Việt ngữ học

Hide Nguyễn

Du mục số
Ngôn ngữ học hiện đại và Việt ngữ học


Bài trình bày khái quát sự phát triển của Việt ngữ học, với những đường hướng chính trước những ảnh hưởng của các lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại qua các thời kỳ cấu trúc luận (khoảng trước 1990) và hậu cấu trúc luận (khoảng từ 1990 đến nay) trong hơn nửa thế kỷ vừa qua ở Việt Nam.

Nhìn một cách khái quát, Việt ngữ học phát triển trên cơ sở tiếp thu các lý thuyết ngôn ngữ học đại cương, với một hệ thống các quan điểm và khái niệm chủ yếu của các trường phái, khuynh hướng của ngôn ngữ học hiện đại một cách có chọn lọc, từ đó làm sáng tỏ và có những bổ sung nhất định cho các lý thuyết ngôn ngữ học đại cương trên cơ sở nghiên cứu những đặc thù của loại hình đơn lập của tiếng Việt và văn hóa Việt.

Như vậy, cùng với sự nhận thức lại đối tượng nghiên cứu, xem xét lại quan điểm phân biệt ngôn ngữ/ lời nói của F. de Saussure và sự chuyển hướng từ mục tiêu "miêu tả" đến mục tiêu "giải thích", ngôn ngữ học hiện đại đã có những bước tiến dài trên chặng đường lịch sử của mình.

Khái quát Việt ngữ học

Chúng tôi cho đó là một trong những lý do quan trọng đã làm thay đổi căn bản bộ mặt của ngôn ngữ học hiện đại, trong đó có Việt ngữ học trong những thập niên cuối của thế kỷ XX, thời kỳ hậu cấu trúc.

Có thể cho rằng đặc trưng của thời kỳ chủ nghĩa cấu trúc là việc mô hình hóa một cách "tĩnh" hệ thống các yếu tố ngôn ngữ thuộc các cấp độ ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.

Thời kỳ này (khoảng những năm 60-80 thế kỷ trước), các nhà Việt ngữ học đã xây dựng (thông qua mô tả) các mô hình cấu trúc ngữ âm, từ vựng - ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt và cố gắng làm cho các mô hình này tương thích với thực tế tiếng Việt.

Ở thời kỳ hậu cấu trúc (khoảng những năm 90 thế kỷ XX đến nay), thì việc quan tâm đến bản thân cấu trúc - hệ thống "tĩnh" của các yếu tố ngôn ngữ lại xuống hàng thứ yếu, các nhà ngôn ngữ học thuộc các khuynh hướng ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học tâm lý, ngôn ngữ học tri nhận, ngôn ngữ học chức năng, ngữ dụng học... đã xem xét ngôn ngữ với tư cách là một cấu trúc - hệ thống "động".

Từ "tĩnh" sang "động"

Tức là, gần như họ coi những gì thuộc bản thân cấu trúc nội tại của ngôn ngữ khi hành chức có thể được xem xét từ các yếu tố bên ngoài của hệ thống, như các yếu tố thuộc về tâm lý - nhận thức, xã hội, văn hóa, các yếu tố thuộc về chủ thể sử dụng ngôn ngữ và bối cảnh giao tiếp.

Nhìn chung, các quan điểm và phương pháp ngôn ngữ học hiện đại đều được các nhà Việt ngữ học vận dụng vào nghiên cứu tiếng Việt.

Nhưng dường như Việt ngữ học không có xu hướng tiếp thu một cách triệt để một phương pháp, theo đuổi một hệ thống của một trường phái đến tận cùng.

Tình hình này được chúng tôi gọi là xu hướng 'triết chung" trong lý luận và phương pháp nghiên cứu của Việt ngữ học.

Điều đó thể hiện rõ ở phạm vi nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt.

Cả qui nạp lẫn suy diễn

Tình hình triết chung trong Việt ngữ học thể hiện rõ nhất ở cách tiếp cận đối tượng và phương pháp nghiên cứu, như việc kết hợp hướng nghiên cứu phương diện kết cấu và phương diện chức năng của các đơn vị ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, và cả trong việc sử dụng đồng thời phương pháp qui nạp và phương pháp suy diễn.

Điều đó đã dẫn đến một tình hình mới đối với sự phát triển trong nội tại của Việt ngữ học và một kết quả tất yếu là cần phải xem xét lại một cách hệ thống các lý thuyết thoát khỏi "cách nhìn châu Âu".

Vì vậy sẽ không ngạc nhiên khi Cao Xuân Hạo (mà Phan Ngọc gọi là "nhà ngôn ngữ học bẩm sinh") cùng với lý thuyết ngữ pháp chức năng và lý thuyết âm vị học phi tuyến tính, xuất hiện vào cuối thời kỳ của chủ nghĩa cấu trúc thịnh hành ờ Việt Nam, đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

Mặc dù lý thuyết của Cao Xuân Hạo còn gây nhiều tranh luận bởi tính cực đoan của nó, nhưng suy cho cùng các trường phái ngôn ngữ học trên thế giới thường mang tính "cực đoan", bởi họ kế thừa nhau thì ít mà "đối lập" nhau thì nhiều.

Như nhận xét hiếm hoi của Ju. Apresan, "Thật hiếm hoi khi tìm kiếm một sự tương đồng của trường phái ngôn ngữ học hiện đại".

Vấn đề cấp thiết

Tình hình chung trong nghiên cứu Việt ngữ học từ khoảng những năm 50-60 của thế kỷ XX trở lại đây đặt ra khá nhiều vấn đề cần giải quyết, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu Việt ngữ học phục vụ cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Dựa vào tình hình phát triển chung của ngôn ngữ học hiện đại trên thế giới và Việt ngữ học, tham khảo một số ý kiến, nhận xét đáng chú ý của các tác giả khác; bước đầu chúng tôi đưa ra một số vấn đề có tính cấp thiết trong việc nghiên cứu Việt ngữ học ở Việt Nam hiện nay.

a. Thời gian qua chúng ta bị chậm trễ trong việc tiếp cận lý thuyết mới của ngôn ngữ học hiện đại trên thế giới khoảng hai thập niên.

Khi ngôn ngữ học thế giới đã chuyển hướng sang việc nghiên cứu hoạt động lời nói, tức là xem xét lại quan điểm của F. de Saussure phân biệt rạch ròi ngôn ngữ / lời nói (khoảng những năm 70 của thế kỷ XX) thì Việt ngữ học ở Việt Nam vẫn đang "say mê" với cấu trúc luận.

Sắp tới, để nhanh chóng hòa nhập vào những xu hướng nghiên cứu mới, chúng ta cần chú ý đến khoa học nhận thức, về tâm lý học, đặc biệt là những lý thuyết giao tiếp cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin.

b. Cần chú ý đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu nhân chủng - ngôn ngữ học. Trong đó cần mở rộng hướng tìm kiếm tư liệu cũng như các phương tiện kỹ thuật hiện đại để nghiên cứu lịch sử tiếng Việt.

c. Một số ngành ngôn ngữ học ứng dụng như ngôn ngữ học xã hội - bệnh học, nhận dạng ký tự quang học, giao tiếp người - máy chưa được phát triển ở Việt Nam.


Toàn văn báo cáo khoa học "Ảnh hưởng và hiệu lực của các lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại đến Việt ngữ học" đã được TS Nguyễn Huy Cẩn trình bày tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3, tổ chức trong các ngày 5-7.12.2008 tại Hà Nội.

Nguồn : BBC
 
Những hướng nghiên cứu mới của Việt ngữ học và cách tiếp cận liên ngành

• Nguyễn Huy Cẩn

Việc nghiên cứu tiếng Việt hiện nay vẫn là sự tiếp nối của những thành tựu trong các giai đoạn trước, trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến một số phương diện nghiên cứu gần đây thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà ngôn ngữ học, như các vấn đề về Ngữ dụng học và Ngữ pháp chức năng, Xã hội ngôn ngữ học, Tâm lí ngôn ngữ học, Ngôn ngữ học tri nhận, Ngôn ngữ học ứng dụng, đặc biệt là những vấn đề về mối liên quan giữa ngôn ngữ và văn hoá. Về cách tiếp cận mới đối với tiếng Việt tất nhiên còn có những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, thậm chí cả việc xác định đối tượng nghiên cứu và tìm kiếm các mô hình và lí thuyết thích hợp với tiếng Việt. Nhưng với những kết quả nghiên cứu này, phần nào cho thấy những đặc trưng của tiếng Việt, mà nếu chỉ nghiên cứu thuần tuý dưới góc độ ngôn ngữ học, hoặc theo các phương pháp nghiên cứu truyền thống, thì có nhiều điểm chưa sáng tỏ; bởi trong khoa học hiện đại, những phạm vi đối tượng nghiên cứu giáp ranh và có tính liên ngành thường đem lại những phát hiện mới. Có thể cho rằng: Việc nghiên cứu phương diện chức năng của ngôn ngữ, nghiên cứu ngôn ngữ gắn liền với sự hành chức của nó, với xã hội, văn hoá, tâm lí, nhận thức và chủ thể người sử dụng ngôn ngữ là những hướng tiếp cận mới đối với tiếng Việt. Những hướng nghiên cứu mới này được thấy khá rõ trong Việt ngữ học, từ những năm cuối của thế kỉ trước đến những năm đầu của thế kỉ XXI.

Ở bài viết này chúng tôi có bổ sung thêm một số tư liệu mới và một số nhận định mới hơn so với bài viết trước [13]. Nhưng đây mới chỉ là những ý kiến sơ bộ, những khái quát ban đầu trên tư liệu hiện có. Bức tranh trên về Việt ngữ học sẽ được bổ sung đầy đủ và phong phú hơn với những thành tựu mới.


1. Về hướng nghiên cứu Ngữ dụng học và Ngữ pháp chức năng

Ngữ dụng học và ngữ pháp chức năng quan tâm đến việc sử dụng ngôn ngữ và các phạm vi của giao tiếp lời nói. Với phương diện nghiên cứu này, ngữ dụng học và ngữ pháp chức năng hi vọng tìm kiếm những bản chất mới của ngôn ngữ mà những quan điểm thiên về bản thân kí hiệu ngôn ngữ, coi lời nói chỉ có tính cá nhân trong lí thuyết của F. de Saussure tỏ ra không thích hợp. Bởi vì, theo M.A.K. Halliday thì một sự giải thích cuối cùng đối với các hiện tượng ngôn ngữ là nằm ở trong việc sử dụng ngôn ngữ.


Ở Việt Nam những vấn đề ngữ dụng học và ngữ pháp chức năng được quan tâm từ những năm 80-90 của thế kỉ XX, như trong một số chuyên đề ở các trường đại học, hay trong một số công trình của một số tác giả, như Hoàng Phê, Cao Xuân Hạo, Trần Ngọc Thêm, Hồ Lê, Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Thiện Giáp, Nguyễn Đức Dân. Trên một số tạp chí nghiên cứu cũng đăng tải nhiều bài của các tác giả Hoàng Phê, Lê Đông,... Đã có một hội nghị về ngữ dụng học tại Đại học ngoại ngữ Hà Nội (1996), và một số luận án tiến sĩ về ngữ dụng học.


Công trình sau này của Đỗ Hữu Châu Đại cương Ngôn ngữ học (Tập II: Ngữ dụng học [2]), có thể xem là một công trình tiêu biểu trong việc nghiên cứu ngữ dụng học ở Việt Nam. Trong công trình này cũng như ở những công trình của một số tác giả khác (Nguyễn Thiện Giáp, Nguyễn Đức Dân) những vấn đề trung tâm của ngữ dụng học đã được trình bày một cách hệ thống và phân tích trên cứ liệu tiếng Việt như: chiếu vật và chỉ xuất, hành vi ngôn ngữ, lí thuyết lập luận, lí thuyết hội thoại, ý nghĩa hàm ẩn và tường minh. Có thể thấy điểm nổi bật của việc nghiên cứu ngữ dụng học là khảo sát về ngữ cảnh và việc giao tiếp. Hướng nghiên cứu này có thể xem là đối lập với cấu trúc luận. Bởi vì các nhà nghiên cứu ngữ dụng học cho rằng các yếu tố bên ngoài, thuộc về ngữ cảnh giao tiếp có quan hệ chặt chẽ với các yếu tố bên trong của hệ thống ngôn ngữ. Trong đó, phạm vi cấu trúc thông tin của phát ngôn trong tiếng Việt có những đặc điểm riêng, liên quan đến cái gọi là cấu trúc “đề - thuyết” của câu. Đây là một phương diện được một số tác giả, tiêu biểu là Cao Xuân Hạo, quan tâm và có thể cho đó là một hướng nghiên cứu mới trong nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt hiện nay. Trên quan điểm ngữ pháp chức năng, Cao Xuân Hạo cho rằng tiếng Việt là ngôn ngữ thuộc loại hình không phải có kết cấu chủ - vị, mà là thuộc loại hình có kết cấu đề - thuyết [1].


Về quan niệm đề - thuyết và quan niệm kết cấu chủ - vị trong những năm vừa qua đã liên tiếp có những tranh luận cả trên các báo chí lẫn trong các hội thảo khoa học về ngữ pháp tiếng Việt ([3], số 14/2004). Có thể thấy những quan điểm khác nhau của một bên tiêu biểu là Đỗ Hữu Châu, Lê Xuân Thại,... bên kia là Cao Xuân Hạo và một số người khác. Thực chất của hai quan điểm nêu trên là: Một bên cho rằng cấu trúc chủ - vị là cấu trúc của các ngôn ngữ phương Tây, khác với loại hình đơn lập tiếng Việt; còn bên kia cho rằng cấu trúc đề - thuyết là không tiêu biểu cho thực tế của tiếng Việt và có tính khiên cưỡng. Gần đây Hoàng Văn Vân lại vận dụng một hướng tiếp cận của ngữ pháp chức năng hệ thống đối với ngữ pháp tiếng Việt mà theo ông thì những nghiên cứu ngữ pháp của tiếng Việt, cũng như ngữ pháp chức năng của Cao Xuân Hạo, mặc dù có những thành tựu nhưng vẫn không tỏ ra có sức mạnh giải thích ngữ pháp tiếng Việt [18]. Chúng tôi cho rằng, những quan điểm nêu trên của ngữ pháp chức năng, ngữ dụng học, ngữ pháp chức năng hệ thống đều cho thấy những phương diện khác nhau của cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt và dường như càng ngày chúng ta càng tiến gần đến một đối tượng phức tạp, đó là Ngôn ngữ - tiếng Việt và người sử dụng nó.


2. Về hướng nghiên cứu Ngôn ngữ học xã hội

Ở Việt Nam, những vấn đề về ngôn ngữ học xã hội đã được đề cập đến trong những công trình nghiên cứu về chính sách ngôn ngữ, chuẩn hoá ngôn ngữ, song ngữ, đa ngữ, phương ngữ, v.v... của các tác giả: Hoàng Phê, Hoàng Tuệ, Nguyễn Kim Thản, Hoàng Thị Châu, Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Lợi, Lí Toàn Thắng, Hoàng Văn Hành, Phạm Đức Dương, Bùi Khánh Thế, Hồ Lê, v.v... Song cuốn Ngôn ngữ học xã hội: Những vấn đề cơ bản[11] của Nguyễn Văn Khang là công trình đầu tiên giới thiệu ngôn ngữ học xã hội với tư cách là một bộ môn khoa học một cách hệ thống và toàn diện nhất. Công trình nghiên cứu này cho thấy một cách tổng quan không chỉ những quan điểm đáng chú ý trong lĩnh vực ngôn ngữ học xã hội, mà cả một số vấn đề cấp bách trong tiếng Việt hiện nay cũng được tác giả lí giải và phân tích, so sánh đối chiếu với các ngôn ngữ khác.


Một phạm vi quan trọng khác của ngôn ngữ học xã hội vĩ mô, đó là kế hoạch hoá ngôn ngữ được trình bày trong cuốn: Kế hoạch hoá ngôn ngữ - ngôn ngữ học xã hội vĩ mô[12] của Nguyễn Văn Khang. Trong đó tác giả đã giới thiệu và phân tích một cách hệ thống các công việc kế hoạch hoá ngôn ngữ với những nội dung cơ bản là: kế hoạch hoá vị thế ngôn ngữ, kế hoạch hoá bản thể ngôn ngữ, kế hoạch hoá uy tín ngôn ngữ. Ở đây kế hoạch hoá uy tín ngôn ngữ được coi là một khung tổng thể về kế hoạch hoá ngôn ngữ.


Như chúng tôi trình bày ở mục ngữ dụng học và cả ở phần dưới đây về tâm lí ngôn ngữ học, vấn đề giao tiếp được ngôn ngữ học xã hội đặc biệt quan tâm. Khảo sát về lớp từ xưng hô trong tiếng Việt, cũng như các vấn đề về giới tính và yếu tố lịch sự trong giao tiếp ngôn ngữ, tác giả cho thấy tiếng Việt có những đặc thù và khuynh hướng riêng trong việc sử dụng ngôn ngữ. Yếu tố lịch sự trong giao tiếp cũng được nhiều tác giả khác như Nguyễn Thiện Giáp [10], xem xét như một chiến lược quan trọng cùng với “nguyên lí cộng tác”, yếu tố này chi phối cả quá trình cũng như kết quả giao tiếp. Khảo sát những vấn đề trên dưới góc độ ngôn ngữ học xã hội còn cho thấy những đặc trưng văn hoá - xã hội của người Việt trong giao tiếp.


3. Về hướng nghiên cứu Tâm lí ngôn ngữ học và Ngôn ngữ học tri nhận

Cũng như tình hình chung của các bộ môn có tính liên ngành ở Việt Nam, những vấn đề về tâm lí ngôn ngữ học và ngôn ngữ học tri nhận gần đây đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu.Trong một số giáo trình đại học và chuyên khảo đã đề cập đến các vấn đề tâm lí ngôn ngữ học. Chẳng hạn như sưu tập chuyên đề Một số vấn đề cơ bản của tâm lí ngôn ngữ học[15]; những bài về ngôn ngữ trẻ em tại các hội nghị khoa học nghiên cứu nuôi dạy trẻ ở Hà Nội (1978, 1986, 1991).


Việc nghiên cứu ngôn ngữ trẻ em ở Việt Nam tuy còn mới mẻ nhưng đã thu được một số kết quả nhất định, như đưa ra những chỉ số phát triển về ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp, vốn từ; về khả năng ngôn ngữ trẻ em và những cách tiếp cận tâm lí ngôn ngữ học, ngôn ngữ học xã hội đến đối tượng này.


Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng: hướng tiếp cận ngôn ngữ trẻ em theo cách mà nó hình thành (Ontogenez) đã thu hút sự chú ý của các nhà tâm lí học và ngôn ngữ học trên thế giới. Hướng tiếp cận này cho phép làm sáng tỏ phương diện bên trong của tổ chức của khả năng ngôn ngữ, không phải về mặt “định lượng”, mà quan trọng là ở mặt “định tính” và sự phát triển kế tiếp nhau của các thành tố trong khả năng ngôn ngữ của đứa trẻ. Đây là hướng nghiên cứu được chúng tôi triển khai trong nhiều năm và đã công bố trong một số công trình tại Viện Ngôn ngữ học, Viện HLKH Liên Xô (1989, 1990), ở Việt Nam (2001, 2005), và một số hội nghị khoa học quốc tế (1996, 2004). Lần đầu tiên ở Việt Nam với công trình Từ hoạt động đến ngôn ngữ trẻ em [14], chúng tôi đã không chỉ xác định cơ sở tâm lí ngôn ngữ học của sự tiếp thu ngôn ngữ của trẻ em người Việt, mà còn nêu lên những đặc điểm của tổ chức, hoạt động của khả năng ngôn ngữ trẻ em nói một ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập là tiếng Việt.


Trong Tâm lí ngôn ngữ học và việc nghiên cứu ngôn ngữ ở trẻ em Việt Nam[9], chúng tôi đã cố gắng tổng kết những thành tựu trong việc nghiên cứu ngôn ngữ trẻ em Việt Nam không chỉ trên phương diện “định lượng” là quá trình phát triển của các phương diện ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa của trẻ em, mà còn nêu lên những đặc trưng của quá trình tiếp thu và sản sinh phát ngôn của trẻ em người Việt. Đó là sự hình thành và phát triển các cấu trúc nền tảng thuộc các cấp độ ngữ âm, ngữ nghĩa, cú pháp được biểu hiện trong các giai đoạn phát triển sớm trong hoạt động lời nói của trẻ em. Chúng tôi cho rằng sự sản sinh phát ngôn lời nói ở trẻ em gắn liền với sự tri nhận của trẻ đối với thế giới xung quanh, mà trực tiếp là tri nhận về hoạt động thực tiễn của đứa trẻ cũng như những thao tác của đứa trẻ đối với đối tượng.
Vấn đề về sự sản sinh và tiếp thu ngôn ngữ, về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy, ngôn ngữ và nhận thức, giữa hoạt động - hành động - ngôn ngữ, đã thu hút sự chú ý của tâm lí ngôn ngữ học hiện đại. Ở Việt Nam những vấn đề trên cũng được nhiều tác giả nghiên cứu và tổng kết, giới thiệu (chẳng hạn như trong các công trình của Hồ Lê, Lí Toàn Thắng, Nguyễn Đức Tồn, Nguyễn Huy Cẩn, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Lai v.v...).


Nếu xem ngôn ngữ học tri nhận là một sự tăng cường phân tích vai trò của nhận thức đối với các đơn vị ngôn ngữ (nhất là ở phạm vi ngữ nghĩa), thì ở Việt Nam có một số tác giả quan tâm đến lĩnh vực này như Lí Toàn Thắng, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Đức Tồn v.v..., trong đó Lí Toàn Thắng là người có nhiều nghiên cứu một cách hệ thống và đi sâu vào tiếng Việt[25]. Có những vấn đề theo hướng nghiên cứu này sẽ đưa lại những phát hiện mới mà trong những nghiên cứu truyền thống trước đây chưa được làm sáng tỏ. Trong Sự hình dung không gian trong ngữ nghĩa của loại từ và danh từ chỉ đơn vị ([3], số 3/2001, tr. 1-19), Lí Toàn Thắng đã nêu lên “cách thức mà người Việt dùng các loại từ để mô tả các thuộc tính không gian của vật thể” và từ đó xếp loại chúng. Qua đó có thể suy đoán về một cách thức riêng của tiếng Việt trong việc ý niệm hoá, phân loại và mô tả thế giới khách quan - một vấn đề hiện đang được chú ý trên thế giới dưới ảnh hưởng của trào lưu “ngôn ngữ học tri nhận”. Sự tri nhận không gian của người Việt thông qua các từ: ra, vào, lên, xuống, trên, dưới, được một số tác giả bàn đến. Trong Những giới từ không gian: sự chuyển nghĩa và ẩn dụ[24], Nguyễn Đức Dân cho rằng: những từ như: trên-dưới, trước-sau, gần-xa, trong-ngoài, là những cặp khái niệm nguyên thuỷ trong nhận thức không gian có liên hệ tới sự tồn tại và vận động của con người, chúng có sự chuyển nghĩa rất mạnh trong quá trình phát triển nhận thức.


Mối quan hệ ngôn ngữ và tư duy còn được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu so sánh ngôn ngữ. Như nghiên cứu các từ chỉ các bộ phận thân thể của người trong tiếng Việt và tiếng Nga của Nguyễn Đức Tồn ([3], số 3/1993). Trong cuốn Logic và tiếng Việt[7], Nguyễn Đức Dân đã phân tích tiếng Việt dưới góc độ logic và xem xét những quan hệ của hoạt động ngôn ngữ và tư duy. Trong việc nghiên cứu ngôn ngữ trẻ em, Nguyễn Huy Cẩn thông qua việc khảo sát các quá trình hình thành ngôn ngữ trẻ em đã làm sáng tỏ mối quan hệ qua lại giữa sự phát triển của cấu trúc nhận biết và các thành tố của khả năng ngôn ngữ của đứa trẻ [14].


Những vấn đề về tâm lí ngôn ngữ học tộc người đã được Nguyễn Đức Tồn khảo sát trong công trình Tìm hiểu đặc trưng văn hoá dân tộc của ngôn ngữ tư duy ở người Việt... [5]. Đây là hướng nghiên cứu về tâm lí - ngôn ngữ học tộc người. Có thể nói lần đầu tiên ở Việt Nam, tác giả đã đề xuất một hệ vấn đề trong việc nghiên cứu những đặc trưng văn hoá - dân tộc và tư duy của một dân tộc cũng như các phương pháp để tiến hành nghiên cứu các phương diện đó.


4. Về mối quan hệ giữa Ngôn ngữ và Văn hoá

Có thể cho rằng trong thập kỉ vừa qua, vấn đề ngôn ngữ và văn hoá đã lôi cuốn mạnh mẽ sự chú ý của các nhà ngôn ngữ học Việt . Đã có hàng loạt các nghiên cứu cũng như các cuộc hội thảo về vấn đề này, trong đó các nhà Việt ngữ học đã chú ý đến những đặc trưng văn hoá-dân tộc của tiếng Việt trong việc nghiên cứu ngữ nghĩa của từ, thành ngữ, phương ngữ, tư duy và ngôn ngữ, giao tiếp ở người Việt [5; 9; 15; 24].


Nhìn chung các tác giả có xu hướng áp dụng các phương pháp và các nguyên tắc của ngôn ngữ học vào việc nghiên cứu về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá. Mặc dù còn có nhiều quan niệm và những cách tiếp cận khác nhau, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng: “Những vấn đề về ngôn ngữ và văn hoá cần được tiếp cận một cách liên ngành mà việc sử dụng bộ máy khái niệm ngôn ngữ học thuần tuý chưa hẳn là một cách tiếp cận tối ưu; bức tranh văn hoá qua ngôn ngữ và mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá sẽ được làm sáng tỏ hơn không chỉ trên những ngữ liệu có tính ”đặc thù", riêng lẻ của ngôn ngữ và văn hoá, mà còn trên những ngữ liệu có tính bao quát hơn, đó là “mã hiệu” của ngôn ngữ và văn hoá ([15], H.: 2002, tr.26). Về khái niệm văn hoá còn có những định nghĩa khác nhau, nhưng các nhà nghiên cứu đều cho rằng ngôn ngữ dân tộc là một bộ phận của nền văn hoá dân tộc, ngôn ngữ là một trong những phương tiện biểu hiện đặc trưng của văn hoá dân tộc, giữa ngôn ngữ và văn hoá có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Phạm Đức Dương cho rằng “Nếu như văn hoá là tổng thể những hệ thống các tín hiệu khổng lồ mang tính thiết chế xã hội, bao trùm lên mọi hoạt động của một cộng đồng người nhất định, thì ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu quan trọng bậc nhất được xây dựng trên quan hệ biểu trưng văn hoá của loài người” ([15], H.:1997). Theo Trần Ngọc Thêm, việc nghiên cứu quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá đã trải qua 3 thời kì, kể từ Humboldt cuối thế kỉ XIX với luận điểm coi “ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc”. Thời kì thứ 2 từ những năm 1930 với E.Sapir và B. Whorf, thời kì thứ 3 là từ những năm 1950 với Claude Levi-Strauss và hiện nay là thời kì thứ 4, quan tâm đến mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá nói chung. Theo Trần Ngọc Thêm, mối quan hệ bộ phận - toàn thể giữa hai đối tượng ngôn ngữ và văn hoá dẫn đến quan hệ tương hỗ giữa hai thành phần ngôn ngữ và văn hoá học. Ngôn ngữ có thể giúp gì cho việc xây dựng văn hoá học lí thuyết và ngược lại ([23], tr.11).


Về những khảo sát những chứng tích có liên quan đến ngôn ngữ và văn hoá gần đây phải kể đến công trình Một số chứng tích ngôn ngữ, văn tự và văn hoá của GS. Nguyễn Tài Cẩn [16]. Điều đáng chú ý trong công trình này là tác giả đã phát hiện ra những chứng tích văn tự, ngôn ngữ có liên quan đến văn hoá Việt - một hướng nghiên cứu mà không ít học giả nước ngoài đã cố gắng tìm kiếm từ trước đến nay trong việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt.


Có thể thấy một hướng nghiên cứu liên văn hoá - ngôn ngữ qua việc so sánh tiếng Việt và các ngôn ngữ khác, như các công trình của Phạm Đức Dương và Phan Ngọc Tiếp xúc ngôn ngữ Đông Nam Á[19], hay công trình Tiến tới xác lập vốn từ vựng văn hoá Việtcủa Nguyễn Văn Chiến [17].


Nguyễn Văn Lợi khi khảo sát về tộc danh chung của các dân tộc trong khu vực Nam Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á cho rằng: Một số dân tộc trong các ngữ hệ Nam Á, Thái - Đồng, Mèo - Dao, đã từng có một tộc danh chung và có thể bắt nguồn từ một chữ có nghĩa là “người” ([23], tr.35-44).


Trịnh Thị Kim Ngọc từ góc độ nghiên cứu về con người nói chung đã cho rằng không thể nghiên cứu con người và văn hoá nếu bỏ qua ngôn ngữ của họ ([3], số 14/2002, tr. 42-50).


5. Về Ngôn ngữ học ứng dụng

Ở Việt Nam, từ cuối thế kỉ trước đến nay nhiều vấn đề của ngôn ngữ học ứng dụng đã được quan tâm. Gần đây các phương diện nghiên cứu như: ngôn ngữ và công nghệ thông tin, ngôn ngữ và việc dạy tiếng, những vấn đề ứng dụng giao tiếp, về bệnh học ngôn ngữ, v.v... đã bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ.


Về những vấn đề ngôn ngữ và công nghệ thông tin ở Việt Nam hiện nay, theo Nguyễn Văn Lợi, Phạm Hùng Việt, Ngô Trung Việt, thì cần thiết có sự kết hợp chặt chẽ giữa ngôn ngữ học và công nghệ thông tin theo hai hướng: 1) Áp dụng các phương pháp và các phương tiện của công nghệ thông tin vào việc nghiên cứu lí thuyết và ứng dụng của tiếng Việt. 2) Nghiên cứu và giải quyết những vấn đề tiếng Việt trong công nghệ thông tin ([3], số 10/2002).


Vấn đề ngôn ngữ và việc dạy tiếng ở Việt từ lâu đã được đông đảo mọi người quan tâm. Trong tình hình đổi mới nền kinh tế hiện nay thì vấn đề ngoại ngữ và tiếng Việt càng được chú ý nghiên cứu và phát triển. Các phương pháp của việc dạy ngoại ngữ ở Việt hiện nay chủ yếu dạy theo phương pháp giao tiếp có kết hợp với một số phương tiện nghe - nhìn khá hiện đại. Có một số giáo trình dạy tiếng, một số luận án cao học và tiến sĩ đã bước đầu nêu lên những đặc trưng của tiếng Việt khi so sánh với tiếng nước ngoài.


Hiện nay, việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài cũng được mở rộng ở nhiều khoa tiếng Việt - văn hoá Việt của một số trường đại học. Theo Bùi Khánh Thế, việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài cần phải chú ý đến phương diện văn hoá - ngôn ngữ của tiếng Việt cũng như tiếng mẹ đẻ của học viên, việc dạy tiếng Việt cần được quan niệm như dạy một ngôn ngữ thứ hai cho học viên ([3], số 10/2003).


Việc dạy tiếng Việt với tư cách là một ngoại ngữ cũng như việc dạy ngoại ngữ hiện nay ở Việt Nam chủ yếu dựa trên cơ sở của ngôn ngữ học đối chiếu và lí thuyết tiếp xúc ngôn ngữ và đã thu được những kết quả nhất định, nhất là khi chú ý đến phương diện giao tiếp ngôn ngữ. Tuy vậy chúng ta thấy cơ sở tâm lí ngôn ngữ học của việc dạy tiếng ở Việt hiện còn ít được chú ý, điều đó sẽ làm hạn chế đến kết quả của việc dạy và học.


Một vấn đề khá quan trọng và có tính thời sự trong sự nghiệp đổi mới giáo dục - đào tạo ở Việt hiện nay là vấn đề tiếng Việt trong nhà trường phổ thông. Trong công trình Mấy vấn đề lí luận... Nguyễn Đức Tồn đã nêu lên những phương pháp của việc dạy tiếng Việt trong nhà trường dựa trên những cơ sở tâm lí ngôn ngữ học của việc tiếp thu ngôn ngữ. Với những thủ pháp khoa học, giáo viên và học sinh có thể vận dụng dễ dàng trong việc dạy và học tiếng Việt [6].


6. Thay lời kết luận

Như việc điểm sơ bộ ở trên về tình hình nghiên cứu Việt ngữ học ở Việt trong thời gian vừa qua cho thấy: chúng ta đã đạt được không ít thành tựu ở các phương diện nghiên cứu liên ngành; nhưng còn có những phạm vi chúng ta chưa nghiên cứu được nhiều. Chẳng hạn như: vấn đề về sản sinh phát ngôn lời nói trong tâm lí ngôn ngữ học, vấn đề về lí thuyết giao tiếp, các vấn đề về thần kinh - ngôn ngữ và bệnh học lời nói, v.v... Những vấn đề về lí thuyết thông tin, dịch máy, tự động hoá xử lí văn bản, dường như được giới khoa học Việt kiều và các doanh nhân quan tâm nhiều hơn. Phải chăng chúng ta còn thiếu một quy hoạch tổng thể về “người và của” và một tầm nhìn của thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong việc nghiên cứu Tiếng Việt và người sử dụng nó.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Cao Xuân Hạo. Tiếng Việt - Sơ thảo ngữ pháp chức năng. Nxb Khoa học Xã hội, 1991.
  2. Đỗ Hữu Châu. Đại cương ngôn ngữ học: Ngữ dụng học. Nxb Giáo dục, H., 2001.
  3. Tạp chí Ngôn ngữ.
  4. Hồ Lê. Quy luật ngôn ngữ (Quyển 1, 2, 3, 4). Nxb Khoa học Xã hội, 1995, 1996, 1999, 2001.
  5. Nguyễn Đức Tồn. Tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ văn hoá của tư duy người Việt. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.
  6. Nguyễn Đức Tồn. Mấy vấn đề lí luận và phương pháp dạy - học từ ngữ tiếng Việt trong nhà trường. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
  7. Nguyễn Đức Dân. Logic và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1996.
  8. Nguyễn Đức Dân. Ngữ dụng học (tập 1). Nxb Giáo dục, H., 1998.
  9. Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Lược sử Việt ngữ học. Nxb Giáo dục, H., 2005.
  10. Nguyễn Thiện Giáp. Dụng học Việt ngữ. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.
  11. Nguyễn Văn Khang. Ngôn ngữ học xã hội: Những vấn đề cơ bản. Nxb Khoa học Xã hội, 1998.
  12. Nguyễn Văn Khang. Kế hoạch hoá ngôn ngữ – Ngôn ngữ học xã hội vĩ mô. Nxb Khoa học Xã hội, 2003.
  13. Nguyễn Huy Cẩn. Một số hướng nghiên cứu mới của Việt ngữ học ở Việt hiện nay. Tạp chí Thông tin KHXH, số 7, 2001.
  14. Nguyễn Huy Cẩn. Từ hoạt động đến ngôn ngữ trẻ em. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.
  15. Nguyễn Huy Cẩn (chủ biên). Thông tin KHXH - Sưu tập chuyên đề. Viện Thông tin KHXH, 1987, 1997, 2002.
  16. Nguyễn Tài Cẩn. Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.
  17. Nguyễn Văn Chiến. Tiến tới xác lập vốn từ vựng văn hoá Việt. Nxb Khoa học Xã hội, 2004.
  18. Hoàng Văn Vân. Mô tả cú pháp kinh nghiệm của tiếng Việt theo quan điểm chức năng - hệ thống. Nxb Khoa học Xã hội, 2003.
  19. Phạm Đức Dương & Phan Ngọc. Tiếp xúc ngôn ngữ Đông Á. Nxb Khoa học Xã hội, 1983.
  20. Tập san Khoa học xã hội và nhân văn, số 15/2000. Trường Đại học KHXH&NV Thành phố Hồ Chí Minh.
  21. Trần Ngọc Thêm. Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1999.
  22. Trần Ngọc Thêm. Cơ sở văn hoá Việt Nam. Nxb Giáo dục, H., 1998.
  23. Việt Nam - Những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá. Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, 1993.
  24. Hội nghị ngôn ngữ học Liên Á. Lần thứ V: Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 11/2000); lần thứ VI: Hà Nội (tháng 11/2004).
  25. Lí Toàn Thắng. Ngôn ngữ học tri nhận: Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt. Nxb Khoa học Xã hội, 2005.
Nguồn :ngonngu.net
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top