Viết và đọc phê bình văn học: đi tìm một lối thoát

vanchuong83

New member
Xu
0
[h=3] VIẾT VÀ ĐỌC PHÊ BÌNH VĂN HỌC: ĐI TÌM MỘT LỐI THOÁT[/h]
Đặng Anh Đào


Trả lời phỏng vấn của Văn Nghệ Trẻ, PGS.TS Lê Tiến Dũng tần ngần về việc liệu có thể cầm "roi phê bình quất cho con ngựa (văn nghệ) lồng lên" hay không, bởi "có con ngựa nào lại thiện cảm với người cầm roi nhăm nhăm chực quất"! Đồng thời, anh đã dẫn chứng một số ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến, Trương Chính, Hoài Thanh để hướng về PBVH nhằm "chỉ ra cái hay, cái giỏi" của tác phẩm.

Những cơ hội của Chúa


Gần đây, trên báo chí không chỉ xuất hiện những bài "phê bình sự phê bình", có nghĩa là bàn về thực trạng, mà còn đề xuất những giải pháp cho phê bình văn học (PBVH). Nói nôm na ra là làm thế nào để in được (mà không phải là viết được) phê bình và làm thế nào để có được độc giả cho nó.

Quả là "đã mang lấy nghiệp vào thân" thì chúng ta phải đi tìm lối thoát. Mấy ai có thể như nhà phê bình "trẻ… sắc sảo, tài hoa" nào đó (theo lời nhà PBVH Hoài Nam) cứ thế đột nhiên "biến mất", bởi khả năng kiếm được vài ngàn USD/tháng, thành đại gia!

Nếu điểm lại lịch sử phê bình văn học ở ta thời hiện đại, có thể thấy nó nở rộ vào những thời điểm sau. Thứ nhất: gắn với những vấn đề sôi nổi của chính trị, xã hội (mà thực chất là đấu tranh về vấn đề lý luận nhiều hơn, ví như cuộc tranh luận về Truyện Kiều, về nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh… thời trước Cách mạng tháng Tám). Thứ hai: khi xuất hiện những tác phẩm đột xuất. Có phải là tuyệt tác hay không, chưa biết, nhưng chí ít, lúc mới ra mắt, nó đã là hiện tượng gây sốc.


Ta có thể nhớ lại những tranh cãi kéo dài quanh tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp từ khi "Tướng về hưu" xuất hiện tới mức có thể đúc kết thành sách "Nguyễn Huy Thiệp - Tác phẩm và Dư luận" và sau đó khá lâu, các nhà phê bình vẫn "Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp".

Nguyễn Ngọc Tư cũng vậy, bỗng từ những vùng váng nước đỏ Cà Mau mọc lên một Cánh đồng bất tận, tuy chưa phải là dài hơi nhưng cũng đủ làm khuấy động một thời cả giới phê bình cũng như người đọc không chuyên nghiệp (trong đó có các vị ở Ủy ban nhân dân)…

Thơ đương đại, dẫu khó đọc và khó bán, nhưng vẫn khơi dậy nhiều vấn đề mới về thơ ở ngay những tờ báo ngày và có thể nâng lên thành vấn đề lý luận khá thú vị qua một số bài tạp chí (ví dụ: Nguyên lý cấu trúc nhịp thơ của Trần Thiện Khanh; Dân tộc, truyền thống và hiện đại của Đào Xuân Quý…).

Tuy nhiên, PBVH không thể chỉ tự nuôi dưỡng bằng những cái tức thì. Chúng tôi nghĩ rằng dẫu PBVH luôn hướng về thời sự, song ở những tác phẩm đã có khoảng cách thời gian như của Thạch Lam, Ngô Tất Tố, rồi Quang Dũng, Thâm Tâm, Nam Cao, Tô Hoài hay Lỗ Tấn, Tagore, Kafka… (vốn đang được cập nhật trong nhà trường), vẫn có một mạch ngầm vô tận để các nhà PBVH khai thác, làm cho nó sôi động dưới ánh sáng của ngày mới.

Nghe ra, có vẻ như vẫn có những cơ hội của Chúa, nếu như… Tôi thấy trước hết vẫn phải trở lại câu hỏi kinh điển của một vị lãnh tụ cách mạng xưa: nhà phê bình, anh viết cho ai?

Hướng tới nhiều độc giả: chấp nhận nhiều tiếng nói PBVH

Giờ đây, nếu có nhà văn (sáng tác nghệ thuật) than phiền không bán được sách, nếu sách càng cổ điển (về mặt giá trị) càng dễ nằm trên quầy hạ giá, thì các nhà PBVH cũng không còn ảo tưởng nữa.

Trả lời phỏng vấn của Văn Nghệ Trẻ, PGS.TS Lê Tiến Dũng tần ngần về việc liệu có thể cầm "roi phê bình quất cho con ngựa (văn nghệ) lồng lên" hay không, bởi "có con ngựa nào lại thiện cảm với người cầm roi nhăm nhăm chực quất"! Đồng thời, anh đã dẫn chứng một số ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến, Trương Chính, Hoài Thanh để hướng về PBVH nhằm "chỉ ra cái hay, cái giỏi" của tác phẩm.

Tiện đây, cũng xin nhắc lại hình ảnh nhà PBVH mà tôi đã nêu trong cuốn Tài năng và Người thưởng thức (1994): họ sống kiếp phù du nổi lên theo làn sóng sáng tác văn chương (khi gặp được tác phẩm hay), họ là một loài tầm gửi (vào sức sống của tác phẩm văn chương).
Bởi vậy, một kết quả bề ngoài có vẻ trái khoáy là: nhà PBVH viết trước hết là vì mình. Nhưng nói như Hugo: "Hỡi ôi, khi nói về tôi chính là tôi đang nói về bạn đó, anh chàng ngốc ơi!". Nếu tôi muốn chia sẻ với công chúng những ấn tượng mạnh mẽ, trào dâng trước tác phẩm, khi đó bài PBVH được viết ra. Không xác định PBVH vì nhà văn (người sản sinh ra tác phẩm đang được bàn tới), có lần tôi đã nêu lý do: nhà văn không phải vì được khen chê mà viết hay hơn hoặc dở hơn.

Tác phẩm, đó là kết tinh của tài năng thiên bẩm + cuộc sống + nghị lực và… ảo tưởng. Còn có ảo tưởng về tài năng của mình, nhà văn mới viết được (dẫu chưa chắc là xem được), ngay cả khi viết Lời cuối cùng như Musset: "Tôi đã mất cuộc đời và sức lực/ Và bạn bè và nỗi vui tươi/ Tôi đã mất cả niềm kiêu hãnh/ Khiến tự tin mình có thiên tài".

Để trả lời cho câu hỏi "viết cho ai" hiện nay, để được in và được đọc, ta sẽ phải chấp nhận nhiều kiểu PBVH. Bởi hơn bao giờ hết, ở thời đại thống trị của mass - média, trong mỗi mái nhà, các thành viên của gia đình càng tự cô lập trong thế giới riêng của mình, trong cái máy tính của mình. Thậm chí họ xem chương trình tivi riêng, đeo cái tai để nghe nhạc riêng! PBVH phải ăn theo đối tượng bạn đọc của từng loại báo chí, tập san.

Bản thân tôi cũng từng thể nghiệm vài bài viết cho Văn Nghệ như kiểu Sức sống bất tận (viết về Nguyễn Ngọc Tư - số 17-18-2006). Khi nói chuyện với tôi, chị C.T. ở Pháp, một người chuyên theo dõi văn học Việt Nam đương đại có ý cho rằng lối viết của tôi có phần cảm tính, thiên về "pathos". Thế nhưng tôi nghĩ rằng, nếu cứ viết như những bài gửi cho Tạp chí Văn học, chưa chắc độc giả của các tờ báo khác đã đọc.

Nhà PBVH có thể tải theo những ý kiến về tác phẩm khi viết giai thoại về nhà văn như Vương Trí Nhàn đã làm với Lưu Quang Vũ (Tạp chí Thơ số 4-2008): sự hiểu biết về cuộc sống thường ngày, riêng tư của nhiều nhà văn vốn là chỗ mạnh của nhà PBVH này. Cũng có PBVH viết theo kiểu "Sổ tay thơ"… Vậy là PBVH có thể nhẹ nhàng hay uyên bác, thuần tuý (phê bình) hay ăn theo giai thoại, ngắn hay dài.

Cái thời của một tiếng nói ngự trị đã qua rồi. Tuy nhiên, vẫn cần có một tiêu chí giá trị cơ bản. Đó là tiêu chí mà Lê Hoài Nam đã nêu: tính chuyên nghiệp. Điều đó trước hết có nghĩa là khi nhà PBVH đề cập tới một vấn đề có tính lý luận để vận dụng vào bài viết, từ thao tác đến khái niệm khoa học, phải hết sức chuẩn xác.

Viết về Thế giới không còn trăng của Nguyễn Trọng Tạo, nhà PBVH Trịnh Thanh Sơn đã có những mối đồng cảm đặc biệt, tuy nhiên vấn đề được đề xuất ở ngay từ tên bài "Sự giễu nhại…"(Tạp chí Thơ số 4-2007) lại không trúng. Qua sự phân tích và trích dẫn, ta không thấy có sự "giễu nhại", và khái niệm này không đồng nghĩa với "tiếng cười", cũng không nhất thiết gắn với "thể loại đồng dao" như bài viết đã nêu.

Còn kiểu PBVH "ngọn roi", ta vẫn tìm thấy một hậu duệ xứng đáng qua Bàn phím và "Cây búa" của Nguyễn Hòa. Hình ảnh ở đây có vẻ dữ dội hơn con roi của bậc tiền bối, dù đã có nháy nháy. "Cây búa" của Nguyễn Hòa giáng xuống PBVH - nó vốn là một bộ phận của văn học mà!- nhưng qua đó, vẫn gián tiếp đánh giá tác phẩm văn chương.

Dẫu một số ý kiến nghe có thể chối tai, nhưng chỉ riêng việc Nguyễn Hòa gỡ ra và tóm tắt được một số luận điểm của các cuốn sách (có cuốn dày cả gần ngàn trang!) quả đã là một kỳ công. Bởi cứ chui vào những chỗ đó là tôi thấy "rối tung như thời cục nước Tàu" (trước 1945) - để lấy lại một hình ảnh của Nguyễn Công Hoan viết về áo dài có vẽ hoa của "Cô Kếu, gái tân thời".
Hiếm khi những luận điểm rườm rà uyên bác cao siêu như vậy được tách bạch đồng thời dồn nén bởi sức nặng của "cây búa", lại khiến độc giả có thể vừa đọc vừa cười. Có thế mới "tiêu" nổi loại lý luận khô khan trong cái thời đại mà cuối ngày, ta chỉ muốn vớ lấy một cuốn truyện trinh thám hoặc xem một bộ phim Hàn Quốc với những mối tình trong trẻo khơi nguồn từ tuổi thơ!
Tóm lại, dù viết theo kiểu nào, thì hướng phấn đấu của PBVH hiện nay vẫn là tính chuyên nghiệp. Nhưng muốn được "tử vi nghiệp" thì trước hết phải "sinh vi nghiệp" đã! Muốn vì nghiệp, lại phải sống được bằng nghề, phải bán được.

Nếu dùng roi tự quất vào mình…

Chúng ta đã có một Hội đồng Lý luận phê bình của Hội Nhà văn. Có thể vì thiếu hiểu biết tôi nghĩ hội đồng này hiện nay chủ yếu là để giải quyết các sự cố, kết nạp hội viên và xét giải thưởng. Nếu không có một tổ chức chỉ đạo nào khác (mà có nhiều để làm gì?) thì phối hợp với bộ phận chuyên nghiệp của báo chí và các nhà xuất bản, nhà đài (tivi) có thể hình thành một sự chỉ đạo rộng rãi hơn, nhằm những phương hướng hiệu quả cụ thể mà tôi xin gợi ý dưới đây:

1. Đề xuất những vấn đề sôi nổi, thời sự cho từng thời kỳ

Tôi xin nêu hai vấn đề làm ví dụ cho thời điểm này:
- Thế nào là truyện ngắn hay? (có lẽ vì ở ta, loại ngắn hơi vẫn thành công hơn, nên ta hay làm những tuyển truyện ngắn). Cụ thể, chỉ một trường hợp xét tuyển cũng có thể nêu thành vấn đề khá lý thú: thường kỳ Văn Nghệ Tết bao giờ cũng kèm theo một phụ lục Truyện ngắn hay. Năm 2008, vì sao 4/10 truyện được chọn có tiêu đề và nội dung viết về "chữ" (hoặc "điển tích")?
Đi tìm một xu hướng thị hiếu (dẫu chỉ là một nhóm tuyển văn) cũng là một vấn đề lớn: nó mang lại kinh nghiệm, định hướng cho các cuộc "thi Hoa hậu" của tác phẩm văn chương - không chỉ là các giải thưởng, mà quan trọng hơn là sự có mặt của nhà văn trong các cuốn "Tuyển tác phẩm hay" của báo chí, nhà xuất bản.

- Một vấn đề nữa cũng khá nóng hổi hiện nay: muốn hiện đại, thơ hiện nay có nhất thiết phải là thơ tự do? Ngược lại, thơ tự do đã hẳn là mới chưa, hay đã cũ rồi? Đâu là tiêu chí giá trị của thơ hiện đại? (Tất nhiên, tất cả những vấn đề này đều dựa trên thực tế sáng tác và thưởng thức thơ hiện nay).

2. Sử dụng PBVH như một cuộc đối thoại

Giờ đây có lẽ không còn là thời mà có người từng ao ước trở lại: một "chân lý" được "phát" ra và mọi người đều tin. Giờ đây, ở những điểm nóng của thời sự văn chương, có lẽ nên mở rộng cho những ý kiến tranh luận, trao đổi, coi hiện tượng ấy là đáng mừng.

Những hành xử bất nhã từng làm vẩn đục môi trường tranh luận trong PBVH vừa qua sở dĩ xảy ra là do chúng ta thiếu thói quen tranh luận, truy đến cùng và nói cho to tát là dân ta không nằm trong xứ sở có truyền thống của chủ nghĩa Hoài nghi. Song trong quá trình làm quen với va chạm, người ta sẽ học được cách ứng xử phù hợp.

Khác với sáng tác văn chương, roi búa có thể làm nhà văn, nhà thơ đau nhưng vẫn không viết hay hơn được (nếu tài năng anh ta chỉ có thế thôi!), PBVH là một khoa học (về nghệ thuật), người viết có thể học hỏi, bổ sung kiến thức qua những trận giao tranh.

3. Lăng xê tác phẩm PBVH, tại sao không?

Lâu nay, đây thường là việc làm của các nhà xuất bản mạnh, của nhà đài, và chủ yếu, họ chỉ lăng xê một số nhân vật, tác phẩm văn chương mà họ cho là "mạnh". Về điểm này, trên báo chí, đã có không ít bài vào thời điểm kết thúc mỗi năm tỏ ý ngơ ngác về một số hiện tượng: "thần đồng" (nước ngoài), tác phẩm dịch,... không hẳn có giá trị như đã được quảng cáo rùm beng.
Tác phẩm PBVH càng cần thiết được lăng xê, bởi một lý do rất khiêm tốn, thiết thực như đã nêu trên: được in rồi, nó cần được bán, thì mới được đọc. Tôi viết như vậy bởi gần đây, có công trình lý luận phê bình rất cập nhật đặc biệt cho giới PBVH mà tôi đã dịch cho một nhà xuất bản của đại học (chọn mặt gửi vàng!) nhưng ngay cả sinh viên tại trường đó, tới điểm duy nhất mà NXB quy định bày bán, ba tháng sau khi cuốn sách ra mắt… vẫn được trả lời: chưa thấy chuyển tới! Chả lẽ vì đã có tiền tài trợ rồi nên không cần bán?

Lăng xê không có nghĩa chỉ là giới thiệu, quảng cáo. Hội Nhà văn đã giúp đỡ cho Nàng Thơ, vốn không bán được ở thời nay, bằng cách ra một Phụ lục Tạp chí Thơ hàng tháng kèm theo tờ Văn Nghệ. PBVH có thể không sung mãn như thơ, song cũng có thể thu lượm lại chí ít trong những số tam cá nguyệt chẳng hạn (kể cả một số bài hay đã đăng lẻ tẻ, do quá nhiều báo chí nên giới PBVH chuyên nghiệp nhiều khi cũng không biết tới).

Thời Tản Đà, một nhà thơ lẫy lừng được coi là người báo hiệu cả "một thời đại trong thi ca" mà cũng còn than "văn chương hạ giới rẻ như bèo". Huống chi là PBVH, thứ văn khô không khốc - ở thời mà tiêu chí tồn tại chuyển sang việc "có tiền hay không có tiền".

Nhà PBVH láo lếu có thể lẩy lại câu thơ của nhà cách mạng xưa bằng cách thay hai chữ đầu: "Kiếm tiền tối hạ thị văn chương". Nhưng đã chót đọc và viết, đã làm rồi, ta phải kiếm cách lo cả đầu vào (in ấn) lẫn đầu ra (bạn đọc) thôi! Và đó là một việc mà từng cá nhân lẻ tẻ không thể làm được, đã mua bán thì phải có phường có hội. Đó là chưa kể nếu không có sự tập hợp và chỉ đạo trong việc chấp nhận nhiều cấp độ, nhiều kiểu PBVH, thì lối phê bình ngọn roi ("cây búa") thời nay rất dễ có thể bị dính đòn hội chợ!

Nguồn: CAND
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top