Vĩnh biệt cây bút tài hoa xứ Đoài

vanchuong83

New member
Xu
0
[h=3] VĨNH BIỆT CÂY BÚT TÀI HOA XỨ ĐOÀI[/h]
Chu Văn Sơn

Sáng nay, đang trên đường lên Bắc Ninh thăm một người bạn, thì tôi nhận được tin dữ do đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn nhắn. Đọc tin, tôi không thể nghĩ là anh. Do trong tin, Tuấn viết tắt chữ Trần là Tr. khiến tôi chắc một Hoà Bình họ Trương hay họ Trang nào đây. Nhưng, tôi không nghĩ là anh, chính vì không thể tin anh lại ra đi đột ngột đến thế. Mới vừa cùng anh dự đám tang Phó giáo sư Hoàng Dung, hai anh em còn nói bao nhiêu chuyện về đời, về văn chương kia mà. Anh còn hứa sẽ gửi ngay những bài thơ lâu nay viết mà không in đâu để tôi đọc xem sao. Anh đã kịp gửi cho tôi đâu ! Tôi bật máy hỏi lại, giọng Tuấn như mất hồn : đúng rồi đấy, Trần Hoà Bình đấy, Tầm Thư đấy… Tôi không dám nghe hết cuộc gọi vì quá bàng hoàng. Anh còn trẻ thế, lại phong độ nữa, đời anh còn bao nhiêu thứ dang dở. Tình duyên, gia đình, con cái, sự nghiệp tất cả hãy còn dang dở. Bao nhiêu thứ hãy đang còn ở phía trước. Thế mà…

Sinh năm 1956 ở Quảng Oai, Sơn Tây, ngay từ những năm phổ thông, Trần Hoà Bình đã sớm được biết đến như một tài hoa trẻ của xứ Đoài. Anh thuộc típ đa tài: làm thơ, viết văn, viết phê bình, viết báo, vẽ tranh… lĩnh vực nào cũng lấp lành tài hoa khiến bao lứa đàn em ngưỡng mộ và thèm thuồng. Những năm học Đại học Sư phạm I, anh đều được các giáo sư đánh giá cao về triển vọng. Tôi nhớ, có lần, giáo sư Đặng Thanh Lê đã nói với sinh viên khoa Ngữ Văn rằng Trần Hoà Bình là một sinh viên lỗi lạc. Có thể nói, Trần Hoà Bình đã trở thành một cái tên trong đời sống giảng đường Văn khoa thập kỉ 70 – 80. Tốt nghiệp, anh lên làm cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Xuân Hoà. Tại đây, Trần Hoà Bình thực sự trở thành một giảng viên, một thi sĩ có ảnh hưởng không ít đến các thế hệ sinh viên. Đám sinh viên và cán bộ trẻ ham viết lách được gần gũi anh, nhất là những vị sau này trở thành các cây bút góp mặt với văn đàn, đều không ít thì nhiều, đã chịu ảnh hưởng phong cách sống và viết đầy chất lãng tử của Trần Hoà Bình. Họ thường nói về một người thầy tài hoa, hào hoa và cả đào hoa nữa. Những bài thơ gây ấn tượng sâu như “Thêm một”, “Mùa mưa tới”, “Mưa nhớ” … được họ truyền tụng, anh đều viết tại đây, những bài bình thơ tinh tế dành cho học đường cũng ra đời ở đây, dưới chân núi Thằn Lằn, bên hồ Đại Lải, giữa những ngày khốn khó. Khoảng năm 88- 89, anh chuyển về khoa báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Vừa giảng dạy tại trường vừa cộng tác tích cực với nhiều tờ báo, vừa làm thơ văn vừa nghiên cứu báo chí, lúc nào anh cũng giữ được hình ảnh của mình, một Trần Hoà Bình đa tài,“ba trong một” : nhà giáo- nhà báo- nhà thơ.

Phải rất gần đây, bạn đọc rộng rãi mới được biết công khai rằng Trần Hoà Bình chính là Tầm Thư, người gỡ rối tơ lòng cho biết bao nhiêu bạn đọc trẻ của báo Tiền Phong suốt hơn hai chục năm qua. Là người phụ trách chính của mục tâm sự bạn trẻ này, anh luôn tỏ ra là một nhà tâm lí có khả năng đồng cảm và thấu tỏ những nỗi niềm, khúc nhôi khó nói của bạn trẻ. Lời tư vấn của anh bao giờ cũng súc tích, hóm hỉnh và bóng bảy. Bạn trẻ không chỉ được nghe những chia sẻ, mách nước thiết thực, sâu sắc mà còn thật duyên dáng và văn chương. Chuyên mục ấy đã có một sức hút thật khó cưỡng. Bạn trẻ say mê đến nỗi, không ít người cầm trên tay trang báo, chưa thể đọc các mục khác, nếu chưa đọc Tầm Thư. Thậm chí có không ít bạn gái đã thầm tơ tưởng ngay cái người vừa giúp mình gỡ rối tơ lòng.

Nhưng, cái phần sâu sắc nhất ở Trần Hoà Bình có lẽ là thơ ca. Sớm có những thi phẩm được bạn đọc và người trong giới biết đến, nhưng anh viết không nhiều. Cho đến hôm nay, anh vẫn chưa cho in một tập riêng nào. Nhưng ngay từ những bài đầu tay, ấn tượng về một hồn thơ phóng khoáng, với điệu thơ say mê, lời thơ thông minh, tài hoa đã khá rõ nét trong người đọc. Trong sổ tay thơ của bạn yêu thơ ít khi vắng bóng bài “Thêm một”, thi phẩm thể hiện một lối cảm nhận, lối triết lí rất Trần Hoà Bình. Dù bạn đọc thơ cổ đã được đọc “Ngô đông nhất diệp lạc /Thiên hạ cộng tri thu”(Ngô đồng rụng một lá / Thiên hạ biết thu về), cũng không thể cưỡng được sự hấp dẫn trước cái duyên riêng của tứ thơ này : Thêm một chiếc lá rụng / Thế là thành mùa thu… Dù đã nghe nhiều những dâu bể, nhưng bạn đọc vẫn phải xuýt xoa trước những câu diễn tả niềm xa cách tài hoa đến bất ngờ trong “Mưa nhớ” : Em nơi xa ngàn trùng dâu bể / Có nghe chăng những lời của mưa, những lời của anh. Dù đã say mê biết bao tĩnh vật hoa sen, nhưng vẫn phải bâng khuâng với những tâm sự cùng sen từ chính thân phận anh : Sen ngủ trong bình em thức trong ta, vẫn bồi hồi trước Cánh sen quay trong gió như thuyền mang dự cảm về tình yêu éo le khôn gỡ của anh… Bạn bè và bạn đọc yêu quí anh vẫn thầm ao ước được đọc thêm, được đọc nhiều những tiếng thơ mới của Trần Hoà Bình, vẫn tin rằng dù ít công bố, nhưng anh vẫn âm thầm sáng tạo, một tài hoa như thế không dễ gì chịu buông tay.
Nhưng đến hôm nay thì anh đã buông tay thật rồi, buông tay vĩnh viễn rồi. Chưa kịp gửi cho tôi, cho bạn bè những bài thơ anh hứa, thì bây giờ anh đã về nơi xa muôn trùng dâu bể mất rồi. Anh không thoát khỏi kiếp bạc mệnh mà số phận khắc nghiệt vẫn rình rập chụp lên đầu những kẻ tài hoa sao !
Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top