Về ý nghĩa mô hình hoá của các khái niệm “kết thúc” và “mở đầu” trong văn bản nghệ thuật

vanchuong83

New member
Xu
0
VỀ Ý NGHĨA MÔ HÌNH HOÁ CỦA CÁC KHÁI NIỆM
“KẾT THÚC” VÀ “MỞ ĐẦU” TRONG VĂN BẢN NGHỆ THUẬT

Iu.M. Lotman (Người dịch: Lã Nguyên)


1. Việc đánh dấu cái cái “kết thúc” hoặc “mở đầu”, hay cả cái “mở đầu” lẫn “kết thúc” tạo thành đặc điểm của các hệ thống mô hình hoá thứ sinh. Các ngôn ngữ tự nhiên, - nhờ tương quan giữa chúng với mã ngoài thời gian và thông tin được triển khai trong thời gian, - bao giờ cũng cho ra một bức tranh khác: thời gian được mô hình hoá bằng các phương tiện của ngôn ngữ tự nhiên không giống một cái gì đó được đặt vào giữa cái “mở đầu” và “kết thúc”, mà theo nguyên lý đồng thời, cùng lúc với thông tin, hoặc ở mức này hay mức khác bị tách ra khỏi nó về phía cái xẩy ra trước đó hoặc cái sẽ diễn ra tiếp theo.

2. Trong các hệ thống mô hình hoá thứ sinh của loại phi nghệ thuật (huyền thoại, tôn giáo…) mối quan hệ giữa “lời nói” và “ngôn ngữ” của hệ thống được kiến tạo theo kiểu khác. Với người đại diện cho các quan niệm mô hình hoá nào đó (chứ không phải với người nghiên cứu chúng), “lời nói” của hệ thống là thế giới xung quanh cần được diễn giải, còn “ngôn ngữ” là mô hình văn hoá giải mã chúng. Thêm vào đó, đến một giai đoạn văn hoá nào đó, tất yếu sẽ xuất hiện quan niệm về “lời nói” chỉnh thể của hệ thống ấy, tức là xuất hiện quan niệm về loại lời nói tạo thành cái thế giới sẽ hiện thực hoá một mô hình trừu tượng nào đó, - ví như huyền thoại, tôn giáo, hay một mô hình khác -, chứ không phải là tổng thể các kí hiệu giải mã riêng lẻ. Khi ấy, sẽ xuất hiện vấn đề về kết cấu – về sự thống nhất của cấu trúc thế giới và, tất nhiên, về cái “mở đầu” và “kết thúc” của nó.

3. Các phạm trù “mở đầu” và “kết thúc” là điểm xuất phát để từ đó những tổ chức mang tính cấu trúc của cả không gian lẫn thời gian có thể tiếp tục phát triển. Việc cố ý đánh dấu một cách rõ rệt một trong hai phạm trù ấy (mở đầu – kết thúc) không nhất thiết có ngụ ý muốn nói tới quan điểm cấu trúc giống như thế của phạm trù kia. Bởi vì không phải lúc nào chúng cũng tạo thành một cặp đối lập trong tất cả các hệ thống.

3.1. Xin dẫn một ví dụ: Chúng ta vẫn thường bắt gặp một nhóm nào đấy các văn bản, trong đó cặp đối lập “có mở đầu” – “không có mở đầu” được đánh dấu. Đối cực thứ nhất sẽ có các đồng nghĩa: “hiện hữu”, “vĩnh hằng”, “có giá trị”, nhóm đồng nghĩa của đối cực thứ hai sẽ là: “không tồn tại”, “nhanh chóng sụp đổ”, “không có giá trị”. Điều này được thể hiện rõ ràng trong tư liệu văn hoá Nga, ví như, trong việc kiến tạo các văn bản của thời kì Kiev[1], những văn bản thể hiện mối quan tâm đặc biệt tới nguồn gốc của hiện tượng này hay hiện tượng kia. Đất nước, phong tục tập quán, dòng họ, tín ngưỡng, tội ác – đó là những thứ được quan tâm, có ý nghĩa, có thể chỉ ra “cội rễ”, nguồn gốc của chúng, - những thứ còn lại tựa như không tồn tại.

3.1.1. Do đó, những sự kiện được quan tâm dứt khoát phải là những sự kiện lặp đi lặp lại, những sự kiện được xem như một chuỗi của của các hiện tượng giống nhau, người ta nhận ra cái chuỗi ấy ấy vì nó được quy về cái khởi thuỷ. Cain trở thành mô hình quận vương-người giết bào đệ, vì Cain là người đầu tiên giết em trai; mô hình Igo Novgorod-Severski là Oleg Chernhigov, vì Oleg Chernhigov là người đầu tiên gây nên sự hiềm khích, bất hoà giữa các quận vương.

3.1.2. Cái được tạo ra (có mở đầu) được xem là cái trường cửu, bất diệt (không có kết thúc). Chẳng hạn huyền thoại nói về sự sáng tạo ra mặt đất (hay các huyền thoại nói về nguồn cội khác) không nhập vào cặp đối lập chứa đựng các văn tận thế.
3.1.3. Cái có mở đầu là cái tồn tại. Vì thế, các quốc gia có mở đầu (huyền thoại về các bậc khai quốc) đối lập với các quốc gia không có mở đầu, tựa như về mặt chính trị, các quốc gia hiện hữu đối lập với các quốc gia giả, nguỵ; những ai có thể gọi là ông tổ đều tồn tại về mặt chính trị. Vì thế, cấu trúc của văn bản lịch sử đầu tiên của Nga giống như một chuỗi trần thuật về những cái mở đầu (“Truyền kỳ về những thời đại đã qua, nước Nga khởi nghiệp từ đâu”).

3.2. Bên cạnh nhóm văn bản nói trên, cần chú ý tới nhóm văn bản đánh dấu rõ nét sự “kết thúc”, trong khi phạm trù “mở đầu” bị làm mờ đi. Đa số các văn bản nói về sự tận thế thuộc về nhóm văn bản này. Không phải mọi sự trần thuật về sự kết thúc của thế giới đều là văn bản tận thế: chuyện kể về cái chết của đời sống trần thế, một cuộc sống không do Thượng Đế tạo ra, mà xuất hiện như là kết quả của tội lỗi tổ tông, chuyện kể ấy chỉ khẳng định cặp đối lập “thiện căn” và “ác căn”. Cái Thế giới xấu xa, ma quỷ, nhân tạo sẽ bị huỷ diệt, còn thế giới do Thượng Đế tạo ra mãi mãi bất di bất dịch (“Mọi việc của Thượng đế đều bất tử. Sử quan đã chép <…> khi đức Kitô đến Jérusalem, lòng bồi hồi xúc động, người giang tay đóng cổng thành, và đến giờ cổng thành không thể mở được nữa” – thông điệp của Đức Tổng Giám mục Novgorod Vasili gửi lãnh chúa Feodor).

3.2.1. Các văn bản tận thế kể về sự chết của toàn bộ cái có giá trị nhất và ngụ ý rằng, chính bản thân cái sự chết ấy khẳng định giá trị của hiện tượng (trường ca: Các tráng sĩ ở Nga bị tuyệt diệt như thế nà, Bài ca về cái chết của nước Nga).
3.3. Trong các hệ thống văn hoá hiện đại, những kiểu cấu trúc trên trên phù hợp với các quan niệm: “giá trị được chứng minh bằng sự đứng đầu”, “giá trị được chứng minh bằng cái chết”.

3.4. Khái niệm “kết thúc” không phải bao giờ cũng đồng nhất với cái kết bi kịch như là nền tảng của một mô hình thế giới xác định: có thể chỉ ra vô khối hệ thống tư tưởng của mô hình thế giới được tạo ra như thế với cái “kết thúc có hậu”.

3.4.1. Tất cả các văn bản về “thời đại hoàng kim” như là điểm xuất phát của lịch sử nhân loại phù hợp với hệ thống có cái mở đầu được đánh dấu nhưng cái kết thúc lại không được đánh dấu (hoặc đánh dấu mờ nhạt), còn các văn bản chuyển dịch sự hài hoà về điểm kết thúc của vận động lịch sử lại phù hợp với các hệ thống có cái kết thúc được đánh dấu.

3.4.2. Có thể chọn chủ nghĩa cộng sản không tưởng của Mably[2] làm ví dụ cho hệ thống thứ nhất: nhân loại bắt đầu từ lí tưởng xã hội, nhưng về sau nó bị sai lệch đi. Thêm vào đó, với hệ thống theo kiểu của Mably, có thể đặt câu hỏi: “Sau hệ thống tồi tệ này sẽ là cái gì?”, nhưng dứt khoát không thể đặt ra câu hỏi: “Trước hệ thống khởi đầu tốt đẹp là cái gì?”. Tương tự như thế, với các hệ thống thuộc loại thứ hai, không được đặt ra câu hỏi: “Cái gì sẽ xẩy ra sau khi đạt được “thời đại hoàng kim”?”. Hệ thống này giả định, rằng sau đó, vận động lịch sử sẽ dừng lại, hoặc không còn là vận động “mang tính lịch sử”.

3.4.3. Biến thể đặc biệt và phức tạp nhất là cấu trúc theo kiểu Rousseau: trong những tác phẩm sâu sắc nhất của ông, trật tự lí tưởng không diễn ra trước và cũng không đi theo sau thời gian hiện tại – nó đóng kín trong bản chất của sự vật như là mực thước lí tưởng và là cái khởi đầu không phải theo trật tự biên niên, mà về phương diện loại hình. Nhưng ngay cả ở đây, nguyên tắc cấu trúc cơ bản vẫn được duy trì: sự hiện diện của điểm khởi đầu (trật tự biên niên hoặc loại hình), rồi sau đó rời xa điểm khởi đầu ấy.
3.5. Điều trên có quan hệ với hai quan niệm về sự phát triển “đúng đắn” của lịch sử: quay trở về điểm xuất phát hoặc tiến lại gần điểm kết thúc, quan niệm về quá trình tiệm tiến, hoặc quá trình thoái trào của lịch sử.

4.1. Mô hình thế giới được đánh dấu cả “mở đầu” lẫn “kết thúc” như nhau là những mô hình phái sinh của các loại hình nêu trên.
4.2. Các mô hình thế giới tuần hoàn, cũng như các hệ thống ngoài thời gian, nằm bên ngoài các phạm trù “mở đầu” và “kết thúc”.

4.3. Có thể giả định rằng, những cấu trúc đánh dấu cái mở đầu tương ứng với những nền văn hoá trẻ, luôn luôn tự khẳng định, tự nhận thức về sự tồn tại thực sự của mình. Đặc điểm của những nền văn hoá ấy là ý thức về bản thân như những nền văn hoá không có mâu thuẫn và có giá trị toàn vẹn. Xung đột sẽ được kéo ra bên ngoài và là đặc tính của mối quan hệ với nền văn hoá trước đó. Các cấu trúc đánh dấu cái kết thúc phù hợp với các nền văn hoá chứa đựng xung đột đã chín muồi, với sự phân bố xung đột ở bên trong và ý thức về tính bi kịch của xung đột ấy.

5. Từ trong bản chất, các cấu trúc nghệ thuật bao giờ cũng phân đinh ranh giới thông tin một cách rạch ròi. Ở đây, cái kết thúc và mở đầu của văn bản có chỉ dấu rõ ràng hơn rất nhiều so với chỉ dấu trong những thông tin thuộc ngôn ngữ chung. Nguyên nhân của nó có lẽ là nằm ở tương quan giữa các bình diện “ngôn ngữ” và “lời nói” trong các văn bản nghệ thuật. Mọi văn bản nghệ thuật đều không thể đánh giá theo kiểu đơn trị chỉ như một văn bản, hoặc như một mô hình diễn giải của hệ thống được sáng tạo ra dưới sự hỗ trợ của nó. Trong tương quan với những quan niệm cấu trúc – nghệ thuật cụ thể, văn bản sẽ hoạt động như là hoá thân cụ thể của một mô hình trừu tượng. Nhưng trong tương quan với thế giới có quan hệ với nó, tự bản thân văn bản sẽ hoạt động như là một mô hình nào đó, chẳng những thế, toàn bộ văn bản trong tổng thể, cũng như từng yếu tố và cấp độ của nó sẽ được diễn giải theo nghĩa kép tương tự như thế. Chức năng của tác phẩm nghệ thuật với tư cách là một mô hình hữu hạn của “văn bản lời nói” về những sự kiện hiện thực từ trong bản chất là vô hạn sẽ biến yếu tố phân giới, hữu hạn thành điều kiện tất yếu của mọi văn bản nghệ thuật trong hình thức khởi thuỷ của nó – các khái niệm mở đầu và kết thúc của văn bản (văn bản trần thuật, âm nhạc…), khung trong hội hoạ, hàng đèn trước sân khấu trong nhà hát klà những hình thức như vậy.

5.1. Cần lưu ý rằng, một người đứng trên bệ tượng, một khuôn mặt sống động trong khung bức chân dung, khán giả trên sân khấu bao giờ cũng được tiếp nhận như những thứ dị chủng trong không gian mô hình hoá mang tính ước lệ được tạo ra bởi các đường ranh giới của văn bản nghệ thuật.

5.2. Nếu cùng một văn bản, như văn bản nghệ thuật tuân thủ quy luật về sự đánh dấu các ranh giới và đồng thời, nó biểu lộ một hệ thống tư tưởng hệ nào đấy không đánh dấu cái “mở đầu” (và vì thế, nhấn mạnh dấu hiệu của cái “kết thúc), hoặc ngược lại, khi ấy văn bản sẽ đạt được hiệu quả đặc biệt của một giá trị kép. Vì thế mà nảy sinh vấn đề “kết thúc có hậu” – việc xét lại kiểu kết thúc thần kì như là kết thúc nghệ thuật trong xúc cảm hiện đại của văn học dân gian, những kiểu kết có hậu phi lôgic như là sự tái tạo tư duy dân gian trong kịch Ostrovski, ý nghĩa của “kết thúc có hậu” trong điện ảnh (liên hệ: “Ô, hãy gửi cho tôi một cuốn sách kết thúc có hậu” – N. Hikmet). Có thể chỉ ra cả những văn bản có sự đánh dấu cái mở đầu tương tự như thế.

6. Hệ thống trong đó các khái niệm mở đầu và kết thúc được gán cho các văn bản mô tả đường đời của một con người là một trường hợp đặc biệt. Ví như sự đánh dấu cái mở đầu – Thời thơ ấu, tuổi vị thành niên, thời thanh niên và cái kết thúc – Ba cái chết của L. Tolstoi.

6.1. Trường hợp cá biệt, ấy là trường hợp nhà thơ (hoặc người đọc) mô hình hoá tiểu sử có thật theo các quy tắc của văn bản tương tự như thế (xem: cuốn Sống như một con người và chết như một nhà thơ của M. Tzvetaev là sự nhận thức các dạng mở đầu và kết thúc cụ thể của đường đời giống như các mô hình tương ứng của nhà thơ). So sánh các thí dụ về việc xét lại trong văn học các tiểu sử có thật.
Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top