Vị trí của các trường thực hành sư phạm đang ở đâu?

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Nhiều người đang đặt câu hỏi về vai trò thực tế của các trường thực hành sư phạm hiện nay trong việc thực hiện chương trình các môn nghiệp vụ sư phạm, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên và thực tập sư phạm cho sinh viên.

images311597_sinhvien1.jpg


Giáo sinh sư phạm rất cần môi trường để rèn luyện nghiệp vụ sư phạm

Vì sao trường thực hành chưa phát huy hết vai trò?

Dường như lâu nay, vai trò của trường thực hành sư phạm chưa được coi trọng đúng mức cần thiết, thậm chí, có trường ĐH đã có trường thực hành sư phạm còn muốn giải thể trường.

Lãnh đạo một số trường thực hành sư phạm thừa nhận, vai trò của trường thực hành chỉ đáp ứng một phần nhỏ cho các đợt kiến tập, thực tập định kỳ của giáo sinh. Toàn bộ hoạt động chính là thực hiện nhiệm vụ giáo dục phổ thông như một cơ sở giáo dục bình thường.

Lý do được chia sẻ là trường không được ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ dạy học; đội ngũ giáo viên chậm được nâng chất và không ổn định; chưa được các cấp quản lý (trường sư phạm, sở GD&ĐT) đánh giá đúng vai trò nên chưa khai thác triệt để các tính năng của trường TH. Ngay hoạt động thực tập, dự giờ thường xuyên (ở trường thực hành) để nâng cao nghiệp vụ cho sinh viên cũng gặp trở ngại do số sinh viên sư phạm rất lớn. Mặt khác, chính giáo viên phổ thông ngại bị người khác dự giờ quá nhiều...

TS Tôn Thất Dụng (ĐH Sư phạm Huế) cho biết, những trường thực hành hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu là trường TH nghề dạy học, xác lập được qui trình đào tạo và các thao tác gắn với việc nâng cao tay nghề cho giáo sinh. Nhiều trường không giải quyết được mâu thuẫn giữa việc xây dựng một trường thực hành nghề với việc thu hút học sinh phổ thông vào học”.

Còn theo TS. Nguyễn Thị Kim Anh (Khoa Giáo dục đặc biệt - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), công tác kiến tập ở các trường thực hành đòi hỏi giảng viên phải chuẩn bị nhiều công việc như liên hệ với trường thực hành về thời gian, nội dung kiến tập; chuẩn bị nội dung kiến tập cho sinh viên; tổ chức phân tích, bình giảng cho sinh viên; duyệt kinh phí kiến tập... Công tác kiến tập bộ môn đòi hỏi nhiều thời gian, công sức vả lại chỉ được tính bằng một nửa tiết lý thuyết nên các giảng viên sư phạm chọn cách giảng lý thuyết suông, trả lời các câu hỏi của sinh viên là phương pháp rèn luyện nghiệp vụ sư phạm.

Đây là một trong những lý do khiến một số trường thực hành sư phạm có thái độ e ngại nhận các đoàn giáo sinh đến kiến tập, thực tập sư phạm thường xuyên vì sợ ảnh hưởng đến nề nếp, đến hoạt động chuyên môn và đến kết quả học tập của học sinh.

Trường thực hành là cần thiết

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thị Kim Anh khẳng định, các trường thực hành đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để hỗ trợ sinh viên ăn, ở, sinh hoạt trong thời gian thực tập tại trường; tổ chức các buổi báo cáo về tình hình hoạt động của trường nói chung và tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tổ chức các buổi dạy mẫu cho sinh viên dự; yêu cầu sinh viên soạn giáo án, tập giảng, giảng dạy thực tế trên lớp; kiểm tra, đánh giá giáo án, các buổi tập giảng, thực hành giảng dạy của sinh viên; tổ chức cho sinh viên tìm hiểu và tham gia các hoạt động giáo dục khác, tham gia công tác giáo viên chủ nhiệm lớp, các hoạt động đoàn thể của trường hoặc của địa phương và tổ chức đánh giá toàn diện nội dung thực tập của sinh viên tại trường.

Riêng các giáo viên hướng dẫn thực hành sư phạm đã giúp sinh viên tìm hiểu về tình hình lớp, công tác quản lý lớp; thực tế giảng dạy bộ môn ở lớp, về việc soạn giáo án, tập giảng, dự giờ sinh viên giảng dạy, sửa chữa các sai sót của sinh viên và trực tiếp đánh giá kết quả thực tập của sinh viên và tận tâm hướng dẫn sinh viên về thực tế thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục học sinh của mình. Vì vậy, việc tổ chức thực tập sư phạm đã mang lại nhiều lợi ích cho các trường sư phạm lẫn các trường thực hành sư phạm.

Các trường sư phạm có cơ hội mở rộng thêm thực tế ở các địa phương để bổ sung vào quá trình đào tạo về lý thuyết nghiệp vụ sư phạm, so sánh kết quả việc thực hiện các nội dung đã giảng dạy ở các địa phương khác nhau so với yêu cầu đã đề ra.

Các trường thực hành sư phạm tự chấn chỉnh lại các hoạt động giảng dạy, sinh hoạt của mình theo đúng quy định; có thêm lực lượng sinh viên hỗ trợ các hoạt động phong trào của trường; có điều kiện tiếp cận nhanh và vận dụng các nghiên cứu sư phạm của các trường Sư phạm vào hoạt động giảng dạy; và cung cấp các thông tin hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

PGS.TS Vương Dương Minh (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành – ĐHSP Hà Nội) cũng khẳng định vai trò của trường thực hành sư phạm và cho rằng trường thực hành trong trường sư phạm coi như giải pháp tốt để nâng cao nghiệp vụ sư phạm. Trường thực hành không chỉ góp phần đào tạo lực lượng cán bộ giảng dạy trong trường sư phạm mà còn có tác động đến chương trình và nội dung đào tạo về nghiệp vụ sư phạm; góp phần vào quá trình đào tạo giáo viên…

Tại hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên các trường sư phạm” vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định: Trường thực hành sư phạm là cần thiết, trường thực hành SP không thể là nơi giáo sinh hoàn thành tất cả việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm nhưng là nơi quan trọng để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Tại đây, giáo sinh có thể đến rèn luyện một số kỹ năng mà nếu thiếu một trong số kỹ năng đó sẽ không thể dạy học tốt được.

Thứ trưởng cho rằng, trường thực hành sư phạm có thể ở trong trường sư phạm nhưng cũng có thể là trường bên ngoài nhưng có hợp đồng với trường sư phạm về trách nhiệm rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho giáo sinh.


Theo Hiếu Nguyễn - GDTĐ
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top