Khởi Nghiệp

Moderator
Thành viên BQT
Xu
0
Để trở thành một cao thủ (đánh theo bản năng, không cần chiêu thức), người tập võ phải có một quá trình khổ luyện mười mấy năm ròng rã.

Nội công thâm hậu

Những công phu Nam Huỳnh Đạo được võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt sáng lập dựa trên sự kết hợp của những tinh hoa võ cổ truyền với một số môn phái có nguồn gốc Trung Quốc như Nội gia Thiếu Lâm, Hồng gia La Phù Sơn…

Công phu Nam Huỳnh Đạo theo một chu trình 3 giai đoạn là “cân – kình” lấy công làm thủ, “khí – kình” lấy thủ làm công, “khí – khí” không công không thủ.


Môn phái Nam Huỳnh Đạo

Các võ sinh sẽ đi qua các bước luyện về Súc cốt công (phép hoạt hóa gân, cơ, xương khớp), Nội công (thập bát kình thủ, cân đầu pháp, đại lực kim cương pháp).

Sau đó là tới công phu Kỹ kích (niêm thủ, ly thủ, hóa công), công phu Xảo pháp, Đàn thoái và Khí công (ngũ hành khí, thái cực công, vô cực công).

Khi đã đạt được cấp độ thượng thừa, nội công Nam Huỳnh Đạo cực kỳ thâm hậu, không nhiều môn võ có thể sánh kịp.

Võ sư chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt trước đây cũng đã từng thực hiện màn biểu diễn vận công phát kình để có thể đẩy một hàng 10 võ sĩ đang trụ tấn bật ngược ra sau hoặc có thể đẩy 2 hàng võ sĩ đang đối lực nhập thành 1.

Ngoài ra các kỹ thuật công phá gạch ngói, dùng cổ uốn những thanh sắt, dùng giáo đâm vào yếu hầu rồi công phá những tảng đá có khối lượng lớn trên cơ thể là điều rất đỗi bình thường đối với các đệ tử “có thâm niên” của môn phái Nam Huỳnh Đạo.

Do thiên về nội công nên các đòn đánh, chiêu thức của Nam Huỳnh Đảo thường có lực đánh cực mạnh và các võ sĩ cũng sở hữu sức chịu đựng cực kỳ dẻo dai, bền bỉ.

Công phu Nam Huỳnh Đạo:





Hệ thống quyền pháp thực chiến

Bên cạnh việc tập luyện nội công, ngoại công… các võ sĩ Nam Huỳnh Đạo được tôi rèn cả một hệ thống quyền pháp được đánh giá rất hiệu quả trong thực chiến.

Hệ thống quyền pháp Nam Huỳnh Đạo có dáng dấp là sự kết hợp của nhiều môn phái như võ cổ truyền, võ Thiếu Lâm hay Vịnh Xuân Quyền… và có sự kết hợp cả yếu tố cương và nhu.

Hệ thống quyền pháp vô cùng phong phú trong đó lấy Ngũ hình quyền (Long – Hổ – Xà – Báo – Hạc) làm nền tảng.

Những bài quyền có giá trị thực dụng trong chiến đấu như Ưng trảo quyền phát lực mạnh mẽ, tay mắt sắc bén với các động tác vồ, đánh, tóm, rứt, khóa, dựa, cắt, ngăn, bọc; thân bộ linh hoạt ở bốn dạng thức: xuệ, tỏa, nâng, khẩn.


Một buổi tập luyện của võ sinh Nam Huỳnh Đạo.

Bài quyền Cương thích chỉ vận dụng các thuật đạo dẫn để kình tụ ngón tay, sau đó phát chưởng với kình lực tối đa, theo nguyên tắc “tiên chỉ hậu chưởng”.

Đặc kỹ bài quyền gồm: án, điểm, bọc, đóng, liêu; đặt trọng tâm vào phép tháo khớp của vai, chẩu, cổ tay, gối, háng.

Ngoài ra còn có thể kể các bài danh quyền: Âm dương quyền, Đồng nhi quyền, Phụng đầu công, Đồng tử công (Miên quyền), Huyền môn cước…

Chương trình tập luyện của môn võ này theo từng cơ chế liên tục đi qua phần cơ bản công với việc các môn sinh kiên trì kéo đơn bộ công, thi triển hành bộ công… để khai hợp hai lực âm dương, tạo được cân lực.

Nam Huỳnh Đạo đặt “cân” làm chủ thể hàng đầu trong vận động võ thuật.

Các đòn đánh của Nam Huỳnh Đạo có đặc điểm là mạnh về tấn công cận chiến, với bộ tay cực kỳ linh hoạt và ít dùng chân hơn (đặc biệt ít dùng các đòn đá cao).

Đặc điểm này có phần giống với các kỹ thuật và chiêu thức của Vịnh Xuân Quyền vốn thường sử dụng bộ tay là chủ yếu và áp dụng nguyên tắc “túc bất li địa” (chân không rời đất) của Vịnh Xuân.

Trong quá trình tập luyện quyền pháp, các võ sĩ Nam Huỳnh Đạo cũng thường xuyên tập luyện với cây mộc nhân để rèn sự linh hoạt và độ cứng của đôi tay.

Nam Huỳnh Đạo cũng bao gồm hệ thống kỹ thuật sử dụng binh khí một cách đa dạng. Binh khí được coi là sự nối dài của thân-thủ pháp nên nó bao gồm những nguyên tắc rất cụ thể cho từng loại.

Chẳng hạn như trong Nam Huỳnh Đạo có bài Liên hoa côn pháp dựa trên tinh thần chiến đấu khai triển các kỹ thuật: bổ, gạt, quấn, vòng, điểm, hất, chắn, bọc, khều, quét.

Côn là binh khí dài không lưỡi nên còn gọi là “đầu của trăm binh khí”. Kỹ thuật đánh côn tạo thành kỹ thuật tiêu biểu cho tất cả các loại binh khí dài như thương, kích…

Thương còn gọi là “mâu”, loại binh khí có lực sát thương lớn, thực chiến tinh vi độc đáo, các binh khí khác khó đương cự lại nên được mệnh danh là “vua của trăm binh khí”.

Thuật của thương là: ngăn, bắt, lan, trát, nã, điểm, băng, khiêu, nhưng chủ yếu là đâm thọc.

Lối đánh của binh khí có thể nói là thiên biến vạn hóa. Chỉ riêng binh khí mang họ “côn” có: hổ đầu côn, lưỡng tiết côn, tam tiết côn, túy côn…

Về đao có Truy phong đao, Bát trảm đao, Kim cang đại đao. Các binh khí khác có bài Túy kiếm, Song trủy thủ, Phi tinh chùy, Song câu…

Công phu kỹ kích (đấu luyện) có Hổ hạc song hình quyền, Đồng nhân thủ, Không thủ đoạt trủy, Thương pháp đả đấu song đao, Đại đao đả đấu song côn…

Nguồn gốc sâu xa

Môn phái Nam Huỳnh Đạo chính thức khai môn ngày 24/11/2001 do võ sư Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt sáng lập.

Mặc dù là môn võ mới thành lập nhưng Nam Huỳnh Đạo lại là sự kết tinh của cả một nguồn gốc rất sâu xa.

Theo một số ghi chép, Nam Huỳnh Đạo có xuất xứ từ Đông Sơn Quân.


Các võ sinh biểu diễn võ thuật.

Tổ sư khai sinh Nam Huỳnh Đạo được cho là Đức Tiền Quân Kiến Xương Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức (tên thật là Huỳnh Tường Đức) – một trong ngũ hổ tướng của triều Vua Gia Long triều Nguyễn đầu thế kỷ 19.

Võ sư Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt chính là hậu duệ đời thứ 7 của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Huỳnh Đức và được lựa chọn làm người kế thừa dòng võ Huỳnh gia vốn được lưu giữ nhiều đời trong gia tộc.

Thân phụ của Huỳnh Tuấn Kiệt là cụ Huỳnh Văn Khanh, một võ sư và dịch giả nổi tiếng. Ông nội là cụ Huỳnh Văn Chánh sống tại Long An, vốn nuôi nhiều người làm, trong đó có một số người Hoa giỏi võ.

Cảm kích trước sự đối đãi tử tế của chủ nhân, những người này đã không ngần ngại đem tâm huyết và tinh hoa võ thuật để truyền lại cho phái võ họ Huỳnh.

Sự tiếp thu này đã dẫn đến sự dung hợp hai dòng võ trên tinh thần “tam giáo đồng nguyên” trong võ phái họ Huỳnh, với tinh thần “Thiền trong Phật giáo, Đạo trong Đạo giáo, Dịch trong Nho giáo”.

Đây là ba trụ cột xây dựng nên nền võ thuật phương Đông và cũng chính là nền tảng của Nam Huỳnh Đạo. Chính vì thế, môn phái này hội tụ đầy đủ nội ngoại, cương nhu và được các đời con cháu truyền lại tới ngày nay.

Nguồn internet
 
Khi đã đạt được cấp độ thượng thừa, nội công Nam Huỳnh Đạo cực kỳ thâm hậu, không nhiều môn võ có thể sánh kịp.
Người đeo đai vàng đai đỏ đai xanh, ý nghĩa thế nào trong môn phái này nhỉ nhỉ:)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top