Lysosome được De Duve (Bỉ) nghiên cứu, mô tả đầu tiên vào năm 1949 và đặt tên vào năm 1955. Lysosome là bào quan có trong hầu hết các tế bào động vật và cả động vật đơn bào. Đặc biệt thể lysosome có nhiều và có kích thước lớn trong các đại thực bào và bạch cầu.
1. Cấu tạo hình thái
Kích thước, hình dạng của lysosome rất đa dạng và tuỳ thuộc vào các chất khác nhau mà thể lysosome thu thập vào để phân giải.Lysosome là những khối hình cầu đường kính từ 0,2 - 0,4μ, có khi lớn đến 1 - 2μ. Lysosome được bao bởi một màng lipoproteide (màng tế bào).
- Tuỳ thuộc vào sự hình thành, thành phần cũng như hoạt tính chức năng của các chất chứa trong lysosome mà người ta phân thành 4 dạng, trong đó chỉ có một dạng là nguyên phát còn 3 dạng kia là lysosome thứ phát.
+ Thể lysosome cấp I: là dạng lysosome nguyên phát. Là khối hình cầu nhỏ, chứa những enzyme thuỷ phân. Những enzyme này sẽ hoạt động khi xung quanh trở thành acid (pH < 7).
+ Không bào tiêu hoá: được tạo ra do sự gắn kết của không bào chứa dị vật với lysosome nguyên phát. Trong không bào tiêu hoá, dị vật dần dần bị phân huỷ nhờ sự hoạt động của các enzyme chứa trong lysosome nguyên phát.
+ Thể cặn bã: khi các dị vật không bị phân huỷ hoàn toàn, những cặn bã còn tồn tại trong lysosome tạo thành thể cặn bã. Thể cặn bã sẽ bị tống ra khỏi tế bào.
+ Các không bào tự tiêu (còn được gọi là xitolysosome) là một dạng của lysosome chứa những cấu trúc của bản thân tế bào (ví dụ: các ty thể, ribosome, các mảnh của mạng lưới nội sinh chất,...) đang trong quá trình bị tiêu hoá. Vì vậy, nhiều tác giả gọi không bào tự tiêu là xitolysosome hoặc otolysosome. Không bào tự tiêu được hình thành trong các quá trình sinh lý hoặc bệnh lý.
- Dựa vào quá trình tiêu hoá nội bào người ta còn phân biệt ra 3 kiểu lysosome như sau:+ Các yếu tố tiền lysosome, đó là các fagosome hay otofagosome.+ Các lysosome cấp I và cấp II (các fagolysosome, otolysosome hoặc xitolysosome).
+ Các yếu tố hậu lysosome, tương đương với các thể còn lại.Các yếu tố tiền lysosome chỉ chứa các dị vật - là các đối tượng để phân giải mà không chứa enzyme.Các thể lysosome cấp I có chứa enzyme hydrolase-acid, nhưng chưa tham gia vào quá trình tiêu hoá.Các lysosome cấp II chứa các enzyme hydrolase, chứa cả các chất chưa bị tiêu hoá hoặc đang bị tiêu hoá.
2. Cấu tạo hoá học
Màng lysosom là màng sinh chất (màng tế bào) được cấu tạo từ protein và lipid. Hệ thống màng có nguồn gốc từ màng Golgi hoặc màng tế bào (Smith, 1969). Trong lysosom có chứa nhiều men thuỷ phân như: phosphatase acid, ADNase, ARNase, protease, lipase, glucosidase, collagenase, catepsin,... Hiện nay, người ta đã biết chính xác 40 loại men khác nhau có trong lysosom.Những men này chỉ hoạt động ở trong môi trường acid (pH = 5) và chỉ được giải phóng ra khỏi lysosom bị phá huỷ.
3. Chức năng
Lysosom tham gia vào quá trình tiêu hoá nội bào. Lysosom tiêu huỷ các dị vật xâm nhập vào tế bào, tiêu hoá các bào quan già không còn hoạt động được nữa. Đôi khi lysosom còn tiêu huỷ ngay bản thân tế bào (sự tự tiêu), men catepsin đóng vai trò quan trọng trong sự tự tiêu. Theo De Duve, quá trình tiêu hoá nội bào diễn ra theo sơ đồ sau.
Các sản phẩm do enzyme của lysosome phân giải một phần có thể được tế bào sử dụng, còn các chất có hại cho tế bào hoặc bị thải ra khỏi tế bào hoặc được tích luỹ trong lysosome ở dạng các hạt lipofucsin.
Hoạt động chức năng của lysosom (theo De Duve)
1. Dị vật; 2. Đại phân tử; 3. Không bào ẩm bào; 4. Thể thực bào; 5. Lưới nội chất hạt; 6. Lysosom nguyên phát; 7. Không bào tiêu hoá; 8-9. Thể cặn bã; 10. Cặn bã bài xuất ra ngoài; 11. Không bào tự tiêu.