Viện văn học với văn học dân tộc thiểu số

heokoncute

New member
Xu
0
Việc sưu tầm văn học dân tộc thiểu số đã được thực hiện với Vương Duy Trinh trong sách Thanh Hoá quan phong (1903). Ở sách này, về văn học dân tộc thiểu số, có một số dân ca, truyện cổ Mường và Thái (1) . Năm 1976, trong Tư liệu tham khảo Văn học Việt Nam, Tập 1, Văn học dân gian, phần III, Bùi Văn Nguyên và Đỗ Bình Trị đã tuyển chọn đưa vào hệ thống sách Đại học Sư phạm, phần Văn học dân gian dân tộc thiểu số gồm truyện cổ, tục ngữ, dân ca, trường ca và truyện thơ (2) .
Nhà văn Vũ Ngọc Phan trong các công trình sưu tập cổ tích, ca dao, dân ca thường quan tâm đến dân tộc thiểu số. Riêng tập tục ngữ, ca dao dân ca Việt Nam – 1978 (in lần thứ tám) (3) có hẳn một phần Tục ngữ, ca dao, dân ca của đồng bào miền núi gồm: tục ngữ dân ca Thái, tục ngữ dân ca Tày, tục ngữ dân ca Mường, dân ca Hmông, dân ca Vân Kiều, dân ca Êđê.
Tóm lại, điểm sơ qua, chúng ta thấy việc sưu tầm giới thiệu văn học dân tộc thiểu số đã được thực hiện từ lâu.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số ở miền Bắc phải nói thực sự có bước chuyển biến quan trọng là bắt đầu từ các sự kiện mà Viện Văn học có sự đóng góp như: Lịch sử văn học Việt Nam, Văn học dân tộc thiểu số trước Cách mạng tháng Tám, Sử thi Đẻ đất đẻ nước.
1. Lịch sử văn học Việt Nam (phần văn học dân tộc thiểu số)
Sách Lịch sử văn học Việt Nam do Viện Văn học chủ trì “dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam”, cụ thể là Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, Chủ nhiệm Uỷ ban. Sách có ghi: “Trong quá trình biên soạn, đã có sự giúp đỡ của đồng chí Đặng Thai Mai, đồng chí Hà Huy Giáp. Ngoài ra, có sự đóng góp ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội, nhà văn, nhà thơ. Đồng chí Đinh Gia Khánh đã được Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam giao trách nhiệm xử lý bản thảo lần chót. Trước đó, tham gia vào việc xử lý bản thảo là đồng chí Vũ Đức Phúc, đồng chí Nguyễn Văn Hoàn” (4) . Như vậy, đây là một bộ sách quan phương, được nhiều đồng chí lãnh đạo và các nhà khoa học nổi tiếng rất quan tâm, mà các vị ở Viện Văn học có vai trò quan trọng (GS. Đặng Thai Mai, GS. Vũ Đức Phúc, GS. Nguyễn Văn Hoàn).
Vào thời điểm bấy giờ, việc sách khẳng định mạnh mẽ vai trò của văn học dân gian và văn học dân tộc thiểu số, là một đóng góp quan trọng. Trong lời tựa, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn nêu rõ quan điểm cơ bản về hai vấn đề trên:
- “Dân tộc Việt Nam gồm nhiều thành phần. Nếu trong bộ lịch sử văn học Việt Nam mà thiếu lịch sử văn học của các thành phần dân tộc anh em, thì như vậy có gọi được là lịch sử văn học Việt Nam hoàn chỉnh không? (P.Đ.N nhấn mạnh)” (5) .
- “Như vậy là ở ta, văn học dân gian là cha đẻ của văn học bác học (6) (P.Đ.N nhấn mạnh). Sự xuất hiện của chữ Nôm có tác dụng đẩy mạnh sự phát triển dưới nhiều hình thái văn hoá dân gian nói chung, văn học dân gian nói riêng” (7) .
Quan điểm trên đây đã chỉ đạo việc đưa văn học dân gian và văn học dân tộc thiểu số vào bộ lịch sử văn học quan phương của cơ quan Nhà nước, mặc dầu thời bấy giờ có không ít khó khăn. Có mấy điều khó:
- Căn cứ vào đâu để xác định lịch sử hình thành và phát triển của văn học 53 dân tộc thiểu số?
- Chưa có người chuyên nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số.
Trong tình hình đó Viện Văn học đề nghị chuyển người viết bài này từ bộ Văn hoá (ở Vụ Văn hoá dân tộc thiểu số, do nhà thơ Nông Quốc Chấn làm Vụ trưởng), sang Viện, biên chế tại Tổ Văn học dân gian do đồng chí Cao Huy Đỉnh làm tổ trưởng, và giao cho nhiệm vụ chính là giúp đồng chí Nông Quốc Chấn biên soạn phần Văn học dân tộc thiểu số.
Sau mấy năm làm việc, từ hai bàn tay trắng, dưới sự chỉ đạo của Viện, chúng tôi đã giúp nhà thơ Nông Quốc Chấn hoàn chỉnh bản thảo và năm 1980 phần Văn học dân tộc thiểu số đã được công bố với 60 trang khổ lớn, gồm 6 chương: Văn học các dân tộc thiểu số anh em từ buổi đầu mở nước đến năm 1945, thần thoại và trường ca các dân tộc thiểu số, truyện cổ dân gian, tục ngữ, dân ca và truyện thơ, văn học viết của trí thức dân tộc thiểu số trước Cách mạng tháng Tám.
Đây là sự khởi đầu, không khỏi non kém, tuy nhiên với công trình trên, Viện Văn học đã đánh dấu một mốc quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số. Và từ đây mở ra cho một số công trình khác kế tiếp (Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám của Phan Đăng Nhật – 1981, Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam của Võ Quang Nhơn – 1983).
Bài viết đang nói về thành tựu của Viện Văn học, nên ở đây chỉ giới thiệu sách thứ nhất.
2. Văn học các dân tộc thiểu số trước Cách mạng tháng Tám 1945 (8)
Thực chất đây là sản phẩm phụ theo bộ Lịch sử văn học Việt Nam. Không ai bảo ai nhưng các tác giả tham gia Lịch sử văn học, sau khi làm nhiệm vụ với Nhà nước, đều dựa vào đề tài đã tham gia, xuất bản một cuốn sách riêng. Ví dụ như Cao Huy Đỉnh có cuốn Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam (9) .
Noi theo các bậc đàn anh, xin phép Viện và nhà thơ Nông Quốc Chấn, dựa vào tài liệu văn học dân tộc thiểu số đã chuẩn bị, tôi biên soạn sách Văn học dân tộc thiểu số trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Sách này bổ sung thêm so với Lịch sử văn học, các chương Văn học các dân tộc gắn liền với đời sống. Phân loại và chương Từ văn học dân gian đến văn học thành văn.
Buổi ban đầu nên không khỏi thiếu sót và non yếu, tuy nhiên dưới dự chỉ đạo của Viện, đây là cuốn sách riêng đầu tiên, nghiên cứu, giới thiệu văn học dân tộc thiểu số.
3. Sử thi Đẻ đất đẻ nước (Thanh Hoá)
Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, nhóm các anh Vương Anh – Hoàng Anh Nhân, được sự hỗ trợ của Ty Văn hoá Thanh Hoá, sưu tầm mo Mường trong đó có Đẻ đất đẻ nước. Viện cử tôi đi miền núi Thanh Hoá tham gia sưu tầm cùng các anh. Sau mấy năm làm việc, bình thường là công bố. Tuy nhiên có một vấn đề: đây là khẩu bản Mo, một thứ mê tín. Thời bấy giờ không đơn giản như ngày nay. Còn một vấn đề ít khó khăn hơn, Đẻ đất đẻ nước là loại gì? Vậy có công bố không và công bố như thế nào? (Trong lúc đó ở Hoà Bình nhóm Quách Giao sưu tầm Đẻ đất đẻ nước từ trước mà vẫn để im). Việc này cần có vai trò của Viện. Đồng chí Vũ Ngọc Phan, thay mặt Ty Văn hoá Thanh Hoá, ra xin ý kiến Viện, trực tiếp là GS. Đặng Thai Mai. Được Viện ủng hộ, tỉnh Thanh Hoá đứng ra tổ chức Hội thảo khoa học về Đẻ đất đẻ nước, ngày 28-8-1973.
Hội thảo có sự đóng góp quan trọng của Viện Văn học: thư của GS. Đặng Thai Mai, Viện trưởng; thư của đồng chí Vũ Đức Phúc, Phó Viện trưởng; báo cáo khoa học của đồng chí Hoàng Trinh, Phó Viện trưởng; báo cáo khoa học của các đồng chí Cao Huy Đỉnh, Đặng Văn Lung, Phan Đăng Nhật.
Hội thảo đã khai thông việc đánh giá Đẻ đất đẻ nước, sau đó, năm 1975, Ty Văn hoá Thanh Hoá xuất bản Đẻ đất đẻ nước song ngữ Mường – Việt. Sau một năm (1976), Hoà Bình xuất bản Đẻ đất đẻ nước (Hoà Bình). Dần dần Đẻ đất đẻ nước được xác định là sử thi và là tiểu loại sử thi sáng thế (còn gọi là sử thi thần thoại). Đây là tác phẩm sử thi đầu tiên được sưu tầm và công bố ở miền Bắc, mà Viện Văn học có đóng góp khá quan trọng.
*
Tiếp theo giai đoạn khởi đầu, là một thời kỳ nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Văn học về văn học dân tộc thiểu số ra đời:
- Đam San, sử thi Êđê, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Hữu Thấu, Hà Công Tài. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1988, 218 trang.
- Đẻ đất đẻ nước, sử thi Mường, Đặng Văn Lung, Vương Anh, Hoàng Anh Nhân. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1988, 422 trang.
- Hợp tuyển văn học dân gian các dân tộc: Tày, Nùng, Sán Chay (Đặng Văn Lung, Trần Thị An soạn). Nxb. Văn hoá dân tộc, H, 1994, 550 trang.
- Về những nét tương đồng giữa Truyện họ Hồng Bàng (người Việt) với Đẻ đất đẻ nước (người Mường), Nguyễn Thị Huế. Tạp chí Văn học, số 2-1982.
*
Năm mươi lăm năm qua, Viện Văn học có nhiều đóng góp rất to lớn, riêng tôi chỉ biết được phần nhỏ; nhân ngày kỷ niệm lịch sử này, xin nhắc lại một vài điều, để ghi nhớ công lao của Viện, đặc biệt là, ôn lại một thời đã lùi xa1
_____________
(1) Thanh Hoá quan phong: Sách viết bằng chữ Nôm, sưu tập ca dao tỉnh Thanh Hoá, sắp xếp theo địa phương lưu truyền (theo từng huyện) do Vương Duy Trinh soạn năm 1903. Khi phiên âm, Hoàng Mạnh Trí dựa vào bản mang ký hiệu AB 159 của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tài liệu đánh máy bản phiên âm mang ký hiệu DH 424 của Thư viện Viện Văn học.
Ở miền Nam trước đây, Thanh Hoá quan phong được Nguyễn Duy Tiếp phiên âm, xuất bản năm 1973 tại Sài Gòn. Sách này hiện có ở Viện Văn học mang ký hiệu VL. 88 (Trích theo sách Kho tàng ca dao Việt Nam do Nguyễn Xuân Kính và Phan Đăng Nhật chủ biên, Nxb. Văn hoá - Thông tin, H, 2001, tr.17).
(2) Tư liệu tham khảo Văn học Việt Nam, tập I. Văn học dân gian, phần III. Nxb. Giáo dục, H, 1976, tr.90-254.
(3) Vũ Ngọc Phan: Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1978, tr.731-780.
(4) Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam: Lịch sử văn học Việt Nam, tập I. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1980, tr.17.
(5) Lịch sử văn học Việt Nam. Sđd, tr.9.
(6) Nhà thơ Cù Huy Cận cũng có câu nói tương tự: “Văn nghệ dân gian là văn nghệ mẹ”.
(7) Lịch sử văn học Việt Nam. Sđd, tr.13.
(8) Phan Đăng Nhật: Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945. Nxb. Văn hoá, H, 1981, 250 trang.
(9) Cao Huy Đỉnh: Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1974.
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top