Chỉ có các vì sao thực sự là biết chớp mắt. Còn các hành tinh ta quen gọi là sao như Sao Mai không nhấp nháy được.
sky.jpg
Các hằng tinh (sao tự phát sáng) sở dĩ biết chớp mắt là vì ánh sáng của chúng bị nhiễu khi xuyên qua tầng khí quyển của trái đất. Vậy tại sao các hành tinh (sao không phát sáng) như sao Mai cũng chiếu đến sáng chúng ta mà không thèm nhấp nháy, lẽ nào chúng lại "mỏi mắt"?
Thực ra, hành tinh không "chớp mắt" chủ yếu là do chúng nằm gần trái đất hơn nhiều so với các hằng tinh. Ví dụ, hành tinh lớn cách xa trái đất nhất mà ta nhìn thấy là sao Thổ, cách trái đất lúc xa nhất là 1,57 tỷ km, trong khi hằng tinh cách gần trái đất nhất là 40.000 tỷ km, xa hơn sao Thổ tới 25.000 lần. Do các hành tinh ở gần trái đất nên ta nhìn thấy chúng không phải là những điểm sáng như các hằng tinh mà là những đĩa sáng. Những đĩa sáng đó rất nhỏ, tới mức mắt thường không nhận ra.
Trong toán học, mặt gồm vô số điểm tạo thành. Bởi vậy ánh sáng phản xạ từ những mặt sáng trên cũng có thể coi là ánh sáng phản xạ từ vô số điểm sáng tạo thành. Những chùm ánh sáng đó khi xuyên qua tầng khí quyển phức tạp của trái đất đương nhiên cũng bị tác động khiến mỗi tia sáng đều bị nhấp nháy, lúc sáng lúc tối, mỗi giây dao động từ 10-100 lần. Nhưng cả chùm vô số tia sáng đó không phải cùng tắt giống nhau (nếu sáng, tắt cùng lúc thì ta sẽ thấy các hành tinh cũng biết “chớp mắt”) mà tia này sáng thì tia kia tắt hoặc ngược lại, không lúc nào dứt. Vì vậy quan sát ánh sáng của các hành tinh, ta thấy cường độ ánh sáng của chúng không đổi, rõ ràng chúng không thể nhấp nháy được rồi!
Theo 10 vạn câu hỏi vì sao