• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Xung đột trong kịch của Nguyễn Đình Thi

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Xung đột trong kịch của Nguyễn Đình Thi
NguyenDinhThi_IAXI_JEXB.jpg

Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài – một người viết khảo luận triết học, một nhạc sĩ, một nhà thơ, một nhà văn, một tác gia kịch, một nhà lý luận phê bình. Tất cả hội tụ trong một nhà văn hóa. Sự nghiệp sáng tác của ông ở mỗi thể loại không thật đồ sộ, thậm chí có thể loại ông chỉ đi qua nhưng ở lĩnh vực nào NĐT cũng có những tác phẩm được nhiều người biết đến. Đặc biệt, khi nhắc đến ông, người ta không thể không nhắc tới thể loại kịch. NĐT viết kịch không nhiều chỉ gói gọn vào mười vở nhưng ông đã từng tâm sự: “Kịch là niềm say mê nhất của tôi trong suốt ba mươi năm qua”. Nhìn vào số lượng đó hẳn không phải là một gia tài lớn nhưng nhìn vào dung lượng vấn đề được phản ánh thì đó là cả một sự đóng góp không nhỏ. Một trong những yếu tố tạo nên sức sống lâu bền cho các vở kịch của NĐT qua những thăng trầm của cuộc sống đó là cách giải quyết những xung đột trong mỗi trang viết. Vậy xung đột trong kịch NĐT như thế nào? Được giải quyết ra sao? Ở bài viết này chúng ta sẽ cùng làm sáng tỏ.

Kịch là một loại thể văn học tập trung đi vào khai thác những mâu thuẫn, những xung đột. Nói cách khác, cơ sở của kịch chính là những mâu thuẫn xã hội, lịch sử hoặc những xung đột muôn thưở trong cuộc sống con người nói chung. Xung đột kịch là mấu chốt, chìa khóa để kịch phản ánh cuộc sống một cách cô đọng, súc tích và điển hình nhất. Xung đột trong kịch bắt nguồn từ xung đột mâu thuẫn trong đời sống, nhưng chỉ có những xung đột, mâu thuẫn sắc nhọn, kịch liệt, đầy kịch tính cộng thêm sự sáng tạo nghệ thuật của nhà văn mới có thể trở thành xung đột kịch, khiến cho khán giả cảm nhận được, nhìn thấy được mâu thuẫn, xung đột của cuộc sống.

Xung đột trong kịch của NĐT mang những đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, NĐT xây dựng những xung đột quan điểm, tư tưởng mang ý nghĩa khái quát. Đó là xung đột thật - giả.

Cái thật và cái giả là hai phạm trù đối lập nhau, tồn tại song hành trong cuộc sống hằng ngày. Xây dựng xung đột này, NĐT đã khái quát một sự thật trớ trêu về những bất công, phi lý trong cuộc đời.

Trong vở kịch đầu tay "Con nai đen" của NĐT ta thấy mối xung đột thật - giả được sắp xếp, thể hiện ở những cấp độ tăng tiến cho đến cao trào của vở kịch là sự thủ tiêu cái ác, còn cái giả và cái thiện, sự thật chiến thắng vinh quang. Nhà vua có địa vị cao sang, có tấm lòng nhân hậu và một tình yêu thủy chung nhưng điều mà vị vua trẻ không thể chế ngự được chính là sự giả dối. Nhờ cuộc gặp gỡ với ông gia hát rong mà nhà vua có được pho tượng đá - chia khóa phát hiện điều giả dối. Kể từ khi có tượng thiêng, vua chẳng những không vui mừng, hạnh phúc mà lại buồn thêm bởi biết thêm bao nhiêu giả dối từ những lời đường mật hàng ngày. Nhà vua luôn phải tìm cách đấu tranh với sự giả dối và đỉnh điểm của xung đột thật - giả chính là việc nhà vua bị tên quận chúa đánh tráo thân xác. Đi tìm sự thật có nhiều cách và chỉ có tình yêu thương chân thành mới khiến cho cái giả bị lộ diện và triệt tiêu.

Đi tìm và day dứt về sự thật còn hiện rõ ở hình tượng Nguyễn Trãi trong vở "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" qua trăn trở và day dứt không ngừng "Làm thế nào để nhận ra sự thật?".

Khi đề cập đến vấn đề thật - giả NĐT muốn chia sẻ với người đọc những chiêm nghiệm của mình trước cuộc đời, khi ngậm ngùi xót xa, đau đơn, khi lý thú cười vui, khi là một thái độ ứng xử gay gắt nhưng cần thiết.

Thứ hai, trong sự vận động đa chiều của cuộc sống, xung đột kịch thường tồn tại ở sự đối lập của các cặp phạm trù đối lập. Chúng vận động linh hoạt, biến hóa linh hoạt để hướng tới khám phá đời sống nội tâm phong phú và bí ẩn sau những hành động thái độ của con người. Xung đột nội tâm là một trong những xung đột lớn trong các vở kịch của NĐT.

"Rừng trúc" lấy bối cảnh thời khởi nghiệp của nhà Trần. Tác giả đã đi sâu vào những nỗi niềm thầm kín của nhân vật: Lý Chiêu Hoàng, Trần Cảnh - những người đã và đang ở vị trí đứng đầu triều đình. Xây dựng nội tâm của những nhân vật trong hoàng cung triều Trần, tác phẩm trở thành vở kịch tiêu biểu cho xây dựng xung đột nội tâm trong kịch NĐT.. Xung quanh cuộc bàn giao chính trị đẫm màu sắc bi kịch, qua xung đột nội tâm của những nhân vật chính yếu của hai thời đại Lý - Trần, NĐT đã nói được sâu sắc "lẽ phải lớn" của đất nước qua những ứng xử cao cả của những nhân cách lớn.

Cũng viết về đề tài lịch sử, vở "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" lại chú trọng khắc họa hình tượng người trí thức trong cơn biên thiên của dân tộc. Mười năm sống cảnh cá chậu chim lồng ở Đông Quan là mười năm Nguyễn Trãi vật lộn với những cuộc đấu tranh của tư tưởng và ông đã tự xác định một đường đi đúng đắn cho mình. Người trí thức ấy sau cơn xung đột mạnh mẽ của nội tâm với những phản biện sâu sắc đã quyết rũ bỏ tinh thần "trung quân ái quốc" theo kiểu "tôi trung không thờ hai chủ" để dấn thân vào Thanh Hóa tìm minh chủ.

Xung đột nội tâm trong kịch NĐT không đơn giản, một chiều mà phong phú, đa dạng với nhiều cấp độ, hình thái. Qua xung đột nội tâm NĐT đã đề cập tới hầu hết những vấn đề trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, xung đột giữa các quan điểm về lối sống, về văn hóa, xung đột quyền lợi và quyền lực giữa những người chung huyết thống, cùng dòng họ.

Thứ ba, trong các vở kịch của NĐT còn đề cập tới xung đột giữa ta và địch. Vở kịch "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" lấy bối cảnh là thời kì quân Minh đô hộ nước ta. Có thể thấy mối xung đột giữa dân tộc ta với kẻ thù xâm lăng là xung đột trung tâm của vở kịch. NĐT như muốn khẳng định: ngay trong cảnh nước mất, lòng yêu nước và truyền thống đánh giặc cứu nước vẫn luôn âm ỉ cháy trong lòng người dân Việt Nam dựa báo sự thay đổi của cục diện.

Vở kịch "Hoa và Ngần" lại đặt ra vấn đề con người ta làm thế nào để thích nghi với hoàn cảnh kháng chiến. Vở kịch chủ yếu lấy bối cảnh ở Hà Nội trong suốt thời gian từ năm 1956-1974, đi vào xung đột giữa nhân dân ta với giặc Mĩ tàn bạo. Tất cả mọi tuyến kịch đều bị chi phối bởi xung đột địch - ta, từ việc chia li chồng vợ, chuyện báo tử nhầm, chuyện li dị, tái hôn... đều gắn liền với những diễn biến chiến sự.

Vở kịch thơ "Giấc mơ" lại đem đến cho người đọc một khía cạnh, một cái nhìn khác về mối xung đột dân tộc: cuộc sống của người lính khi chiến tranh kết thúc. Đằng sau câu chuyện về cuộc đời người lính là tiếng nói tố cáo chiến tranh, lên án đế quốc, thực dân xâm lược gieo rắc những tai họa lên cuộc đời tươi đẹp.

Có thể nói, xung đột ta - địch mang lại cho các vở kịch của NĐT sức khái quát hiện thực rộng lớn. Đi sâu vào kiểu xung đột này, NĐT đã làm nổi bật lên truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Thứ tư, các xung đột trong kịch NĐT được giải quyết không được đẩy lên đến đỉnh điểm mà được giải quyết theo hướng tự ý thức của mỗi cá nhân. Nói cách khác NĐT giải quyết các xung đột kịch theo hướng gợi mở.

Trong nhiều vở kịch của NĐT, khi khép lại tác phẩm, những vấn đề đặt ra trong vở kịch vẫn chưa có lời giải đáp cuối cùng, xung đột kịch chưa được giải quyết rõ ràng.

Như trong vở kịch "Rừng trúc", tác phẩm mang tính kịch cao, câu chuyện mở ra vào thời điểm những xung đột đang ở giai đoạn căng thẳng nhất. Những tình thế mâu thuẫn tưởng chừng như rất cam go, quyết liệt như chuyện thay ngôi đổi vị, chiếm vợ đoạt chồng nhưng rồi cuối cùng đều được giải quyết bằng con đường hòa giải: Lý Chiêu Hoàng cao thượng trao lại vương quyền cho Trần Cảnh, nhường ngôi vị hoàng hậu cho Thuận Thiên, Trần Cảnh xá tội và trọng dụng Trần Liễu... Nhưng mối mâu thuẫn địch - ta vẫn còn ở phía trước khi kẻ thù vẫn chưa thôi ý đồ lăm le xâm lược nước ta như lời người thị nữa ở hồi vĩ thanh.

Ở một số vở kịch dựa vào tích truyện dân gian, NĐT không giải quyết xung đột bằng kết thúc có hậu như kiểu kết thúc của dân gian. Các vở như "Cái bóng trên tường" hay "Người đàn bà hóa đá" xét về hình thức cấu trúc của kịch cứ ngỡ như những vở kịch đã kết thúc nhưng biết bao vấn đề đặt ra trong vở kịch vẫn chưa giải quyết rõ ràng, biết bao vấn đề mới nảy sinh trong quá trình phát triển xung đột, những chuyển biến của tính cách ở các nhân vật kịch buộc người xem phải trăn trở, suy nghĩ.

Đặc trưng thẩm mĩ của các kiểu xung đột trong kịch NĐTp là tính chất không gay gắt của những mâu thuẫn như trong vở "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" khá rõ nét. Kết thúc vở kịch là cảnh Trần Nguyên Hãn là Nguyễn Trãi đeo gươm đi mải miết về phương trời xứ Thanh tìm minh chúa. Vở kịch không đề cập đến kết quả của hành trình ấy nhưng hình ảnh chân trời đang rộng mở, xanh hơn, sáng hơn trong mắt cô Cúc là biểu trưng cho một điều tốt đẹp đang đợi phía trước cho tương lai của dân tộc, cho những trí thức yêu nước đau đáu vì sự tồn vong của non sông.

Cũng theo hướng giải quyết xung đột gợi mở phải kể đến vở "Hoa và Ngần", cuộc xung đột giữa ta và địch đang đễn những tháng ngày gay go, ác liệt và xung đột ấy vẫn chưa kết thúc hoàn toàn bởi nó chỉ là bước chuyển giao cho hai giai đoạn. Hiệp định Pari được kí kết nhưng những ác liệt của chiến tranh bom đạn vẫn còn phía trước.

Thứ năm, ngôn ngữ đối thoại và xung đột kịch.

Xung đột hay diễn biến của hành động kịch chủ yếu bộc lộ qua lời thoại của nhân vật. Lời thoại bộc lộ tính cách và cuốn nhân vật vào xung đột. Như ở hồi IV, vở "Rừng trúc" miêu tả sự việc Trần Cảnh và Thuận Thiên yêu thương, chăm sóc cho nhau. Thông thường các nhân vật phải chuyện trò xung quanh việc đó nhưng cả hai lại hướng ra ngoài phạm vi nội tại của tình huống. Ngôn ngữ đối thoại góp phần quan trọng vào việc trình bày xung đột, làm bật ra những mâu thuẫn nội tại trong quan hệ giữa con người với con người, con người với hoàn cảnh.

Ở cuối cảnh IV, vở "Tiếng sóng", xuất hiện độ vênh trong đối thoại giữa ông Đạt và bà giáo. Tình thế đối thoại tưởng không có gì căng thẳng nhưng ẩn sâu trong đó là những uẩn khúc tâm lý. Một người cố chạy đuổi, một người cố tình lảng tránh, hiểu sai vấn đề. Họ hiểu nhau nhưng vở kịch không hiểu. Ý nghĩa bề mặt của lời thoại chỉ là phần nổi trong "tảng băng trôi" tâm lý. Độ căng của xung đột kịch do vậy thực chất rất gay gắt.

Trong vở kịch "Cái bóng trên tường" NĐT đã xây dựng cuộc đối thoại gay gắt của hai vợ chồng về những nghi ngờ, phản bội. Người chồng dồn đuổi, người vợ ngỡ ngàng, chồng chì chiết, vợ hốt hoảng, chồng đe nẹt, vợ thanh mình. Lời thoại ngắn, nhanh xen cùng những biến đổi trong cung bậc cảm xúc: đắng cay, thất vọng, chua xót, tủi hổ, bẽ bàng đã đẩy xung đột đi đến đỉnh điểm, đòi hỏi được giải quyết gắt gao.

Qua những lời đối thoại, ta cảm thấy rõ nét những xung đột nội tâm của Mị Nương trong vở Trương Chi khi cô được nhìn rõ khuôn mặt người yêu dấu bao ngày chỉ qua tiếng hát. Đoạn đối thoại ngắn, đứt quãng cho thấy những suy tính, những băn khoăn, phân vân và cả những đấu tranh trong lòng cô quận chúa xinh đẹp. Vừa muốn đi, vừa không thể cất bước.

Thứ sáu, ngôn ngữ độc thoại và xung đột kịch.

Con người không thể sống thiếu suy nghĩa. Để có một hành động đúng đắn cho sự tồn tại của bản thân, con người phải cân nhắc, suy nghĩ. Ngôn ngữ độc thoại là tiếng nói của nhân vật chỉ nói với chính mình. Khảo sát trong mười vở kịch của NĐT thì ngoài vở "Hoa và Ngần" thì chín vở còn lại đều có yếu tố độc thoại, đặc biệt trong các vở "Rừng trúc", "Con nai đen", "Giấc mơ"... ngôn ngữ độc thoại chiếm tỉ lệ đáng kể.

Trong vở "Rừng trúc", đoạn độc thoại khá dài của Chiêu Thánh vừa diễn tả những bi kịch của vị vua cuối cùng triều Lý, vừa cho thấy mối xung đột âm ỉ mà dữ dội trong lòng của nàng.

Hay trước cảnh non sông đang lâm nạn, là kẻ thức nhân phải tỉnh táo, Nguyễn Trãi đã phê phán cách nghĩ, cách làm không đúng của nho sĩ để tự tìm cho mình một cách sống riêng qua những độc thoại ở vở "Nguyễn Trãi ở Đông Quan".

Như vậy, việc việc sử dụng ngôn ngữ độc thoại, NĐT giúp cho người đọc nhìn thấu cuộc sống bên trong nhân vật, những day dứt nội tâm và cả những xung đột mạnh mẽ giữa thực tại và ước mong của nhân vật.


=> Xung đột là yếu tố cơ bản và quan trọng trong kịch. Lấy những mâu thuẫn, xung đột trong đời sống làm đối tượng miêu tả, kịch phản ánh hiện thực theo cách riêng của mình: cô đọng, tập trung, dồn nén. Tìm hiểu sự nghiệp văn học của NĐT chúng ta không thể không quan tâm đến mảng sáng tác kịch của công và nghiên cứu kịch NĐT ở khía cạnh xung đột kịch, luận văn chỉ hướng tới khai thác những hình thái xung đột trong kịch của NĐT cùng nghệ thuật thể hiện những xung đột ấy.

Kịch NĐT bám sát cuộc sống với những xung đột gần gũi lẽ sống thường ngày của con người. Cái đích những xung đột hướng tới không đơn giản, hơi hợt mà tập trung vào những tổn thương tâm lí ẩn trong trái tim mỗi con người. Xung đột trong mỗi vở kịch thường đặt ra nhiều vấn đề mang tính vĩnh cửu cho cuộc sống như xung đột thật - giả, xung đột nội tâm, xung đột dân tộc.

Qua việc thể hiện những hình thái xung đột kịch ở những vở kịch của NĐT ta có thể thấy rõ trong cách xây dựng và kiến tạo kết cấu tác phẩm thông qua tình tiết và cao trào của từng vở kịch. Không gian - thời gian nghệ thuật cũng là một phương thức quan trọng trong việc xây dựng và triển khai xung đột trong kịch NĐT. Vỡi những bối cảnh không thời gian hợp lý, xung đột được dàn dựng và kiến tạo hấp dẫn, mang nét đặc trưng cho bối cảnh của từng màn kịch, cho từng diễn biến hành động của nhân vật. Thêm vào đó, ngôn ngữ kịch đa dạng và linh hoạt của NĐT cũng khiến mối nút thắt cho xung đột, mỗi giải đáp cho số phận nhân vật kịch sau những mâu thuẫn căng thẳng, gay gắt được hợp lý và sắc bén hơn.

NĐT đã kế thừa được thành tựu của văn học kịch trước đây đồng thời nhà văn đã tạo nên được nét riêng cho những sáng tác của mình mà yếu tố góp phần không nhỏ cho điều đó là xung đột kịch.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top