - Tập 2, tr224).

Ðông Kinh:
Sách Ðại Việt sử ký toàn thư cho biết sự ra đời của cái tên này như sau: "Mùa hạ, tháng 4 năm Ðinh Mùi (1427), Vua (tức Lê Lợi - TM) từ điện tranh ở Bồ Ðề, vào đóng ở thành Ðông Kinh, đại xá đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Ðại Việt đóng đô ở Ðông Kinh. Ngày 15 vua lên ngôi ở Ðông Kinh, tức là thành Thăng Long. Vì Thanh Hoá có Tây Ðô, cho nên gọi thành Thăng Long là Ðông Kinh" (Toàn thư - Sđd. Tập 2, tr 293).

Bắc Thành: Ðời Tây Sơn (Nguyễn Huệ - Quang Trung 1787 - 1802 - TM). Vì kinh đô đóng ở Phú Xuân (tức Huế - TM) nên gọi Thăng Long là Bắc thành"(Nguyễn Vinh Phúc - Trần Huy Bá - Ðường phố Hà Nội - H. 1979, tr 12).

Thăng Long: (Thịnh vượng lên). Sách Lịch sử thủ đô Hà Nội cho biết: "Năm 1802, Gia Long quyết định đóng đô ở tại nơi cũ là Phú Xuân (tức Huế - TM), không ra Thăng Long, cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn miền Bắc và đổi kinh thành Thăng Long làm trấn thành miền Bắc. Kinh thành đã chuyến làm trấn thành thì tên Thăng Long cũng cần phải đổi. Nhưng vì tên Thăng Long đã có từ lâu đời, quen dùng trong nhân dân toàn quốc, nên Gia Long thấy không tiện bỏ đi ngay mà vẫn giữ tên Thăng Long, nhưng đổi chữ "Long" là Rồng thành chữ "Long" là Thịnh vượng, lấy cớ rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ "Long" là "rồng" (Trần Huy Liệu (chủ biên). Lịch sử thủ đô Hà Nội, H. 1960, tr 81).

Việc thay đổi nói trên xảy ra năm 1805, sau đó vua Gia Long còn hạ lệnh phá bỏ hoàng thành cũ, vì vua không đóng đô ở Thăng Long, mà hoàng thành Thăng Long lại lớn rộng quá.

Hà Nội: Sách Lịch sử thủ đô Hà Nội cho biết: "Năm 1831, vua Minh Mạng đem kinh thành Thăng Long cũ hợp với mấy phủ huyện xung quanh như huyện Từ Liêm, phủ Ứng Hoà, phủ Lý Nhân VÀ phủ Thường Tín lập thành tỉnh Hà Nội, lấy khu vực kinh thành Thăng Long cũ làm tỉnh lỵ của Hà Nội". (Trần Huy Liệu (chủ biên). Lịch sử thủ đô Hà NỘI. H. 1960, TR 82).



Tên không chính quy:
Là những tên trong văn thơ, ca dao, khẩu ngữ... dùng để chỉ thành Thăng Long - Hà Nội:

Trường An (Tràng An): Vốn là tên Kinh đô của hai triều đại phong kiến thịnh trị vào bậc nhất của nước Trung Quốc: Tiền Hán (206 tr CN - 8 sau CN) và Ðường (618 - 907). Do đó, được các nhà nho Việt Nam xưa sử dụng như một danh từ chung chỉ kinh đô. Từ đó cũng được người bình dân sử dụng nhiều trong ca dao, tục ngữ chỉ kinh đô Thăng Long.

Thí dụ:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Rõ ràng chữ Tràng An ở đây là để chỉ kinh đô Thăng Long.


Phượng Thành (Phụng Thành):

Vào đầu thế kỷ XVI, ông Trạng Nguyễn Giản Thanh người Bắc Ninh có bài phú nôm rất nổi tiếng:

Phượng Thành xuân sắc phú
(Tả cảnh sắc mùa xuân ở thành Phượng).


Nội dung của bài phú trên là tả cảnh mùa xuân của Thăng Long đời Lê. Phụng thành hay Phượng thành được dùng trong văn học Việt Nam để chỉ thành Thăng Long.

Long Biên: Vốn là nơi quan lại nhà Hán, Nguỵ, Tấn, Nam Bắc triều (thế kỷ III, IV, V và VI) đóng trị sở của Giao Châu (tên nước Việt Nam thời đó). Sau đó, đôi khi cũng được dùng trong thơ văn để chỉ Thăng Long - Hà Nội. Sách Quốc triều đăng khoa lục có đoạn chép về tiểu sử Tam nguyên Trần Bích San (1838 - 1877); ghi lại bài thơ của vua Tự Ðức viếng ông, có hai câu đầu như sau:

Long Biên tài hướng Phượng thành hồi
Triệu đối do hi, vĩnh biệt thôi!


Dịch nghĩa:

Nhớ người vừa từ thành Long Biên về tới Phượng Thành.
Trẫm còn đang hy vọng triệu ngươi và triều bàn đối, bỗng vĩnh biệt ngay.


Thành Long Biên ở đây, vua Tự Ðức dùng để chỉ Hà Nội, bởi vì bấy giờ Trần Bích San đang lĩnh chức Tuần phủ Hà Nội. Năm 1877 vua Tự Ðức triệu ông về kinh đô Huế để sung chức sứ thần qua nước Pháp, chưa kịp đi thì mất.

Long Thành:
Là tên viết tắt của Kinh thành Thăng Long. Nhà thơ thời Tây Sơn Ngô Ngọc Du, quê ở Hải Dương, từ nhỏ theo ông nội lên Thăng Long mở trường dạy học và làm thuốc. Ngô Ngọc Du là người được chứng kiến trận đại thắng quân Thanh ở Ðống Ða - Ngọc Hồi của vua Quang Trung. Sau chiến thắng xuân Kỷ Dậu (1789), Ngô Ngọc Du có viết bài Long thành quang phục kỷ thực (Ghi chép việc khôi phục Long thành).

Hà Thành:
Là tên viết tắt của thành phố Hà Nội được dùng nhiều trong thơ ca để chỉ Hà Nội. Thí dụ như bài Hà Thành chính khí ca của Nguyễn Văn Giai, bài Hà Thành thất thủ, tổng vịnh (khuyết danh), Hà Thành hiểu vọng của Ba Giai?...

Hoàng Diệu
: Ngay sau Cách mạng tháng Tám - 1945, đôi khi trong các báo chí của Việt Nam sử dụng tên này để chỉ Hà Nội.

Ngoài ra, trong cách nói dân gian, còn nhiều từ được dùng để chỉ Thăng Long - Hà Nội như: Kẻ Chợ (Khéo tay hay nghề đất lề Kẻ Chợ - Khôn khéo thợ thầy Kẻ Chợ), Thượng Kinh, tên này để nói đất kinh đô ở trên mọi nơi khác trong nước, dùng để chỉ kinh đô Thăng Long (Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh). Kinh Kỳ, tên này nói đất có kinh đô đóng (Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến).

Và đôi khi chỉ dùng một từ kinh như "¡n Bắc, mặc Kinh". Bắc đây chỉ vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh), Kinh chỉ kinh đô Thăng Long.

Loại tên "không chính quy" của Thăng Long - Hà Nội còn nhiều được sử dụng khá linh hoạt trong văn học, ca dao... kể ra đây không hết được



Trên đất Thăng Long đã từng toạ lạc một toà Hoàng thành hoa lệ, trải suốt các triều Lý - Trần - Lê và được xây dựng lại thành toà trấn thành thời Nguyễn. Mùa thu năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Ðại La và đổi tên là Thăng Long. Trải qua 8 thế kỷ, toà thành đã trở thành trung tâm chính trị và đô thị phồn thịnh nhất Ðại Việt. Cuối triều Lý, hoàng cung Thăng Long bị đốt cháy. Tới triều Trần, thành Thăng Long được xây dựng lại nhưng rồi lại bị lũ xâm lược Nguyên - Mông dày xéo, tàn phá. Sau khi đánh đuổi giặc Minh năm 1428, Lê Thái Tổ cho xây dựng lại Thăng Long và đổi tên là Ðông Ðô rồi Ðông Kinh... Vậy là, qua bao cuộc chiến tranh và cuối cùng là sự phá hoại của thực dân Pháp, toà thành cổ kính mang tên Thăng Long - Hà Nội gần như mất hết dấu vết, chỉ còn tồn tại trong hoài niệm của bao thế hệ người Hà Nội.

Thành cổ Hà Nội do nhà Nguyễn xây dựng từ năm 1803 theo kiến trúc châu Âu nhưng có tầm vóc nhỏ hơn thành của những vương triều trước. Mặc dù, tính tới nay thành cổ còn chưa đủ 200 năm tuổi nhưng đã có không ít nhà bảo tàng học, sử học thảo luận nhiều lần nhằm thống nhất về cách nhìn.

Năm 1959, ông Trần Huy Bá đưa ra ý kiến hoạch định ranh giới Hoàng thành Thăng Long đời Lý - Trần là phía Bắc từ trường Ðua Ngựa tới đền Quan Thánh, phía Ðông từ đến Quan Thánh tới Văn Miếu, phía Nam từ Văn Miếu tới cuối đường xe điện Cầu Giấy, phía Tây từ cuối đường xe điện Cầu Giấy tới trường Ðua Ngựa. Ðã có khá nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ giả thuyết này. Tới tháng 4/1996, ông Trần Quốc Vượng và ông Vũ Tuấn Sản đã lập luận, chứng minh Thăng Long đời Lý vẫn giữ nguyên vẹn vị trí cũ cho đến đời Nguyễn. Núi Nùng (tức núi Long Ðỗ) vẫn là trung tâm của Thăng Long qua bao thế kỷ...

Năm 1998, Bộ Quốc phòng đã bắt đầu trao lại 3 khu vực Cửa Bắc, Hậu Lâu và Ðoan Môn cho Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội quản lý và tôn tạo nhằm phục vụ kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 990 và 1000 năm. Công tác khai quật khảo cổ học đã được khẩn trương tiến hành tại cả 3 nơi và đã cho nhiều kết quả bất ngờ, trả lời được nhiều vấn đề sau bao năm tranh luận nghiên cứu. Bắc Môn được xác định chính là Cửa Bắc của thành Hà Nội thời Nguyễn. Nơi đây được xem xét từng lớp dấu vết để phá dỡ những gì được vá víu từ thời Pháp thuộc, sửa sang tu bổ lại những gì vốn có của toà thành thời Nguyễn, xây lại vọng lâu trên cửa thành.

Lầu Tĩnh Bắc (Tĩnh Bắc Lâu) là một toà lầu xây phía sau cụm kiến trúc chính là Hành cung của Thành cổ Hà Nội. Tuy ở sau Hành cung nhưng lại là phía Bắc, xây với ý đồ phong thuỷ giữ yên bình phía Bắc Hành cung nên mới có tên là Tĩnh Bắc Lâu. Nơi đây còn có tên là Hậu Lâu (lầu phía sau), hoặc là Lầu Công chúa, bởi tương truyền xưa kia đây là lầu xây để công chúa ở mỗi khi theo vua đi tuần du. Tại Tĩnh Bắc Lâu, các nhà khảo cổ học đã khai quật một diện tích gần 200m2. Vách hố khai quật cho phép nhìn rõ một dòng nước vốn chảy qua đây, dưới lòng lạch có những hòn tảng kê chân cột, bên bờ có xếp 3 bậc đá mang vết cánh hoa sen. Di vật tìm thấy trong hố khai quật rất nhiều. Có gạch ngói của nhiều đời từ trước thời Lý cho đến thời Lê: Cạnh có chữ, ngói bò hình lá đề, hình rồng phượng, đồ gốm đủ loại, đủ thời...

Kết quả khảo cổ tại Đoan Môn khá bất ngờ : ở độ sâu 1,9m phát hiện một con đường lát gạch theo hướng Bắc - Nam nằm chính giữa Ðoan Môn. Tại đây được trải 12 lớp sỏi, gạch, đất sét đầm nén kỹ dài tới 1m rồi mới lát 5 lớp gạch bìa lên trên. Hai bên đường cắm gạch theo kiểu dăm cối để tạo thành những ô hoa chanh đẹp mắt. Công việc tu bổ, tôn tạo lại Ðoan Môn đã vấp phải nhiều khó khăn. Các lớp gạch tại đây đa phần đã bị mục ruỗng, không còn khả năng liên kết, chịu lực; các đường nét trang trí hoạ tiết bị gẫy vỡ, có nguy cơ sập đổ cả tầng lầu phía trên... Chính vì thế, công việc tôn tạo di tích Ðoan Môn vẫn chưa xong để khánh thành vào dịp này.

Thế là sau gần 2 thế kỷ, nay một phần thành cổ Hà Nội lại được "hồi sinh", mở cửa đón nhân dân thủ đô và cả nước vào thăm, đưa họ tìm lại về cội nguồn mảnh đất rồng bay qua bóng dáng của kinh thành cổ. Thành cổ là một trong mười công trình đầu tiên gắn biển Công trình trọng điểm kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội



Thành Ðại La là một kiến trúc vĩ đại, có đầu tiên ở trên đất này. La thành không phải là một tên riêng, chỉ có nghĩa là một bức thành lớn bao quanh một bức thành nhỏ ở bên trong. La thành có từ đời nhà Ðường bên Trung Quốc, những căn cứ của những đất đã chiếm được đều đắp hai lần thành, thành ngoài gọi là La thành.

Suốt cả thời kỳ Bắc thuộc (111 trước Công lịch đến 939 sau Công lịch), bọn vua quan phong kiến Trung Quốc sang xâm lược nước ta, đều đóng căn cứ địa ở mấy nơi bên tả ngạn sông Hồng, như Liên Lâu (Tiên Du, Bắc Ninh), rồi đến Long Biên (phía Bắc sông Ðuống). Ðến đời Ðường, thường có quân Chà Và ở ngoài bể tràn vào và quân Nam Chiếu ở mạn Vân Nam tràn xuống, kéo đến vây đánh phủ Ðô hộ; hơn nữa nhân dân không chịu nổi sự áp bức bóc lột của bọn xâm lược, cũng thường nổi lên chống đánh. Năm 824, Ðô hộ là Lý Nguyên Gia, tin theo thuyết phong thuỷ, cho rằng trước cửa thành Long Biên có dòng nước chảy ngược, nên nhân dân hay nổi lên "làm phản". Lý Nguyên Gia bèn rời phủ trị sang địa phận huyện Tống Bình, gần sông Tô Lịch. Lúc đầu chỉ xây một toà thành nhỏ, sau đó nhận thấy nơi ấy có địa thế hiểm yếu, liền lập phủ trị vĩnh viễn ở đó, đắp rộng cao thêm thành, làm cho dân ta hồi đó phải phục dịch rất khổ sở.

Ðến năm 866, nhà Ðường đổi An Nam đô hộ phủ làm Tĩnh Hải quân, sai Cao Biền sang làm Tiết độ sứ. Cao Biền là một tướng có nhiều tài lược và mưu trí, đã dùng nhiều thủ đoạn để loè nạt dân chúng, như việc phá những thác ngầm ở dọc sông: đêm đến, hắn cho đục đá đặt thuốc nổ, làm nổ tung những thác ấy, rồi nói phao lên là vì trời giúp vua Ðường sai thiên lôi xuống phá thác, làm cho nhân dân sợ hãi. Muốn củng cố thêm căn cứ thống trị, Cao Biền cho đắp lại thành Ðại La, bốn mặt dài hơn 1.982 trượng linh 5 thước, cao 2 trượng linh 6 thước. Muốn ngăn ngừa không cho nước sông Tô, sông Hồng tràn vào phủ trị, Cao Biền lại cho đắp một đường đê bao bọc ở ngoại thành, dài hơn 2.125 trượng linh 8 thước, cao 1 trượng, dày 2 trượng, trong thành cho nhân dân làm nhà ở hơn bốn chục vạn nóc. Ðường đê bao ngoài thành gọi là Ðại La thành, cũng gọi là Ngoại La thành.

Với Cao Biền, ngày nay ở dân gian ta vẫn còn những truyền thuyết hoang đường, như nói Cao Biền thấy ở đất Giao Châu ta có nhiều kiểu đất đế vương, nên thường cưỡi diều giấy bay đi xem xét, rồi dùng phép thuật phá những nơi có hình thế sơn thuỷ đẹp, và chặn những đất có long mạch bằng cách đào những giếng khơi rất sâu. Vì vậy, ở nông thôn, làng nào có nhiều giếng khơi, người ta vẫn nói đó là giếng do Cao Biền đào ra. Lại như, mỗi khi thấy người nào yếu sức, tay chân cử động run rẩy, thường vẫn nói câu đã gần thành tục ngữ: "Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non". Người ta giải thích là Cao Biền có phép thuật "tản đậu thành binh" nghĩa là mỗi khi cần có quân lính đi đánh dẹp, không cần mộ người chỉ cần rắc đậu vào một bãi đất, rồi ủ kín, đọc một trăm lần thần chú rồi mở ra, mỗi hạt đậu hoá thành một người lính. Có lần Cao Biền đọc thần chú còn thiếu, khi mở ra những hạt đậu đã thành lính nhưng đều còn non chưa đủ sức, đứng lên không vững. Lại còn chuyện nói Cao Biền đắp La thành, mấy lần bắt đầu đều bị sụt lở; một đêm Biền đứng trên vọng lâu nhìn ra, thấy một vị thần cưỡi ngựa trắng chạy đi, chạy lại như bay, rồi bảo cho Biền cứ theo vết chân ngựa chạy mà đắp thành. Vì vậy, sau khi đắp thành xong, Biền cho lập đền thờ vị thần ấy ở ngay nơi hiển hiện, gọi là đền Bạch Mã. Ðền thờ ngày nay vẫn còn ở phố Hàng Buồm.

Từ năm 939, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, nước ta bắt đầu độc lập tự chủ, nhưng đời Ngô Vương Quyền lại đóng đô ở Cổ Loa, hai đời Ðinh, Lê thì đóng đô ở Hoa Lư, thành Ðại La trở nên hoang phế. Mãi đến năm 1010, Lý Thái Tổ mới dời kinh đô đến đó, nhưng lại đắp một thành khác nhỏ hẹp hơn gọi là thành Thăng Long. Nền cũ của thành Ðại La, phần lớn không còn lại dấu vết, chỉ còn nhận thấy những khoảng từ Thanh Nhàn (giáp Thanh Trì) đi lên cửa ô Cầu Dền sang ô Chợ Dưà, rồi thẳng đến ô Cầu Giấy, ngược lên đến làng Bưởi. Năm kia, ta đã cho theo dấu cũ ấy, sửa chữa lại nhiều nơi, đắp cao lên làm thành thân đê, đề phòng nạn lụt. Còn phần đê La Thành về phía sông Hồng, từ đời Lý đã nhập vào với đê Cơ Xá, và từ đời Trần đã nhập vào với đê Quai Vạc, chuyên ngăn nước sông Hồng.

Ðê Ðại La thành này khi còn độc lực giữ việc chống nước lụt cho nội thành, thường bị sạt lở. Năm 1243, đời vua Thái Tôn nhà Trần, nước sông Hồng lên to quá, phá vỡ một đoạn thân thành, làm cho nội thành bị ngập lụt. Cũng từ đó, các đời vua Trần mới nghĩ đến việc đắp đê quai vạc suốt từ đầu nguồn trở xuống cho đến miền bể, dọc hai bên bờ sông Hồng.

Bài thơ "Ðiếu cổ La thành" của nhà thơ Tế Xuyên, đời cuối Lê đã mai mỉa dã tâm xâm lược của Cao Biền, tốn công, nhọc lòng đắp nên thành ấy, kết cục bọn phong kién thống trị Trung Quốc đều phải diệt vong. Sau chiến công trên sông Bạch Ðằng năm 939, nước ta hoàn toàn tự chủ. Bài thơ đại ý như sau:

"Ðại La thành tốn công xây,
Cao Biền tưởng chiếm đất này dài lâu.
Nào ngờ mấy chục năm sau,
Vùi quân xâm lược dòng sâu Bạch Ðằng"


(sưu tầm)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top