Vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam nhanh chóng phục hồi được tổ chức đảng và phong trào cách mạng của quần chúng những năm 1932-1935?
Ý nghĩa lịch sử của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng (3/1935).
Ý nghĩa lịch sử của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng (3/1935).
Tình hình sau cao trào cách mạng năm 1930-1931.
Hoảng hốt trước cao trào cách mạng năm 1930-1931, đế quốc Pháp khủng bố hết sức dã man nhằm tiêu diệt Đảng Cộng sản , chúng đã bắt giam 246.532 người. Riêng ở Bắc Kỳ từ năm 1930-1931, mở 21 phiên toà đại hình, xử 1.094 án, trong đó có 64 án tử hình, 114 án khổ sai, 420 án lưu đầy biệt xứ. Toà án Sài Gòn đã mở phiên toàn kết án 8 án tử hình, 19 án chung thân. Bọn thực dân dùng mọi cực hình để giết hại các chiến sĩ cộng sản. Từ 1930 đến 1933 ở Côn Đảo có 780 chiến sĩ cộng sản hy sinh ở các nhà tù Đắc Pao, Đắc Pếch có 295 tù nhân, sau thời gian ngắn chỉ còn 50 người sống sót. Cùng với chính sách khủng bố trắng, chúng ra sức lừa bịp mị dân. Năm 1932 chúng làm rùm beng việc tên vua Bảo Đại “hồi loan” với chương trình cải cách lừa bịp....
Chủ trương của Đảng.
a. Phải giữ vững và bảo vệ đường lối của Đảng, thể hiện ở cuộc đấu tranh trong nhà tù chống tư tưởng quốc gia hẹp hòi của Việt Nam Quốc dân đảng, cuộc đấu tranh chống quan điểm duy tâm phản động của giai cấp tư sản.
b. Phục hồi cơ sở, chấn chỉnh tổ chức.
Mặc dù bị khủng bố hết sức dã man nhưng đa số đảng viên của Đảng vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản.
Các chiến sĩ cộng sản còn bị giam giữ trong nhà tù đã tổ chức bí mật huấn luyện cho đảng viên nâng cao lý luận Mác-Lênin, đường lối cách mạng của Đảng, tổng kết kinh nghiệm vận động quần chúng . Nhiều tờ báo của các chi bộ nhà tù đã được ấn hành góp phần mài sắc ý chí cho cán bộ đảng viên.
Các đảng viên tại các cơ sở Đảng ở Hà Nội, Sơn Tây, Nam Định , Thái Bình, Hải Phòng...và nhiều nơi ở miền Nam vẫn kiên cường bám trụ, liên hệ mật thiết với quần chúng , bí mật gây dựng lại cơ sở. Năm 1932, khắp các châu ở Cao Bằng đều có cơ sở Đảng.
Tháng 6-1932 Đảng ra bản “Chương trình hành động” trong nước: các Xứ uỷ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, nhiều đoàn thể quần chúng ....lần lượt được thành lập.
Đầu năm 1934, Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng (do đồng chí Lê Hồng Phong lãnh đạo ) được thành lập có nhiệm vụ tập họp cơ sở mới, đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuẩn bị triệu tập Đại hội Đảng.
Tháng 3-1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng được tiến hành ở Ma Cao (Trung Quốc). Đại hội Đảng là một sự kiện lịch sử quan trọng đánh dấu sự khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước ra nước ngoài sau những năm bị đế quốc Pháp và phong kiến tay sai khủng bố.
c.Chuyển hướng về phương thức tổ chức và phương thức đấu tranh .
- Đảng ta đã tổ chức các hội phổ thông công khai như hội cấy, hội gặt, hội đá bóng, hội đọc sách báo....Thông qua những hình thức tổ chức này, Đảng lãnh đạo quần chúng đấu tranh hợp pháp với địch, phù hợp với khả năng, nguyện vọng bức xúc của quần chúng . Vì vậy phong trào chỉ tạm lắng rồi lần lượt bùng dậy. Ví dụ, đầu năm 1931, công nhân Nghệ An, Hà Tĩnh,Quảng Ngãi, Bến Tre, Vĩnh Long vẫn tổ chức mít tinh. Sang năm 1932 phong trào cách mạng cả nước được khôi phục, phát triển . Năm 1933 có 344 cuộc bãi công , đặc biệt là những cuộc bãi công của công nhân xe lửa Sài Gòn, Gia Định....Tháng 1-1935 các tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức rải truyền đơn, treo cờ đỏ đã bị địch khủng bố và bắt hơn 200 người.
- Trong thời kỳ 1932-1935, mặc dù bị địch khủng bố ác liệt, phong trào quần chúng so với lúc cao trào có tạm thời lắng xuống, nhưng vẫn giữ được khí thế cách mạng , Đảng không những tích cực khôi phục mà còn đẩy mạnh việc phát triển các tổ chức cơ sở Đảng, giữ vững tinh thần cách mạng tiến công, kiên trì lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng.
Ý nghĩa
- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu thắng lợi căn bản của cuộc đấu tranh giữ gìn và khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước ra ngoài nước. Thống nhất được phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân khác dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương, tạo thành sức mạnh chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu mới. Đảng đã nắm vững và kiên trì lãnh đạo cách mạng, đưa phong trào đấu tranh của nhân dân đến thắng lợi.
- Thiếu sót của Đại hội là không nhạy cảm với tình hình mới, không thấy rõ nguy cơ chủ nghĩa phát xít trên thế giới và khả năng mới để đấu tranh chống phát xít , chống phản động thuộc địa, đòi tự do, cơm áo, hoà bình. Do đó, Đại hội không đề ra được những chuyển hướng về chỉ đạo chiến lược và biện pháp phù hợp với tình hình mới. Thiếu sót này đã được bổ khuyết khi có Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 7-1936.
- Sau Đại hội, phong trào cách mạng tuy bị địch khủng bố ác liệt nhưng vẫn tiếp tục được khôi phục và phát triển mạnh. Những tiền đề của cao trào cách mạng mới được chuẩn bị đầy đủ.
Sưu tầm