• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Về từ Hán Việt trong ngôn ngữ Việt

Mr Bi

New member
Xu
74
--- Hoài Việt ---


Do hoàn cảnh lịch sử hàng ngàn năm Bắc thuộc đồng thời với quá trình giao lưu văn hoá, tiếp nhận những yếu tố ngôn ngữ thích hợp bên ngoài, ngôn ngữ Việt có một khối lượng từ Hán Việt khá lớn. Từ Hán Việt là từ gốc Hán được người Việt đọc, nói theo âm Hán Việt và đã thuộc về ngôn ngữ Việt từ lâu đời.

Nhiều nhà ngôn ngữ học cho rằng một số lớn từ du nhập trước đời phong kiến nhà Đường trong quá trình sử dụng lâu đời, những từ này đã biến âm và nhiều từ tưởng như rất xa gốc Hán, tưởng như thuần Việt. Ví như từ Hán Chủng biến thành Giống - nghĩa giống nòi, loài; từ Đao biến thành Dao - nghĩa con dao, từ Can biến thành Gan - nghĩa là lá gan, gan dạ... Lại cũng có một số lượng từ ngữ mà từ Hán cổ chỉ là một từ, kết hợp với một từ thuần Việt; ví như: binh lính, đói khổ, súng trường, tầu hoả, tầu thủy,.. Trong những từ ngữ này, binh, khổ, trường là từ Hán Việt.

Điều đáng nói là có một số từ gốc Hán sau một quá trình dài, nghĩa gốc đã không còn tồn tại mà ngôn ngữ Việt sử dụng nghĩa mở rộng hơn nhiều. Người ta có thể dẫn ra chữ Ngoại Ô chẳng hạn. Ngoại là ngoài, ô theo giải thích của từ điển Trung Quốc cổ là cái thành nhỏ đắp đất ngăn trộm cướp thời xa xưa. Hiện nay từ ngữ Ngoại Ô người Việt vẫn sử dụng với nghĩa ngoài thành phố, trong khi người Trung Quốc hiện đại dùng hai chữ Thị Giao hay Thành Giao, Ngoại Ô đã biến khỏi từ vựng Trung Quốc hiện đại. Người ta có thể dẫn thêm hai từ Đáo để - chữ Hán cổ nghĩa là tận cùng, đến đáy sự vật sự việc, trong khi đó hai từ Đáo để người Việt Nam dùng thường để chỉ người đàn bà đanh đá, quá quắt, quá thể đáng trong cư xử với người khác.

Hầu hết những từ Hán Việt đều được truyền lưu vào Việt Nam thông qua con đường sách vở, con đường quan phương hành chính. Trong hàng ngàn năm Bắc thuộc, chữ Hán đã trở thành ngôn ngữ chính thống từ triều đình xuống đến thứ dân, mọi giấy tờ sổ sách, thậm chí văn thơ thù tạc cũng dùng Hán tự. Thế nhưng sức sống của ngôn ngữ Việt là ở chỗ đã làm biến âm không biết bao nhiêu từ ngữ Hán để làm phong phú cho vốn từ vựng của mình. Hàng loạt từ hiện nay khó biết được gốc gác từ Hán, ví như Ngoài biến âm của Ngoại, Vuông biến âm thành Phương, Goá biến âm thành Quả, Xanh biến âm từ Thanh, Gừng biến âm từ Khương, Ghế biến âm từ Kỷ, Cầu biến âm từ Kiều.. Trong trường hợp này, ngôn ngữ Việt sử dụng cả từ Hán Việt lẫn từ biến âm, cả ngoại lẫn ngoài, cả kỷ lẫn ghế; ví như có thể nói tràng kỷ là cái ghế dài, ngoại ô là ngoài thành phố. Có thể dẫn thêm từ Hán Việt Đảm có nghĩa là Gánh nhưng hiện tại Đảm được người Việt dùng để chỉ người đàn bà có thể làm được nhiều việc, có thể gánh vác được trọng trách việc nhà việc nước nên thời chống Mỹ cứu nước người phụ nữ được tặng danh hiệu Ba Đảm Đang. Nghĩa gánh đã bị vượt rất xa, rất rộng.

Điều cần nói thêm là qua con đường truyền miệng, truyền khẩu phương ngữ tiếng Quảng chẳng hạn, người ta thấy ngôn ngữ Việt có một số từ ngữ rõ ràng là gốc từ Trung Quốc ví như ca la thầu, xì dầu, quẩy, mì vằn thắn... Song những từ như thế số lượng không đáng kể lắm.

Từ Hán Việt là một bộ phận hữu cơ của ngôn ngữ dân tộc. Điều đáng nói là khi sử dụng một số từ trong hoàn cảnh nào đó, không nên câu nệ né tránh những từ Hán Việt mà dùng từ thuần Việt. Đành rằng giữa từ thuần Việt và từ Hán Việt cùng chung một nghĩa song ở ngữ cảnh khác nhau người ta buộc phải lựa chọn cách dùng từ khác nhau. Ví như Nhi Đồng và Trẻ con là cùng nghĩa, thế nhưng cần nói một cách trang trọng, người ta nói viết thư cho các cháu nhi đồng, chứ không thể nói viết thư cho trẻ con. Ví như cần nói một cách trang trọng, người ta nói tử vong chứ không nói chết...
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top