Vua thứ 13 nhà Nguyễn- Vua Bảo Đại (Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy)-

Trang Dimple

New member
Xu
38
Vua Bảo Đại tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, ông sinh ngày 22/10/1913 tại cố đô Huế, mất 31/7/1997 tại Paris, Pháp, ông là vị vua thứ 13 của triều đại nhà Nguyễn, cũng là vị vua cuối cùng trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.
Vua-bao-dai.jpg



Thân Thế
Thuở nhỏ
Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy là con duy nhất của vua Khải Định, thân mẫu của ông là bà Hoàng Thị Cúc (Đức Từ Cung). Đầu năm 1913, bà Hoàng Thị Cúc mang thai Vĩnh Thụy và nhận đứa con mang trong bụng là của Phụng Hóa công tức vua Khải Định sau này.
Khi mang thai, bà Hoàng Thị Cúc là cung nữ hầu hai bà Thánh Cung Nguyễn Hữu Thị Nhàn và Tiên Cung Dương Thị Thục (hai bà là vợ góa của vua Đồng Khánh thân phụ của vua Khải Định). Hai bà Tiên Cung và Thánh Cung đã nhiều lần tra khảo, có lần còn ép bà phải nằm úp bụng bầu xuống đất và đánh, bắt bà phải khai đứa con trong bụng là của ai sao lại dám đặt điều nhưng bà vẫn một mực khẳng định đây là con của Phụng Hóa Công. Kể từ đó bà mới được tha và hưởng thời kỳ dưỡng thai, ngày 22/10/1913 bà hạ sinh hoàng nam Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy.

Khi hoàng tử Vĩnh Thụy mới chào đời, khác với những người mẹ bình thường, bà lập tức bị cách ly khỏi con trai. Bà Tiên Cung đón cháu nội về cung của mình, tự chăm sóc, nuôi nấng. Mỗi ngày vài lần, bà Tiên Cung cho gọi Huệ phi vào cho con bú, rồi lại bắt về. Vì thế bà tiếng là làm mẹ nhưng gần như không được một ngày chăm sóc con. Mối quan hệ giữa bà và đức Tiên Cung hết sức căng thẳn, vì xuất thân không cao quý, đức Tiên Cung không xem trọng và tỏ ra lạnh nhạt với bà.


Đông cung hoàng thái tử
Sau khi vua Khải Định lên ngôi vào năm 1916 đến 28/4/1922 , khi lên 9 tuổi Vĩnh Thụy được tấn phong làm Đông Cung Hoàng Thái Tử.

vua-bao-dai-le-phuc-dong-cung-hoang-thai-tu.jpg


Vua Bảo Đại mặc lễ phục trong dịp tấn phong Đông Cung Hoàng Thái Tử

Vua Bảo Đại vị vua thứ 13 triều đại nhà Nguyễn

Ngày 8/1/1926 Đông Cung Hoàng Thái Tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy chính thức lên nối ngôi vua cha, lấy niên hiệu là Bảo Đại. Vừa mới lên ngôi ông lại tiếp tục qua Pháp vào tháng 3/1926 để theo học tại trường Sciences Po một trường về khoa học chính trị, công việc trong nước giao lại cho các đại thần phụ chính

vua-bao-dai-va-doan-ho-gia.jpg


Vua Bảo Đại ngồi trên kiệu và đoàn hộ giá từ điện Cần Chánh lên điện Thái Hòa trong lễ lên ngôi của mình

Sau mười năm theo học tại Pháp vua Bảo Đại lên tàu D Artagnan trở về nước vào ngày 16/8/1932 (trên chuyến tàu này có cả vợ Bảo Đại vị hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn sau này là Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan tức Nam Phương Hoàng Hậu đi cùng nhưng lúc này 2 người chưa biết nhau). Ngay sau đó Vua Bảo Đại ra đạo dụ số một tuyên cáo chấp chính và khẳng định chế độ quân chủ Đại Nam hoàng triều. Văn bản này hủy bỏ “Quy ước” ngày 16 tháng 11 năm 1925 lập ra sau khi vua Khải Định mất không lâu.

Vua Bảo Đại đã ra cải cách công việc trong triều như sắp xếp lại việc nội chính, hành chính. Ông đã cho bỏ một số phong tục mà các vua nhà Nguyễn trước đã bày ra như thần dân trong nước không phải quỳ lạy mà có thể ngước nhìn vua khi lễ giá tới, mỗi khi vào chầu các quan Tây không phải chắp tay xá lạy mà chỉ bắt tay vua, các quan ta cũng không phải quỳ lạy.

vua-bao-dai-tren-ngai-vang.jpg

Vua Bảo Đại ngồi trên ngai vàng trong Điện Thái Hòa

Ngày 8/4/1932, Bảo Đại đã ban hành một đạo dụ cải tổ nội các, quyết định tự mình chấp chính và sắc phong thêm 5 thượng thư mới xuất thân từ giới học giả và hành chính là Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Hồ Đắc Khải, Ngô Đình Diệm (Thủ tướng cuối cùng của Quốc gia Việt Nam và là Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa sau này) và Bùi Bằng Đoàn nhằm thay thế các thượng thư già yếu hoặc kém năng lực như Nguyễn Hữu Bài, Tôn Thất Đàn, Phạm Liệu, Võ Liêm, Vương Tứ Đại.

Ông thành lập viện dân biểu để trình bày nguyện vọng lên nhà vua và quan chức bảo hộ Pháp và cho phép Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ được thay mặt Nam triều trong việc hợp tác với chính quyền bảo hộ, tháng 12/1933, Vua Bảo Đại ra Bắc kỳ thăm dân chúng.

oto-don-vua-bao-dai-tai-ga-ha-noi.jpg



Oto đón vua Bảo Đại trước ga Hà Nội trong chuyến ra thăm Bắc Kỳ



Nguồn : lichsunuocvietnam.com
 
Cuộc tình với Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan (Nam Phương Hoàng Hậu)

Năm 1933 khi vua Bảo Đại lên nghỉ mát tại Đà Lạt, và được sự dàn xếp của vị Toàn Quyền Pháp Pasquier và viên Đốc lý Darle thị trưởng Đà Lạt, trong một buổi dạ tiệc tại khách sạn La Palace tại Đà Lạt do toàn quyền Đông Dương và viên Đốc lý thành phố sắp đặt, Nguyễn Hữu Thị Lan và Bảo Đại đã gặp nhau.
Hotel-Palace-dalat.jpg

Khách Sạn Hotel Palace Đàlạt nơi gặp mặt lần đầu giữa vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu

Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan xuất thân trong một gia đình Công giáo giàu có bậc nhất miền Nam thời bấy giờ. Bà là con gái của Nguyễn Hữu Hào, mẹ là Lê Thị Bính, cháu ngoại của Lê Phát Đạt (tục gọi là Huyện Sỹ) ở Nam Kỳ, là người giàu nhất nước Việt Nam những năm đầu của thế kỷ 20

Marie-Thérèse-nguyen-huu-thi-lan.jpg

arie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan khi còn trẻ
Về mối tình duyên đó, Bảo Đại có viết trong cuốn Con rồng Việt Nam:

“Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỉ niệm ở trường Couvent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng. Các vị Tiên Đế của tôi cũng thường hướng về người đàn bà miền Nam. Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế. Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ, hình như đức Tiên Đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia đức Thế Tổ Cao Hoàng đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam”.
Hoàng hậu Nam Phương cũng nhắc lại:

“Hôm đó ông Darle, Đốc Lí thành phố Đà Lạt gởi giấy mời cậu Lê Phát An và tôi đến dự dạ tiệc ở Hotel Palace. Tôi không muốn đi nhưng cậu An tôi năn nỉ và hứa với tôi là chỉ đến tham dự một chút và vái chào nhà Vua xong là về nên tôi phải đi một cách miễn cưỡng và tôi cũng chỉ trang điểm sơ sài và chỉ mặc cái áo dài bằng lụa đen mua bên Pháp thôi. Chúng tôi đến trễ nên buổi tiệc đã bắt đầu từ lâu. Cậu tôi kéo ghế định ngồi ngoài hiên thì ông Darle trông thấy, ông ta chạy đến chào chúng tôi rồi nắm tay cậu tôi kéo chúng tôi vô nhà. Vừa đi ông vừa nói: “Ông và cô phải đến bái yết Hoàng thượng mới được”. Khi cánh cửa phòng khách vừa mở, tôi thấy vua Bảo Đại ngồi trên chiếc ghế bành chính giữa nhà. Ông Darle bước tới bên cạnh Vua rồi nghiêng mình cúi chào và kính cẩn nói:-Votre Majesté, Monsieur Lê Phát An et sa nièce, Mademoiselle Marie Thérèse. (Tâu Hoàng thượng, đây là ông Lê Phát An và người cháu gái, cô Marie Thérèse)Nhờ các nữ tu ở trường Couvent des Oiseaux từng chỉ dạy nên tôi biết phải làm gì để tỏ lòng tôn kính đối với bậc Quân Vương, vì vậy tôi đã không ngần ngại đến trước mặt Hoàng Đế, quỳ một gối và cúi đầu sát nền nhà cho đến khi thấy bàn tay cậu tôi kéo tôi dậy, tôi mới đứng lên. Vua gật đầu chào tôi đúng lúc tiếng nhạc vừa trỗi theo nhịp điệu Tango, Ngài ngỏ lời mời và dìu tôi ra sàn nhảy rồi chúng tôi bắt đầu nói chuyện.Về sau, khi đã trở thành vợ chồng, Ngài mới cho tôi biết hôm đó Ngài rất chú ý cách phục sức đơn sơ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi được nhà Vua lưu ý một phần do trong suốt buổi dạ tiệc chỉ có tôi là người đàn bà Việt Nam duy nhất nói tiếng Pháp và theo hành lễ đúng cung cách lễ nghi Âu tây đối với Ngài”.
Vua Bảo Đại say mê Nguyễn Hữu Thị Lan, ông viết lại: Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê. Và khi Bảo Đại hỏi cưới thì gia đình Nguyễn Hữu Thị Lan ra điều kiện:

  1. Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng Hậu Chánh Cung ngay trong ngày cưới.
  2. Được giữ nguyên đạo Công Giáo, và các con khi sinh ra phải được rửa tội theo giáo luật Công giáo và giữ đạo.
  3. Riêng Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo.
  4. Phải được Tòa Thánh cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau
Nguyễn Hữu Thị Lan là người nổi tiếng xinh đẹp, từng ba năm liền đạt giải hoa hậu Đông Dương, nhưng bà mang quốc tịch Pháp và theo Công giáo. Vì vậy cuộc hôn nhân giữa Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan gặp phải rất nhiều phản đối. Trước Hoàng Tộc, Bảo Đại đã nói: “Trẫm cưới vợ cho trẫm đâu phải cưới cho cụ Tôn Thất Hân và Triều đình.”

Ngày 20/3/1934, vua Bảo Đại làm đám cưới với Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan và tấn phong bà làm Nam Phương hoàng hậu. Đây là một việc làm phá lệ bởi vì kể từ khi vua Gia Long khai sáng triều Nguyễn cho đến vua Khải Định, các vợ vua chỉ được phong tước Hoàng phi, sau khi mất mới được truy phong Hoàng hậu. Ông là nhà vua đầu tiên thực hiện bỏ chế độ cung tần, thứ phi.

vua-bao-dai-va-hoang-hau-nam-phuong.jpg

Vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương sau ngày cưới 20/3/1934


Sau lễ cưới, Vua Bảo Đại cùng Nam Phương hoàng hậu dọn về ở tại điện Kiến Trung trong Tử Cấm Thành. Điện này xây cất từ thời vua Khải Định, nhưng đã được sửa chữa và tân trang các tiện nghi Tây phương vào đầu triều Bảo Đại.

vua-bao-dai-dien-kien-trung.jpg


Vua Bảo Đại trong phòng khách điện Kiến Trung

Đêm ngày 4/1/1936, người dân ở kinh thành Huế nghe những tiếng đại bác bắn mừng báo tin Nam Phương hoàng hậu đã hạ sinh, và lờ mờ sáng lại một lần nữa 7 tiếng súng thần công làm lay động cả Hoàng Thành, báo hiệu Hoàng hậu đã sinh một Hoàng tử. Người đó chính là Đông cung Thái tử Nguyễn Phúc Bảo Long.

Nam Phương hoàng hậu vua Bảo Đại có tất cả 5 người con:

  1. Nguyễn Phúc Bảo Long, sinh ngày 4 tháng 1 năm 1936, tước phong Hoàng thái tử.
  2. Phương Mai công chúa, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1937.
  3. Phương Liên công chúa, sinh ngày 3 tháng 11 năm 1938.
  4. Phương Dung công chúa, sinh ngày 5 tháng 2 năm 1942.
  5. Nguyễn Phúc Bảo Thắng, sinh ngày 9 tháng 12 năm 1943, Nhị hoàng tử.
Nguồn : lichsunuocvietnam.com
 
Cuộc sống thường ngày của ông vua không quyền lực
Giai đoạn này tuy làm Vua nhưng ông hầu như không nắm thực quyền, mọi quyền hành lúc này đều do chính phủ bảo hộ Pháp quản lý. Điều này làm ông chán nản hay tìm đến thú vui săn bắn, vào năm 1939 trong một chuyến đi săn ở Đà Lạt ông bị sập hầm gãy chân, do vết thương nặng nên ông được đưa sang Pháp điều trị.

vua-bao-dai-sang-phap-dieu-tri-gay-chan.jpg


Nhà vua được đưa máy bay đi chữa trị vết thương, ảnh ông đang nhờ châm 1 điếu thuốc khi nằm trên cáng


Ngoài ra vua Bảo Đại cũng rất hay chơi những môn thể thao được du nhập từ phương tây, do ảnh hưởng từ thời còn đi du học

vua-bao-dai-choi-quan-vot.jpg



Ngày đó vua Bảo Đại là một tay chơi quần vợt rất có tiếng, ông cho xây hẳn một sân quần vợt ở trong Đại Nội, Người đứng cạnh ông là hoàng thân Vĩnh Cẩn, họ hàng và cũng là bạn thân thiết với ông từ thuơ nhỏ

vua-bao-dai-choi-truot-van.jpg


Nhà vua chơi lướt ván rất điệu nghệ trên sông Hương
 
Quốc Trưởng Đế Quốc Việt Nam

Sau khi Nhật đảo chính Pháp và tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam. Ngày 11/3/1945, Bảo Đại ra đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam, thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Trong tuyên bố của Bảo Đại, ông bãi bỏ các hiệp ước bảo hộ và mất độc lập với nước Pháp trước đây, độc lập theo tuyên ngôn Đại đông Á, và “ông cũng như Chính phủ Việt Nam tin tưởng lòng trung thực của Nhật Bản và nó được xác định làm việc với các nước để đạt được mục đích”

Ngày 7/4/1945, Bảo Đại đã ký đạo dụ số 5 chuẩn y thành phần nội các Trần Trọng Kim và ngày 12/5 giải thể Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tháng 6/1945, chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam.

Ngày 16/8/1945, Trần Trọng Kim tuyên bố bảo vệ “độc lập” giành được 9/3, và ngày 18/8 tạo ra một Ủy ban Giải phóng Dân tộc. Theo lời khuyên của ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bảo Đại gửi thông điệp cho Tổng thống Hoa Kỳ Truman, vua nước Anh, Thống chế Tưởng Giới Thạch Trung Hoa, Tướng de Gaulle của Pháp đề nghị công nhận độc lập của Việt Nam. Tuy nhiên đến 24 tháng 8 ông đã thực hiện câu trả lời Hội đồng Cơ mật quyết định thoái vị “để không phải là một trở ngại cho sự giải phóng của đất nước”.

Ngày 18/8/1945, vua Bảo Đại đã xác nhận độc lập của Việt Nam sau khi Nhật đầu hàng, được công bố vào tháng 3 và đồng thời gửi một thông điệp đến tướng De Gaulle yêu cầu công nhận nền độc lập của Việt Nam. Thông điệp này cho rằng sự độc lập của Việt Nam “chỉ có nghĩa là bảo vệ lợi ích của Pháp và ảnh hưởng tinh thần Pháp ở Đông Dương“. Tuy nhiên De Gaulle dự kiến sẽ hậu thuẫn cho một chế độ quân chủ mà người đứng đầu không phải là Bảo Đại, người đã thỏa hiệp với Nhật Bản để được “độc lập”, mà là Vĩnh San tức vua Duy Tân trước đây , được xem như là một người “Gaullist”.

Vua Bảo Đại thoái vị

Từ tháng 3/1945, Việt Nam rơi vào một tình trạng hỗn loạn do khoảng trống về quyền lực chính trị quá lớn. Người Nhật đang lo chống đỡ các đòn tấn công của quân đội đồng minh Anh,Mỹ. Cả chính phủ của Trần Trọng Kim lẫn triều đình của Bảo Đại đều không đủ lực lượng quân sự và uy tín chính trị để kiểm soát tình hình. Theo Peter A. Pull, chỉ có Việt Minh là lực lượng có tổ chức duy nhất ở nước này có khả năng nắm được quyền chính trị. Chiến tranh đã làm kiệt quệ nền kinh tế, nước Nhật cạn kiệt nguyên liệu nên quân Nhật chiếm lấy lúa gạo và các sản phẩm khác, bắt dân phá lúa trồng đay để phục vụ chiến tranh, cộng thêm thiên tai, nạn đói năm 1945 (Nạn đói Ất Dậu) đã xảy ra tại Bắc kỳ vàTrung kỳ. Người ta ước tính rằng đã có khoảng hai triệu người chết vì nạn đói này.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Tại các địa phương trên cả nước, Việt Minh buộc chính quyền Đế quốc Việt Nam giao quyền lực cho họ. Trước tình thế đó, Bảo Đại quyết định thoái vị. Bảo Đại không rõ phải liên lạc với ai ở Hà Nội, nên gửi một điện tín tới “Ủy ban Nhân dân Cứu quốc” ở Hà Nội:

Đáp ứng lời kêu gọi của Ủy ban, tôi sẵn sàng thoái vị. Trước giờ quyết định này của lịch sử quốc gia, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng hy sinh tất cả mọi quyền lợi, để cho sự đoàn kết được thành tựu, và yêu cầu đại diện của Ủy ban sớm tới Huế, để nhận bàn giao.

vua-bao-dai-thoai-vi.jpg
Vua Bảo Đại đứng trước điện Kiến Trung, Ông đang chờ phái đoàn của chính phủ lâm thời do ông Trần Huy Liêu đứng đầu đến để trao ấn, kiếm xin thoái vị ngày 30/8/1945
Sáng ngày 23/8/1945, hai phái viên của Việt Minh là ông Trần Huy Liệu và ông Cù Huy Cận đến cung điện Huế. Theo lời yêu cầu của hai ông này, chiều ngày 25/8/1945, Bảo Đại đã đọc Tuyên ngôn Thoái vị trước hàng ngàn người tụ họp trước cửa Ngọ Môn và sau đó trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho ông Trần Huy Liệu. Ông trở thành “công dân Vĩnh Thụy”. Trong bản Tuyên ngôn Thoái vị, ông có câu nói nổi tiếng “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước nô lệ“.

Trong tuyên ngôn thoái vị của vua Bảo Đại có đoạn “Trẫm yêu cầu tân chính phủ phải giữ gìn lăng tẩm và miếu mạo của hoàng gia.”

Nguồn : lichsunuocvietnam.com
 
Làm cố vấn cho chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa

Tháng 9/1945, Công dân Vĩnh Thụy được Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội nhận chức “Cố vấn tối cao Chính phủ Lâm thời Việt Nam”, ông là một trong 7 thành viên của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Ho-chi-minh-va-vinh-thuy.jpg

Cố vấn Vĩnh Thụy và chủ tịch Hồ Chí Minh dự “Ngày tiễu trừ nạn đói” 11/10/1945

Đến ngày 6/1/1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Lưu vong Trung Quốc
Ngày 16/3/1946, cố vấn Vĩnh Thụy tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh thăm viếng Trung Hoa, nhưng ông không trở về nước, mà về Côn Minh rồi Hương Cảng (Hồng Kông ngày nay). Tại Côn Minh, ông đã tiếp xúc với nhiều giới chính trị, trong đó có người Mỹ. Đại tướng George Marshall, đại diện Hoa Kỳ, đã đem bản giao ước với Bảo Đại về trình Tổng thống Hoa Kỳ là Harry S. Truman. Bảo Đại bèn viết thư về nước xin từ chức “Cố vấn tối cao” trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam
Đàm phán với chính phủ Pháp

Đầu năm 1947, D’Argenlieu bị triệu hồi về nước do bị người Việt Nam và các đảng phái cánh tả Pháp căm ghét. Trước áp lực của các đảng phái cánh tả Pháp như Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Xã hội Pháp, Thủ tướng Ramadier – một đại biểu xã hội chủ nghĩa, thông báo rằng chính phủ của ông ủng hộ nền độc lập và thống nhất cho Việt Nam: “Độc lập trong Liên hiệp Pháp và liên minh của ba nước An Nam, nếu người dân An Nam mong muốn nó” và Pháp sẵn sàng đàm phán hòa giải với những đại diện chân chính của Việt Nam.

Để hậu thuẫn cho Bảo Đại đàm phán với Pháp về nền độc lập của Việt Nam, các lực lượng chính trị bao gồm Cao Đài, Hoà Hảo, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Đại Việt Quốc dân đảng và Việt Nam Quốc dân Đảng liên kết thành lập Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp. Ngay sau đó, Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp quyết định sẽ ủng hộ Bảo Đại đàm phán với Pháp về nền độc lập của Việt Nam. Tháng 5/1947, Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp cử phái đoàn đến Hồng Kông gặp Bảo Đại để thuyết phục ông này thành lập một Chính phủ Trung ương và đàm phán với Pháp về nền độc lập của Việt Nam. Bảo Đại được Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp bao gồm các lực lượng chính trị Cao Đài, Hoà Hảo, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Đại Việt Quốc dân đảng và Việt Nam Quốc dân Đảng hậu thuẫn. Đây là những tổ chức chính trị hoặc tôn giáo từng tham gia chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay hợp tác với Việt Minh chống Pháp nhưng do xung đột với Việt Minh nên chuyển sang ủng hộ Bảo Đại thành lập Quốc gia Việt Nam.

Năm 1947, cựu trùm mật thám Pháp ở Đông Dương là Cousseau đã tiếp xúc với Bảo Đại tại Hồng Kông, ngỏ ý mời ông về nước nắm quyền, hình thành nên “giải pháp Bảo Đại”. Có ý kiến cho rằng việc này nhằm chống lại cuộc chiến giành độc lập của phong trào Việt Minh, cũng có ý kiến cho rằng giải pháp Bảo Đại được đưa ra nhằm phản ứng với xu hướng quốc tế trao trả độc lập cho các thuộc địa đồng thời nhằm chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Dương. Còn bản thân Bảo Đại nhận xét rằng “Cái được gọi là giải pháp Bảo Đại hóa ra là giải pháp của người Pháp.”

Mỹ ủng hộ nguyện vọng độc lập dân tộc tại Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, nhưng với điều kiện lãnh đạo của những nhà nước mới “không phải là người cộng sản”, Mỹ ủng hộ việc thành lập các “nhà nước phi cộng sản” ổn định trong khu vực tiếp giáp Trung Quốc. Theo thuyết Domino, Mỹ hỗ trợ những quốc gia đồng minh tại Đông Nam Á vì không hài lòng với điều mà họ cho là “lực lượng cộng sản muốn thống trị Châu Á dưới chiêu bài dân tộc“. Bằng viện trợ, Mỹ ép Pháp phải nhượng bộ chủ nghĩa dân tộc tại Việt Nam. Chính sách của Mỹ là hỗ trợ người Pháp chiến thắng trong cuộc chiến chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó sẽ ép người Pháp rút lui khỏi Đông Dương. Đáp lại, phía Pháp nhận định là Mỹ quá “ngây thơ”, và một người Pháp đã nói thẳng là “những người Mỹ ưa lo chuyện người khác, ngây thơ vô phương cứu chữa, tin tưởng rằng khi quân đội Pháp rút lui, mọi người sẽ thấy nền độc lập của người Việt xuất hiện.”

Ngày 7/12/1947, tại cuộc họp trên tàu chiến Pháp ở Vịnh Hạ Long, Bảo Đại và Pháp đàm phán rồi ký kết Hiệp ước Vịnh Hạ Long. Hiệp ước thể hiện sự đồng thuận của hai bên về việc thành lập Quốc gia Việt Nam trên cơ sở nguyên tắc độc lập và thống nhất của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp, mặc dù nghĩa chính xác của từ “độc lập” và các quyền hạn cụ thể của chính phủ mới vẫn chưa được xác định. Chính phủ hoạt động dưới một hiến chương lâm thời, chọn cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ và bản “Thanh niên Hành Khúc” với lời nhạc mới làm quốc ca. Quốc gia Việt Nam sẽ có một quân đội riêng tuy nhiên phải “sẵn sàng bảo vệ bất cứ phần nào của Liên Hiệp Pháp”. Sự độc lập chính trị của nhà nước Quốc gia Việt Nam được quy định trong Hiệp ước Vịnh Hạ Long quá nhỏ nên hiệp ước này bị Ngô Đình Diệm và cả những chính trị gia trong Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp chỉ trích.

Do bị các chính trị gia trong Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp chỉ trích, Bảo Đại chấm dứt đàm phán với Pháp và đi du lịch Châu Âu trong 4 tháng. Người Pháp cử các nhà ngoại giao theo Bảo Đại để thuyết phục ông tiếp tục đàm phán và thành lập Chính phủ. Tháng 1/1948, Cao ủy Pháp tại Đông Dương E. Bollaert tìm gặp Bảo Đại ở Genève, Thụy Sĩ để thuyết phục ông quay về Việt Nam để tiếp tục đàm phán và thành lập Chính phủ. Bảo Đại tuyên bố nếu Hiệp ước Vịnh Hạ Long không được bổ sung ông sẽ không quay về Việt Nam. Sau đó ông đi Cannes, Paris rồi quay về Hồng Kông.

Nguồn : lichsunuocvietnam.com
 
Thành lập Quốc gia Việt Nam
Ngày 24/4/1948, thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân và Trần Văn Hữu cũng bay tới Hồng Kông để gặp Bảo Đại xin thành lập Chính phủ Lâm thời cho Việt Nam, ngày 15/5, Bảo Đại gửi thông điệp cho tướng Xuân, tán thành sự thành lập Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam do tướng Xuân điều khiển “để giải quyết vấn đề Việt Nam đối với Pháp và dư luận Quốc tế”.
Ngày 5 tháng 6 năm 1948, Bảo Đại đã gặp gỡ Cao ủy Pháp Bollaert ở vịnh Hạ Long, trên chiến hạm Duguay Trouin, để đàm phán về nền độc lập và thống nhất của Việt Nam. Tháng 1 năm 1949, Bản tuyên ngôn Việt – Pháp được công bố, theo đó nước Pháp công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam trong khuôn khổ của khối Liên hiệp Pháp.
Việt Minh chỉ trích Bảo Đại là xấu xa, tội lỗi vì đã lấy lại từ người Pháp chữ “độc lập” thần kỳ mà Hồ Chí Minh đã cố gắng giành giật ở Fontainebleu không được. Những người Pháp có tư tưởng thực dân phản đối điều mà họ cho là sự đầu hàng của Bollaert, đồng thời yêu cầu cắt Nam Kỳ ra khỏi phần còn lại của Việt Nam, đòi đưa Việt Nam quay trở lại chế độ Bảo hộ. Các chính trị gia ở Paris ra sức trấn an những người Pháp ủng hộ chủ nghĩa thực dân và đảm bảo với họ rằng sẽ không có gì thay đổi – cuộc chiến tranh sẽ không chấm dứt. Các lãnh tụ Cộng hoà Bình dân và nhiều người thân cận với Cộng hoà Bình dân lại cho rằng kéo dài chiến tranh sẽ hết sức có lợi và đã đi đến quyết định không để cho cuộc chiến tranh kết thúc sớm.
Sau đó Bảo Đại rút lui khỏi các hoạt động chính trị và đi Châu Âu một lần nữa. Ngày 25/8/1948, từ Saint Germain Bảo Đại báo cho E. Bollaert biết ông sẽ không quay về Việt Nam nếu Pháp không hủy bỏ chế độ thuộc địa tại Nam Kỳ và trao trả Nam Kỳ lại cho Quốc gia Việt Nam cũng như nếu ông không nhận được sự đảm bảo của Pháp cho Việt Nam độc lập.
Ngày 8/3/1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée, thành lập một chính quyền Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, gọi làQuốc gia Việt Nam, đứng đầu là Bảo Đại. Bảo Đại yêu cầu Pháp phải trao trả Nam Kỳ cho Việt Nam và Pháp đã chấp nhận yêu cầu này.
Ngày 24 tháng 4 năm 1949, Bảo Đại về nước. Hai tháng sau, vào ngày 14 tháng 6, Bảo Đại tuyên bố tạm cầm quyền cho đến khi tổ chức được tổng tuyển cử và tạm giữ danh hiệu Hoàng đế để có một địa vị quốc tế hợp pháp. Ngày 20 tháng 6 năm 1949, thủ tướng Nguyễn Văn Xuân đệ đơn từ chức, Chính phủ Lâm thời Nam phần tuyên bố giải tán. Ngày 21 tháng 6, thỏa ước Elyseé được công bố.
Cuối tháng 6 năm 1949, Việt Nam chính thức thống nhất dưới sự quản lý của Quốc gia Việt Nam.[11] Pháp chuyển giao những chức năng hành chính cho Quốc gia Việt Nam một cách chậm chạp, hai chức năng quan trọng nhất và tài chính và quân đội thì vẫn phụ thuộc vào Pháp.
Thành lập Chính phủ
Ngày 1 tháng 7 năm 1949, Chính phủ Lâm thời của Quốc gia Việt Nam được thành lập theo sắc lệnh số 1-CP của thủ tướng, tấn phong Bảo Đại là Quốc trưởng, trung tướngNguyễn Văn Xuân làm Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng (Có tài liệu ghi Bảo Đại là Quốc trưởng kiêm Thủ tướng, Nguyễn Văn Xuân là phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng). Theo đánh giá của người Mỹ, Bảo Đại ít tham gia vào công việc của chính phủ, giành nhiều thời gian cho nghỉ mát.
Tháng 1 năm 1950, Bảo Đại chỉ định Nguyễn Phan Long làm Thủ tướng. Ngày 27 tháng 4 năm 1950, giải tán chính phủ Nguyễn Phan Long và ủy nhiệm Thủ hiến Trần Văn Hữuthành lập chính phủ mới. Tính đến đầu năm 1950, có 35 quốc gia công nhận Quốc gia Việt Nam.
chan-dung-vua-bao-dai.jpg


Chân dung Bảo Đại đầu những năm 1950
Từ tháng 6 cho đến tháng 10 năm 1950, Quốc gia Việt Nam và Pháp họp tại Pau (Pháp) để bàn về việc chuyển giao các chức năng quản lý xuất nhập cảnh, quan hệ ngoại giao, ngoại thương, hải quan và tài chính cho Quốc gia Việt Nam. Tài chính là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất bao gồm việc kiểm soát lợi nhuận từ hoạt động ngoại hối. Kết quả tất cả các chức năng trên đã được Pháp chuyển giao cho Quốc gia Việt Nam. Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu sau khi ký thỏa thuận với Pháp đã tuyên bố: “Nền độc lập của chúng tôi hiện nay thật tuyệt vời“. Các quan chức Pháp phàn nàn về Bảo Đại: “Ông ấy tập trung quá mức vào việc lấy lại từ chúng tôi những gì có thể thay vì tìm kiếm sự ủng hộ từ nhân dân… Lịch sử sẽ phán xét ông ấy vì quá chú tâm vào chuyện này“. Tuy nhiên người Pháp vẫn dành cho mình quyền quan sát và can thiệp đối với những vấn đề liên quan đến toàn bộ Liên Hiệp Pháp. Người Pháp còn có quyền tiếp cận mọi thông tin nhà nước, tham dự vào tất cả các quyết định của chính phủ và nhận một khoản nhỏ từ lợi tức quốc gia của Việt Nam.

Ngày 8/12/1950, Quốc gia Việt Nam và Pháp ký Hiệp định quân sự thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam bằng cách đặt một số đơn vị quân đội Pháp tại Việt Nam dưới quyền chỉ huy của Quốc gia Việt Nam. Dự kiến quân đội này sẽ bao gồm 120.000 quân và 4.000 sĩ quan. Tất cả sĩ quan đều phải là người Việt. Pháp có trách nhiệm hỗ trợ Quốc gia Việt Nam thành lập những đơn vị mới do sĩ quan Việt Nam chỉ huy và đào tạo sĩ quan người Việt thay thế dần những sĩ quan Pháp đang hiện diện trong Quân đội Quốc gia Việt Nam. Nhà sử học Spencer C. Tucker cho rằng Quân đội Quốc gia Việt Nam được huấn luyện kém và không có sĩ quan chỉ huy cấp cao người Việt, Pháp chỉ đơn giản là đưa những người lính mới tuyển mộ được vào các quân đoàn Viễn chinh của chính Pháp, tại đó, người chỉ huy là các sĩ quan Pháp.

Archimedes L.A Patti nhận xét: “Tất nhiên họ (Quốc gia Việt Nam) đã lầm, không bao giờ Pháp cho Việt Nam độc lập để mất Đông Dương. Bảo Đại trở về Việt Nam và cho rằng ông ta đã làm hết sức mình để người Pháp phải giữ lời cam kết. Ông sẽ chờ và xem. Có thể người Mỹ sẽ khích lệ giúp đỡ. Nhưng sau một ngày ở Sài Gòn, thấy Pháp từ chối không cho ông sử dụng dinh Norodom, trụ sở chính quyền thuộc địa Pháp, Bảo Đại liền rút lui về nhà ở Đà Lạt. Sự việc này cho thấy rõ tình hình chẳng có gì thay đổi cả”.

Tướng Georges Revers, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp, được phái sang Việt Nam để nghiên cứu tình hình (tháng 5, 6 năm 1949) và sau đó đã viết: “Hồ Chí Minh đã có khả năng chống cự lại với sự can thiệp của Pháp lâu đến như thế, chính là vì nhà lãnh đạo Việt Minh đã biết tập hợp chung quanh mình một nhóm những người thực sự có năng lực… Ngược lại, Bảo Đại đã có một chính phủ gồm độ 20 đại biểu của toàn các đảng phái ma, trong số đó đảng mạnh nhất cũng khó mà đếm được 25 đảng viên”.

Người Pháp trì hoãn một cách có tính toán việc thi hành thoả hiệp Élysée với Quốc gia Việt Nam. Quân đội của họ tiếp tục tham chiến tại Việt Nam, nhân viên hành chính tiếp tục làm việc ở các cấp chính quyền; Quốc gia Việt Nam chẳng được trao cho một chút quyền hành thực sự nào, như bấy giờ người ta nói, Quốc gia Việt Nam chỉ là một sự nguỵ trang cho nền cai trị của Pháp.

Thay đổi Thủ tướng
Chính phủ do Trần Văn Hữu làm Thủ tướng tồn tại đến ngày 6 tháng 6 năm 1952 thì phải cáo lui, nhường chỗ cho Nguyễn Văn Tâm lên làm thủ tướng cùng thành phần tổng, bộ trưởng đa số là người do Pháp đào tạo.

Ngày 20 tháng 11 năm 1953, hoàng thân Bửu Lộc từ Pháp về Sài Gòn lập chính phủ thay thế chính phủ Nguyễn Văn Tâm. Thời gian này, Quốc trưởng Bảo Đại sống và làm việc tại biệt điện ở Đà Lạt. Xung quanh nơi ở của Bảo Đại có cả một trung đoàn Ngự lâm quân bảo vệ và có cả một đoàn xe riêng gọi là “công xa biệt điện”, lại có cả một đội máy bay riêng do các phi công người Pháp lái phục vụ.

Ngày 11 tháng 1 năm 1954, Chính phủ mới do Bửu Lộc thành lập trình diện Bảo Đại nhưng đến ngày 16 tháng 6 năm 1954, Bửu Lộc từ chức. Quốc trưởng Bảo Đại mời Ngô Đình Diệm về nước, ngày 6 tháng 7, Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ mới.

Sau Hiệp định Genève 1954, Pháp phải rút khỏi Đông Dương, chính quyền và quân đội Quốc gia Việt Nam tập kết ở miền Nam Việt Namchờ tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam.

Ngô Đình Diệm tiến hành cải tổ chính phủ lần thứ nhất vào ngày 24 tháng 9 năm 1954 và lần thứ hai vào ngày 10 tháng 5 năm 1955

Bị phế truất
Tháng 9 năm 1954, tướng Nguyễn Văn Hinh không chịu dưới quyền chỉ huy của Ngô Đình Diệm nên đánh điện sang Pháp nhờ Bảo Đại can thiệp. Bảo Đại điện về Sài Gòn triệu tập Diệm sang Cannes gặp Bảo Đại để bàn lại việc sắp xếp nhân sự nhưng Diệm không đi. Bảo Đại quyết định điện về Sài Gòn cách chức thủ tướng của Ngô Đình Diệm.

Tuy nhiên, ngày 4 tháng 10 năm 1955, Ủy ban trưng cầu dân ý thành lập đưa ý kiến đòi truất phế Quốc trưởng Bảo Đại và đưa Thủ tướngNgô Đình Diệm lên làm Quốc trưởng. Khi cử tri đi đến nơi bỏ phiếu, họ thấy rằng nơi đây đã bị những người ủng hộ Ngô Đình Diệm kiểm soát. Một cử tri sau khi bỏ phiếu đã nói rằng “Người chỉ đạo nói cho chúng tôi hiểu rằng ở đây chỉ có hai sự lựa chọn, hoặc là phiếu đỏ (Ngô Đình Diệm) sẽ được bỏ vào hòm phiếu hoặc phiếu xanh sẽ bị loại đi”.Trong trường hợp này Bảo Đại đã mất cơ hội trở về chính quốc với 5.721.735 phiếu truất còn Ngô Đình Diệm được suy tôn lên chức vị Quốc trưởng, Bảo Đại sống lưu vong ở Pháp khi mới 40 tuổi cho đến khi qua đời vào ngày 31 tháng 7 năm 1997 tại Paris.

Cuộc sống lưu vong ở Pháp
Ông sống tại Cannes, sau đó chuyển đến vùng Alsace. Bảo Đại giao du với Jean de Beaumont, cựu nghị sĩ Nam Kỳ, một tay săn bắn có hạng. Bị cơ quan thuế để mắt tới, không còn tiền tài trợ của chính phủ Pháp, ông phải bán dần tài sản của mình. Năm 1963, Nam Phương hoàng hậu qua đời ở Chabrignac. Năm 1972, khi đã tiêu pha hết cả tài sản, Bảo Đại sống với Monique Baudot, một phụ nữ Pháp kém Bảo Đại hơn 30 tuổi (Monique Baudot sinh năm 1946), đến năm 1982 thì kết hôn. Bảo Đại nhập đạo Công giáo lấy tên thánh là Jean-Robert.

Trong thời gian này, ảnh hưởng của Bảo Đại tại các khu vực như Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế vẫn còn rất lớn. Chính vì vậy phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đã phái các đại diện sang Pháp nhằm thuyết phục Bảo Đại tham gia một chính phủ liên hiệp nhằm thống nhất Việt Nam, nhờ đó thông qua Bảo Đại thì miền Bắc có thể thu hút thêm những người ủng hộ tại các địa phương mà Bảo Đại có ảnh hưởng. Dưới ảnh hưởng của các cuộc gặp mặt này, trong những buổi phát biểu công khai Bảo Đại đã thể hiện lập trường chống lại sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, chỉ trích chính phủ Nguyễn Văn Thiệu và kêu gọi thành lập một chính phủ liên hiệp tự do, trung lập và hòa bình tại Việt Nam .


Nguồn : lichsunuocvietnam.com
 
Cựu hoàng Bảo Đại những năm cuối đời
cuu-hoang-bao-dai-768x1158.jpg

Năm 1982, nhân khai trương Hội Hoàng tộc ở hải ngoại, Bảo Đại lần đầu tiên sang thăm Mỹ với tư cách cá nhân. Trong chuyến đi này ông đã nhận tên cha để làm lại giấy khai sinh cho những người con ngoại hôn trước đây không ghi tên cha. Tại thị trấn Sacramento, ông được tặng chiếc chìa khóa vàng tượng trưng cho thị trấn này. Ông cũng được bà thị trưởng thành phố Westminster, California tặng danh hiệu “công dân danh dự” của thành phố. Ông cũng thăm viếng và chúc mừng các buổi lễ của cộng đồng Phật giáo và Đạo Cao đài người Việt ởCalifornia cùng các cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Texas. Bảo Đại cũng nhân dịp này thăm dò ý kiến của các cộng đồng người Việt sống ở Hoa Kỳ về giải pháp cho việc hòa giải dân tộc.

Qua Đời
Cựu hoàng Bảo Đại là vị vua thọ nhất nhà Nguyễn. Ông qua đời vào 5 giờ sáng ngày 31 tháng 7 năm 1997 tại Quân y viện Val-de-Grâce, hưởng thọ 85 tuổi. Ông cũng là một phế đế sống thọ nhất trên thế giới thời hiện đại. Trước đó ông có nhận lời về tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ (La Francophonie) được tổ chức tại Hà Nội vào 1997.

Đám tang Bảo Đại được tổ chức vào lúc 11 giờ ngày 6 tháng 8 năm 1997 tại nhà thờ Saint-Pierre de chaillot số 35 đại lộ Marceau, quận 16 Paris và linh cữu được mai táng tại nghĩa địa Passy trên đồi Trocadero.

mo-vua-bao-dai.jpg


Mộ vua Bảo Đại ở nghĩa trang Passy, Paris, Pháp
 
Con số 13 bí ẩn gắn liền với cuộc đời vua Bảo Đại



Khi nhìn lại cuộc đời đầy thăng trầm của vua Bảo Đai, người ta mới nhận ra rằng số phận của ông dường như gắn liền với 6 con số 13 đầy xui xẻo…
  • Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy tức vua Bảo Đại sau này ông sinh năm 1913 là con duy nhất của Vua Khải Định và bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu
  • Năm 1925 ông từ Pháp Quốc trở về nước để dự lễ tang cha mình là Vua Khải Định và chính thức lên ngôi Hoàng Đếvào năm 1926 lúc này ông mới 13 tuổi, sau khi lên ngôi ông lại qua Pháp tiếp tục học tập đên năm 1931 mới chính thức về nắm quyền
  • Ông là vị vua thứ 13 của triều đại nhà Nguyễn, sau các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định
  • Ở ngôi được 13 năm thì ông thoái vị, chấm dứt triều đại nhà Nguyễn triều đại quân chủ chuyên chế cuối cùng của Việt Nam
  • Tổng cộng ông có 6 người vợ sinh cho ông 13 người con
Chúng ta thấy con số 13 đầy rủi ro theo quan niệm của người phương Tây dường như luôn theo đuổi ông từ lúc sinh ra cho đến cuối đời, phải chăng là một điềm báo cho chế độ của nhà Nguyễn, cũng như cuộc đời ông sau này…
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top