Viết cho mùa Trung thu.

Hide Nguyễn

Du mục số
TTO - Năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết Trung thu là ba lại kỳ cạch làm lồng đèn cho con.

Ba chạy ra chợ mua một ống nứa, mấy tờ giấy màu, một hộp hồ dán. Rồi bỏ nguyên cả một buổi chiều, ba ngồi làm lồng đèn. Chẻ lạt, chuốt nan, buộc khung, cưa khúc củi thành từng khoanh rồi dùi lỗ làm bánh xe… Con quanh quẩn bên cạnh, vừa xem ba làm vừa bi bô hỏi chuyện. Ba làm kiểu lồng đèn ôtô cho con hả, ba làm cả đèn con thỏ nữa nhé. Ừ, con muốn kiểu đèn nào ba làm cho kiểu đó, làm hai chiếc luôn.

TrungThu001.jpg



Ai cũng bảo lồng đèn bán đầy chợ đủ các kiểu, vừa đẹp vừa rẻ, mua một cái về cho con chơi mất công làm gì cho vất vả. Biết vậy nhưng ba vẫn muốn tự tay làm lồng đèn cho con. Ba không mấy khéo tay nên lồng đèn làm ra cũng không đẹp cho lắm. Nhưng những lúc ngồi làm đèn cho con, ba nhớ tuổi thơ ấu của ba, nhớ tới ông bà nội ngày xưa. Ba cũng muốn con được sống trong sự chăm sóc, yêu thương như ba hồi ấy.

Đêm đến, chưa phải là trung thu nhưng con đã háo hức lấy đèn ra chơi. Chiếc xe dán giấy vàng giấy đỏ được thắp nến cứ sáng lung linh. Con lon ton kéo chiếc xe vòng quanh sân nhà, miệng giả tiếng xe chạy dìn dìn, tiếng còi xe pin pin, gương mặt bầu bĩnh thơ ngây rạng rỡ… Nhìn con, ba thấy thật hạnh phúc.

trungthu9.jpg



Trung thu ở Tây nguyên thường có mưa, những cơn mưa bất chợt, ào đến rồi ào đi. Trung thu năm ấy cũng vậy, xế chiều trời đổ mưa đến tối mới tạnh. Con đường đất đỏ trong xóm lầy lội, mảnh sân trước nhà cũng nhão nhoét. Trẻ con trong xóm vẫn rủ nhau đi rước đèn. Khi đó con còn nhỏ lắm, mới bốn hay năm tuổi gì đấy. Ba cõng con ra đường, chọn chỗ cao ráo cho con kéo xe.

Ba đi theo vừa để trông chừng sợ con trượt ngã, vừa để thỉnh thoảng gạt lớp đất bùn dính bết ở bánh xe cho con. Sau lần ấy, bao giờ ba cũng làm thêm đèn ông sao, phòng khi trời mưa con vẫn có đèn để rước cùng bè bạn.

Nhưng cũng có những trung thu trăng đẹp. Những trung thu ấy con lớn hơn, đã tự mình đi chơi được. Mẹ nấu cơm từ chiều để con ăn cho sớm. Con chuẩn bị sẵn đèn nến, rồi khi trăng mới ló con đã cùng bạn ríu rít rước đèn đi vòng vòng quanh xóm.

Nhưng ở xóm quê hẻo lánh này đêm trung thu cũng chỉ lao xao đôi chút rồi lại lặng ngắt. Con lại thơ thẩn một mình trước sân nhà. Mẹ bày hoa quả, bánh nướng cho con phá cỗ trông trăng. Để con vui, dù con đã được nghe nhiều lần, mẹ vẫn kể chuyện Sự tích cung trăng, chú Cuội, chị Hằng. Ba thì nghêu ngao vừa hát vừa làm hề. Con và mẹ cười nắc nẻ. Đêm trung thu thật đầm ấm.

4.jpg

Có một năm, trung thu xong con lấy chiếc túi nilông to bọc chiếc lồng đèn lại, cất đi. Con bảo để dành sang năm chơi, khỏi mất công ba làm đèn mới. Nhưng lồng đèn làm bằng nứa tươi, chỉ ít ngày đã bị mọt, chẳng để lâu được. Thấy vậy, con cứ tiếc rẻ mãi.

Lớn hơn một chút, trung thu con cũng bắt chước ba làm lồng đèn. Chiếc lồng đèn đầu tiên con làm kiểu ôtô vừa méo mó, vừa xộc xệch, giấy dán nhăn nhúm. Nhìn chiếc xe, ba không nhịn được cười. Con cũng lỏn lẻn cười theo rồi loay hoay sửa lại. Con cũng thích được tự mình làm lấy đèn để chơi. Những trung thu sau, lồng đèn con làm đã đẹp và chắc chắn hơn.

Năm ấy, thấy ở chợ có bán đèn lồng bằng nhựa, thắp bằng pin, mỗi khi bật công tắc lại phát ra bản nhạc khá vui tai, mẹ mua cho con một chiếc. Con rất thích. Nhưng đêm trung thu, con lại dùng chiếc đèn do ba làm. Hình như những chiếc đèn tự làm ấy dù không đẹp, không sang nhưng đã trở thành vật không thể thiếu trong những đêm trung thu của con!

Con lớn lên đi học đại học xa nhà. Trung thu bây giờ sẽ đem đến cho con những niềm vui mới, những ước vọng mới. Nhưng chắc chẳng bao giờ con quên được những trung thu bên ba mẹ, dù những ngày ấy đã xa!
 
Mùa thu vàng đã ùa vào lòng thành phố, cảnh sắc đổi thay từng ngày, ngay cả cơn gió cũng mang sắc thu mang mác khiến cho những tâm hồn đa đoan nhạy cảm thoáng chút buồn chơi vơi.

Mùa thu, mùa của những nỗi niềm xa cách và cũng là mùa dễ dàng kéo con người ta trở về với những kỷ niệm êm đềm thời thơ dại.
Tôi nhớ lắm mỗi mùa dịu dàng đến, tôi bắt đầu lật những tờ lịch nhỏ mỏng manh treo trên tường và đếm ngược, nhẩm tính ngày âm, ngày dương…cũng chưa biết mua thu trong veo và lãng mạn như thế, chỉ biết rằng ngày răm trung thu sẽ đến khi gió heo may leo trên đầu lọn mía.

Nhiều năm trôi qua, những háo hức của ngày Tết ấy cứ phai dần, phai dần nhưng rồi bên cạnh bộn bề cuộc sống thì cứ mỗi độ tháng tám về tôi lại dành cho mình một khoảng lặng để mà trở về với dòng ký ức tuổi thơ.

u2_trungthucu.jpg



Ngày ấy, nhà tôi ở là một ngôi nhà kiến trúc cổ lợp ngói năm gian, chiếc máy dệt lách cách ngày đêm ru tôi vào giấc ngủ và cây trái trong khu vườn trước sân là một thế giới tuyệt diệu làm nên cả một trời ký ức trù phú trong tôi. Nơi góc vườn là cây bưởi cổ thụ năm nào cũng ra rất nhiều hoa trái, bưởi vị chua chua là niềm khát khao cho một lũ trẻ chúng tôi, tôi cũng biết trốn mẹ tìm gậy trúc chọc những trái bưởi to trên cao từ khi nắng mùa hè vẫn đỏ, vì là bưởi chua nên chỉ cuối tháng 6 âm lịch là đã hết he, tháng 7 mưa bão thì bưởi rụng đầy gốc những đêm mưa…chị em tôi cứ đến mùa ấy là ngày nào cũng được tận hưởng cái vị chua chua cùng nhiều trò với cái vỏ bưởi xanh đầy tinh dầu đậm mùi hương thơm cay cay…


Tôi đặc biệt thích hạt bưởi, bởi đó là một thứ hạt nhỏ khi bóc tôi có thể tách làm đôi, xâu vào dây thép phơi khô chờ đến rằm trung thu mang ra đốt, ảnh lửa lách tách túa ra đẹp mắt và thơm nồng cả một vùng không gian trong đêm trăng sáng. Ngày ấy kinh tế còn khó khăn, những chiếc oản đường bọc xanh đỏ tím vàng không phải lúc nào cũng có, chỉ những khi bà nội đia chùa về tôi mới được tận hưởng cái vị ngọt thanh tan chảy trong cổ và còn thú vị hơn nữa là tôi sẽ để dành những chiếc nilon bọc oản đủ mầu chờ cận ngày rằm trung thu sẽ mang ra làm đèn ông sao năm cánh xinh xinh. Từ những cành tre cật tôi buộc vào nhau, dán giấy màu và chống lên thành đèn, nó rất đẹp và khi thắp nến trong đêm trăng nó sẽ có nhiều màu sắc mà bọn trẻ trong ngõ đua nhau khoe trong ngày tết ấy.


Mâm ngũ quả đên trông trăng không thể thiếu cây mía dài và những “Ông Phỗng” được tiện ra từ mía, chú cún con làm bằng những múi bưởi tách ra bật tung từng tép nhỏ gắn vào bẹ chuối nhìn rất thích mắt và bánh nướng bánh dẻo nhiều khi có cả hình cá chép, hình mặt trăng…


u2_nghiemtuananh.jpg
Đó là những gì trong ký ức, đó là những gì mà tuổi thơ của cả một thế hệ đã đi qua, nó bình dị và thanh cao biết mấy, đơn giản mà đủ đầy phong vị ngày tết của tuổi thơ được phá cỗ linh đình dưới ánh sáng huyền ảo của trăng, đó là những niềm vui của một thời đất nước còn khó khăn và những trò chơi dân gian còn rộng rãi.


Giờ đây, kinh tế phát triển, những hộp bánh trung thu có giá hàng triệu được bày bán và tiêu thụ, kỳ lạ là với giá tiền bằng cả một tháng lương ấy nhưng bánh vẫn hết và ai ai cũng nói ăn bánh trung thu thật ngán vì nó quá ngọt nhưng cận ngày rằm thì khó lòng mua được một hộp bánh ưng ý. Đó cũng là niềm vui, đó cũng là hạnh phúc vì chúng ta đã không còn khổ cực như ngày xưa nữa. Nhưng cũng thật buồn cho đám trẻ bây giờ, chúng không còn ham thích những chiếc đèn ông sao xanh đỏ giản đơn, chúng không còn được chơi những chiếc đèn kéo quân phải cầu kỳ lắm mới làm ra được. Mọi thứ đều bày bán sẵn sàng.


Chiều, như thói quen bình thường của những mùa heo may, tôi tản bộ trên phố Hàng Mã, bao nhiêu là đèn lồng lập lòe, tràn ngập đồ chơi trung quốc quay tít mù phát ra những tiếng kêu eo éo chói tai mà người ta vẫn gọi là nhạc, những chiếc đèn ông sao, những chiếc đầu lân, mặt cười trong trò chơi múa lân múa rồng chỉ chiếm một góc nhỏ khiêm tốn và người mua, người bán không mấy mặn mà.


“Vì là đồ truyền thống nên các trường học PHẢI mua thôi em ạ, chứ bọn trẻ giờ chúng không thích những cái đèn ông sao này đâu, bán lẻ thì 5 ngàn, mua cả chục thì 3 ngàn em ạ”. Đó là khi tôi hỏi một người bán hàng về những chiếc đèn ông sao nhỏ nhỏ xinh xinh đang còn bẹp dí dưới sạp hàng.


Những chiếc đèn lồng phát sáng lập lòe, những tiếng “nhạc” kỳ quá không biết vấn điệu ra sao có làm nên những kỷ niệm ngọt ngào trong ký ức tuổi thơ về mùa trung thu ấm cùng và truyền thống cho bọn trẻ? Bỗng tôi thấy chạnh lòng và xót thương cho những tiện dụng bây giờ. Có khi nào những đứa trẻ kia được chơi trò rồng rắn lên mây trong đêm trăng sáng, có khi nào đám trẻ được háo hức khoe cái đèn lồng tự tay làm với bạn, có khi nào chúng cùng hát câu hát ngày rằm mừng cho “Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng, dưới ánh trăng vàng và chúng cháu hát ca” khi mà những tiếng nhạc eo éo kia đang ấm ỹ khắp mọi nơi.


Vẫn biết, rồi bọn trẻ cũng sẽ phải lớn lên, rồi những háo hức của một mùa Trung thu ngọt ngào vui sướng cũng sẽ qua đi, nhưng ngay khi trong tâm hồn tươi sáng còn đong đầy và chất chứa những ước mơ, chúng ta hãy gieo vào đó những mầm xanh hy vọng và xây dựng cho chúng lòng tự hào dân tộc, những truyền thống quý báu cần được giữ gìn.

Một buổi chiều trên con phố đồ chơi, quẳng tâm hồn theo làn gió heo may ghé lại trên phố đông đúc, cảm nhận không khí háo hức vẫn nguyên vẹn, chỉ khác đi là khát khao cháy bỏng về một tuổi thơ rong ruổi giản đơn mà đầm ấm, những trò chơi thân thiện, những đồ chơi khéo léo và tỷ mỉ không còn. Phải chăng tôi đã là người của một thế hệ xa xôi nên không thể thấu, không thể hiểu để chấp nhận những cái mới trong guồng quay công nghiệp để đến cả đồ chơi cũng biến hóa khó lường.


Cốm vẫn xanh, hoa sữa vẫn ngọt ngào, bỏ qua những ồn ào náo nhiệt, bỏ qua những phù phiếm thì mùa thu vẫn cứ dịu dàng trong suốt, mùa mang mát chậm chạp chạy qua, cành liễu rủ mặt hồ Gươm lăn tăn sóng xanh ngắt, nắng chiều dần tắt vàng vọt trên lá trên hoa. Người lữ khách bên cuộc đời ồn ã, cứ mãi kiếm tìm những cũ kỹ hào hoa lịch lãm mà thanh tao. Nằng nặng câu hỏi trong lòng “mùa trung thu cũ chạy đâu mất rồi?”


Hà Nội chiều 23 tháng 9 năm 2009

_____
Theo :Nghiêm Tuấn Anh
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top