Vì sao nhà Trần đắp mộ to như núi ở Thái Bình?

Hide Nguyễn

Du mục số
Vì sao nhà Trần đắp mộ to như núi ở Thái Bình?


Theo chỉ dẫn của thầy địa lý, vào thời Lý Thần Tông, chọn ngày Tân Dậu, tháng Đinh Tỵ, Trần Hấp đã di dời mộ tổ từ Tức Mặc về táng vào gò hỏa tinh ở đất Tinh Cương.


Làng Tam Đường xưa có tên là Thái Đường. Sở dĩ gọi là Tam Đường vì làng gộp lại từ ba thôn Phúc Đường, Ngọc Đường và Thái Đường.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Hùng, từ xa xưa, người Việt cổ đã đến đây, dựa vào các gò đống (đất nổi) để sinh sống bằng nghề đánh cá, trồng lúa lốc. Thói quen trồng lúa lốc vẫn còn đến đầu thế kỷ 20.

Quá trình bồi đắp của phù sa sông Hồng khiến ngôi làng này có hình thế “Tiền tam thai, hậu thất tinh”, là đất phát tướng, phát vương, theo quan niệm của các thầy địa lý Tàu.

1mo_5e32b.jpg


Phần Bụt nghi là mộ của vua Trần Nhân Tông.


Vào thời ấy, có thầy địa lý thường đi tìm thế đất để đặt mộ cho các nhà quyền quý. Đến vùng Tinh Cương (Tam Đường), thấy thế đất đẹp, liền báo cho nhà Nguyễn. Nhưng người họ Nguyễn không tin, lừa cho say rượu rồi đêm tối trói lại quẳng xuống sông Hồng.

Vào cuối thế kỷ 12, cụ Trần Kinh, từ đất Yên Sinh (An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh) đi đánh cá đến tận vùng Tức Mặc (Nam Định). Thấy cảnh bãi bồi rộng lớn, đất đai phì nhiêu nên dừng chân lập trang ấp sinh nhai.

Cụ lấy vợ ở đây, sinh ra Trần Hấp. Trần Hấp cũng giỏi nghề chài lưới. Khi cha mất, Trần Hấp chỉ đạo đội quân chài lưới kéo xuống tận ngã ba sông Hồng và sông Luộc đánh cá.

2mo_c5665.jpg


Ba ngôi mộ khổng lồ trước làng Tam Đường.

Đang đánh cá, nghe tiếng kêu cứu, Trần Hấp cứu được thầy địa lý. Thầy địa lý thuật lại sự tình, rồi nói: “Đội ơn cứu mạng, già này xin được biếu một nơi cát địa để báo đền”.

Theo chỉ dẫn của thầy, vào thời Lý Thần Tông, chọn ngày Tân Dậu, tháng Đinh Tỵ, Trần Hấp đã di dời mộ tổ từ Tức Mặc về táng vào gò hỏa tinh ở đất Tinh Cương. Thế đất được mô tả như sau:“Phấn đại dương giao chiếu/ Liên hoa, dĩ sắc đắc thiên hạ” (Dịch nghĩa:“Phấn son cùng chiếu rọi/ Trước mặt nở hoa sen”, nghĩa là sau này ắt nhờ người phụ nữ có nhan sắc mà đoạt được thiên hạ).

3mo_1ab11.jpg


Tháp mộ vua Trần Nhân Tông ở am Ngọa Vân trên sườn Tây Yên Tử.

Cuộc chuyển mộ cực kỳ tốn kém, tốn tới 1.000 hốt bạc. Xong xuôi việc đặt mộ, Trần Hấp di dời toàn bộ gia đình từ Tức Mặc về hương Tinh Cương. Ngày đi đánh cá, đêm về căn chòi bên mộ cha để trông nom, chăm sóc.

Tính từ khi chuyển mộ đến khi Trần Hấp lấp vợ là 28 năm. Ông sinh ra Trần Lý, Trần Lý sinh Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung… Trần Thừa sinh Trần Liễu, Trần Cảnh, Trần Nhật Hiệu (Hạo).

Đến đời Trần Lý, dòng họ Trần đã giàu có và nổi tiếng khắp vùng. Vì có loạn Quách Bốc ở kinh thành, Trần Lý đã đón Hoàng hậu Đàm Thị cùng Thái tử Sảm về sống ở Lưu Gia (Lưu Xá), là gia trang giàu có nhất nước của Trần Lý, cách Thái Đường 4km.

4mo_58ce5.jpg


Theo nhà nghiên cứu Đặng Hùng, trong thời gian lánh giặc ở đây, Thái tử Sảm đã đem lòng yêu và lấy Trần Thị Dung, người con gái tài sắc vẹn toàn nhất thiên hạ lúc bấy giờ.

Vua Lý Cao Tông mất, Thái tử Sảm lên ngôi, phong cho Trần Lý (bố vợ) tước Minh Tự và phong chức Điện Tiền chỉ huy sứ cho cậu vợ là Tô Trung Từ (vốn là võ quan của triều Lý). Trần Thị Dung nghiễm nhiên trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ. Họ Trần dốc lòng giúp vua Lý dẹp loạn Quách Bốc, Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng…

Trần Thị Dung sinh được hai công chúa, Chiêu Hoàng và Thuận Thiên. Năm 1225, Chiêu Hoàng (lúc này đang làm vua) đã nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Từ đó họ Trần làm vua ở Việt Nam, trải 175 năm (1225-1400). Tính từ khi Trần Hấp di dời mộ cha về hương Tinh Cương, đến khi nhà Trần lên ngôi là 70 năm.

5mo_a48ff.jpg


Quảng trường rộng mênh mông bên 3 ngôi mộ khổng lồ
.
Tập tục và tâm lý của người Việt Nam xưa và nay luôn có nguyện vọng là lúc nhắm mắt xuôi tay được trở về nơi quê cha đất tổ để phần mộ được đời đời con cháu trông nom. Mỗi khi vua Trần mất đi, thi hài được táng ở vùng đất phát nghiệp, với ước mong con cháu đời đời nắm giữ ngôi báu.

Tại đây, nhà Trần cho xây dựng Thọ Lăng, Chiêu Lăng, Dụ Lăng, Đức Lăng vô cùng hoành tráng, là nơi an táng Thái Thượng hoàng Trần Thừa, vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông… Tuyên Từ Hoàng Thái hậu và vua Hiển Tông cũng được an táng ở An Lăng.

Tại làng Thái Đường thuộc phủ Long Hưng còn xây các cung điện Tinh Cương, Hưng Khánh, Diên An, Diên Hiển, Thềm Thiên Trì… Bến Ngự là nơi các vua Trần đi thuyền từ Thăng Long về quê hương Tam Đường tế tổ tiên.

6mo_7f076.jpg


Lăng mộ 3 vị vua Trần ở An Sinh thảm hại thế này đây.

Theo ông Cường, Phó ban quản lý di tích đền Trần, các nhà khoa học đã đào thám sát nhiều nơi trong vùng và chỉ đào sâu xuống lòng đất chừng 1m là phát hiện dấu tích di chỉ khảo cổ. Hệ thống thành quách ở đây hoành tráng không kém gì Thăng Long.

Một công trình rất vĩ đại, ấy là nhà Trần đã đào một con sông lớn, giờ gọi là sông Thái Sư bao quanh thành, vừa để làm đường thủy, phục vụ việc đi lại, vừa là hào sâu cản bước quân giặc.

Cuối đời Trần, đất nước nhiều lúc lâm nguy, nạn giặc dã tàn phá lăng mộ, nên năm 1381, triều đình nhà Trần đã rước thần tượng ở một số lăng về vùng đất Yên Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh).

Hiện ở làng Tam Đường còn lại 3 ngôi mộ khổng lồ, nguyên vẹn, gọi là Phần Bụt, Phần Trung và Phần Đa. Đáng lưu ý là nấm mộ có tên Phần Bụt, to như quả đồi, án ngữ phía Nam làng Tam Đường.

Mặc dù đã bị tàn phá nhiều lần, 700 năm mưa gió mài mòn, song quy mô ngôi mộ vẫn còn rất lớn. Cách đây mấy chục năm, ngôi mộ bị đào bới, quách gỗ và quách đá lộ ra.

7mo_9531b.png


Nhìn cảnh lăng mộ, đền đài hoành tráng ở Tam Đường, lại thấy ngậm ngùi với nơi hương khói thờ tự vua Trần ở An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh). Ảnh chụp mộ vua Trần Anh Tông.

Tương truyền, mộ phần Bụt đã từng bị Ô Mã Nhi cho lính khai quật. Khi đào đến phần quách đá thì mây đen vần vũ, sét đánh xuống sáng lòa cả vùng. Quân giặc cho rằng thần linh quở trách nên giặc sợ không dám đào tiếp.

Cũng vì lẽ đó mà khi đem bọn Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp về tế mộ tổ ở Thái Đường, vua Trần Nhân Tông trước cảnh lăng mộ tổ tiên bị đào bới, ngựa đá lấm bùn, nên đã tức cảnh làm hai câu thơ nổi tiếng: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Đất nước hai phen chồn ngựa đá/ Non sông ngàn thủa vững âu vàng).

Vào những ngày lễ hội đầu xuân, đặc biệt là vào rằm tháng 2 âm lịch, hội đền Trần diễn ra rất long trọng ngay dưới chân những gò mộ khổng lồ. Hội có nhiều trò vui như chọi gà, đấu võ, thả diều, rước kiệu… Đặc biệt thú vị là tục thi luộc cá trắm rất độc đáo, tưởng nhớ đến nghề đánh cá của tổ tiên nhà Trần.

Theo Phạm Ngọc Dương (VTC News)
 
Con lợn vàng và cuộc đào phá mộ vua lấy sỏi xây nhà

Ông Tuyên trói chú lợn con này lại rồi xách về nhốt trong nhà. Lạ thay, sớm hôm sau, con lợn biến thành cục vàng! Tuy nhiên, ngay hôm đó, ông Tuyên lăn ra ốm, nằm liệt giường liệt chiếu, cấm khẩu.

Người dân Tam Đường (Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình) ai cũng biết câu “Tiền tam thai, hậu thất tinh” và theo lý giải của họ, câu nói ám chỉ phía trước làng có 3 gò mộ, còn phía sau làng có 7 gò mộ, người dân gọi là khu mả vua.


Tuy nhiên, 7 gò mộ ở cánh đồng sau làng nhỏ hơn những gò mộ trước làng, nên trải thời gian mưa nắng mài mòn, cùng với sự phá hủy của con người đã biến mất hoàn toàn.


adao1_5cd37.jpg


Lăng Tư Phúc ở Quảng Ninh thờ 3 vị vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Giản Định giờ chỉ còn thế này.

Phía trước làng, tức phía Nam gồm có 3 gò mộ rất lớn. Chếch lên phía Bắc còn có một gò nữa, chỉ nhỏ hơn một chút. Mỗi gò mộ có tên riêng, đó là Phần Cựu, Phần Bụt, Phần Trung và Phần Đa, là nơi đặt cốt các vị vua Trần.


7 ngôi mộ nhỏ hơn ở phía sau làng, là nghĩa địa chôn Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý, Trần Thừa cùng các công chúa, hoàng hậu thời Trần.


Về câu nói “Tiền tam thai, hậu thất tinh”, nhà nghiên cứu Đặng Hùng lại có cách lý giải hơi khác. Theo ông, đất Ngự Thiên (phủ Long Hưng) xưa được người đời truyền tụng là đất mả sao. Đó là các gò đống nổi lên, ở trên có các chòm cỏ xanh hình tròn, đường kính độ 1 mét, từ xa nhìn lại trông không khác gì các ngôi sao ở trên trời.


adao2_a2290.jpg


Đền Trần ở Thái Bình.

Vì thế đất có đặc điểm đó, nên còn có tên là hương Tinh Cương. Tinh có nghĩa là ngôi sao, Cương có nghĩa là gò đất nổi cao lên. Qua quá trình phù sa bồi đắp, đất Tinh Cương xưa có hình thế (theo cách gọi của các thầy địa lý Tàu) “Tiền tam thai, hậu thất tinh”, là đất phát tướng, phát vương.


Nếu theo cách lý giải của ông Hùng, thì cái hình thế “Tiền tam thai, hậu thất tinh”, ám chỉ các gò đất có trước thời Trần (hình thế đẹp nên tổ tiên nhà Trần mới mang mộ về đặt), hoặc câu đó không ám chỉ những gò mộ, mà ám chỉ thế đất.


Các cụ già người Tam Đường thì nhất nhất khẳng định câu nói đó ám chỉ các gò mộ. Theo các cụ, những năm 60 của thế kỷ trước, phía sau làng, gần sông Thái Sư vẫn còn các gò đất lớn. Dân làng đã phát động phong trào phá gò đống để mở rộng ruộng đồng. Quá trình san mộ làm ruộng cũng phát hiện quách đá, quách gỗ trong các gò đống. Thập kỷ 70, các nhà khoa học vẫn đào bới ở khu vực đó để tìm dấu tích các gò mộ.


adao3_83187.jpg


Một ngôi mộ phía trước làng Tam Đường có tên là Phần Trung.

Trong quá trình tìm hiểu về những gò mộ khổng lồ ở làng Tam Đường, tôi được nghe nhiều câu chuyện ly kỳ về “quả núi” có tên Phần Cựu. Đây là ngôi mộ lớn nhất ở làng, lớn gấp đôi những phần mộ còn lại. Tuy nhiên, người dân trong làng Tam Đường lại ít gọi bằng cái tên này, mà họ gọi là Phần Lợn. Chẳng lẽ người dân lại… xúc phạm vua bằng cách gọi như thế?


Chuyện rằng, vào thập kỷ 50 của thế kỷ trước, ông Tuyên là người chuyên nghề bắt rắn, đi soi cá lúc nửa đêm về sáng ở cánh đồng làng, bỗng gặp đàn lợn con nhởn nhơ… gặm cỏ. Ông cầm nơm (dụng cụ để bắt cá) đuổi theo và úp được một con. Những con lợn trong đàn sợ quá chạy te tua về phía Phần Cựu là lẩn hết vào những bụi cỏ, tìm mãi không thấy.


Ông Tuyên trói chú lợn con này lại rồi xách về nhốt trong nhà. Lạ thay, sớm hôm sau, con lợn biến thành cục vàng! Tuy nhiên, ngay hôm đó, ông Tuyên lăn ra ốm, nằm liệt giường liệt chiếu, cấm khẩu.


Gia đình sợ quá đi xem bói, thì thầy nào cũng phán đó là lợn thần, phải trả ngay. Lập tức, gia đình mang cục vàng chôn vào một chỗ bí mật trên gò mộ. Ông Tuyên tỉnh táo dần, rồi khỏe mạnh như thường.


Ông Tuyên mới mất năm 2005. Lúc còn sống, ông vẫn kể chuyện này cho mọi người nghe với thái độ rất nghiêm túc. Người dân trong làng Tam Đường đều biết đến câu chuyện của ông.


a4dao_2f3e9.jpg


Cổng tam quan khổng lồ mới được xây dựng ở đền Trần.

Ông Cường, Phó ban quản lý khu di tích đền Trần chỉ cho tôi biết nơi từng có một “quả núi”, có tên Phần Cựu. Theo ông Cường, xưa kia, “quả núi” này cao vượt ngọn tre của làng. Gò mộ cao và to đến nỗi, có năm vỡ đê sông Hồng, nước dâng ngập nóc nhà, người dân trong làng kéo hết lên nóc ngôi mộ này lánh tạm. Cả làng dựng lều, nấu nướng, sống một thời gian dài trên đỉnh ngôi mộ.


Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bộ đội ta còn mở đường để kéo pháo đặt trên đỉnh ngôi mộ này để bắn máy bay Mỹ cho… gần. Ngôi mộ cũng biến thành nơi bộ đội, dân quân tập luyện làm quen với môi trường núi non. Những tấm bia tập bắn được dựng lên dưới chân và lưng chừng mộ. Dân quân và bộ đội cứ tha hồ bắn mà không sợ đạn lạc đi nơi khác, bởi đã có “quả núi” án ngữ phía sau những tấm bia.


Thời kỳ đó, dù dân làng vẫn truyền miệng đây là những ngôi mộ vua, song không ai thờ cúng, không ai quản lý, nên chỉ coi đó là những quả núi đất bình thường. Trong quá trình bộ đội, dân quân và người dân đào đường dắt pháo lên gò mộ, rồi đào hầm trú ẩn, đã phát hiện ra những quách đá, quách gỗ, đường hầm trong mộ.


a5dao_1f9b8.jpg


Sỏi được luyện với đất sét để đắp mộ.

Phát hiện ra mộ cổ, các nhà khoa học ở trung ương đã về khai quật. Khi đó, nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường còn trẻ, ăn dầm ở dề cả tháng để cùng các giáo sư, tiến sĩ đào bới, nghiên cứu. Vì có thời gian ở Tam Đường lâu, nên ông Cường đã quen biết và lấy thôn nữ trong làng làm vợ. Ông thành rể Tam Đường.


Theo lời đồn của người dân thì các nhà khoa học đã mang đi không biết bao nhiêu đồ cổ thu thập được từ ngôi mộ này. Hiện Bảo tàng Thái Bình vẫn còn cất giữ bí mật nhiều đồ quý. Có thể, sau này các cổ vật sẽ được đưa về Tam Đường để du khách được chiêm ngưỡng.


Các nhà khoa học rút đi, ngôi mộ lại bỏ hoang phế. Điều đáng quan tâm là ngôi mộ này là một núi sỏi khổng lồ. Thời Trần, người ta đã chở hàng vạn tấn sỏi cuội từ Ninh Bình về đây, luyện với đất sét rồi đắp ngôi mộ thành quả núi.


a6dao_4924a.jpg


Mộ các vị vua Trần được xây quây bằng gạch để tránh sự xâm phạm của con người.

Việc trộn đất sét với sỏi cuội sẽ khiến ngôi mộ được bền bỉ trước sự tàn phá của thiên nhiên, con người. Trải 700 năm, chiến tranh, con người tàn phá, đình đền, hoàng thành đổ nát, song những gò mộ vẫn đứng sừng sững. Quả là một công trình kỳ công, vĩ đại.


Thập kỷ 80, phong trào xây nhà bêtông bắt đầu rầm rộ ở Thái Bình. Để có nguyên liệu đổ mái, người dân Tam Đường đã ra mộ đãi đất lấy sỏi. Nhà máy đường Hưng Nhân cũng được xây dựng từ đá sỏi ở ngôi mộ này. Mấy chục ngôi nhà ở Tam Đường và nhà máy đường Hưng Nhân cũng chỉ dùng hết một góc nhỏ của ngôi mộ. Hiện những ngôi nhà làm bằng sỏi cuội lấy từ mộ vua vẫn còn ở Tam Đường.


Thời kỳ đó, đường làng Tam Đường lầy lội lắm, cứ mưa xuống là bùn ngập mắt cá chân. Thế là cả làng chở sỏi cuội rải đường. Ngôi mộ này đủ làm mấy kilomet đường làng, kéo ra tận tỉnh lộ. Những khối đá khổng lồ bị giật mìn nung vôi.


a7dao_32044.jpg


Mộ vua Trần Nghệ Tông ở Quảng Ninh.

Theo cụ Lê Như Ngân, những phiến đá dựng mộ lớn khủng khiếp. Mộ to như một căn nhà, được xếp bằng các phiến đá. Có phiến đá rộng đến 15 mét vuông và dày nửa mét, được mài nhẵn, xếp khít. Gạch ngói xây mộ cũng rất đẹp, mang hình thù rộng phượng. Những khúc gỗ vàng tâm moi lên cưa xẻ làm vật dụng vẫn vàng ươm.


Vào năm 1980, người dân tiếp tục đào mộ đãi sỏi, làm lộ đường hầm ở Phần Đa. Theo cụ Ngân, quách đá của Phần Đa cũng rất lớn, gần bằng Phần Cựu. May mắn là các nhà khoa học đã kịp thời phát hiện, bảo vệ ngôi mộ này, nên giữ được đến ngày hôm nay.


(Còn tiếp)
Theo Phạm Ngọc Dương (VTC News)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top