Vì sao Bill Gates không nên quay lại ghế CEO Microsoft?

Hide Nguyễn

Du mục số
[h=1]Vì sao Bill Gates không nên quay lại ghế CEO Microsoft?[/h]

Cuối tuần vừa rồi, nhiều tờ báo đăng tải thông tin tỷ phú Bill Gates, người đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Microsoft, có thể quay trở lại giữ ghế Giám đốc điều hành (CEO) của hãng phần mềm này.

Thông tin được một nguồn thân cận tiết lộ với tờ Fortune, sau đó được một loạt báo khác trích dẫn lại.

Theo bình luận của giới phân tích, việc Bill Gates trở lại “ghế nóng” ở Microsoft có thể được ví như Steve Jobs quay trở lại chèo lái Apple thoát bờ vực phá sản và vươn lên thành hãng công nghệ có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, hay như Howard Schultz cứu hãng cà phê Starbucsk vượt qua cuộc khủng hoảng cách đây vài năm.

Thời gian gần đây, đương kim CEO Steve Ballmer của Microsoft nhận được không ít lời chỉ trích của giới phê bình và các nhà đầu tư. Hầu hết sự chỉ trích này đều tập trung vào việc, Ballmer có năng lực lãnh đạo chưa đủ tầm, khiến Microsoft chứng kiến sự suy giảm thị phần và có vẻ đuối sức trước sự cạnh tranh gay gắt của những đối thủ như Apple, Oracle, Google…

Những bài báo đồn đoán về khả năng trở lại của Bill Gates cho rằng, ông sẽ không chịu khoanh tay đứng nhìn Microsoft rơi vào thế phòng thủ trên mặt trận công nghệ. Tuy nhiên, theo tờ eWeek, có nhiều lý do để điều này không xảy ra.

Báo này bình luận, nếu Bill Gates quay lại với ghế CEO, cổ phiếu Microsoft có thể tăng mạnh, nhưng khả năng chỉ là tăng tạm thời.

Hiện tại, tỷ phú này đang có quá nhiều việc phải làm với quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation, quỹ mà hai vợ chồng ông dồn tâm huyết nhằm chống lại bệnh tật và nghèo đói trên toàn thế giới. Hồi tháng 6/2001, Bill Gates đã chia sẻ với tờ Daily Mail của Anh rằng, quỹ từ thiện này mới chính là "công việc của tôi bây giờ".

Ngoài ra, chiến lược của Microsoft đã được hoạch định cho thời gian ít nhất là tới cuối năm sau và hãng hiện đang trong quá trình thực hiện chiến lược này. Sự trở lại của Gates ở ghế điều hành vào lúc này có thể sẽ tạo ra sự xáo trộn đối không cần thiết đối với việc thúc đẩy phát triển hệ điều hành Windows 8 và công nghệ điện toán đám mây.

Vả lại, Microsoft hiện tại không giống như Apple hồi năm 1997. Apple khi đó đang đối mặt với bờ vực sụp đổ, kết quả của một loạt quyết định sai lầm cùng áp lực cạnh tranh quá lớn từ Microsoft.

Microsoft ở thời điểm hiện nay đã tỏ ra thiếu tầm nhìn cũng như không có phản ứng chính xác đối với một số xu hướng công nghệ mới, nhất là sự dịch chuyển của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sang hướng di động. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là trong ngắn hạn, Microsoft không thể rơi vào một tình thế bi thảm như Apple cách đây 14 năm. Ngoại trừ một số vấn đề, chẳng hạn như mảng dịch vụ trực tuyến tiếp tục “đốt” vài trăm triệu USD mỗi quý, tình hình tài chính của Microsoft nói chung vẫn rất ổn.

Trong vài quý tới, Microsoft có kế hoạch đầu tư một khoản tiền mặt lớn vào việc tung ra hệ điều hành thế hệ mới Windows 8. Hãng hy vọng, hệ điều hành này sẽ đủ sức hấp dẫn cả những người sử dụng máy tính cá nhân truyền thống lẫn người dùng máy tính bảng. Để thu hút đối tượng khách hàng dùng máy tính bảng, Windows 8 sở hữu một màn hình khởi động với những ô nhỏ nhiều màu sắc kết nối với các ứng dụng, cho phép người dùng điều khiển bằng ngón tay.

Bên cạnh đó, Microsoft đang tiếp tục cải thiện vị trí dẫn đầu của hãng trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến với dịch vụ Xbox Live. Những nỗ lực của Microsoft ở mảng điện thoại Windows Phone cũng đang được tăng cường, mối quan hệ đối tác giữa hãng với Nokia hứa hẹn sẽ cho ra những sản phẩm điện thoại thông minh mới. Microsoft còn đang đẩy mạnh đưa công nghệ điện toán đám mây vào các dịch vụ phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh Microsoft đang bận rộn như thế, việc Bill Gates trở lại có thể sẽ gây ra nhiều xáo trộn hơn là sa thải Steve Ballmer và thay vào ghế CEO một người khác không phải Bill Gates, chẳng hạn như Chủ tịch phụ trách mảng Windows và Windows Live, Steven Sinofsky. eWeek cho rằng, bất kỳ sự thay đổi quyền lực lớn nào tại Microsoft hiện nay chắc chắn sẽ kéo theo mọi dạng toan tính, chia rẽ nội bộ, thay ê-kíp, nhân viên xin nghỉ việc, dự án bị hủy, tái phân bổ ngân sách…

Để tránh những xáo trộn như thế, những doanh nghiệp khôn ngoan thường lên kế hoạch kỹ từ trước cho việc chuyển giao giao quyền lực. Những công ty gặp khó khăn như Hewlett-Packard thường thay đổi lãnh đạo đột ngột hơn và chấp nhận đương đầu với hậu quả, vì xét về cơ bản, họ không còn lựa chọn nào khác. Hồi năm 1997, Apple cũng gần như không còn gì để mất khi Steve Jobs quay trở lại.

Nhưng Microsoft hiện nay không ở trong một tình thế bi đát như vậy, và việc Bill Gates trở lại rất có thể sẽ tạo ra sự hỗn loạn, giữa lúc Microsoft cần điều hành những kế hoạch lớn của mình một cách trơn tru nhất có thể. Có lẽ Bill Gates nhận thức được điều này, và vì thế, ông có thể sẽ tiếp tục dành thời gian và công sức cho quỹ từ thiện, thay vì ngồi ở ghế CEO của hãng phần mềm lớn nhất thế giới thêm một lần nữa.

Theo Vn Economy.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top