• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Ví dầu tình bậu...

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
93
Câu hỏi đó sẽ đeo đuổi suốt tuổi thơ của nó. Người ta biểu không có lửa sao có khói. Để coi lửa ở đâu mà khói mịt mùng vậy trời? Hình như chuyện bắt đầu đâu hồi nó còn nằm ở “gót chân” của má.

Ngày thằng Thảo lên hai tuổi thì chú Hiếu bỏ đi!

Ai cũng biểu sao kỳ cục vậy? Được thằng con trai kháu khỉnh sướng quá trời còn đòi hỏi gì? Nhưng chuyện này thì má nó biết. Người ta nói “Ví dầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra!” cũng đúng lắm. Má nó vẫn còn nhớ như in câu kết tội độc ác nghe chắc như đinh đóng cột của chú Hiếu trước khi đi: “Thằng nhỏ này hổng phải con tui, đúng không?”. Dường như uất ức trong lòng má nó bấy lâu kìm giữ như con đê tràn nước. Má ôm chặt nó vào lòng đến nỗi nó tức thở khóc thét lên. Má quắc đôi mắt lên nhìn chú Hiếu đầy căm giận: “Ừ, nó không phải là con của ông đó! Ông muốn đi thì đi luôn đi, đừng làm khổ mẹ con tui nữa!”. Chú Hiếu sấn tới, nó hoảng hồn quằn người khóc ngặt hơn. Má nó nghiêng người che nó sang một bên, sẵn trớn má chộp lấy cây liềm cắt lúa mướn vắt trên vách lá, gào lên hòa với tiếng khóc của nó: “Ông đụng tới thằng Thảo, tui liều chết với ông!”. Chú Hiếu từ từ hạ cánh tay đang giơ cao, để đẩy bao nhiêu cái tức giận xuống đôi mắt ngầu đỏ, rồi quăng ra một câu: “Tao không đáng đi tù chỉ vì một con đàn bà ăn ở hai lòng”, rồi quày quả bỏ đi. Má nó tự nhiên thấy nó, thằng Thảo, bỗng trở nên nặng trĩu làm cho má như mất đà ngã khuỵu xuống. Nó mà biết nói rành rẽ thể nào cũng hỏi, ủa con nặng có chưa tới chục ký sao má ẵm con hổng nổi vậy má? Rồi má con ngã dúi dụi vào vách nhà mà khóc...

Sao chú Hiếu nói chuyện gì kỳ cục vậy ta? Người lớn mà, nói năng phải quay lưỡi bảy tám lần mới được chứ? Chắc nó thường xuyên quay lưỡi nên mở miệng ra là nó ngọng nghịu, lắp líu. Mà như vậy cũng không hay lắm. Nó định mình phải tập ăn nói cho rành rọt để còn đi tìm chú Hiếu mà lý sự với ổng, rằng đâu phải chuyện gì cũng phải nói huỵch tẹt ra như vậy? Ổng hổng phải ba nó thì ai vô đây? Ổng là ba mà sao ổng nói năng gì ngộ quá! Má nó đẻ ra nó sau khi về nhà làm vợ chú Hiếu mà? Sao ổng lại biểu là má nó ăn ở hai lòng? Cái lòng, cái dạ có bao nhiêu đã tin tưởng gói ghém gửi sạch trơn cho chú Hiếu hết rồi. Còn cái lòng nào nữa đây? Dù đã có chuyện gì xảy ra, nó cũng luôn coi mình là núm ruột của ổng rứt ra, là cục máu của ổng mà! Phải hông má?


Câu hỏi đó sẽ đeo đuổi suốt tuổi thơ của nó. Người ta biểu không có lửa sao có khói. Để coi lửa ở đâu mà khói mịt mùng vậy trời? Hình như chuyện bắt đầu đâu hồi nó còn nằm ở “gót chân” của má. Lúc đó má là con gái đẹp nhất nhì trong xóm. Chỉ tội cái, nhà bà ngoại nó rất nghèo. Mà ngộ ghê nghen, nghèo mà đẻ con ra đẹp ơi là đẹp. Má nó con nhà lao động tay chân thứ thiệt, đảm đang vén khéo mà lại xinh đẹp là coi như đẹp từ hình thức đến nội dung rồi. Phải hồi đó mà có thi hoa hậu vườn thì má nó thế nào cũng đậu, biết đâu kiếm ít cái giải thưởng về sửa lại cái nhà xiêu vẹo cho ông bà ngoại! Má không thi hoa hậu nhưng lại được nhiều người chấm. Trong đó, có hai người mà sau này ai cũng hổng chịu làm ba của nó hết.

Bữa đó má đi coi cải lương ở nhà văn hóa xã trở về, đi qua cái miễu cô hồn, đường đất vắng hoe. Cô Lài đi cùng má hồi chiều, tới chỗ coi cải lương mới thủ thỉ vô tai má, nói một hồi bà dìa một mình nghen, tui có hẹn rồi. Nói xong, cổ lủi mất tiêu. Thì ra, cổ có “anh kép” nào ở xóm trên, nhân dịp gánh cải lương về, hai người hẹn hò mà nhờ má rủ rê đi coi để làm bức bình phong. Tới đây, cô Lài bỏ má giữa chợ, đi về thì bỏ má giữa đường. Biết đêm về đồng vắng, thân gái dặm trường, má đã khôn hồn bỏ về trước khi vở cải lương Lưu Kim Đính kết thúc. Vậy mà đi đêm một lần cũng gặp ma. Tức mình là lúc đó, nó chỉ nằm đâu đó nơi gót chân của má. Nó chắc chỉ mới nhỏ chừng hạt bụi nên kêu má không nghe, khều khều chân má không biết nhột. Và rồi ở đâu trong cái đống rơm ở nơi ngã ba quẹo vào đồng, một cái bóng đen cao lớn nhảy xổ ra bất nhơn, ôm chặt miệng má, đè nghiến xuống. Má giãy dữ lắm nhưng miệng thì ú a ú ớ không kêu được. Nó nằm đâu đó nơi gót chân má cũng chẳng làm gì giúp má được. Chỉ nhìn thấy cái cẳng đạp lia đạp lịa văng cả chiếc dép quai kẹp. Rồi ngay sau đó, cả cái chân cũng bị túm lấy, ép xuống đám cỏ dại, ngai ngái mùi phân bò khô. Mọi việc xảy ra trong cái tích tắc im ắng đến thăm thẳm của bóng đêm miền quê hun hút. Trời chưa khuya lắm mà đã như sâu đến khôn cùng. Hình như má xỉu bởi vì má nằm ở đó một đỗi. Nó cảm thấy cái lạnh nơi bàn chân má. Nó sợ quá, khóc và kêu má ơi, má à, về đi má, sao má nằm đây? Đây đâu phải là cái chõng tre của nhà ngoại đâu má? Về đi má! Rồi má cũng nhúc nhích. Nó có cảm giác là mình đang nhích dần lên bụng má, nằm gọn đâu đó, má cong người lại, ôm lấy bụng rồi khóc nghẹn. Đúng lúc đó thì bà ngoại ở đâu nhào tới ôm lấy má. Ngoại khóc mà không dám khóc lớn. Nhưng nó nghe rất rõ. Trời ơi, con tui, sao con ngu dại quá vậy con ơi, đi đâu mà bị cái quân ác nhơn thất đức nó hãm hại vậy nè trời?

Về nhà sau cái đêm xui xẻo đó, má như người bị ai bắt hồn. Cái gì cũng co người lại sợ hãi rồi khóc. Khóc đủ kiểu. Nó nằm trong bụng má mà cũng phát rầu vì tiếng khóc của má. Khi cô Lài qua thăm, má khóc rống lên đuổi cô Lài về. Cô Lài không hiểu chuyện gì vì má không nói, bà ngoại cũng không nói. Nên cũng như cô Lài, cả xóm cũng không biết chuyện gì xảy ra với má. Chỉ biết là tháng trước, chú Hiếu ở mé sông có nhờ người sang dạm hỏi để cưới má về làm vợ, bà ngoại hỏi ý má. Ngoại nói ông ngoại qua đời, bổn phận ngoại là phải lo chuyện dựng vợ gả chồng cho má. Nhà nghèo, thôi thì cũng không dám đèo bòng, ngoại thấy đám này cũng được, nhà thằng Hiếu cũng dân mần ruộng, thằng Hiếu cũng hiền lành, mặt mày cũng sáng sủa. Coi được thì ngoại nhận trầu cau của người ta. Không dè má từ chối quá trời. Má biểu con hổng có thương. Ngoại hỏi vậy mày thương ai? Má nói con chưa có thương ai và cũng chưa muốn có chồng vì muốn ở nhà hủ hỉ với má. Nhà có hai mẹ con, “trời mưa bong bóng bập bồng, con đi lấy chồng má ở với ai”? Bà ngoại nghe, hứ một cái, biểu tao không mượn mày ế chồng nuôi tao nhưng cũng đẹp bụng vì thấy má hiếu thảo, không nhắc má lấy chồng nữa. Nhưng rồi vụ này xảy ra, ngay lập tức ngoại cho người tới dò rồi nhận lễ của nhà chú Hiếu.

8-minh-hoa-truyen.jpg

Má lấy chồng. Hôm đó, nó còn nhỏ ơi là nhỏ và tất nhiên nằm trong bụng má nhìn ra nó thấy hết. Nó thấy chú Hiếu cười tươi rói, mắt chú sáng hớn hở. Chú dìu má nhẹ nhàng đi chào hết bàn này đến bàn khác. Chú lại uống hết ly này tới ly kia để nhận lời chúc mừng của làng trên xóm dưới. Lâu lâu chú quay sang nhìn má cười tít mắt, hứng lên còn dô dô rồi lấy một bên tay ghì má vào lòng hôn lên gò má trắng mịn của má... Nó nhìn chú và cũng mừng thầm cho má. Vậy là má cũng gặp được một người biết thương má. Người “giữa đường gặp cánh hoa rơi, hai tay nâng lấy cũ người mới ta” như vậy thì còn gì bằng.
Nó hy vọng má sẽ được hạnh phúc.

Nhưng nó đã lầm. Ừ thì nó là con nít nhỏ xíu đang nằm trong bụng má, biết gì. Nhưng bà ngoại nó cũng lầm, và má nó chắc là không có đủ điều kiện để lựa chọn. Mà biết mình có lầm lẫn hay không? Tội nghiệp má nó. Đêm tân hôn, chú Hiếu say quá nên mặc dù cũng lao vào má nó khi chỉ còn có “ba người” ở trong phòng (lúc đó nó nhắm tịt hai con mắt lại) nhưng rồi một chút xíu sau chú ngủ say như chết. Má nó lặng lẽ và cố thật nhẹ nhàng trườn người ra khỏi cái thân hình vạm vỡ của chú, má run lẩy bẩy nép ra mép giường, rút chân lên rồi co người vòng tay qua ôm lấy hai đầu gối. Nó nghe như má đang ôm lấy nó. Nó cảm thấy ấm áp và buồn ngủ lắm nhưng má dường như lại rất lạnh lẽo và cô đơn. Nó bèn nhắc nhở má là nó đang ở đây, đang ở rất gần má (trong bụng má) đây! Có nó rồi, má đừng buồn đừng sợ gì nữa cả. Không dè lời an ủi nhắc nhở của nó làm má tự nhiên cảm thấy buồn nôn. Má chạy vào buồng tắm và sợ hãi nhìn mình trong gương. Má không nhìn đôi mắt đẫm nước thất thần của mình từ sau cái đêm hôm đó mà má nhìn lên bụng má...

Mấy hôm sau, chú Hiếu cứ lật lật tấm trải giường màu trắng đục để tìm cái gì đó không biết. Chú còn kín đáo nhíu mày quan sát má, nhất là khi má buồn nôn, mắc ói. Chú hỏi, má nói chắc má trúng gió nhưng chú có vẻ không tin. Rồi khi nó dần lớn hơn, đẩy cái bụng má lên úp tròn như cái lồng bàn nhỏ, nó thấy chú Hiếu lấy viết rồi lật lịch ghi ghi chép chép, tính tính toán toán điều gì... Rồi chú hay bỏ đi nhậu đến say khướt mới về nhà. Má săn sóc từng chút một nhưng chú lại lè nhè mắng chửi má sao không dẹp nhà gọn gàng hơn? Má nói dẹp rồi thì chú bắt bẻ sao còn cái quần cái áo vứt bừa ra đó? Chú lại hỏi nấu cơm chưa? Sao không nấu cái món chú khoái bộ muốn chú không ăn được rồi nhịn đói cho chết hả? Có khi chú vật má ra đất, vừa sấn vào thì ngay lập tức chỉ vào cái bụng của má nói chưa gì cái bụng đã chang bang còn làm ăn gì được nữa.


Và nó ra đời, lớn lên trong những cơn say hoạnh họe của chú Hiếu, trong những giọt nước mắt chảy ngược vào trong của má. Hôm má đẻ nó chỉ có bà ngoại đi theo lên trạm xá. Ngoại chèo ghe chở má đang quằn quại trên xuồng. Ngoại vừa không ngớt tay chèo vừa vái lia vái lịa, đừng có đẻ rớt trên xuồng, ráng lên con. Rồi ngoại hạ giọng, đẻ ra cháu của ngoại giống mẹ, đừng giống thằng cha mày nghen con! Giống cha là họa lớn!

Ủa, nói vậy chứ nó thấy không giống cha, là chú Hiếu thì cũng có sung sướng gì đâu?

Ngoại biểu má phải đặt tên nó là Thảo để ghép với tên cha nó là Hiếu cho hợp. Cha con gắn bó cái tên sẽ gắn cả cái tình. Nhưng dù cho ngoại có nỗ lực cách mấy, càng ngày lớn nó càng không giống chú Hiếu một chút xíu nào. Và nó lại là nguyên nhân cho những cuộc tranh cãi xô xát của má và chú Hiếu. Chắc tại mấy người bạn nhậu của chú độc mồm độc miệng, cứ cắc cớ xía vô nói “In như là thằng Thảo nó không giống nội ngoại gì hết trọi”. Nói vậy mà nói được, không giống là sao? Nó giống ai khác sao người ngoài biết được.

Chú Hiếu chắc đã cảm nhận được má nó đã thất thân với ai đó trước khi về với chú. Cái này nó cũng làm chứng cho má, rằng má có hề biết và yêu thương gì thằng cha mắc dịch đó đâu. Đó là một tai nạn, má nó chỉ là một nạn nhân. Nói cho cùng, chú đã mở rộng vòng tay cho má nó thì cớ gì chú lại ruồng rẫy nó. Muốn giống hả, đợi nó lớn lên đi, nó sẽ học tính cách tốt đẹp vị tha của chú để giống chú mấy hồi.

Cho nên nó ước chú hãy yêu thương và “chịu đựng” nó thêm một thời gian nữa, đến khi nó nói năng rành rọt hơn, không ngọng nghịu lắp líu nữa. Khi đó, má nó – đàn bà mà, đầu ấp tay gối với chú đã nhiều mà không hết lòng hết dạ với chú thì hết lòng hết dạ với ai đây? Còn nó, nó cũng sẽ mến tay mến chân chú lắm, sẽ sà vào lòng chú cù lét vào nách chú, sẽ đưa cái gò má măng tơ cọ cọ vào hàm râu của chú đầy yêu mến và nương tựa...

Nên khi chú hỏi cái câu chú thắc mắc từ ngày má về “Thằng nhỏ này hổng phải con của tui, đúng không?” Lúc đó nó sẽ trả lời thay cho má. Nó sẽ nói “Dạ thưa ba Hiếu, đúng rồi, nhưng chỉ đúng phân nửa mà thôi, tại vì hình hài này không phải là con của ba, nhưng cái tâm cái tình chắc chắn con là con của ba một trăm phần trăm rồi, phải không ba?”.

Có một điều không biết có ai phát hiện ra không, là ngay cả ở trong lòng, nó cũng đã gọi là “ba Hiếu” chớ không gọi là “chú Hiếu” một lần nào...

Truyện ngắn của Trần Tùng Chinh - NLĐ
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top